Chi tiết tin tức Khi người quản lý giáo dục không thành thực... 17:00:00 - 06/03/2017
(PGNĐ) - Thời gian gần đây sự kiện nóng nhất trong ngành giáo dục là việc một vị hiệu trưởng trường tiểu học ngang nhiên nói dối trước công luận. Sự việc đã gây một cú sốc và cũng để lại một sang chấn tâm lý đối với ngành giáo dục nói riêng và đạo đức con người nói chung.
Sự việc bắt đầu từ chuyện vị hiệu trưởng ấy cho chiếc xe taxi chở mình và một hiệu phó khác đi công việc về, ra lệnh cho bảo vệ mở cửa để xe chạy vào sân trường; điều này vi phạm quy định sân trường không được lưu thông các loại xe trong giờ học. Chiếc taxi chạy vào sân trường đúng lúc các cháu học sinh đang trong giờ ra chơi, một học sinh lớp 2 bị va chạm dẫn đến gãy xương đùi. Nhằm chạy tội, vị hiệu trưởng đã nói và làm gian dối, để chối tất cả những trách nhiệm cũng như hậu quả mà mình đã gây ra, dùng hết tất cả những “nghiệp vụ” có thể có được để cố giữ nguyên chức vị… Nhưng tất cả đều được vạch trần trước công luận. Giáo dục là môi trường đào tạo nhân cách con người từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Giáo dục hướng con người đến với lẽ phải và sự chân thật với chính bản thân mình cũng như cộng đồng xã hội. Việc một người quản lý giáo dục bằng cách này cách khác cố lấp liếm cho hành vi sai phạm của mình là điều không chấp nhận được. Lỗi lầm ai cũng có thể mắc phải. Nhưng dùng quyền để dối trá, lôi kéo đồng nghiệp và trẻ em theo mình, nhất là trong môi trường giáo dục, thì đó là một một “cái ác”. Trẻ em như một trang giấy trắng. Làm vấy đục lên trang giấy trắng ấy luôn ẩn chứa một hệ quả khôn lường. Hiện nay bạo lực học đường cũng như một số tệ nạn khác đang có hiện tượng trẻ hóa. Có người cho rằng đó là hình ảnh phản chiếu từ tấm gương của người lớn. Trẻ em, nếu chúng bị tiêm nhiễm bởi những tật xấu của người lớn, thì hậu quả không biết sẽ như thế nào trong tương lai. Và, khi vì vụ lợi mà bất chấp thủ đoạn, trốn trách nhiệm mà còn loanh quanh, giả dối sẽ khiến cho họ trở thành con người thiếu phẩm chất, đáng “bỏ đi”. Điều này chúng ta thấy rõ qua điều Đức Phật đã dạy Sa-di La Hầu La (*), khi vị này nói dối Trưởng lão Xá Lợi Phất lúc chơi đùa. Ngài đã dùng hình ảnh một chậu nước rửa chân, từ nước sạch thành nước dơ bẩn, từ nước nhiều đổ hết đi chỉ chừa lại chút ít, chậu nước được đổ sạch và úp ngược lại. Đạo đức con người cũng như vậy. Nếu một người biết mà nói dối, không tàm quý (hổ thẹn) về sự dối trá ấy thì cũng như nước từ sạch biến thành dơ bẩn, đáng đổ đi hết. Và tất nhiên, khi sự giả dối len vào trong tính cách con người thì hậu quả là “người ấy không có việc ác gì mà không làm”. “Sự nghiệp trồng người”, theo đó, hiển nhiên thất bại từ gốc rễ của nó - từ chính người quản lý, con người giáo dục. Đó cũng chính là lý do vì sao Đức Phật đã đưa sự không nói dối vào năm nguyên tắc đạo đức căn bản của một con người trong xã hội. Những nguyên tắc ấy vẫn còn nguyên giá trị trong bất kỳ xã hội và thời đại nào. Thích Pháp Đăng _____________ (*) Kinh Giáo giới La Hầu La - Trung bộ kinh.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |