Chi tiết tin tức Biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động BTXH và dạy nghề 17:25:00 - 25/02/2017
(PGNĐ) - Ngày 24/2, Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề do UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc tại TP Hồ Chí Minh.
Dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường; Hoà Thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các chức sắc tôn giáo; đại diện các địa phương, tổ chức UNICEF, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Pháp, Lào, Thái Lan, Ấn Độ và đại diện các cơ sở tôn giáo có nhiều đóng góp trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề.
Đây là lần đầu tiên, sau 40 năm giải phóng đất nước, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức hội nghị biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề. Có thể nói, đây là một trong những điểm nhấn nối tiếp quan trọng từ sau Hội nghị phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc tham gia giáo dục mầm non và cuộc gặp gỡ lắng nghe của Thủ tướng Chính phủ với các lãnh đạo tôn giáo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, trải qua hơn 30 năm đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đã vươn lên thoát nghèo, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Do đặc điểm là đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh, lại thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh và những tai nạn, rủi ro trong cuộc sống nên số đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội ở nước ta lớn, bao gồm: người nghèo, người có HIV, người nghiện ma tuý, người khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành gia đình... Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại, hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố và người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người yếu thế, người có công. Các thành viên tổ chức thuộc MTTQ Việt Nam và tổ chức tôn giáo đã kế thừa truyền thống “tương thân, tương ái” tổ chức các mô hình, hình thức trợ giúp đối với những nhóm dân cư yếu thế, bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều mô hình, cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo đã làm tốt nhiệm vụ chăm lo, chăm sóc người dân có hoàn cảnh khó khăn như: Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Chùa Bửu Châu (tỉnh Gia Lai) đang tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 54 trẻ mồ côi, các cháu đang tham gia học cấp học phổ thông hoặc hướng nghiệp, học nghề. Trung tâm Bảo trợ Khiếm thị Nhật Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh) chăm sóc 120 trẻ em khiếm thị, các cháu đều được học văn hóa theo khả năng, các cháu được định hướng nghề nghiệp, học nghề và hỗ trợ tìm việc làm như giáo viên, kỹ thuật viên thư viện, hướng dẫn viên ẩm thực, chăm sóc khách hàng qua điện thoại, bấm huyệt trị liệu, tư vấn tâm lý. Nhà dưỡng lão Chùa Liên Bửu (tỉnh Trà Vinh) đã nuôi dưỡng, chăm sóc cho 58 cụ là người cao tuổi, cô đơn không nơi nương tựa và vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp để làm nguồn quỹ nuôi dưỡng, tổ chức khám chữa bệnh định kỳ cho các cụ mỗi tháng 2 lần. Trung tâm nuôi dạy cô nhi khuyết tật Sơn Ca (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã tổ chức nuôi dạy các em cô nhi, mồ côi cha hoặc mẹ, các cháu vô gia cư, hoàn cảnh gia đình khó khăn, các trẻ bại não để phục hồi chức năng, đến nay, trung tâm đã phục hồi được gần 30 cháu từ bại liệt nặng. Cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật Thiên Thần (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 75 trẻ bị bỏ rơi tại các bệnh viện, đường phố, trẻ em bị mồ côi, trẻ em khuyết tật bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ, câm điếc, bại não, bại liệt, tâm thần. Một số cơ sở làm tốt công tác đào tạo và dạy nghề như: Trường Trung cấp nghề Hòa Bình (tỉnh Đồng Nai), Trường Trung cấp nghề Tân Tiến (tỉnh Lâm Đồng), Trung tâm dạy nghề Phước Lộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật còn có khả năng lao động...
Với những góp của các cơ sở bảo trợ xã hội và dạy nghề của các tôn giáo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung biểu dương và đánh giá cao trách nhiệm, vai trò và thành quả của các tổ chức tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội và dạy nghề trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề cho các nhóm đối tượng và người dân có hoàn cảnh khó khăn trong những năm qua, góp phần cùng với Đảng và Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Ông Đào Ngọc Dung bày tỏ sự cảm động và mong muốn các tổ chức tôn giáo, các chức sắc tôn giáo phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình trong công tác bảo trợ xã hội, dạy nghề để giảm bớt hoàn cảnh khó khăn cho người dân trong thời gian tới. Trong thời gian vừa qua, tại một số địa phương, cơ sở của tôn giáo còn gặp nhiều khó khăn về năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhân viên chăm sóc, giáo viên dạy nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức hoạt động, huy động nguồn lực. Để tiếp tục chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là đối tượng bảo trợ xã hội, người dân có hoàn cảnh khó khăn, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trước hết cần phải biểu dương kịp thời các cá nhân, cơ sở của của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề. “Hội nghị này chính là dịp để Mặt trận và Bộ Lao động thương binh và xã hội ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của các tổ chức, chức sắc tôn giáo trong việc chăm lo cho người nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn”. Và để phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, trong thời gian tới, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với UBTƯ MTTQ Việt Nam và các địa phương có những cơ chế, chính sách và chương trình hợp tác hết sức thiết thực, bảo đảm phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo trong việc chăm lo đời sống người dân, công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề. Đặc biệt cần lồng ghép các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành để đào tạo cho các tổ chức tôn giáo về nhân lực làm bảo trợ xã hội và dạy nghề. Cùng với đó, ông Đào Ngọc Dung cho hay, cần phải bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án có liên quan đến đối tượng bảo trợ xã hội, dạy nghề, việc làm, trợ giúp cho người khuyết tật, người nghèo cho các cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo. Đồng thời giải quyết các chính sách trợ cấp xã hội, cấp bảo hiểm y tế cho các đối tượng tại các cơ sở tôn giáo để bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh tới việc cần phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe và trao đổi với các tổ chức tôn giáo, chức sắc để có giải pháp, mô hình hay, sáng tạo và hiệu quả trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội và dạy nghề. Cùng với đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện phát triển cơ sở bảo trợ xã hội, dạy nghề.
Đối với các địa phương, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải quan tâm, bố trí đất đai tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho cơ sở trợ giúp xã hội, các tổ chức tôn giáo hoạt động và phát triển. Cùng với đó, phát hiện, động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân, cơ sở, tôn giáo làm tốt công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề.
Việc giải quyết các chế độ, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, dạy nghề của các tổ chức tôn giáo, giải quyết khó khăn của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề cần phải được chú trọng quan tâm hơn nữa. Trong đó, các địa phương phải có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo, các cơ sở bảo trợ xã hội và dạy nghề trong chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề đối tượng bảo trợ xã hội và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo nhất là các vị chức sắc tôn giáo cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và dạy nghề. Đặc biệt cần vận động nguồn lực để phát triển đầu tư cho các cơ sở bảo trợ xã hội, dạy nghề đạt được các tiêu chuẩn chăm sóc, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, nâng cao chất lượng trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu xây dựng cho một nền an sinh xã hội tiên tiến. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề.
Cũng nhân dịp này, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trao tặng Bằng khen cho 20 tập thể, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao Bằng khen cho 27 cá nhân thuộc các tổ chức tôn giáo đã có nhiều thành tích trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề.
Dạ Yến - Quốc Định Ảnh: Thành Trung Nguồn: http://daidoanket.vn/tin-tuc/ton-giao/bieu-duong-phat-huy-vai-tro-cua-cac-ton-giao-tham-gia-hoat-dong-btxh-va-day-nghe-358955
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |