Chi tiết tin tức Bão Molave sẽ tạo sóng biển 8 m, mưa lớn ở miền Trung 21:50:00 - 26/10/2020
(PGNĐ) - Bão Molave sẽ vào vùng biển Quảng Nam - Bình Định sáng 28/10, sức gió khoảng 150 km/h, sóng biển cao 8 m, gây mưa lớn ở miền Trung và Tây Nguyên.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 16h ngày 26/10, tâm bão Molave (số 9) cách đảo Song Tử Tây khoảng 500 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 15. 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 27/10, tâm bão cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 400 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 13 (135-150 km/h), giật thêm ba cấp. Từ chiều mai, vùng biển Đà Nẵng đến Phú Yên động dữ dội; sóng cao 6-8 m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế sóng cao 4-6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận sóng cao 3-5 m. Bão sau đó tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Đến 16h ngày 28/10, tâm bão ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75 km/h), giật thêm hai cấp. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi qua Nam Lào và Thái Lan. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia dự báo độc lập nhận định, bão số 9 khi vào Biển Đông đã tăng cấp lên Cuồng Phong Cấp 1 (Typhoon CAT 1 theo thang đo bão của Mỹ). Bão sẽ duy trì sức mạnh khi đến gần bờ Nam Trung Bộ và Trung Bộ với sức gió 130-150 km/h, giật 160 km/h. "Đây là cơn bão cực kỳ lớn, vào bờ đúng thời điểm triều cường nên sẽ tạo ra sóng biển 7-8 m. Với sức mạnh này nó có thể bốc một con thuyền lớn dưới biển lên đường hoặc lên ruộng", ông Huy nói. Chuyên gia này so sánh, khi ở ngoài khơi và vào bờ, bão Molave tương đương cấp của bão Damrey năm 2017 là CAT 2. Theo ông Huy, khả năng bão đổ bộ vào Bắc Quảng Ngãi và Nam Quảng Nam khoảng 8h đến 10h sáng 28/10, duy trì cấp 13, giật cấp 15 ở tâm bão và bán kính 100 km tính từ tâm bão. Toàn bộ tỉnh Quảng Nam và một phần của Quảng Ngãi có khả năng là tâm bão đi qua. Do bán kính bão rộng nên các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cũng có khả năng là vùng đổ bộ của bão với cấp gió không giảm mấy so với khu vực tâm bão. Các tỉnh Phú Yên, Quảng Trị và Bắc Tây Nguyên cũng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 27 đến ngày 29/10, từThừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa 200-400 mm, Bắc Tây Nguyên 100-200 mm. Từ 28 đến 31/10, từ Quảng Trị đến Nghệ An có tổng lượng mưa 200-400 mm. Riêng, tổng lượng mưa ở Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 500-700 mm. So với đợt mưa trước ở miền Trung, kéo dài từ ngày 5 đến 11/10 từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, tổng lượng mưa thấp hơn nhưng không đáng kể. Thậm chí, ở Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có tổng lượng mưa tương đương đợt trước. Mưa lớn sẽ gây lũ ở các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đỉnh lũ lên mức báo động 2 và trên báo động 3. Vùng núi các khu vực này nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy nhận định, mưa như trút nước từ Bình Định đến Quảng Trị, với lượng mưa tập trung lớn nhất ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế. Mưa cao nhất có thể đạt 700 mm ở khu vực Nam Đông, A Lưới của Huế. Tâm mưa dịch chuyển dần ra Quảng Bình và Quảng Trị vào ngày 29/10. Chuyên gia này khuyến cáo, nhà cấp 4, đặc biệt là các nhà mới bị ngâm lụt ở khu vực trống gió dễ bị nó quật đổ, tốc mái. Người dân tuyệt đối không trú bão trong các nhà cấp 4 mà phải tránh trong các nhà cao tầng bằng bêtông. Các mái tôn phải được hàn bằng thép phi 6 trở lên. Ngư dân không đỗ tàu cá ở nơi không có cảng biển được che chắn. Các tàu hàng cỡ lớn nên tránh xa đường đi của bão; không neo đậu cách bờ một hải lý vì nơi đó sẽ có sóng cao nhất. Người dân không đỗ xe dưới tán cây to, không đi ra đường trong ngày 28/10, tích trữ nhu yếu phẩm, điện thoại, sạc điện dự phòng... Các địa phương cần cung cấp đường dây nóng từ bây giờ để hỗ trợ sơ tán, kêu gọi các đội tình nguyện chuyên nghiệp hỗ trợ ứng cứu và sơ tán người dân từ lúc này. Từ ngày 6 đến 25/10, thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã làm 130 người chết; 18 người mất tích, bao gồm 12 người bị sạt lở đất vùi lấp ở thủy điện Rào Trăng 3. Phạm Linh - Huy Nguyễn/vnexpress.net
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |