Chi tiết tin tức Khai mạc hội thảo quốc tế về Phật giáo châu Á và Việt Nam 20:24:00 - 08/11/2013
(PGNĐ) - Sáng 8-11, tại TP Hạ Long, Viện Triết học và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc".
Dự buổi hội thảo, về phía tỉnh Quảng Ninh có PGS.TS Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía Trung ương có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam; Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng gần 100 đại biểu là những bậc chư tôn giáo phẩm, chư vị Tăng, Ni, Phật tử, học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Các vấn đề được đưa ra tại Hội thảo lần này bao gồm: Lý luận chung về Phật giáo trong phát huy văn hoá dân tộc; các giá trị của Phật giáo phát huy trong thời hiện đại; từ quan niệm của Phật giáo nhìn nhận các vấn đề xã hội Việt Nam ngày nay; Phật giáo Việt Nam hiện đại nhìn từ góc độ tư tưởng; Phật giáo Việt Nam và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; Phật giáo Việt Nam với vấn đề giáo dục, an sinh xã hội và xây dựng văn hoá cơ sở; sức sống Phật giáo Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; lý luận và kinh nghiệm quá trình hiện đại hóa Phật giáo tại các nước châu Á; Phật giáo Việt Nam hiện đại với Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm... Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc”. Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định: Phật giáo đã có một truyền thống hơn 2.000 năm tại Việt Nam. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam vừa không ngừng bản địa hóa, vừa liên tục chuyển mình, mang tinh thần nhập thế vào xã hội và nhân sinh, góp phần phát huy bản thân và văn hóa dân tộc trong thời đại mới, có vai trò ngày càng nổi bật trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã bày tỏ vui mừng được đón tiếp các đại biểu về tham dự Hội thảo tại TP Hạ Long, đồng thời khẳng định Hội thảo quốc tế: “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc” là dịp để làm sâu sắc thêm những giá trị cao quý của Phật giáo trong việc phát huy và phát triển bản sắc nền văn hóa dân tộc.
Nói đến Quảng Ninh không chỉ nói đến một khu vực kinh tế phát triển, nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất của nền văn minh sông Hồng và những nét văn hóa đặc sắc của 22 dân tộc anh em cùng chung sống mà còn phải nói đến là một trong những thủ phủ của Phật giáo Việt Nam, trong đó có “đất thiêng Yên Tử”. Thiền phái Trúc lâm Yên Tử là phật giáo hướng nội, Phật giáo nhập thế, khai phong và vị tha. Giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm được kết tinh bởi nhiều yếu tố và kế thừa, phát huy tinh hoa của các dòng thiền trước đó. Trải qua một quá trình phát triển lâu dài, tinh thần gắn đạo với đời, đời với đạo của thiền phái Trúc lâm Yên Tử đã ăn sâu vào con người Quảng Ninh nói riêng và đóng góp cho nền văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung trong suốt chiều dài lịch sử phát triển. PGS.TS Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, Phật giáo ở Quảng Ninh đã không ngừng phát triển cả về cơ sở hạ tầng, số lượng các phật tử cũng như tổ chức các nghi thức tôn giáo; đồng thời tham gia tích cực các chương trình an sinh xã hội, nhất là công tác từ thiện cộng đồng. Trên toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 326 vị Tăng ni trực tiếp trụ trì tu học và hành đạo tại các cơ sở và có trên 150 nghìn phật tử tại gia sinh hoạt ở 230 đạo tràng, tổ, hội, phật tử tại 107 trong tổng số 152 ngôi chùa của toàn tỉnh. Trong mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, sự phát triển mạnh các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh, đặc biệt là du lịch tâm linh Phật giáo đã thu hút sự quan tâm không chỉ của du khách trong nước mà còn ngày càng có đông du khách quốc tế. Qua đó góp phần quan trọng vào việc định hướng phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Quảng Ninh nói riêng và đất nước nói chung. Hiện nay Quảng Ninh cũng đang tích cực thực hiện có hiệu quả đề án “mở rộng và phát triển khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử” theo Quyết định số 334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xây dựng Yên Tử thành một trung tâm Phật giáo-Thiền phái Trúc lâm Việt Nam; là trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cấp quốc gia; là điểm du lịch quan trọng trên tuyến Hà Nội-Hạ Long. Đồng chí khẳng định: Trong quá trình thực hiện quy hoạch này, Quảng Ninh rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân cùng bạn bè trong nước và quốc tế. Theo chương trình, Hội thảo kết thúc vào ngày 9-11. Minh Thu (Báo Quảng Ninh)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |