Chi tiết tin tức

Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu nói về “Thất diệt tránh” và việc vận dụng trong sinh hoạt Giáo hội

19:26:00 - 18/09/2024
(PGNĐ) -  Trong các ứng xử liên quan việc xử lý các ý kiến chưa thống nhất trong Giáo hội, chúng ta thường nghe cách thức “như thảo phú địa” (lấy cỏ lấp che mặt đất lại cho yên), hoặc 7 pháp diệt tránh (thất diệt tránh). Tuy nhiên, không ít người vẫn chưa nhận thức cũng như vận dụng phù hợp với Giới luật.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, vị giáo phẩm uyên thâm Luật tạng và kinh luận Đại thừa, nhà lãnh đạo Phật giáo, bậc Thầy của nhiều thế hệ Tăng Ni Việt Nam - Ảnh: Tư liệu chùa Từ Đàm

Với sự uyên thâm về Giới luật và kinh nghiệm lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư, đã có sự giải thích và bày tỏ quan điểm về ứng dụng các pháp xử lý phổ biến này. 

Trước thắc mắc của một số bạn đọc về các pháp diệt tránh, cụ thể là xuất xứ của cách thức xử lý "như thảo phú địa" thường gặp, xin giới thiệu cùng bạn đọc quan tâm nội dung do Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu giải thích, trích từ "Cương yếu Giới luật".

***

Thất diệt tránh là bảy cách thức chấm dứt sự tranh cãi giữa chúng Tăng. Chúng Tăng thường có 4 sự tranh cãi là:

1. Ngôn tranh: Tranh cãi về pháp tướng đúng hay sai. Do sự tranh cãi ấy mà khởi lên sự bất hòa trong Tăng chúng, gồm có 18 việc đưa đến tranh cãi.

2. Mích tranh: Do sự tìm lỗi của người khác mà khởi lên tranh cãi, nhân khi dùng ba cách cử tội là bất kiến cử, bất sám cử và bất xả cử để xét tìm tội thuộc phá giới, phá kiến hay phá oai nghi do thấy, nghe, hay nghi.

3. Phạm tranh: Tức bình luận sự phạm giới của ông Tỳ-kheo hư hay thật, đúng hay không đúng; có thật hay chỉ là sự đồn đại mà ra...

4. Sự tranh: Tranh cãi về việc kiết-ma (yết-ma, BTV) như vậy như pháp hay không như pháp. Ví dụ, việc như vậy nên bạch nhị, bạch tứ kiết-ma hay đơn bạch; bạch như vậy là đúng pháp hay phi pháp.

Ảnh tác giả

Giới luật là chỉ để giải quyết về vấn đề giới luật, còn tổ chức thì là nguyên tắc của hành chánh. Vì trong Luật có chỗ nào nói bầu Ban Trị sự đâu! Cho nên Luật nói Luật, nguyên tắc hành chánh nói nguyên tắc hành chánh thì mới không phức tạp.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Do bốn việc vừa nêu mà khởi lên tranh cãi. Muốn chấm dứt sự tranh cãi đó, phải dùng bảy phương pháp sau đây để chấm dứt sự tranh cãi (diệt tránh: chấm dứt sự tranh cãi).

1. Ưng dữ hiện tiền Tỳ-ni đương dữ hiện tiền Tỳ-ni: Hay nói tắt là hiện tiền Tỳ-ni, cũng có từ khác nữa là Diện tiền chỉ tránh luật, tức luật chấm dứt sự tranh cãi giữa hiện diện.

Hiện tiền Tỳ-ni là gì? Là có vụ tranh cãi và cần có vụ đối chất giữa hai bên A và B. Vấn đề tranh cãi ấy phải có mặt A và B đối chất nhau để giải quyết. Trong lúc hiện tiền, cần dẫn chứng lời dạy trong kinh Phật hoặc dẫn Luật để xét đoán việc tranh cãi có đúng với kinh pháp hay không đúng với kinh pháp của Phật. Đem lời pháp của Phật để giải quyết sự tranh cãi đó. 

Thí dụ: Bữa kia, có người ăn cơm không hết và sau đó đem đổ, người khác lại không có ăn nên chúng Tăng đem ra cãi nhau. Khi ấy phải dẫn kinh ra để thuyết phục: Thầy nên biết, trong phép Lục hòa có lợi hòa đồng quân, thầy không giữ phép Lục hòa, không chia cho người khác, như vậy là không đúng. Chỉ cho hai bên thấy để chấm dứt sự tranh cãi.

2. Ưng dữ ức niệm Tỳ-ni đương dữ ức niệm Tỳ-ni: Cũng gọi là ức chỉ tránh luật. Đây là Luật nhắc nhở người phạm biết mình làm, để chấm dứt việc tranh cãi. 

Ví dụ: Trong khi cãi nhau về chuyện có tội hay không có tội, trước hết phải người có tội nên nhớ lại. Vậy nên hỏi: Thầy nhớ lại thầy có phạm tội hay không phạm. Nếu thầy nhớ là thầy không phạm mà chúng Tăng cứ gạn hỏi hoài, thì thầy xin Tăng bạch tứ kiết-ma cho thầy nhớ lại (ức niệm). Từ đó cho qua, không ai được phép hỏi. Cho qua trong trường hợp thầy đó sống nghiêm túc sống đúng luật, có hạnh, có tu, sống gần thiện tri thức, chứ còn thầy đó sống bê tha, thiếu nghiêm túc... hỏi thầy, thầy nói tôi không nhớ thì không cho qua được.

3. Ưng dữ bất si Tỳ-ni đương dữ bất si Tỳ-ni: Cũng gọi là bất si chỉ tránh luật. Chấm dứt sự tranh cãi bằng bất si. Tức người phạm giới trong lúc tinh thần bị bấn loạn, bất thường, bị thần kinh, thì phải kiết-ma bất si Tỳ-ni để chờ khỏi bệnh mới đem xét để thầy sám hối, chứ bây giờ thầy đang lên cơn điên mà đem ra xét (bất si) thì không xét được. Khi nào thấy tỉnh rồi mới xét.

4. Ưng dĩ tự ngôn trị đương dữ tự ngôn trị: Cũng gọi là tự phát lộ chỉ tránh luật. Ngôn trị đây là để người đó tự nói lên cái lỗi của mình phạm mà trị. Có những lỗi tự nói lên là có thể theo đó mà xử không cần gạn hỏi, tra vấn, ép bức.

5. Ưng dữ mích tội tướng, đương dữ mích tội tướng: Cũng gọi là cư chỉ tránh luật. Tức người phạm tội không nói tội của họ ra, cứ nói quanh co, mâu thuẫn, lộn ngược lộn xuôi, nói điên đảo. Khi đó phải nêu từng tướng một thầy ấy phạm, phải lý giải tội không thể chối cãi của thầy ra để bắt thầy nhận tội. 

Ví dụ tội ăn cắp. Khi hỏi thầy có ăn cắp không, thầy ấy chối và nói không ăn cắp. Bây giờ chúng Tăng phải trưng bằng chứng: bữa đó tới chỗ đó, khi thầy đi ra người ta mất đồ. Bữa trước thầy không có tiền, nay thầy lấy tiền đâu mà mua cái này, sắm thứ nọ, vậy tiền đâu thầy có?... Phải trưng bằng cớ để xét tội ăn cắp của vị ấy. Người bị như vậy phải phạt tội suốt đời, không cho vị ấy làm 8 việc như độ người xuất gia, nhận nuôi người, làm y chỉ...

6. Đa nhân mích tội, ưng dữ đa nhân mích tội tướng đương dữ đa nhân mích tội tướng: Cũng gọi là triển chuyển chỉ tránh luật, nghĩa là Luật ngăn dứt tranh cãi bằng cách triển chuyển. Triển chuyển là thế nào? Tức là hai bên tranh nghị nhau mãi, không làm sao giải quyết được hết. Vậy bây giờ tập trung các vị Tăng hữu đức lại mà thẩm định tội đó, lấy ý kiến đa số, phạm như thế nào thì y như vậy mà xử.

7. Ưng dữ như thảo phú địa đương dữ như thảo phú địa: Hoặc gọi như khí phấn tảo chỉ tránh luật. Luật chấm dứt sự tranh cãi y như vứt miếng vải rách. Câu này có hai cách cắt nghĩa:

a. Khi hai bên đều tỉnh lại cả, hai bên đều nhận lỗi cả, thì lỗi đó đều bị vứt đi như miếng vải rách vứt xuống đất.

b. Hai bên đều có lỗi (lỗi nhẹ), lỗi tùm lum, nếu khươi ra thì nó lắm chuyện, không làm sao xử được. Thôi thì như lấy cỏ lấp đất trên mặt cho yên, hoặc như thảo phú địa.

Đó là thất diệt tránh.

Còn trong đời sống chúng ta hiện giờ, có một số việc nó đi ra ngoài, tuy không phạm Kinh phạm Luật gì lắm. 

Ví dụ: Tổ chức Giáo hội, tổ chức đoàn thể mà cãi thì đem Giới luật nào để xử? Khó lắm! Cho nên ta phải biết, khi nói về Giới luật, chúng ta đem giới luật để nói, còn khi nói về Giáo hội, tổ chức hành chánh thì ta đem Giáo hội, tổ chức hành chánh để nói, không hẳn đem Giới luật ra mà nói được. 

Tỉ dụ như chuyện thọ giới. Chúng Tăng truyền thọ Cụ túc khi yết-ma thì không cho Ni, cư sĩ dự vào. Nhưng mở một Đại hội Phật giáo gồm cả Tăng, Ni, cư sĩ, bầu Ban Trị sự, giải quyết một việc gì trong Ban Trị sự không có Ni, không có cư sĩ không được. 

Nói Giới luật là chỉ để giải quyết về vấn đề giới luật, còn tổ chức thì là nguyên tắc của hành chánh. Vì trong Luật có chỗ nào nói bầu Ban Trị sự đâu! Cho nên Luật nói Luật, nguyên tắc hành chánh nói nguyên tắc hành chánh thì mới không phức tạp.

Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin