Chi tiết tin tức Hà Nội: Hội thảo “40 năm Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia: Bài học và kinh nghiệm” 15:21:00 - 08/11/2014
(PGNĐ) - Ngày 15/09/Giáp Ngọ (07/11/2014), nhân dịp chào mừng 61 năm Quốc khánh Vương quốc Campuchia (9/11/1953-9/11/2014) Hội hữu nghị Việt Nam – Camphuchia tổ chức Hội thảo “40 năm Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia: Bài học và kinh nghiệm”.
Tham dự Hội thảo về phía GHPGVN có Hòa thượng Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam Campuchia, bà Phen Sanvny – Tham tán công sứ Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam cùng ban lãnh đạo, ban chấp hành và đông đảo hội viên Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia.
“Hội thảo 40 năm Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia: Bài học và kinh nghiệm” là một hoạt động thiết thực để tiến tới 40 năm ngày thành lập Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia (22/01/1975-22/01/2015) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội Hữu nghị Việt Nam –Campichia năm 2015.
Phát biểu khai mạc hội thảo ông Vũ Mão khẳng định “Hội nghị nhằm giới thiệu và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và hội viên về truyền thống đoàn kết và hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campichia đồng thời tổng kết những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử trong 40 năm hoạt động, đồng thời đưa ra những phương hướng nhiệm vụ hợp tác hữu nghị hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ tới”.
Đặc biệt tại Hội thảo Hòa thượng Thích Thiện Tâm - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia là người đã có công trong việc xây đắp quan hệ đoàn kết, gắn bó hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Campuchia cho đến tận ngày hôm nay đã có bài phát biểu tham luận với đề tài “Chúng ta, hai hội nghị, có thể làm gì để củng cố tình đoàn kết Việt Nam – Campuchia”.
Bài tham luận đã khẳng định quan hệ truyền thống gắn bó về tôn giáo của hai nước Việt Nam –Campuchia cùng chung một đặc điểm là tín đồ đạo Phật chiếm một tỷ lệ cao nhất trong dân số.
Phật giáo Camphuchia là Phật giáo Nguyên thủy, có lịch sử lâu đời từ thế kỷ XIII, giữ một vai trò hết sức quan trọng và có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống, tạo một nếp sống nhân hòa, hiền hậu, bao dung và cởi mở của người dân Campuchia. Hiện nay Capuchia có 90% dân số theo đạo Phật, gần 100% chính khách, thành viên hoàng gia, thành viên Chính phủ, đại biểu quốc hội đều theo đạo Phật. Phật giáo là bản sắc dân tộc là yếu tố cơ bản trong văn hóa, là nhân tố đoàn kết chính trị của Campuchia.
Phật giáo Việt Nam mặc dù có nhiều hệ phái, nhưng đã đạt được sự đoàn kết thống nhất cao về mặt tổ chức, đặc biệt GHPGVN nhất trí trong chủ trương gắn bó với dân tộc, là một bộ phận khăng khít trong khối đoàn kết toàn dân, nghiêm chỉnh tuận thủ luật pháp. Đây là một thuận lợi lớn để GHPGVN giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam –Campuchia.
Về quan hệ giữa hai nước Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Campuchia đã lên đến đỉnh cao trong năm 1940, khi vị tăng sĩ đầu tiên của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam, Hòa thượng Hộ Tông, thọ giới và học đạo từ những vị cao tăng Phật giáo Vương quốc Cam Bốt. Phật giáo Vương quốc Cam Bốt đã có những ảnh hưởng quan trọng trong việc hình thành hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Ảnh hưởng đó không chỉ là truyền giới, đạo tạo mà còn là giáo lý, tổ chức tự viện, nề nếp tu học, nghi lễ, kiến trúc tự viện.
Đỉnh cao thứ hai và đặc biệt quan trọng hệ phái Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Camphuchia là Hệ phái chư tăng Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, khi đó thuộc Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM vào năm 1979, Hệ phái đã khôi phục giới cho chư tăng và khởi đầu cho quá trình phục hồi Phật giáo Campuchia kéo dài nhiều năm sau đó.
Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng đã có những ý kiến đề xuất quan trọng trong các hoạt động cụ thể như: Đề xuất GHPGVN và Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia xác định quan hệ Phật giáo hai nước là mối quan hệ trọng điểm, cần được quan tâm cao độ.
Đề xuất Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN hỗ trợ Phật giáo Campuchia thực hiện chương trình truyền hình, đặc biệt là truyền hình An Viên thực hiện nhiều chương trình truyền hình về Phật giáo Campuchia, tổ chức truyền thông mạnh mẽ về quan hệ hữu nghị Phật giáo Việt Nam và Campuchia. Hỗ trợ Phật giáo Campuchia đào tạo tăng sinh muốn theo học Phật giáo cũng như các ngành khoa học khác tại Việt Nam. Để khẳng định công lao giúp đỡ khôi phục của quân tình nguyện Việt Nam đối với Phật giáo Campuchia đề nghị Phật giáo Campuchia và các chùa trực thuộc có lời mời các vị cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia về thăm lại những ngôi chùa các chiến sĩ tình nguyện đã bảo vệ, giúp đỡ và khôi phục. Trong bài tham luận Hòa thượng cũng đã điểm lại một số thành quả đã đạt được trong việc củng cố phát triển tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia qua những việt cụ thể mà hai hội hữu nghị hai nước đã làm và phác thảo những gì có thể làm để đưa quan hệ hữu nghị Việt Nam lên một tầm cao mới.
Hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến, đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Hội, đồng thời có những đề xuất, kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia. Qua hội thảo sẽ đúc ra những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, đạt hiệu quả thiết thực trong hoạt động hữu nghị và hợp tác với Campuchia đồng thời nhận rõ những thiết sót, bất cập cần rút kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động Hội cần khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Campuchia.
Tin, ảnh: Cẩm Vân
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |