Chi tiết tin tức Ánh sáng từ câu Kinh Phật 10:16:00 - 14/01/2014
(PGNĐ) - Đức Phật dạy: “Cổ xe trắng tinh đẹp nhất có thể ví như Niết Bàn. Các con tuấn mã ví như tinh tấn và trí tuệ. Biết hổ thẹn và sợ tội lỗi ví như cái thắng. Nhẫn nại và từ bi giống như áo giáp. Thiền định và nguyện lực ví như bánh xe. Cuối cùng quả vị giải thoát là màu trắng tinh khiết của chiếc xe đẹp nhất, vết bẩn không còn tồn tại vì được người phu xe siêng năng, chuyên cần giữ gìn sạch sẽ”. (Kinh Tạp A Hàm)
Tụng kinh một lần, hai lần hay hằng trăm ngàn lần, nhưng duyên sự đi đến chùa vì cầu khẩn, vì tìm kiếm danh lợi mà không mong cầu tu học hay giác ngộ, điều đó thật phí đi thời gian ngắn ngủi của một đời người. Người đó sẽ không thấy được ý nghĩa thâm sâu trong lời kinh Phật.
Nếu chuyển tâm van xin cầu khẩn ích kỷ của một phàm phu, trở thành tâm của một hành giả trên đường đi tìm giác ngộ, quyết tâm mong giải thoát vòng sanh tử luân hồi, con người phải biết dụng tâm và năng lực vào nghiên tầm kinh điển tu học, chắc chắn sẽ thấy được ánh sáng trí tuệ từ câu kinh Phật. Mọi người đều có quyền thừa hưởng kho báu trí tuệ đó. Chìa khóa kho báu vô giá nằm trong tay ai cũng có, chỉ cần bước thêm bước nữa, để mở cánh cửa trí tuệ bát nhã. Đó chính là con đường duy nhất đưa đến giác ngộ và giải thoát.
Đức Phật là bậc đạo sư. Kinh sách ghi lại những lời Phật dạy. Ngài chỉ cho con đường vượt ra khỏi khu rừng vô minh tối tăm đầy cạm bẩy. Hành giả là người phải tự bước đi bằng chính đôi chân của mình. Sai lầm nặng nề nhất của người tu là ngồi chờ kỳ nhân, mong cầu tha lực, trông chờ phép lạ. Đức Phật cũng là vị lương y đại tài có thể chữa hằng ngàn tâm bệnh của chúng sanh bằng hằng vạn toa thuốc trị tâm bệnh. Chúng sanh cần phải tự uống thuốc và thực hành theo lời dặn, chứ không chỉ tụng đọc toa thuốc mà có thể khỏi bệnh được.
Lợi ích của kinh Phật, chuyển hóa con người từ phàm phu, mê mờ, ích kỷ, thành người trí sáng suốt. Người tu khi giác ngộ Phật Pháp, sẽ tự giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, giải đáp mọi nghiệp duyên xảy ra trước mắt.
Sống trong đời, không phải lúc nào cũng có thảm đỏ trải dưới chân cho bước đi được dễ dàng. Con người phải tự lo cho bản thân có đôi giày an toàn bền chắc, để chống chọi với nghịch cảnh và vượt qua chông gai.Đó chính là trí tuệ, là tâm sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh.
Cũng vậy, người tu dù xuất gia hay tại gia đừng tự dễ dãi với chính mình, đừng để danh lợi lôi kéo vào con đường mù mịt tối tăm không lối thoát. Niềm tin chánh tín vào lời dạy của chư Phật, chư Tổ đã chứng đạo và luôn giữ chánh niệm, dùng công phu “phản quan tự kỷ” nhìn lại chính bản thân.
Đó là cơ hội để có thể tự khắc phục, chuyển đổi phiền não của vọng tâm, nguyên nhân gây ra tội và nghiệp, thấy được thực tế rất chân thật “ta là ai? tốt xấu như thế nào?” để biết đường mà tu.
Nếu không hiểu lời Phật dạy làm sao có sự sáng suốt, tu như thế nào là đúng sai, dễ rơi vào tà tín, tà pháp và tà đạo. Người tu cũng không thể hướng dẫn người khác đúng chánh pháp. Tai hại là ở điểm này: người tu đi sai đường, phổ biến tà pháp, sẽ hướng dẫn rất nhiều người cùng lạc vào tà đạo.
Một số ngôi già lam biến thành chỗ buôn thần bán thánh, xin xăm bói quẻ, tượng Phật bị người đời xem như thần linh, có thể ra oai tác phúc. Đạo Phật mất đi ý nghĩa của đạo giác ngộ giải thoát.
Người đời nhìn hình ảnh các vị tu sĩ xuất thế gian đáng kính trở thành mấy ông thầy tụng, kinh Phật trở thành kinh tụng đám tang. Khi gặp tu sĩ, người đời có cảm giác như xui xẻo và chết chóc. Tất cả đều do người tu không có chánh kiến, chánh tín và không biết thực hành Bát Chánh Đạo.
Bát Chánh Đạo gồm có:
- Chánh kiến là kiến thức thấy biết đúng, hiểu rõ vô thường, nhân quả.
- Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chánh, không trái với chân lý và lẽ phải.
- Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không nói những lời thô ác, dối gạt.
- Chánh nghiệp là hành vi chân thật, không làm những việc gây ác nghiệp.
- Chánh mạng là nếp sống chân chánh, không làm những nghề bất thiện.
- Chánh tinh tấn là chuyên cần trì giới, tu hành, không lười mỏi.
- Chánh niệm là hiểu rõ việc đang nghĩ, đang nói và đang làm.
- Chánh định là tâm bình tĩnh thản nhiên, không còn si mê loạn động.
Thích Nữ Chân Liễu – http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |