Chi tiết tin tức

Miền Trung chuẩn bị ứng phó bão Vamco

22:01:00 - 13/11/2020
(PGNĐ) -  Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam cấm biển, kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão, lên phương án di dời hàng nghìn người đề phòng sạt lở đất.

Nghệ An cấm biển để phòng, chống bão Vamco lúc 17h ngày 13/11. Đến nay, hơn 3.000 phương tiện đánh bắt với 15.000 lao động đã về nơi neo đậu; lực lượng chức năng đang kêu gọi 400 phương tiện, hơn 2.000 lao động đánh bắt tại vùng biển trong và ngoài tỉnh về nơi tránh trú.

Bộ đội biên phòng điều hơn 800 cán bộ, chiến sĩ, 3 tàu và 9 xuống ứng trực để tham gia cứu hộ.

Hơn 380 hồ trong số trên 1.000 hồ đập trên địa bàn tỉnh đã đầy nước; trên 300 hồ đạt trên 60% dung tích.

Âu thuyền ở huyện Lộc Hà sụt lún, phải gia cố bằng bao cát. Ảnh: Đức Hùng

Âu thuyền ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) sụt lún, phải gia cố bằng bao cát. Ảnh: Đức Hùng

Hà Tĩnh cũng cấm biển lúc 17h hôm nay. Sáng cùng ngày, hàng chục tàu thuyền của ngư dân ngoại tỉnh đánh bắt trên biển đã về neo đậu tại âu thuyền Cửa Sót ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Tuy nhiên, âu thuyền này xuống cấp do ảnh hưởng bởi bão từ hồi tháng 10, đến nay chưa được khắc phục. Nhiều ngư dân lo lắng khi gặp bão lớn, tàu sẽ bị sóng đánh ra xa vì không có chỗ neo chắc chắn.

Theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, dọc tuyến kè âu thuyền dài 1,3 km có 10 điểm sụt lún lộ thiên, có chỗ sâu gần 1 m. Nhà chức trách đã chèn bao tải đựng cát và đá để gia cố, ngăn sụt lún lan rộng. Song theo ông Sơn đây chỉ là giải pháp tạm thời, dự kiến sau bão sẽ khắc phục.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp người dân huyện Lộc Hà di dời tài sản tránh bão. Ảnh: Đức Hùng

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp người dân huyện Lộc Hà di dời tài sản tránh bão. Ảnh: Đức Hùng

Thượng tá Bùi Việt Dũng, Phó tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, nói hôm nay đã cử cán bộ xuống địa bàn xung yếu giúp dân chằng néo nhà cửa, chuyển đồ đạc đến vị trí an toàn.

Ngoài ra, đơn vị cũng rà soát các điểm đóng quân ở vùng núi, lên phương án rút quân đến các vị trí an toàn, phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng di dân khi có tình huống xấu.

Quảng Trị lên kịch bản sơ tán gần 25.000 hộ dân với 95.000 người đến các khu vực an toàn; đến nay trên 570 hộ dân với gần 2.000 người đã được di dời.

Tỉnh này cũng lưu ý các tàu vận tải đang neo đậu tại biển không được để người ở lại, tránh xảy ra sự cố tương tự tàu VietShip 01 vào giữa tháng 10. Đến nay, hơn 2.300 tàu thuyền đã vào nơi neo đậu tại các bến, âu thuyền.

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá, ông Đặng Trọng Vân cho biết đã yêu cầu các lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo ở khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở đất để người dân chủ động phòng ngừa. "Đối với những trường hợp không chấp hành sơ tán, chính quyền cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng", ông Vân nói.

Ngư dân giằng néo tàu thuyền ở âu tàu Triệu An (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), tránh bão Vamco. Ảnh: Hoàng Táo

Ngư dân giằng néo tàu thuyền ở âu tàu Triệu An (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), tránh bão Vamco. Ảnh: Hoàng Táo

Thừa Thiên Huế, chiều nay hàng chục tàu cá của ngư dân trên địa bàn nối hàng dài chạy vào sông Hương tránh bão.

"Khi bão vào có sóng to, thuyền dễ va đập vào nhau dẫn đến chìm. Sông Hương khuất gió, ít sóng lớn, tôi chạy tàu vào đây neo cho an toàn", anh Ngô Văn Tâm, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang nói.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay tỉnh vừa họp trực tuyến các địa phương lên phương án chống bão. Các hồ thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn sông Hương, sông Bồ được yêu cầu điều tiết nước về hạ du, trước khi bão vào, phòng trường hợp mưa lớn những ngày tới.

Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ huy tiền phương chống bão. Chiều nay, thành phố giao UBND các quận, huyện sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển...

Từ 12h trưa 14/11, người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) ở Đà Nẵng sẽ nghỉ làm việc; trẻ mầm non, học sinh, sinh viên nghỉ học; nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến, ra khơi.

Tàu thuyền vào sông Hương trú bão chiều 13/11. Ảnh: Võ Thạnh

Tàu thuyền vào sông Hương trú bão chiều 13/11. Ảnh: Võ Thạnh

Quảng Nam yêu cầu các huyện sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu; hoàn thành trước 12h ngày 14/11.

Vamco là cơn bão thứ ba kể từ đầu tháng 11 đi vào Việt Nam. Sớm 13/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa ở 450 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất 135 km/h, cấp 12, giật cấp 15. Ngày maibão chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/h. Đến 4h ngày 15/11, tâm bão trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam, sức gió mạnh nhất 100 km/h, cấp 9-10, giật cấp 13.

Trước đó, bão Etau đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa hôm 10/11 mang theo mưa gió cấp 7 làm chết hai người. Trong tháng 10, miền Trung hứng chịu 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới. Ba đợt lũ cùng 13 vụ lở núi trong tháng qua làm 159 người chết, 71 người khác mất tích.

Nguyễn Đông - Nguyễn Hải - Võ Thạnh - Đắc Thành - Hoàng Táo - Đức Hùng/vnexpress.net

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin