Chi tiết tin tức

Chuyển hóa ngạo mạn

08:41:00 - 21/06/2015
(PGNĐ) -  Nhận ra mình không nghĩa lý gì với kho tàng kiến thức của nhân loại, so với đức hạnh cao vời của tiền nhân...  

Trong đà phát triển xã hội hiện nay, không ít người được trang bị với bao nhiêu văn bằng kiến thức học vấn. Thế nhưng, khi bước vào thực tế của cuộc sống mưu sinh thì có trường hợp không trụ nổi một chỗ và bị nhiều người tìm cách cô lập cho dù họ có chuyên môn, quyền chức. Có thể vì quá hãnh tiến nên xem thường người khác và tự cho mình là “trung tâm”, đem chút kiến thức có được mà so kè đánh đố trình độ người khác cho dù người ấy đáng tuổi cha ông. Ấy là kẻ sanh lòng ngạo mạn, chấp ngã, tự thị, đố kỵ, xem người khác không bằng mình hoặc tự cho mình là kẻ “sinh không cùng thời” và kẻ khác bên mình là loại người “ngồi không đúng chỗ” để đau khổ kiểm điểm lại cái ngã của mình xem nó là cái giống gì mà khiến mình đau khổ đến thế!

Ông bà xưa có nói về dạng người ngạo mạn này với câu: “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Họ tưởng mình học cao, là lãnh đạo thì đứng trước cấp dưới thậm chí kẻ ngang hàng cũng chẳng có gì để học hỏi. Thật sai lầm vì vốn kiến thức mà họ có được chẳng qua là sự sao chép cập nhật kinh nghiệm của người đi trước như chiếc ô-tô đang chạy mà cứ bảo do mình sáng chế, ngôn ngữ kia do mình đặt ra. “Tôi sẽ thế này, tôi sẽ thế kia”. Biên kiến đầy dẫy, tưởng mình là nhất, đặt đời vào thế “mục hạ vô nhân”.

Ngạo mạn là kiêu ngạo đến mức hỗn xược. Vì ngạo mạn mà phát sinh tâm phân biệt nghèo hèn thiểu học với tài năng giàu có, tự đào cho mình một hố sâu tội đồ vô minh chẳng biết hổ thẹn là gì để cứu lấy mình mà thêm cạn cợt về thương yêu với người. Vì ngạo mạn mà cách hành xử giữa người với người có nhiều bất công, chia rẽ.

Có thể vì nghiệp lực nặng nề, dục vọng che lấp tâm trí? Ngạo mạn là nguyên nhân của ngu muội và sẽ chuốc lấy thất bại thất thoái chính mình. Kẻ ngạo mạn khi hành sự luôn lấy bản thân làm trung tâm, coi mình là cái đinh của thiên hạ, là đại hộ pháp mà thực chất chỉ quẩn quanh bên ngũ uẩn vô thường thậm chí than thở “mình chẳng giống ai… thôi thì”.

Phật dạy: “Kiêu căng mất phước”. Việc đáng làm không làm, việc không đáng làm lại làm, những người phóng túng ngạo mạn, thì lậu tập mãi tăng thêm (Kinh Pháp cú). Kinh Hoa nghiêm cũng đề cập về ba chướng ngại to lớn của con người là ngạo mạn, tật đố và tham dục. Vì thế, huân tập từ 5 giới cấm, người Phật tử tại gia tập cho khẩu nghiệp của chính mình được trong sạch. Không dối trá, không buông lời thô tục độc ác, không nói lời làm tổn thương danh dự người khác, không thêm bớt, bịa đặt, nịnh nọt,  gây chia rẽ làm mất đoàn kết trong quan hệ quyến thuộc, bạn bè hay bạn đồng tu. Chính vì ngạo mạn mà phát khởi ác tâm ác khẩu, chỉ nghĩ đến bản thân mình và thậm chí tự cho mình cao thâm hơn cả thầy. Chính cái ngã mình thương yêu tôn vinh nó mà mình chẳng chịu thua kém ai (ái ngã) nên sinh ra nhiều đau khổ, ganh ghét đố kỵ người. Thật tình mà nói, chịu nhận mình thua kém người khác không phải dễ dàng gì! Đơn giản, nhìn thấy người dễ hơn là nhìn thấy mình.

Trong kinh Thủ lăng nghiêm (quyển 9) có liệt kê ra 7 mạn:

1. Mạn: Hơn ít mà tưởng hơn nhiều, cho mình là hơn và tỏ vẻ khinh khi đối với người thua kém mình.

2. Ngã mạn: Ỷ mình tài giỏi, khinh thường lấn lướt kẻ khác.

3. Tà mạn: Vì chấp trước tà kiến, cúi mình theo pháp tu tà, sai lầm nhưng vẫn cho mình là đúng, nên chẳng kính trọng Tam bảo.

4. Quá mạn: Tự chấp hơn hoặc thua mà cho là bằng với người bằng mình hay đối với người hơn mình.

5. Mạn quá mạn: Thua nhiều mà tự cho là hơn, quyết giành lấy phần hơn dù biết mình thua kém vì cho mình vẫn hơn người ấy.

6. Tăng thượng mạn: Chưa chứng đạo mà tự cho chứng đạo rồi khoác lác hô hào.

7. Ty liệt mạn: Thua nhiều mà cho là thua ít hoặc không thua. Khiêm tốn giả dối nói là mình kém hèn nhưng tự cao, đem lòng không phục.

Như chuyện về Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) anh ruột của A-nan, là anh em chú bác của Thái tử Tất-đạt-đa (Đức Phật), vì không loại bỏ được tâm ngạo mạn và sự tàn bạo của mình mà đã phạm phải những tội lỗi khi mấy lần thực hiện ý đồ hãm hại Phật, chế giới luật nhằm chia rẽ Tăng đoàn, giảm uy tín người anh cũng là vị Thầy của mình. Do ganh ghét, Đề-bà-đạt-đa thường đặt ra trong đầu một lô câu hỏi. Chẳng hạng như “Tại sao đồng bạn hay vâng lời Phật mà không vâng lời mình? Và tại sao đối với những người ấy, luôn luôn chỉ có Phật mới là người giỏi nhất? Sao không thấy rằng Đề-bà-đạt-đa này cũng là kẻ xuất sắc như ai?”. Vì những tội lỗi đã gây ra, Đề-bà-đạt-đa tự đóng cửa nhơn thiên để bị sa vào địa ngục A-tỳ.

Để tránh được sự ngã mạn tự kiêu thì người Phật tử cần phải học đức tính khiêm hòa. Nhờ đức tính khiêm hòa mà việc tu hành của mình dễ dàng tiến bộ. Sống với tâm khiêm hòa, đời sống mình sẽ phù hợp với đạo lý chân thật, gia đình sẽ êm ấm an lạc, mọi người đều hoan hỷ hòa đồng, lấy tôn trọng và yêu thương mà đối đãi. Và, chỉ khi nào ý thức được tính tàm quý của mình, sống có chánh niệm, thì lúc ấy mới nhận ra “cái tôi chẳng là gì cả”, bấy giờ tinh thần lục hòa mới rõ bày làm tiêu tán đi cái ý nghĩ “mặc-kệ-nó”.

Đức Thế Tôn từng khuyến cáo, nếu trần gian này không có tàm quý thì chỉ có “con” mà không có “người”.

Mục tiêu tranh đấu của người Phật tử là diệt tham, sân, si, mạn, nghi và các biến tướng từ những tâm sở bất thiện. Tối sáng, có không, ác thiện chỉ nằm trong khoảnh khắc úp ngửa bàn tay… Tu sửa trong từng sát-na, tĩnh lặng mà nghe thấy suy xét lòng mình thử hỏi.

Người nhận mình là một Phật tử, trước hết phải giảm dần và tẩy xua lục dục cho đến khi sạch trong, khoác áo tịnh thiền siêng năng giáo lý Phật-đà mà từng bước thoát khỏi vòng vô minh. Muốn được như vậy thì bỏ tính kiêu mạn, không tự khen mình mà chê bai kẻ khác. Nếu không như thế sẽ vấp vào hố hầm sở tri chướng, đem chút vốn liếng nhỏ mà khoe người. Đó cũng là một cách sửa mình cũng là một cách cứu mình. Đọc lại câu chuyện dân gian kể về người bắn cung và người rót dầu vào lỗ đồng tiền, kỳ thật thì chẳng ai hơn ai khi đó là một thao tác được tập thành nhiều.

Trong phút giây bất chợt nào đó, soi lại mình, ngẫm tưởng lời Phật dạy “chúng sanh là Phật sẽ thành”, ai cũng có một Đức Phật trong tâm. Ta chỉ cần nhận biết và kính trọng mọi người, biết khiêm hạ tôn kính nhún nhường để tìm thấy một ngọn đèn sáng trong tâm họ và để thấy mình chẳng hơn gì người ấy mà cảm nhận sự công bằng gần gũi cảm thông đồng thời sẵn lòng tha thứ tha nhân nếu họ mắc lỗi lầm và cũng vì họ mà mình kiên trì tu tấn hơn.

“Thuở quá khứ, tiền thân Phật là Thái tử Tu-đại-noa nguyện tu hạnh bố thí bất nghịch như ý. Đề-bà-đạt-đa đến xin tất cả, xin luôn cái đầu của thái tử. Trong tâm niệm thánh thiện nhất, việc làm của Đề-bà-đạt-đa đã nâng tâm của thái tử lớn đến độ cao nhất, thành tựu pháp bố thí Ba-la-mật. Phải có người làm hạnh ác như Đề-bà-đạt-đa đến xin mới có dịp bố thí, tạo môi trường cho Bồ-tát hành đạo”. (Lược giải kinh Pháp hoa - HT.Thích Trí Quảng).

Nơi đây một mình, niệm câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, lắng lòng chiêm ngưỡng hơi thở nhẹ nhàng trôi đến đâu trong thế giới an lành riêng mình đến khi thả tiếng chuông đồng xả buông phiền não, khoan khoái đứng dậy và nhận ra mình không nghĩa lý gì với kho tàng kiến thức của nhân loại, mình không nghĩa lý gì so với đức hạnh cao vời của tiền nhân, mình chỉ là hạt bụi trong cõi tịnh Như Lai. 

Xin mượn một đoạn sau đây để kết thúc bài viết: “Không ồn ào khoa trương mà dung dị hòa ái, đức tính khiêm cung như viên ngọc tâm hồn làm thăng hoa mọi nếp nghĩ, sáng trong ngay ở cách nhìn. Mới hay kính trọng người là kính trọng mình. Năng lượng của Bồ-tát Thường Bất Khinh trong mỗi con người sẽ đưa chúng ta đi xa hơn, nâng chúng ta lên cao hơn trên lộ trình trở về cảnh giới giác ngộ”. “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật”. (Kinh Pháp hoa - phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát).

Thục Độ

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin