Chi tiết tin tức

Biết hối hướng, mang lại ý nghĩa cho Đạo Pháp- Dân Tộc – Gia Đình(*)

20:42:00 - 05/02/2015
(PGNĐ) -  Đông qua- Xuân đến, kết thúc 365 ngày trong năm, cùng chiêm nghiệm lại những hành động của chúng ta trong quá khứ, chúng ta biết hồi hướng, mượn giả thành chân để trở về với chân như thực tế, bản lai thanh tịnh của mình, sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực cho Đạo Pháp- Dân Tộc – Gia Đình. Hồi hướng ở đây mang ba ý nghĩa: hồi hướng về chân như thực tế, hồi hướng về vô thượng bồ đề, hồi hướng cho pháp giới chúng sinh. Chúng con xin thành tâm ghi chép và chia sẻ bài giảng của Hòa thượng Thượng Bảo hạ Nghiêm đến đọc giả của trang tin phattuvietnam.net.

Phật pháp bất ly thế gian pháp, đạo và đời không tách khỏi nhau, cho nên đức Lục Tổ Huệ Năng đã dạy rằng Phật pháp tại thế gian, không thể xa rời thế gian mà tìm chân lý được. Nếu bỏ thế gian mà đi tìm chân lý thì không khác nào đi tìm lông rùa, sừng thỏ. Phật pháp cần được ứng dụng trong cuộc đời, rồi lấy chân lý đạo để soi đời, như vậy cũng có ngày Khai pháp tiết xuân và ngày Tạ pháp khi tiết đông, kết thúc 365 ngày.

Tôi cũng xin cung kính nhắc lại lời của ngài Đức đệ tam Pháp chủ cách đây 5 năm: Thế gian có Khai và Tạ, chúng ta cũng có Khai và Tạ, khai mạc mùa an cư, bắt đầu mùa giảng pháp và tạ pháp để kết thúc mùa an cư, nhưng quí vị nên biết rằng, đó chỉ là tạm, là giả, còn Pháp của Phật khai bắt đầu từ lúc đức Thế tôn chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển cho 5 anh em Kiều Trần Như để cho đến bây giờ và mãi về sau, giáo pháp của Phật được tuyên dương, pháp luân thường chuyển.

(Hòa thượng Thượng Bảo hạ Nghiêm- Phó chủ tịch HĐTS /GHPG VN, Trưởng Ban Hoằng Pháp TƯ/ GHPG VN, Trưởng Ban Trị Sự GHPG VN/ TP. Hà Nội thuyết giảng tại Đạo Tràng Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc- Long Biên- Hà Nội, nhân dịp quang lâm chứng minh Lễ Tạ Pháp ngày 27/ 11 Giáp Ngọ, PL.2558).

Chúng tôi rất muốn nhắc đến một điều thiêng liêng trong Phật Pháp, khi chúng ta làm bất cứ công việc Phật sự gì, chúng ta đều kết thúc với lời hồi hướng,

"Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đều trọn thành Phật Đạo"

Đây là lời phát nguyện hồi hướng của Phạm Thiên, được phát nguyện ở phẩm thứ 7, kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Từ đó, trong các nghi lễ, người tu Đại thừa bất cứ làm việc gì đều nghĩ đến lợi ích của mình và lợi ích cho tất cả chúng sinh. Hồi hướng là điều rất quan trọng, chúng ta tất cả mọi việc làm đều cần hồi hướng, hồi hướng để nhắc lại cho chúng ta nhớ “hồi Phật tâm để hướng về Phật quả”. Làm công việc này nhưng đều hướng về quả vô thượng bồ đề.

Hồi hướng ở đây mang 3 ý nghĩa: hồi hướng về chân như thực tế, hồi hướng về vô thượng bồ đề, hồi hướng cho pháp giới chúng sinh.

Hồi hướng đầu tiên về pháp giới chúng sinh là hồi hướng tự kỉ và hướng tha, hạnh của Bồ tát là vị chúng sinh, các vị Bồ tát từ chúng sinh mà đi lên rồi lại nguyện độ chúng sinh, làm việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của chúng sinh.

Trong hội Linh Sơn, đức Phật cầm nắm lá trong tay rồi hỏi: Nắm lá trong tay ta nhiều hay nắm lá trong rừng nhiều? Chúng đệ tử thưa: “Bạch Đức thế tôn, lá trong rừng nhiều hơn lá trong tay Đức thế Tôn rất nhiều”. Đức Phật liền nói rằng: “Những điều ta chứng ngộ về vạn pháp, vũ trụ này như là lá trong rừng, nhưng những điều ta nói cho các thầy như lá trong tay”.

Những điều gì có lợi cho muôn loài, muôn vật, con người thì Đức Phật dạy để chúng ta làm, đó là “vị nhân sinh”, xây dựng con người trong kiếp hiện tại này để xây dựng cuộc sống tương lai được giải thoát và giác ngộ.

Do đó, hồi hướng về pháp giới chúng sinh, các Phật tử dù sống trong cuộc sống tại gia, ăn tại gia, ở tại nghiệp, nhưng nếu chúng ta sống có ý thức thì tránh được các nghiệp ác rất tốt.

Các vị Phật tử, dù thanh niên hay giới doanh nghiệp, mỗi người đều có chủng tử tham sân si khác nhau, nhưng chúng ta nên biết chuyển hóa, tu tập, học hạnh viễn ly ác pháp, xả ly ác nghiệp trong hạnh kham nhẫn của chúng ta.

Nếu không có kham nhẫn thì không tu được, việc lớn thì chướng duyên nhiều, việc nhỏ thì chướng duyên ít, thậm chí việc nhỏ mà chướng duyên cũng nhiều, vậy thì chúng ta nên hồi hướng.

Hồi hướng trước hết để cho ta, thành quả vô thượng Bồ đề, rồi cho chân như thực tế rồi đến pháp giới chúng sinh. Đạo Phật là đạo tự giác, giác tha, mình giác ngộ rồi giác ngộ cho mọi người để đi đến giác thành viên mãn.

Trong sự tu tập mà các vị nói tới có nhắc đến từ mong muốn gia đình trở thành gia đình “toàn tòng Phật Giáo”, hay còn gọi là “Phật hóa gia đình”. Ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt, dòng họ, làng xã hóa Phật Giáo, muốn được như vậy thì các vị hãy hồi hướng cho chúng sinh, bằng sự tu tập của mình, mang sự học hỏi của mình học được, tu được để hướng giác ngộ cho mọi người, các vị tại gia làm việc này rất dễ. Các vị chỉ cần nhắc người xung quanh của mình, kiểm soát tâm ta không còn như vượn chuyền cành, ngựa bất kham, nếu mình đã làm được rồi thì hướng dẫn cho gia đình mình, cho chồng mình, ung dung thong thả trong gia đình, kiểm soát được hành động của mình, rồi từ vợ chồng chuyển hóa sang cho con cái, ảnh hưởng cho cha mẹ, bạn bè, họ hàng.

Hồi hướng cho chúng sinh vô cùng quan trọng. Chúng ta là cư sĩ, chư thiên cũng là cư sĩ, hộ pháp cũng từ Phật tử mà ra. Phật pháp muốn trường tồn phải có sự ủng hộ của Hộ Pháp long thiên. Trong tư tưởng Đại Thừa còn kể các vị thành hoàng trong tín ngưỡng nhân dân cũng đều là những vị Hộ Pháp cho Phật pháp.

 Tu và học là hai quá trình song song, phúc tuệ song toàn, chúng tôi thấy các vị tu rất tinh tấn, tu tập thiền tập, các buổi học giáo pháp được thấm nhuần từ lớp trẻ đến các vị lớn tuổi. Đó cũng là cách để hồi hướng cho tất cả chúng sinh, chúng sinh hữu hình và vô hình đều có Phật tính như nhau, hồi hướng là mong mọi người đều quay lại Phật tính của mình, trong thiền tông gọi là bản thể con người hay bản lai diện mục.

Thứ 2 là hồi hướng về vô thượng Bồ đề là hồi tự quả, tự nhiên về với quả. Đạo Phật rất tôn trọng luật Nhân quả, Đức Phật dạy “nhân nào, quả đó”, như người soi gương, “hình cong thì bóng cong, hình thẳng thì bóng thẳng”, trồng cây khế thì nhất định sẽ ăn khế, chứ không thể ăn quả cam.

Các Phật tử vẫn còn bị mê lầm trong bói toán, không nhìn nhận được chính mình hay sự tu tập của mình nên đi xem bói. Chúng ta không cần xem bói đâu cả vì chúng ta biết luật nhân quả. Đời trước chúng ta tu có tốt không, đời trước ta tu tốt thì đời này mới được trở lại làm người, căn tướng đầy đủ, sinh vào thời đất nước an bình, thịnh vượng, lại được làm người thủ đô, được tín Phật, Pháp, Tăng.

Như vậy, nhân ta tốt nên quả mới tốt nhưng chúng ta có quả tốt vậy thì đã gieo nhân tốt tiếp cho quả sang năm chưa? Ta nhìn lại xem trong những năm vừa qua, khi ta đến chùa còn nhiều bỡ ngỡ, chưa biết lễ Phật ra sao, chưa biết chào Thầy thế nào, vậy mà bây giờ, lễ Phật, nghe Pháp, thân cận chư tăng ta rất thuần thục. Đó là công quả tu tập của chúng ta.

Hồi hướng về quả vô thượng Bồ đề để thành quả vị giác ngộ. Muốn như vậy thì bắt đầu từ nhân. Vậy thì hãy bắt đầu từ thế giới này, thế giới ta bà, khổ đau. Chính từ khổ đau này mà giác ngộ đạt được. Phật dạy rằng loài người dễ tu mà chư thiên khó tu bởi chư thiên sống quá sung sướng khó tu được. Như vậy, mọi công đức chúng ta nên hướng về quả vị vô thượng Bồ đề.

Thứ 3 là hồi hướng về chân như thực tế.

Hồi hướng từ sự tới lý, người tu học Đại thừa phải thông hiểu Sự và Lý. Giáo lý của Phật luôn luôn dùng của Sự , hình ảnh mọi việc của Sự đều đi đến Lý cứu kính.

Sự là để cho người ta dễ hiểu, chúng ta tụng trong kinh, khi ngài Văn Thù hỏi nàng Long Nữ “sao cô chóng thành Phật nhanh vậy?”, cô Long Nữ nói “Tôi dâng viên ngọc cho Phật”. Nếu chúng ta nghe sự thì đúng là nàng dâng viên ngọc cho Phật, nhưng nếu không học Lý thì chúng ta sẽ bài xích, cho đó là hối lộ, tham nhũng, đưa cúng Phật.

Nhưng Lý, đó chính là chân tâm thanh tịnh mà mỗi người đều có, cũng như chúng ta khi xem truyện Tây Du Kí, ngài Huyền Trang đến xin kinh lại bị đòi tiền, đó là sự thử thách lòng kham nhẫn để có được Pháp, để rồi ngài vượt qua được mà mang trọn vẹn giáo nghĩa của Phật, trọn vẹn tam tạng về Trung Hoa.

Trong kinh Dược Sư có nói: tất cả đều toại cầu. Cầu trường thọ, giàu sang, cầu sinh con trai, con gái đều được. Nếu nói như vậy thì đạo Phật mê tín vô cùng, nhưng đạo Phật không phải như vậy. “Cầu sống lâu” nghĩa là mong tinh thần Phật pháp bất diệt; “cầu con trai” là trí tuệ, “cầu con gái” là từ bi.

Học Phật mà dừng ở Sự thì chúng ta mới chỉ bước đến cửa của Phật chứ chưa được vào, chỉ biết vỏ cây mà không biết đến thân cây, cuối cùng là lõi cây. Học giáo pháp mà biết được lý siêu việt là như lấy cây mà tìm thấy lõi cây.

Quí vị tu tập ban đầu như một em bé, ban đầu phải nhờ bố mẹ dẫn dắt từng bước đi, tận tay đỡ, quí vị cũng vậy, luôn phải thân cận các thầy để các thầy hướng dẫn cho, vì mới tu sẽ rất dễ chệch đường.

Phải về các buổi tu tập để các thầy hướng dẫn cho các vị biết tu từ thấp đến cao, phải học những điều gì?

Khi đạt được Lý thì có nghĩa là đã trở về với chân như thực tế của chúng ta. Tổ đã dạy: “Tu như vô tu, chứng như vô chứng, hành như vô hành”. Gọi là thực hành tu tập nhưng chẳng phải thực hành, chứng mà chẳng phải là chứng, tại sao?

Lấy ví dụ 4 người chơi với nhau, có 3 người nghiện rượu và 1 người không nghiện. Người không nghiện nói: các bạn đừng uống nữa, sẽ làm mất bản tâm của mình đó, tôi không say nên tôi bảo các bạn, đừng bị rơi vào nghiện rượu. Có một người biết được điều đó và nghĩ đúng là mình bị rơi vào con đường nghiện rượu, bị đau khổ bởi rượu. 3 người tập bỏ thì 1 người bỏ được, 2 người chưa bỏ được.

Do đó, người chưa bỏ được nói “anh giỏi quá, tôi muốn bỏ mà không bỏ được, đến bữa tôi nhớ nó lắm”. Anh Hai mỉm cười mãn nguyện nói “các anh vì mắc nghiện cho nên mới có thành tích của người cai nghiện và người không cai nghiện. Còn như tôi thì chẳng có thành tích gì. Tôi vẫn vốn là con người tôi”.

Bởi vậy, tu mà không phải là tu, hành mà không phải là hành, chứng mà không phải là chứng vì con người luôn như như tự tại. Bởi vậy, ta phải chuyển hóa, ta phải tu tập để chuyển hóa, hồi hướng về chân như thực tế của mình.

Do đó mới có sự giả tu tập của chúng ta, nhưng có cái giả đó mới có cái thật. Hôm nay chúng ta hãy chiêm nghiệm lại những hành động của chúng ta trong quá khứ, biết hồi hướng, mượn giả thành chân để trở về với chân như thực tế, bản lai thanh tịnh của mình.

Như vậy, hồi hướng về chân như thực tế là hồi sự hướng lý, hồi hướng về vô thượng bồ đề là hồi hướng quả, hồi hướng cho chúng sinh là hồi hướng tư mà chuyển hóa cho mọi người để làm việc gì cũng mong cho mọi người đều thành Phật đạo. Đây cũng chính là lời phát nguyện của chư Phật và cũng là lời phát nguyện của tất cả chúng ta.

 Chúc quí vị sang năm mới được tuệ giác khai mở, bồ đề tâm khai mở, Phật sự được viên thành.

 

-----------------------------------------------------------------------
 (*) Tiêu đề bài, chúng con xin phép được đặt.

 

Tín An

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin