Chi tiết tin tức

Lời tưởng niệm HT.Thích Chơn Thiện của TƯGH

22:09:00 - 17/11/2016
(PGNĐ) -  Sáng nay,17-11 (18-10-Bính Thân) trong lễ truy điệu HT.Thích Chơn Thiện, Phó Pháp chủ HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN tại chùa Tường Vân (P.Thủy Xuân, TP.Huế), trước lúc phụng tống kim quan nhập bảo tháp, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS đã đọc lời tưởng niệm Giác linh Hòa thượng của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN.

 

IMG_8069.JPG
Di ảnh và y bát của cố HT.Thích Chơn Thiện

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch . . .

Kính thưa . . . 

Trước khi cử hành lễ phụng tống kim quan Hòa thượng nhập Bảo tháp, nơi an nghỉ ngàn thu của trần thế, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài có đôi lời tưởng niệm.

Kính bạch Giác linh Hòa thượng,

Từ vùng đất địa linh nhân kiệt, các Chúa Nguyễn mở rộng biên cương; nước sông Hương thao thao dòng diệu sử, đỉnh núi Ngự gió quyện mây từ; xứ Thần kinh một đời thác tích, Hòa thượng đã hiện thân Đại sĩ, làng Dưỡng Mong sớm ngộ chơn tâm, chùa Tường Vân thế phát bẩm sư, sống đời phạm hạnh, chốn không môn chuyên tâm tu tập, ngày đêm nghiên tầm giáo điển, công phu công quả chuyên cần; Rồi đến độ tâm hoa khai phát, trường tuyển Phật lần lượt bước vào, Việt Nam Quốc tự Sài Gòn cầu thọ Đại giới, ngôi Tam bảo Tam tôn kế vị, giới thể châu viên, giới đức trang nghiêm như ngọc sáng, Đạo thể Viên Dung. Quả thật:“Nào ai biết được trời không ấy, một dãi non xanh hiện đã lâu”.

Trên bước đường trở thành bậc tri thức Phật học uyên thâm, sau bao năm xuất dương du học, trên diễn đàn học thuật bác học đa văn, Hòa thượng là một danh Tăng của Phật giáo Việt Nam được mọi người, mọi giới hết lòng kính trọng.

Trong công tác giáo dục đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam, với học vị Tiến sĩ Phật học, Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, các nhà giáo dục của Phật giáo Việt Nam đào tạo nhiều Tăng Ni tài đức, Phật tử hữu danh, có ích cho Đạo lẫn đời, hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam, để từ đó "Hoa đời hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”. Song song với công tác giáo dục, Hòa thượng còn biên soạn, dịch thuật nhiều kinh sách có giá trị, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

Với ân đức uy nghiêm, đạo tâm kiên cố, trí tuệ viên dung, bậc tòng lâm mô phạm cho đàn hậu học, cho nên mỗi lời pháp, mỗi lời giáo huấn của Hòa thượng là khơi nguồn trí huệ, mỗi việc làm của Hòa thượng mở lối tương lai, mỗi cử chỉ của Hòa thượng là thể hiện sự khoan dung độ lượng, lòng từ chan chứa. Hòa thượng chính là hình ảnh giải thoát vô ngại, là lẽ sống muôn đời cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước học tập và làm theo. Như Cổ đức đã nói: “Nước chảy theo khe nào có ý. Mây tuông đỉnh núi vẫn vô tâm”.

Khi nước nhà thống nhất, giang sơn nối liền một dải, Bắc Nam sum hợp một nhà, trong tinh thần hòa hợp, tứ chúng đồng tu, Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức các tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam kế thừa truyền thống 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Với nhiều chức vụ trong Giáo hội, từ cương vị giảng sư, giáo sư các Trường Phật học, Học viện cho đến Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, Trưởng ban giáo dục Tăng Ni Trung ương, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Phật giáo v.v… Nhất là cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự và rồi Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã góp phần xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm, vững mạnh trên mọi phương diện, nhất là vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế, thế giới biết đến Việt Nam, Phật giáo Việt Nam ngày càng rõ nét, quan hệ tốt đẹp hòa bình. Quả thật: “Năm Chân bốn bể là huynh đệ. Chung sống bên nhau bảo vệ hòa bình”.  

Đặc biệt, về phương diện xã hội, Hòa thượng còn tham gia công tác Mặt trận cấp Trung ương, là Đại biểu Quốc hội từ khóa XI đến khóa XIV. Dù trên cương vị nào, Hòa thượng cũng đã dành nhiều tâm huyết, công sức để góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, phồn vinh, văn minh thịnh vượng. Do đó, Hòa thượng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, huân chương Đại đoàn kết, bằng Tuyên dương Công đức của Giáo hội và nhiều bằng khen cao quý khác.

Trên ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo là trang nghiêm tịnh độ tại thế gian, báo Phật ân đức và báo đáp công ơn của Thầy Tổ, Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu chốn Tổ chùa Tường Vân để nơi đây xứng đáng là chốn phạm vũ huy hoàng trên đất thần kinh, là Tổ đình tiêu biểu của Giáo hội tại địa phương, nhất là cơ sở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế có tầm cở cho Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Quả thật: “Công ai đổ xuống đất này. Cho hoa Đạo pháp ngày ngày thêm tươi”.

Theo lý vô thường có sinh có diệt, Hòa thượng đã mãn nguyện Ta Bà, trở về cõi Niết bàn vô tung bất diệt. Sự ra đi của Hòa thượng là một sự mất mát vô cùng lớn lao cho Giáo hội, cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước cũng như ở ngoài nước, môn nhân đệ tử, học đồ và các giới trong xã hội. Than ôi!

Người xưa nay đã còn đâu

Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương

Ra vào lòng dạ vấn vương

Bóng hình Đại sĩ du phương xa mờ.

Song hành trạng, công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử, các cấp Giáo hội, Môn đồ đệ tử và Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, nhất là trang sử vàng son của Phật giáo Việt Nam thời hiện tại.

Quả thật:

Một mai thân xác tiêu tan

Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời

Pháp thân lồng lộng tuyệt vời

Sáng soi Pháp giới, rạng ngời sử xanh.

 

img_9465.jpg
HT.Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm trước Giác linh đài trong lễ truy niệm sáng 17-11

Trong giây phút nghìn thu vĩnh biệt, trước linh đài khói hương quyện tỏa, chúng tôi thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử có đôi lời tưởng niệm để vĩnh biệt bậc chân nhân sáng ngời gương đạo hạnh. Kính nguyện Giác linh Hòa thượng bất vong nguyện lực, tái hiện đàm hoa, phát triển đạo vàng, quang vinh họ Thích; và xin đốt nén tâm hương cúng dường Giác linh Hòa thượng để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ đời đời trong Chính pháp, xin nguyện sẽ đoàn kết hòa hợp cùng nhau tiếp tục thực hiện những sự nghiệp mà Hòa thượng còn để lại, nhất là làm cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc như tâm nguyện của Hòa thượng lúc sinh tiền.

Cuối cùng trong ý nghĩa pháp giới duyên sinh vô tận, nơi Bảo tháp chốn Tổ Tường Vân trang nghiêm, thân tứ đại Hòa thượng hãy an nghỉ cho ngàn thu vang bóng, pháp thân lồng lộng khắp mười phương, sẽ sống mãi trong lòng Pháp lữ, trong tư duy cùng pháp giới  vô biên.

Xin bái biệt Hòa thượng!

Nam-mô Tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin