Chi tiết tin tức Tưởng nhớ cuộc đời của Đức Đệ Nhị Tổ Trúc Lâm- Tổ Sư Pháp Loa 20:39:00 - 23/04/2015
(PGNĐ) - Trên dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam có cả sự ảnh hưởng, tiếp nhận từ phương nam và phương bắc, có cả các bậc sư tổ người nước ngoài và người Việt, có cả sự trầm tích, cộng sinh và phát triển trên cơ sở văn hoá truyền thống bản địa. Với tinh thần căn bản của Thiền tông là: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, Trúc Lâm Điều Ngự - Trần Nhân Tông dung hợp các dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành một dòng Thiền Việt Nam.
Sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một nét chấm phá làm nổi bật nền Phật Giáo Việt Nam và đó là ngọn đèn sáng cho những thế hệ sau này. Trong cuốn Việt Nam Phật giáo Sử luận, tác giả Nguyễn Lang có nhận định như sau: "Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hoá Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình." Phải nói rằng sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm là niềm tự hào lớn của dân tộc, đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát triển những giá trị văn hoá bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Thể hiện bản sắc, cũng như tính tự chủ, tinh thần không chịu lệ thuộc bởi ngoại lai. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng, tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thúc đẩy sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn, nhiều tầng lớp tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành in đậm sắc thái Phật giáo dân tộc. Cũng chính sự ra đời của thiền phái này trong lúc đất nước bị quân Nguyên – Mông xâm lược đã tạo nên sức mạnh của toàn dân, minh chứng là từ vua quan đều là Phật tử cho đến những người dân đều đồng lòng ra sức dẹp giặc để bảo vệ cho đất nước. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được gắn liền với tên tuổi của Trúc Lâm Điều Ngự- Trần Nhân Tông, bởi sự kiện này là một đại nhân duyên không phải tầm thường, dấu ấn thiêng liêng trên dãy núi Yên Tử vẫn để lại đến hôm nay và ngàn đời sau con cháu người Việt dù có phải là tín đồ của Phật giáo hay không thì cũng luôn hướng về nơi đó, nơi có một vị vua của dân tộc Việt đã để lại những giá trị quý giá mà không phải đất nước nào cũng có được. Nối tiếp Sơ Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Đức Tổ sư Trúc Lâm Đệ nhị Pháp Loa (1284-1330). Với 47 năm trụ thế nơi đời và 23 năm hành đạo, số lượng tự viện của giáo hội Trúc Lâm tăng lên rất nhiều, có thể kế đến như chùa Báo Ân, chùa Quỳnh Lâm, chùa Thanh Mai; phong trào học Phật lan rộng, , Tổ sưtrực tiếp giảng dạy giáo lý, số người xuất gia và quy y cũng tăng gia rất mau chóng, Trong giới người quyền quý, cũng có nhiều ngườ đến cầu pháp và đắc pháp. Nhị Tổ Trúc Lâm để lại các tác phẩm khuyên người xuất gia chăm lo việc tu đạo, khuyên mọi người hiểu sâu con đường tu thiền chân chính bằng việc học giới luật, thiền định và trí tuệ, chỉ rõ cách học cần sáng tỏ...Đặc biệt, Phật sự đáng kể nhất trong đời Tổ sư Pháp Loa là cho sang khắc, ấn hành Ðại Tạng Kinh với hơn 5.000 quyển. Để tưởng nhớ đến những công hạnh mà chư vị Tổ sư Trúc Lâm đã tiếp nối, dựng xâyvà truyền thừa dòng Thiền Việt Nam đến nay, ngày 03/03 Ất Mùi (nhằm 21/4/2015),chư tôn đức Tăng Ni Thiền phái Trúc Lâm tại khu vực phía Bắc đã vân tập về thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), long trọng tổ chức kỷ niệm 685 năm ngày Tổ sư Pháp Loa (1284 - 1330) – Đức Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử viên tịch. Tại lễ giỗ chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã thành kính trang nghiêm hướng về Tổ sư dâng lời phát nguyện tinh tấn tu hành, học theo công hạnh của ngài. Cuộc đời của Tổ là tấm gương sáng về tinh thần năng động, tích cực, từ lúc xuất gia cho đến ngày viên tịch. Dưới đây là một số hình ảnh do PT. Tuệ Trung thực hiện tại buổi lễ.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |