Chi tiết tin tức

Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2-9: Độc lập cho Tổ quốc là giá trị nền tảng

22:06:00 - 02/09/2020
(PGNĐ) -  Trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về nền độc lập của dân tộc, đặt nền tảng cho sự tiến bộ của đất nước.

 

thoi_khac_2_AEMN.jpg
Thời khắc lịch sử ngày 2-9-1945 trên quảng trường Ba Đình - Ảnh tư liệu TTXVN

 

75 năm đã trôi qua, thông điệp từ bản tuyên ngôn hùng hồn và giàu chất nhân văn ấy, cùng với tư tưởng và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn còn âm vang và ảnh hưởng to lớn trong đời sống, tâm tưởng của nhân dân Việt Nam.

 

Độc lập cho Tổ quốc là mệnh lệnh thiêng liêng, là trọng trách được kế thừa qua bao thế hệ, trở thành giá trị bất biến trong tiến trình vận động và phát triển của đất nước. Đó là mối dây liên kết các tầng lớp nhân dân, làm nên sức mạnh kiên cường trong các cuộc kháng chiến vệ quốc đầy gian khó. 

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1946, khi đến thăm chùa Bà Đá trong hoàn cảnh đặc biệt của một chính quyền non trẻ với muôn vàn khó khăn, tại chánh điện của ngôi cổ tự giữa lòng thủ đô này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”.

 

Với truyền thống hộ quốc an dân, Phật giáo đã hòa nhập một cách tự nhiên vào tiến trình lịch sử của dân tộc từ rất sớm. Giáo lý duyên sinh, vô ngã đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong quá trình tiếp biến văn hóa. Trong dòng vận động của lịch sử, nhà sư trở thành người thầy giữ gìn và truyền trao ngọn lửa độc lập tự chủ; nhà chùa chính là trường học nuôi dưỡng ý chí, tinh thần kiên định, vị tha. Chính từ đó, con người vượt khỏi sự ràng buộc “ngu trung” khi đất nước suy yếu và người lãnh đạo không thực sự sống đúng với tinh thần phụng sự đất nước, dân tộc mà Bác Hồ từng khái quát: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

 

Ngày nay, bên cạnh sự phát triển và hội nhập của đất nước là vấn nạn xuống cấp về đạo đức xã hội, những đại án tham nhũng, tệ nạn lạm dụng chức quyền để vụ lợi của một bộ phận lãnh đạo cao cấp ít nhiều đã làm xói mòn niềm tin trong nhân dân. Giữa bối cảnh ấy, giá trị lịch sử của sự kiện 2-9 nổi bật lên như một sự cảnh tỉnh với về vai trò, hành động của mỗi cá nhân đối với sự thịnh suy của Tổ quốc.

 

Vận nước như mây cuốn (Quốc tộ như đằng lạc) - trong mối tương quan chằng chịt của hiện thực, tầm nhìn và sự lựa chọn quyết sách của người lãnh đạo vì lợi ích cốt lõi của Tổ quốc sẽ có ý nghĩa chiến lược cho sự ổn định, như Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã gửi gắm qua bài thi kệ Quốc tộ (Vận nước) hơn một ngàn năm trước. 

 

Phật giáo có ảnh dụ “Sư tử trùng thực sư tử nhục”, đại ý rằng không ai có thể hãm hại con sư tử - chúa tể của rừng xanh, mà chính những loại vi trùng ký sinh trong thân thể là mối đe dọa sự sống còn của chính nó. Cũng vậy, lòng tham là loại ký sinh có sức hủy hoại nhân cách con người, tàn phá mọi thành tựu, là nguy cơ làm cho đất nước suy yếu, bị tác động, và lớn hơn nữa là đe dọa chủ quyền mà bao thế hệ tiền nhân đã rất gian nan đấu tranh, hy sinh bao tính mạng để tạo lập và gìn giữ.

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin