Chi tiết tin tức Việc đưa tự viện vào danh sách kiểm kê tiền công đức cần có sự đồng thuận của các vị trụ trì 22:29:00 - 01/04/2024
(PGNĐ) - Vấn đề này được nêu ra tại cuộc họp giao ban giữa Văn phòng 2 T.Ư với 4 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và lãnh đạo các cơ quan chức năng vào chiều nay, 1-4, tại Văn phòng 2 - thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.HCM.
Hiện nay, tại các địa phương đã triển khai thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (thông tư có hiệu lực từ ngày 19-3-2023). Ngoài việc kiểm tra quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, một số chùa "bỗng dưng" nằm trong danh sách bị kiểm kê di tích mà không hề hay biết được nêu tại hội nghị giao ban. Vấn đề này, ông Phạm Hoàng Phương, Trưởng Phòng Dân tộc - Tôn giáo Ban Dân vận tỉnh Đồng Tháp xác nhận tại buổi họp giao ban, có những tự viện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không thuộc diện nhận tài trợ di tích, không tổ chức lễ hội cũng có tên trong danh sách kiểm kê di tích, do địa phương không hiểu biết. Đại diện các tự viện này đã có phản ứng, sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng tỉnh đã gặp gỡ, trao đổi với Ban Trị sự tỉnh Đồng Tháp về vấn đề này.
Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự T.Ư, chủ tọa hội nghị giao ban xác nhận là có trường hợp các tự viện thuộc Giáo hội tại một số tỉnh thành có tên trong danh sách kiểm kê di tích, kiểm tra tiền công đức. Trong khi đó vị trụ trì không hề hay biết tự viện mình bị đưa vào danh sách này từ khi nào, các vị trụ trì cũng không có nhu cầu này. Hòa thượng đề nghị lãnh đạo các cơ quan chức năng quan tâm khi một tự viện đưa vào danh sách kiểm kê di tích cần phải có sự đồng thuận của vị trụ trì trực tiếp. Hội nghị giao ban giữa Văn phòng 2 T.Ư gồm: Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự T.Ư; Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh Văn phòng 2 T.Ư; Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Văn phòng 2 T.Ư, cùng các vị Văn phòng 2, đại diện Ban Pháp chế T.Ư, Ban Kiểm soát T.Ư; đại diện Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh; cùng sự tham dự của ông Lê Tùng Châu, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh An Giang; ông Lê Văn Tịnh, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Trà Vinh; ông Phạm Hoàng Phương, Trưởng Phòng Dân tộc - Tôn giáo Ban Dân vận tỉnh Đồng Tháp; ông Trần Minh Lý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp và các vị đại diện các cơ quan chức năng các tỉnh đã trao đổi một số vấn đề còn vướng mắc, tồn đọng lại các địa phương.
Theo đó, các tự viện, tịnh xá mất ổn định, Tăng Ni từ nơi khác đến tự xây am cốc mà không đăng ký chuyển vùng hoạt động tôn giáo xảy ra tại các địa phương, vấn đề "cải gia vi tự", quy định độ tuổi thọ giới chưa cụ thể khiến địa phương lúng túng, dẫn đến tình trạng bất cập "nơi thì không giới thiệu, nơi lại đồng ý"... Các vấn đề này được trao đổi giữa chư tôn đức chủ tọa, đại diện Ban Trị sự với lãnh đạo các cơ quan chức năng làm rõ thêm cũng như đưa ra phương án giải quyết những vấn đề này tại hội nghị. Một số vấn đề như: việc thành lập Trường Trung cấp Phật học Khmer tại tỉnh Kiên Giang cần phải bổ sung thủ tục cần thiết trình Ban Tôn giáo Chính phủ để được cấp giấy phép hoạt động; Tăng Ni từ nơi khác đến cất am cốc, vấn đề của chùa Bồ Đề Hải Đảo (Kiên Giang) nằm trong khu quy hoạch, đề xuất TƯGH có hướng dẫn cụ thể độ tuổi thọ giới để Ban Trị sự được thực hiện đồng bộ... Hòa thượng Thích Thiện Thống đề nghị Văn phòng 2 T.Ư xin ý kiến trực tiếp của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự để có chỉ đạo hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể các vấn đề trên.
Về việc thành lập Ban Quản trị tự viện, hiện nay các Ban Trị sự vẫn còn khá lúng túng trong triển khai thực hiện. Đơn cử như theo lời ông Phạm Hoàng Phương, tại tỉnh Đồng Tháp có 250 tự viện nhưng hiện nay chưa có cơ sở nào thành lập Ban Quản trị. Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, chủ tọa hội nghị lý giải cho vấn đề này, hiện nay các Ban Trị sự tỉnh thành chưa có nhiều Ban Quản trị tự viện được thành lập do các địa phương vẫn chưa hiểu rõ khái niệm, vì đây là việc còn khá mới, cần có thời gian. Theo Hòa thượng, việc thành lập Ban Quản trị tự viện, đơn vị cấp thứ 4 của Giáo hội là cần thiết, đặc biệt sau này Luật Đất đai có hiệu lực.
H.Diệu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |