Chi tiết tin tức Đức Pháp chủ GHPGVN: Người tu sống trong giới luật là cách để giữ bình yên cho mình và cho Giáo hội 21:30:00 - 16/08/2024
(PGNĐ) - Sáng 12-7-Giáp Thìn (15-8-2024), sau lễ Tự tứ kết thúc mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2568, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Ban Trị sự các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã vân tập tại Tổ đường Việt Nam Quốc Tự, đảnh lễ khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN cùng chư vị Trưởng lão Hội đồng Chứng minh.
Đối trước Đức Pháp chủ cùng chư vị Trưởng lão Hội đồi Chứng minh, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đại diện dâng lời cẩn bạch, bày tỏ lòng thành kính và tri ân lên Đức Pháp chủ cùng chư vị Trưởng lão Hội đồng Chứng minh đã chứng minh và hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung có lý tưởng trên con đường tu học, an thân tấn đạo. Nguyện cầu Tam bảo gia hộ Đức Pháp chủ cùng chư vị Trưởng lão luôn được sức khỏe, thọ tuế tăng quang, ngõ hầu làm điểm tựa cho toàn thể Phật giáo đồ trên con đường tu học. Trước Đại tăng, Đức Pháp chủ đã bày tỏ niềm hoan hỷ, chúc mừng chư tôn đức thêm một tuổi hạ. Đồng thời, nhân mùa Tự tứ, ngài cũng có đôi điều gửi gắm đến chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo TP.HCM.
Ngài nhấn mạnh, mạng mạch của Phật giáo trong dòng chảy của lịch sử vốn có lúc thạnh lúc suy, trong thạnh có suy và trong suy có thạnh. Ở những thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ, cũng là lúc có những biến tướng khó lường trước được. Ngay khi Đức Phật còn tại thế, thời kỳ đầu, chúng Tăng luôn thanh tịnh và sống trong Chánh pháp, do vậy từ vua chúa cho đến thứ dân đều kính trọng, đồng quy ngưỡng.
Cũng do sự kính trọng đó của đàn việt nên có nhiều người tặc tâm xuất gia, không vì mục tiêu giải thoát mà chỉ cầu lợi dưỡng, danh vị. Đức Phật cũng vì vậy mà chế ra giới luật để hạn chế những hiện tượng tiêu cực trong Tăng-già. Sau khi Đức Phật vào Niết-bàn, chúng Tăng luôn y cứ theo Luật tạng mà tu hành. Nếu nơi nào, thời nào y cứ theo Luật tạng mà hành trì, thời đó Phật giáo hưng thịnh. Thời nào xao lãng sự hành trì theo Luật tạng thì Phật giáo suy vi.
“Y cứ theo Luật tạng không phải là chấp giới, chấp luật mà chúng ta phải luôn sáng suốt, tỉnh táo để nhìn thấy những việc nào đáng làm và không đáng làm. Y theo giới thì sanh định, từ định sanh tuệ. Một thầy Tỳ-kheo phải sống trong định và có trí tuệ thì mới thấy được những điều quan trọng xảy ra trên cuộc đời này. Từ đó, chúng ta mới tránh được những lỗi lầm đáng tiếc. Do đó, người nào có giới, có định, có tuệ thì người đó coi như là một thanh tịnh Tỳ-kheo”, Đức Pháp chủ GHPGVN huấn thị.
Đức Pháp chủ căn dặn chư Tăng rằng một vị Tỳ-kheo không chỉ gìn giữ sự thanh tịnh trong không gian tự viện mà phải gìn giữ khi đi ra ngoài hóa duyên ở đời. Khi đi hóa duyên, vị Tỳ-kheo phải luôn giữ sự thanh tịnh, giữ gìn oai nghi, tế hạnh như khi ở trong tự viện, đối trước trước Phật và Thánh chúng, có như vậy mới không phạm phải sai lầm. Ngài cũng nhắc lại lời dạy của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Tuyên luật sư của tổ đình Ấn Quang rằng một vị Tỳ-kheo muốn trở nên thanh tịnh thì không bao giờ được buông lung thân, thọ, tâm, pháp. Rời bốn điều trên thì vị Tỳ-kheo đó tự biến tướng trở nên thế tục.
Đặc biệt, quán chiếu về thân, thấy những điều bất tịnh nơi thân để không bao giờ chấp thân, rơi vào cám dỗ của sắc dục bên ngoài. Khổ thọ là khổ, lạc thọ cũng khổ, nên nương vào xả thọ, vậy nên đối với mọi việc xảy ra trong đời, chúng ta không phải quá bận tâm. Cái thấy cao nhất của một người tu là thấy bằng trực giác, mọi sự như thế nào thì chúng ta thấy đúng như thế đó, không phải thấy bằng kinh nghiệm hay sách vở. Từ đó, chúng ta mới có cách ứng xử thích hợp nhất để tồn tại và phát triển.
Quan trọng nhất, một vị Tỳ-kheo phải có định và có tuệ. Có định, chúng ta mới có trực giác để nhìn thấy mọi sự đúng như bản chất của nó. Một thầy Tỳ-kheo chưa vào định được, dù học nhiều kinh điển nhưng chấp trước vào đó thì bị mắc kẹt. Cái gì qua rồi thì cho qua, cái gì chưa tới thì để đó, quan trọng là phải giải quyết việc trong hiện tại. Trong hiện tại, nếu người tu giải quyết được tốt, thấy đúng, thì trong tương lai mọi điều sẽ tốt đẹp.
“Trên bước đường tu, ai trong chúng ta cũng khởi đầu từ con người gọi là phàm tăng. Phàm tăng có nghiệp nên gọi là nghiệp tăng. Có nghiệp thì dễ sanh phiền não. Sanh phiền não thì gọi là phiền não tăng. Vì vậy, với một thầy Tỳ-kheo, quan trọng nhất phải chận đứng được phiền não, không cho phiền não phát sinh. Khi chúng ta thanh tịnh rồi, dù bên ngoài có nói gì, chỉ trích gì thì tâm chúng ta vẫn thanh tịnh. Và quan trọng là đừng để phiền não phát sanh”, Đức Pháp chủ căn dặn. Đức Pháp chủ mong muốn chư Tăng lãnh đạo Phật giáo TP.HCM cân nhắc về những điều mà ngài nhắn nhủ, đồng thời, nhắc nhở Tăng Ni trẻ tại địa phương của mình phải luôn sống trong tinh thần giới luật của Đức Phật, từ đó mới giữ được bình yên cho bản thân và cho Giáo hội.
Tiếp đó, Đức Pháp chủ cùng chư vị Trưởng lão đã quang lâm đàn tràng Vu lan Thắng hội Phật lịch 2568 do Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM tổ chức. Tại đây, Đức Pháp chủ đã có đôi lời khai thị đến đại chúng về tinh thần Báo hiếu trong đạo Phật, sau đó niêm hương cầu nguyện, mật niệm tại các án thờ chư Phật, Thánh chúng tại nội đàn, chư âm linh bách tánh tại ngoại đàn cũng như tại bia tưởng niệm đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19 tôn trí trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự.
Lương Hoàng - Bảo Toàn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |