Chi tiết tin tức Hạnh nguyện của một vị Ni sư 16:08:00 - 31/10/2014
(PGNĐ) - Chúng tôi đến thăm chùa Bửu Trì (số 67 đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Nơi đây là mái ấm của hơn 60 em nhỏ, đang từng ngày, từng giờ trưởng thành trong sự cưu mang, bảo bọc, chở che của Ni sư trụ trì Thích nữ Tâm Niệm…
Bảo bọc sinh viên nghèo NS.Thích nữ Tâm Niệm đã tốt nghiệp Trường Cao cấp Phật học Việt Nam khóa I (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh), biết may pháp phục, am tường cây cỏ vị thuốc, cũng là con dân đất Cần Thơ. Ni sư trụ trì ngoài việc phụng sự đạo pháp còn hết sức tích cực trong mọi công tác xã hội tại địa phương, đặc biệt là tâm nguyện nuôi dạy trẻ bất hạnh.
Từ ngày về trụ trì chùa Bửu Trì, với hạnh nguyện lợi tha, Ni sư đã cưu mang các sinh viên nghèo ở các tỉnh về Cần Thơ ôn thi đại học, trợ giúp đóng học phí, cho ăn ở tại chùa trong thời gian học đại học, tiếp nhận những học sinh nghèo hoặc những em có hoàn cảnh khó khăn ở những xã vùng sâu của Cần Thơ (trước đây là Hậu Giang) nuôi ăn, cho ở tại chùa để đi học. Hiện nay, các em này đã có việc làm, có cuộc sống gia đình riêng. Không những bảo trợ cho sinh viên và học sinh nghèo, Ni sư trụ trì còn cưu mang 10 cụ già neo đơn tại chùa. Hàng ngày, Ni sư tận tay bưng cơm, rót nước, sắc thuốc cho các cụ, thậm chí cả đổ vật đại, tiểu tiện khi các cụ đau ốm. Hầu như đồng bào nghèo ở các tỉnh hay người dân địa phương sống trong phường hoặc quận Ninh Kiều đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ gạo tiền và sự giúp đỡ của Ni sư khi thắt ngặt. Lúc còn phà Cần Thơ, xe đạp ôm còn lưu thông nhiều, mỗi khi có người già đến xin gạo, Ni sư cho gạo còn gọi xe đạp ôm tới trả tiền và nhờ chở người cùng gạo về tận nhà. Về sau biết nhà, cứ tới tháng Ni sư kêu xe đạp ôm tới đưa gạo về tận nơi vì các cụ sống một mình đã lớn tuổi lại đau ốm nên di chuyển rất khó và nguy hiểm. Lòng từ của Ni sư dành cho mọi người đặc biệt là người già, người đau yếu, bệnh tật và trẻ em bị bỏ rơi vô cùng bao dung. Cưu mang trẻ bất hạnh Từ năm 1998 đến nay, chùa thường nhặt được trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cửa vào khoảng 4, 5 giờ sáng, có khi chỉ cách 5, 7 ngày mà người ta bỏ đến 3 cháu. Mỗi khi phát hiện có cháu bé bị bỏ rơi trước cửa chùa, Ni sư trụ trì trình báo với chính quyền địa phương đến lập biên bản và sau nhiều ngày địa phương thông tin tìm người thân các cháu không được, bảo là duyên chùa thì chùa nuôi đi. Tất cả các cháu bị bỏ vào chùa đều có khai sinh hợp pháp do Ni sư trụ trì đứng làm mẹ. Gần 20 năm cưu mang người nghèo, trẻ bất hạnh, Ni sư trụ trì cũng chịu nhiều vất vả, sự kiên trì khiến Ni chúng, Phật tử ở chùa vô cùng xúc động. Đặc biệt là giai đoạn chùa bị giải tỏa cũng như các giai đoạn phục hồi trùng tu, biết bao nhọc nhằn, vất vả Ni sư phải gánh vác, chịu trách nhiệm. Những năm đó, Ni sư đảm nhiệm Chánh Thư ký Văn phòng Ban Trị sự PG TP.Cần Thơ, giáo thọ sư Trường Cơ bản Phật học Cần Thơ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ, đại biểu Hội đồng Nhân dân các khóa… vừa lo việc của Giáo hội, việc chùa và xã hội, lại còn phải lo chăm sóc nuôi dạy các cháu nhỏ từ việc học đến cái ăn mặc, bệnh đau… Hiện nay, chùa Bửu Trì đang giáo dưỡng 18 cháu học mầm non, 30 cháu học tiểu học, 5 cháu học THCS và 1 cháu học lớp 11, cùng 2 cháu khuyết tật không đi học được và 4 cháu từ 6 đến 10 tháng tuổi còn đang bú bình. Điều đáng trân quý và khâm phục là tâm nguyện phụng sự đạo pháp và quần sinh xã hội của Ni sư chùa Bửu Trì. Ở vị trí một người xuất gia đệ tử Phật hay người công dân, Ni sư cũng làm tròn trách nhiệm. Vừa là người giữ gìn, trùng tu để có được ngôi chùa trang nghiêm như hiện nay vừa gánh vác trách nhiệm với xã hội bằng những việc làm lợi đạo ích đời. Nhật Thanh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |