Chi tiết tin tức

Nơi nuôi dưỡng hơn 80 mảnh đời bất hạnh

10:04:00 - 09/04/2015
(PGNĐ) -  Tọa lạc trên con đường ngoằn ngoèo quanh co, dưới những hàng dừa xanh ngát, chùa Phật Minh (xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) do SC.Thích nữ Ngộ Mai làm trụ trì nép mình dưới những tán cây, nhưng lại là nơi chở che của hơn 80 mảnh đời bất hạnh…

Từ một tâm nguyện

Có cuộc sống khó khăn từ thuở nhỏ, lúc 3 tuổi, SC.Thích nữ Ngộ Mai đã mồ côi cha. Sau đó, má đi bước nữa, thời gian ở với cha kế bị đánh đập hành hạ rất nhiều. Và rồi, má cũng mất sau đó vì bệnh tim. Vào thời điểm lúc đó, Sư cô cũng thường xuyên đi công quả tại chùa Ấn Quang, Q.10, TP.HCM. Thời gian làm công quả, Phật sự ở chùa, Sư cô được nghe những lời dạy của quý thầy, cảm mến và xin xuất gia làm đệ tử của HT.Thích Minh Phát.

Sư cô chia sẻ: “Nếu có cơ duyên mình được xuất gia thì cũng làm chỗ nương tựa cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân mồ côi thì thương thân phận trẻ mồ côi và rất hiểu những khó khăn các em đã trải qua”.

Sau khi xuất gia, Sư cô được thầy giao nhiệm vụ về trụ trì ở chùa Phật Minh. Lúc này, chùa rất nghèo, trong chùa chỉ có SC.Ngộ Mai cùng với một sư cô đã lớn tuổi. Dù khó khăn nhưng với tâm nguyện ban đầu của mình, Sư cô bắt đầu nhận nuôi các em mồ côi tại địa phương.

“Thầy giao một cái chùa ở quê như vầy là đã thấy cái khó trước mắt rồi. Lúc đó, tôi nghĩ không phải là dễ nhưng mà kệ cũng cố gắng, mình nghĩ Phật pháp nếu biết đủ là đủ, hễ thiếu thì đi xin. Tôi thường ra chợ Thanh Trị ở Mỹ Tho, chợ đầu mối Bến Tre vào buổi chợ trưa, ai còn gì thì cho nấy… rồi sau đó nhiều Phật tử cũng phát tâm xin cho chùa. Và đến hiện nay vẫn vậy, vẫn còn đi xin rau củ, cứ trưa 10 giờ đến 13 giờ mới về, ai cho gì thì lấy thứ ấy” - SC.Thích nữ  Ngộ Mai chia sẻ.

Danh (1).jpg
SC.TN Ngộ Mai bé em bé đến từ huyện Đức Linh, Bình Thuận

Chùa nhận nuôi các em với nhiều hoàn cảnh khác nhau, có em bị bỏ rơi, có em thì cha mất, có em mẹ mất, có em để ông bà nuôi, rồi gia đình ly tán, gia cảnh khó khăn… Ngoài nhận nuôi các bé trong huyện, trong tỉnh, Sư cô cũng nhận nuôi các bé ở những tỉnh khác mỗi dịp đi từ thiện qua, khắp các miền từ Nam tới Bắc.

“Có duyên đi từ thiện với sư phụ khắp các miền nên khi tới vùng nào có hoàn cảnh khó khăn là mình cho địa chỉ chùa, có các cháu mồ côi, người thân đem giấy tờ lại, ký gửi cho chùa nuôi. Chùa nuôi đến 18 tuổi, khi các em ăn học thành tài, các em tự chọn ngành nghề và chọn cuộc sống cho riêng mình” - Sư cô bày tỏ.

SC.Ngộ Mai nói thêm: “Em nào ý thức được cần phải tu học, xin xuất gia, xin thọ giới thì sau khi các em học xong lớp 12 sẽ đăng ký cho các em học các lớp Phật học”.

Không chỉ dừng lại ở việc nuôi dạy các em có hoàn cảnh khó khăn, Sư cô còn nấu cơm từ thiện tặng các bệnh viện như: Bệnh viện Châu Thành (Bến Tre), Bệnh viện Tâm thần và Dưỡng lão Bến Tre, Bệnh viện Khuyết tật Bến Tre, Bệnh viện Tâm thần Hữu Định... mỗi tháng  2.000 hộp cơm, chương trình từ thiện này kéo dài được 14 năm nay.

Được hỏi sao khó khăn như vậy mà Sư cô còn làm những việc này, Sư cô bảo: “Bởi đó là hạnh nguyện của thầy tôi hồi xưa nên bây giờ tôi cũng như vậy, khổ cỡ nào tôi cũng phải san sẻ tình thương như tâm nguyện của thầy từng làm”.

Đến những tấm lòng

Hiện nay, trong chùa có trên 30 Phật tử công quả, như cô Nguyễn Thị Tuyết Nga, từ Cần Thơ vô chơi, ở với mấy em thấy thích, sau đó cô xin phép ở lại cho đến giờ. Cô bày tỏ: “Ở ngoài đời, tôi nóng tính lắm, nhưng vô đây thay đổi, tính tôi hiền hơn. Tôi thấy Sư cô là người rất nhân hậu, bao dung, thương yêu, luôn chăm lo cho mấy em và mọi người”.

Với cô Phạm Minh Loan, ở TP.HCM xuống  chùa công quả được mười mấy năm nay, cô kể, lúc trước cô bán trái cây ở chợ Bến Thành, sau đó có duyên gặp Sư cô rồi đến chùa thấy được tình thương của Sư cô dành cho mấy em mà sinh ra quý mến. “Vì vậy, tôi ở lại chùa phụ giúp Sư cô chăm sóc cho mấy em. Thỉnh thoảng, tôi về Sài Gòn thăm mẹ rồi xuống chùa làm việc tiếp tục. Làm việc quen rồi, giờ về nhà lâu là thấy nhớ”, cô Minh Loan tâm sự.

Cô Đỗ Ngọc Lang, ở ấp Hòa Thạnh, cũng công quả được 6 năm, tình cờ ghé chùa, rồi mến và tự nguyện công quả đến giờ được 6 năm. Cô bảo, “ngày nào không phụ việc trong chùa là thấy buồn lắm”.

Chị Mai Thị Phượng, hiện làm việc ở xã Giao Hòa, biết đến chùa cách đây mười mấy năm. Khi đó, ông xã của chị bị bệnh, gặp được thầy, rồi nghe những lời thầy chia sẻ mà chị trở nên bình tĩnh và tin tưởng chồng sẽ vượt qua được bệnh tật. Nhờ đó mà chị gắn bó với chùa đến hôm nay.

“Sư phụ dễ thương, hiền hậu, hay giúp đỡ cho người nghèo. Ai đau bệnh, sư phụ cũng giúp đỡ. Ở đây đa số người nghèo, neo đơn nhiều, sư phụ cũng lo lắm, lâu lâu nửa tháng có gạo thì sư phụ phát gạo, hoặc có khi chỉ có mì gói, có nhiều thì sư phụ cho nhiều, có ít thì cho ít” - chị Phượng nói. Ước mơ của chị là sau này có Phật tử về chùa phụ nuôi mấy em. Vì lẽ, sư phụ bây giờ cũng lớn tuổi mà mấy em còn nhỏ quá.

Mong các em thành người tử tế

Đối với SC.Thích nữ Ngộ Mai, đã nuôi thì phải dưỡng, các em phải được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, cho đi học để các em tiếp thu kiến thức văn hóa. Sau này, các em làm người tử tế, giúp ích được cho bản thân, cho đời và tốt cho đạo. Chính vì thế, ở đây các em nhỏ ở độ tuổi từ lớp mầm đến các em học cấp 3 đều được đi học. “Không chịu đi học là tôi không nuôi”, SC.Ngộ Mai chia sẻ.

Danh (2).jpg
SC.Thích nữ Ngộ Mai luôn mong các em trở thành người tử tế

Chính quyền cũng có hỗ trợ về khoản học phí cho các em cấp 1 đến cấp 3, còn bảo hiểm chùa phải đóng. Có năm, chùa khó khăn quá không có tiền đóng học phí, giữa lúc mười mấy em bị sốt xuất huyết một lượt, rồi có cháu mổ ruột thừa, bao tử..., Sư cô trụ trì phải đi vay mượn. Hiện giờ, chùa xin đóng học phí ra làm 4 lần, mỗi lần 10 triệu. Còn riêng mấy em học đại học, một quý đóng 5 triệu, một năm chia ra 2 quý, nhà trường không giảm học phí nhưng nhờ những suất học bổng từ các hội từ thiện khác giúp đỡ, chùa cũng đỡ được một phần.

Ở đây, công việc chính của các em là ăn học, tự chăm sóc bản thân, còn mấy chuyện quét dọn thì do Phật tử công quả làm hết. “Trong đạo hay ngoài đời thì đạo đức là trên hết, tự trong đáy lòng, tự trong trái tim, tôi luôn muốn nuôi dạy các em thành người tử tế dù có khó khăn đến mấy…”, Sư cô bộc bạch.

Hiện tại, chùa còn rất khó khăn; chánh điện chùa mới khởi công trùng tu lại từ 11-2013 đến nay mới chỉ làm xong móng và đang tạm dừng do kinh phí chưa đủ.

Tạm biệt ngôi chùa trong cái nắng quá trưa, tôi tham gia cùng Phật tử trong chùa đến bệnh viện tặng cơm từ thiện. Tôi cảm nhận được tình cảm của thân nhân người bệnh sự thân quen cũng như niềm vui khi họ nhận được những phần cơm chay ấm tình từ chùa Phật Minh.

Mong rằng, trong hành trình tràn đầy yêu thương ấy, chùa Phật Minh cũng như SC.Thích nữ Ngộ Mai sẽ luôn được nhiều an lạc trên còn đường còn lắm chông gai này.


Như Danh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin