Chi tiết tin tức Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2015) - Bài 1: Phật giáo Sài Sòn - TP.HCM: Giai đoạn chuyển giao 22:32:00 - 23/04/2015
(PGNĐ) - Hướng tới sự kiện lớn Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2015), PV Giác Ngộ tìm gặp lại chư tôn đức giáo phẩm, các vị cư sĩ lão thành trực tiếp tham dự các hoạt động của Phật giáo ngay sau khi đất nước độc lập, thống nhất.
Qua ký ức của những người trong cuộc, ở loạt bài này, chặng đường 40 năm của Phật giáo Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh được tái hiện với nhiều giai đoạn vận động, xây dựng, hội nhập và phát triển cùng thành phố và đất nước.
Chư vị tôn túc HT.Thích Trí Độ, HT.Thích Đôn Hậu, HT.Thích Minh Nguyệt, HT.Thích Thiện Hào lễ Phật tại chùa Xá Lợi trong buổi tiếp đón đại biểu Phật giáo 2 miền dự Hội nghị hiệp thương thống nhất (8-1975) - Ảnh tư liệu GN Hòa mình với vận mệnh non sông 30-4-1975 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Sau 21 năm bị chia cắt hai miền Nam - Bắc, đất nước được độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Với mỗi người dân Việt Nam, không niềm vui nào có thể sánh được. Tuy vậy, bên niềm vui lớn thì nhiều nỗi lo trỗi dậy và trên hết đó là công cuộc kiến thiết nước nhà sau nhiều năm chiến tranh với nhiều hy sinh mất mát. Hòa mình vào dòng chảy lịch sử đó, Phật giáo Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh đứng trước vô vàn khó khăn và thách thức bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Là một trong những vị giáo phẩm cao niên còn hiện hữu đến hôm nay, trải qua nhiều thăng trầm khác nhau của đạo pháp và là người chứng kiến trực tiếp bước đi của Phật giáo sau ngày giải phóng 1975, HT.Thích Hiển Pháp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN trong một lần tiếp chuyện với người viết đã bồi hồi kể về giai đoạn này. Theo Hòa thượng, dù đất nước đã thống nhất nhưng vẫn còn rất nhiều mối bận tâm mà vấn đề then chốt là chính trị và kinh tế nhưng rồi cũng đi đến được sự đoàn kết toàn dân và định hướng phát triển xã hội. Riêng Phật giáo, chư tôn túc lãnh đạo các hệ phái, Giáo hội khác nhau dường như không có động thái gì lớn mà đang chờ đợi một chủ trương. “Lúc này, sinh hoạt Tăng đoàn có phần rời rạc về mặt tổ chức vì không có một Giáo hội thống nhất của cả nước. Nội bộ Tăng Ni phần lớn hòa mình vào công cuộc tái thiết và trông chờ một điều gì đó cho sự phát triển của đạo pháp nhưng cũng có không ít vị vẫn còn hoài niệm với những gì đã có, thể hiện sự nghi ngại và lo lắng về định hướng ở tương lai”, HT.Thích Hiển Pháp thuật lại. Bổ sung thêm những gì Hòa thượng Phó Pháp chủ chia sẻ, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS cho biết trong một bài viết của mình về buổi giao thời này: “Tùy sự uyển chuyển của chư tôn đức lãnh đạo có trách nhiệm mà từng Giáo hội hoặc hệ phái hoạt động nhiều hay ít. Dù vậy, thực tế vẫn còn nhiều hoang mang dao động. Một số vị Tăng Ni hoàn tục, một số bỏ nước ra đi, một số cố gắng bình tâm phó mặc cho nhân duyên. Số còn lại nhiều hơn, tích cực hội nhập vào các phong trào góp công xây dựng đất nước thông qua các tổ chức, đoàn thể”. Theo HT.Thích Giác Toàn, thời kỳ này, Tăng Ni trẻ còn đang theo học ngoại điển lại không được mặc pháp phục tu sĩ vào trường học đã tạo ưu tư lớn trong chư tôn túc lãnh đạo bởi nghĩ đến sự kế thừa và tiếp nối khi “tre tàn măng chưa mọc”… “Tuy vậy cũng nhờ đó mà những ý tưởng về thống nhất và làm mới Phật giáo được nhen nhóm để đưa con thuyền của đạo pháp vượt ra khỏi những khó khăn nội tại, trở thành một khối đoàn kết, đầy đủ sinh lực để đồng hành cùng dân tộc”. Trong khi đó, là một trong những người lớn lên trong bối cảnh chuyển giao, NS.Thích nữ Như Lợi (chùa Vạn Thiện, Q.5) cho biết, sau giải phóng các trường học dành cho chư Tăng Ni phải tạm ngưng. Nhiều vị vì sợ có những chính sách khắt khe từ chính quyền mới nên đã ly tán nơi này nơi khác. Riêng Ni sư và một đồng đạo lúc đó chỉ là học Ni đã được đưa về miệt vùng giáp ranh biên giới Long An để canh tác nhằm tránh đi những phiền hà có thể xảy ra khi chính quyền mới tiếp quản thành phố. Một hướng đi mới
Trước yêu cầu mới của xã hội, vào ngày 7-8-1975, tại chùa Xá Lợi, một hội nghị Phật giáo với sự tham gia của chư tôn đức từ 10 tổ chức, hệ phái được tiến hành mà kết quả là hình thành nên Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM do HT.Thích Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng TP.HCM làm Chủ tịch. Trụ sở của Ban lúc đầu đặt tại chùa Xá Lợi (Q.3), một năm sau được dời về chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3). HT.Thích Hiển Pháp, lúc đó là Tổng Thư ký Ban Liên lạc, đánh giá về sự hình thành này là cần thiết và là bước đi đầu tiên để tiến tới hình thái mới của tổ chức Phật giáo. “Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM ra đời nhằm đoàn kết rộng rãi các tổ chức Phật giáo để tiến đến một chương trình hành động thống nhất cao hơn. Ở đó còn là sự phát huy truyền thống yêu nước của Phật tử Việt Nam, xóa bỏ tàn tích văn hóa độc hại, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân”, Hòa thượng nói về vai trò của Ban. Cùng nhìn nhận về vấn đề này, với tư cách là trợ lý cho Hòa thượng Chủ tịch Ban Liên lạc Thích Minh Nguyệt lúc bấy giờ, HT.Thích Thiện Xuân, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận Tân Phú cho biết: “Nhiệm vụ lớn nhất của Ban vẫn là liên lạc và siết chặt tình đoàn kết sẵn có trong các Giáo hội Phật giáo và giữa Phật giáo với chính quyền cách mạng”. Nhớ lại thời kỳ đi vận động chư tôn đức các tổ chức hệ phái tham gia thành lập Ban và tuyên truyền cổ động chư Tăng Ni, Phật tử toàn thành phố đồng hành cùng Ban chung tay xây dựng xã hội mới, HT.Thích Hiển Pháp cho rằng đó là giai đoạn “đầy khó khăn và nhiều nghi ngại”. “Một số vị ngờ vực các thành viên Ban Liên lạc, có những nơi mà khi đoàn đến lại đóng cửa không tiếp hay cố tình lánh mặt làm cho nhiệm vụ của Ban chậm đi một bước so với yêu cầu đề ra”. Không những thế, trên phạm vi thành phố, Ban đủ tư cách pháp nhân, pháp lý hoạt động trong xã hội mới nhưng trên bình diện cả nước, tổ chức này chưa thể đại diện cho Phật giáo Việt Nam. Nhưng trước yêu cầu của lịch sử, Ban đã vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia mượn đất canh tác và sản xuất, củng cố kinh tế nhà chùa; tạo nên sự đoàn kết được số đông Tăng Ni, Phật tử tại thành phố; quy tụ được số đông giáo phái và Hội Phật học cùng bước qua những khó khăn để đi tới. Và quan trọng hơn, sau 5 năm hình thành và hoạt động, Ban đã làm tròn vai trò lịch sử của mình khi kết nối được những tư tưởng lớn của chư vị tôn túc có vai trò lãnh đạo cao nhất thời bấy giờ: HT.Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN; HT.Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM; HT.Thích Thế Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất VN (miền Bắc). Đây được xem là 3 vị Hòa thượng đầu tiên trong số các Hòa thượng đại diện các hệ phái đặt nền móng cho công cuộc thống nhất Phật giáo cả nước, trong đó phải kể đến HT.Thích Trí Độ, HT.Thích Đức Nhuận, HT.Thích Đôn Hậu, HT.Thích Thiện Hào… Nhờ thế mà đến tháng 2-1980, tại TP.HCM, một hội nghị cấp cao của Phật giáo với sự tham dự đầy đủ của chư tôn túc lãnh đạo các tổ chức, hệ phái cả nước để thảo luận tình hình Phật giáo nước nhà lúc bấy giờ. Từ những tiền đề mà Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM tạo dựng và thực tiễn nội tại của Phật giáo, Hội nghị đã đi đến việc cần xúc tiến sự nghiệp thống nhất Phật giáo, đáp ứng nguyện vọng của Phật giáo đồ cả nước. Gần 2 năm sau đó, từ 4 đến 7-11-1981, Hội nghị thống nhất Phật giáo cả nước được khai mạc tại Hà Nội, mở ra trang sử mới của Phật giáo nước nhà khi tất cả Tăng Ni, tín đồ đều hội tụ dưới một mái nhà của tinh thần đoàn kết, hòa hợp. Nói về giai đoạn chuyển giao này, HT.Thích Hiển Pháp nhận định: “Sau ngày đất nước thống nhất, trước những biến đổi của thời cuộc và yêu cầu của lịch sử, dù còn nhiều nghi ngại và chưa có sự định hướng của một tổ chức Phật giáo chung nhất nhưng nhìn chung Tăng Ni, Phật tử thành phố đã hòa mình vào những bước đi mới của dân tộc, gắn bó và xây dựng xã hội mới. Trong tình hình đó, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước ra đời đã gánh vác sứ mệnh đoàn kết tập hợp Tăng Ni, Phật tử tại thành phố giữa những khó khăn và nhiều thách thức cả trong lẫn ngoài. Nhưng nhờ vào tư cách pháp nhân và sự kiên trì của chư tôn túc lãnh đạo, Ban đã hoàn thành sứ mệnh trong thời gian ngắn hiện diện của mình”. Bảo Thiên
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |