Chi tiết tin tức Đại lễ Vesak LHQ 2025: Lãnh đạo Phật giáo thế giới tiếp tục công bố thông điệp và thảo luận chủ đề chính 20:51:00 - 06/05/2025
(PGNĐ) - Chiều nay, 6-5, trước khi bắt đầu phiên làm việc buổi chiều, toàn thể đại biểu tham dự Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 có mặt tại hội trường cùng nhau tụng kinh cầu nguyện hòa bình thế giới bằng các nghi thức của nhiều truyền thống Phật giáo.
Dưới sự điều hành của Hòa thượng Khammai Dhammasami, Vương quốc Anh, lãnh đạo Phật giáo các quốc gia, vùng lãnh thổ và đại diện Chính phủ các quốc gia, các tổ chức quốc tế tham dự Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tiếp tục công bố thông điệp đến toàn thể đại biểu tham dự. Trưởng lão Hòa thượng Bodhi, Chủ tịch Hội Phật giáo Hoa Kỳ gửi thông điệp “Bảo vệ nhân phẩm con người trước mối đe dọa của chủ nghĩa hủy diệt đạo đức”, với 4 phần: Ý nghĩa của nhân phẩm con người và nền tảng Phật giáo của nó; Những yếu tố hiện nay đang đe dọa lý tưởng về nhân phẩm con người và đẩy chúng ta tới chủ nghĩa hủy diệt đạo đức; Loại thế giới nào sẽ phù hợp nhất với lý tưởng nhân phẩm con người trong Phật giáo; Những giá trị và phẩm chất chúng ta cần thể hiện để tạo ra một thế giới như vậy.
Qua đó, để hoàn thiện nhân phẩm con người trọn vẹn, theo Hòa thượng Bodhi cần “được xây dựng trên nền tảng đạo đức Phật giáo, là từ bi có ý thức. Từ bi có ý thức không chỉ là sự cảm thông thụ động đối với nỗi khổ của người khác. Giá trị cốt lõi của từ bi có ý thức là sự đoàn kết, khả năng nhận thức và đồng cảm với người khác. Đoàn kết phát sinh từ nhận thức về sự thống nhất cơ bản của tất cả mọi người, sự hiểu biết rằng tất cả con người đều mong muốn được an lành, hạnh phúc và an toàn”. Tiếp nối phát biểu của Trưởng lão Hòa thượng Bodhi, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO gửi đến các đại biểu tham dự Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 thông điệp về những đặc trưng của Phật giáo Việt Nam. Theo ông, “tại Việt Nam, ảnh hưởng của Phật giáo trong suốt hai thiên niên kỷ qua đã thấm nhuần vào tư tưởng và hành động của người dân Việt, tạo nên những đặc điểm riêng biệt và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc.”.
Quá trình phát triển Phật giáo Việt Nam với hai ngàn năm song hành cùng dân tộc Việt. Từ đó, đã hình thành những giá trị làm nên bản sắc của Phật giáo Việt Nam và theo ông, được thể hiện qua năm đặc điểm căn bản: “Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam là một Phật giáo hòa nhập; Thứ hai, Phật giáo Việt Nam luôn nhấn mạnh hòa bình như một nguyên lý cơ bản; Thứ ba, Phật giáo Việt Nam mang tính học thuật và phát triển; Thứ tư, Phật giáo Việt Nam phát triển một trường phái riêng biệt của Việt Nam; Thứ năm, Phật giáo Trần Nhân Tông như một biểu tượng của tư tưởng ngoại giao, trở thành sức mạnh mềm của Việt Nam trong việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác”. Qua đó, ông cũng khẳng định quan điểm “Phật giáo Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ đức tin hay là nơi trú ẩn sức mạnh tinh thần trong đời sống. Nó đã được chuyển hóa và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Những tư tưởng tiến bộ của Trần Nhân Tông, người sáng lập Tông phái Thiền Trúc Lâm ở Việt Nam và Phật giáo nói chung, đã tạo ra một nguồn sức mạnh mềm thúc đẩy con đường đến với đức tin và xây dựng quan hệ đối tác”. Ngoài thông điệp của Trưởng lão Hòa thượng Bodhi và ông Phạm Sanh Châu, lãnh đạo Phật giáo Bangladesh, Phật giáo Bhutan, Phật giáo Nepal, Tăng đoàn Phật giáo Truyền thống Nga, Đại diện Tông phái Tào Khê (Hàn Quốc), Hội nghị Phật giáo Á Châu vì Hòa bình (ABCP) cũng đã có thông điệp trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.
Sau khi các thông điệp Đại lễ được công bố, phiên thảo luận toàn thể về chủ đề chính của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” được cử hành dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Tampalawela Dhammaratana, Phó Chủ tịch ICDV. Lần lượt các bài tham luận của Hòa thượng Phra Brahmawatcharatheeracharn, Hiệu trưởng Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU), Thái Lan; Giáo sư Karam Tej Singh Sarao, nguyên Trưởng khoa Nghiên cứu Phật học - Đại học Delhi, Ấn Độ; Tiến sĩ Tạ Minh Hoa, Hiệu trưởng Đại học Phương Tây, Hoa Kỳ; Ông Carlo Luyckx, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Âu châu (European Buddhist Union) và Tiến sĩ Sanath Mahawithanage, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành chánh niệm, Đại học Sri Jayewardenepura, Sri Lanka được trình bày trong phiên thảo luận toàn thể. Tối nay, chương trình Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tiếp tục với Lễ thắp nến cầu nguyện cho hòa bình thế giới sẽ được diễn ra vào lúc 18 giờ 30 trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Một số hình ảnh ghi nhận:
Phước Hiền - Ảnh: Quảng Đạo
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |