Chi tiết tin tức

Giới luật và mạng mạch Phật giáo

09:03:00 - 05/07/2022
(PGNĐ) -  Người xuất gia chính là những hành giả phát tâm đại nguyện theo tinh thần Bồ tát “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Quan trọng nhất là học và hành trì về giới luật, giới luật là bước đi đầu mang nền tảng vững chắc giúp hành giả không rơi vào giới cấm thủ. Những điều giới luật mà Thế Tôn thuyết ra nhằm duy trì mạng mạch của Tăng già, vì hạnh phúc an lạc cho tất cả chúng sanh. Vì thế, hành trì giới luật là thực hành một nếp sống khuôn mẫu phạm hạnh, là chuẩn mực đạo đức của Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung.

NỘI DUNG CỦA CÁC LOẠI GIỚI LUẬT

Mục đích của giới luật là giúp cho hành giả thanh tịnh thân, khẩu, ý và đạt được bốn quả vị Thánh. Mặc dù, giới luật chỉ nhằm vào một mục đích, nhưng tự thân của giới được phân thành nhiều loại khác nhau. Trước hết theo các nhà Phật học Bắc truyền, giới được phân thành ba loại: Nhiếp luật nghi giới: Còn gọi là biệt giải thoát luật nghi, gồm cả giới tại gia cũng như xuất gia. Đó là Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập giới, Cụ túc giới… Nhiếp thiện pháp giới: Nghĩa là lấy việc thực hành các điều thiện làm giới. Nhiêu ích hữu tình giới: Nghĩa là lấy việc làm lợi ích chúng sinh làm giới.

Sau này, do thấy mối liên hệ biện chứng của ba pháp Giới – Định – Tuệ, các Luận sư nêu lên một cách phân chia khác: Biệt giải thoát giới: Bao gồm ý nghĩa của nhiếp luật nghi giới. Định cộng giới: Lấy Định (samadhi) làm Giới; nghĩa là do tu tập thiền định mà thân tâm hành giả đoạn trừ được các lậu hoặc, thân tâm thanh tịnh; Giới thể được cụ túc và giải thoát là do định sinh. Đạo cộng giới: Lấy Tuệ (panna) làm nền tảng cho Giới; nghĩa là do tu tập vô lậu nghiệp (anasrava-kamma) được trí tuệ vô lậu. Giới thể viên mãn và có được giải thoát là do Tuệ sinh.

Có thể thấy, Giới – Định – Tuệ luôn đan xen với nhau; cả ba được ví như chiếc kiềng ba chân. Khi một pháp được hành trì, hai pháp còn lại cũng ẩn tàng trong đó. Đây là ba thành tố không thể thiếu trên con đường giải thoát do Đức Phật đã khám phá. Bất cứ ai muốn đoạn tận khổ đau, có một cuộc sống an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tại đây, cuối cùng đạt được giải thoát sinh tử thì phải kinh qua con đường này.

NỘI DUNG CỦA GIỚI BỔN

Giới bổn bao gồm hai phần

Bhikhu-pàtimokkha dành cho Tỳ kheo và Bhikhuni-pàtimokkha dành cho Tỳ kheo Ni.

Pātimokkha có nghĩa là sự thoát khỏi những trói buộc, hay phiền não của cuộc sống và đưa đến sự chứng ngộ Niết bàn. Theo giáo lý Phật giáo, sự thanh tịnh của một người tuỳ thuộc vào các việc làm tốt (thiện nghiệp) được người ấy thể hiện qua thân, khẩu, ý. Giới bổn Pātimokkha giúp hàng Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni thực hành những thiện nghiệp và tránh xa mọi hành động xấu, ác (bất thiện nghiệp) của thân, khẩu, bởi các bất thiện nghiệp sẽ đưa người ta đến cảnh giới khổ đau; trong khi ấy các thiện nghiệp sẽ dẫn con người đến trạng thái an lạc và cuối cùng chứng đắc Niết bàn. Chức năng của Giới bổn Pātimokkha là vô cùng quan trọng đối với nếp sống của người xuất gia. Do vậy, Pàtimokkha thường được xem là thuốc chữa bách bệnh cho các Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni.

Giới bổn Pàtimokkha gồm các giới điều cùng với những hướng dẫn về phương pháp sám hối, đối với một số giới điều mỗi khi hành giả vi phạm. Bhikhu-pàtimokkha gồm 227 giới (theo truyền thống Theravada – Thượng Toạ Bộ) hay 250 giới (theo truyền thống Mahayana – Bắc truyền). Trong khi ấy, Bhikhuni-pàtimokkha gồm 311 giới (theo truyền thống Theravada) hay 348 giới (theo truyền thống Mahayana). Theo luật định, hai chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni phải tụng đọc giới bổn này hai lần/tháng. Sự tụng đọc Patimokkha nhằm hai mục đích: Thứ nhất, giúp Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni nhớ lại toàn bộ giới điều đã thọ nhận. Thứ hai, tạo cơ hội cho các thành viên của Tăng già nhận biết được các lỗi lầm mà họ có thể phạm (nhưng không tự xác định), trong khi giới bổn được tụng đọc, để thành tâm phát lồ sám hối.

NỘI DUNG CỦA LUẬT (VINAYA)

Để điều chỉnh, sắp xếp hợp lý và thích đáng cho cuộc sống đoàn thể của một cộng đồng, Tăng già phải tồn tại như thế nào cho đúng chân nghĩa, cần phải có những nguyên tắc, điều luật nhất định, tức phải thực thi Tăng già yết ma (samgha-kamma) một cách nghiêm túc. Đây là điểm giới luật vô cùng quan trọng đối với tồn vong, hưng thịnh của Tăng già. Samgha-kamma, Hán dịch là “tác pháp biện sự”, thường được các vị Giới sư Trung Hoa giải thích “Vạn sự do tư thành biện cổ”, nghĩa là tất cả công việc của Tăng già đều dựa vào đây mà thành tựu viên mãn. Để phân biệt hành vi của cá nhân và tập thể, từ kamma thay vì dịch là “nghiệp” tức hành động có tác ý; các vị giới sư chỉ phiên âm là “yết ma”, hay nói cho đủ là “Tăng già yết ma” tức hành vi của Tăng hay sự biểu quyết của Tăng. Nói như vậy nhằm phân biệt hành vi của các tập thể hay tổ chức thế gian khác với hành vi của Tăng già, tức tập thể các vị xuất gia.

Trong các tổ chức xã hội, khi cần có một quyết định chung, những người tham dự biểu quyết phải hội đủ một số điều kiện cần thiết để xác định tư cách của thành viên, những điều kiện để tạo nên tư cách lại căn cứ vào chức năng của cá nhân ấy trong quan hệ tập thể. Ở phạm vi Tăng đoàn, thành phần là Tỳ kheo với yếu tố xác quyết tư cách không chỉ là chức năng mà còn là phẩm chất. Vì thế, sự thanh tịnh của mỗi Tỳ kheo qua việc tuân giữ các điều giới của Pātimokkha chính là bản chất của vị ấy. Đây là nét riêng biệt của Phật giáo.

Theo Yết Ma Yếu Chỉ, dựa trên tác nhân để phân chia, có ba loại yết-ma:

a. Tâm niệm yết ma

Nghĩa là tự mình nghĩ và nói ra trước bàn thờ Phật, mà không cần phải có người thứ hai chứng kiến. Loại này được áp dụng cho những công việc như tâm niệm bố tát, tâm niệm tự tứ.

b. Đối thú yết ma

Là sự tác pháp giữa hai hoặc ba vị Tăng. Một người nói, một hay hai người còn lại lắng nghe.

c. Tăng pháp yết ma

Chủ yếu có ba loại:

Đơn bạch hay bạch nhất: Nghĩa là chỉ một lần tác bạch (tuyên bố) lý do công việc cần phải làm giữa Tăng (Tăng sự) thì việc làm ấy liền thành tựu.

Nhị bạch: Nghĩa là một lần tuyên bố, một lần yết-ma (biểu quyết) thì Tăng sự mới thành tựu.

Bạch tứ: Là một lần tuyên bố, ba lần biểu quyết thì Tăng sự mới thành tựu.

Theo thống kê của Yết Ma Yếu Chỉ, có 44 pháp thuộc đơn bạch yết ma. Thông thường bản chất công việc trong 44 pháp vốn đơn giản, chỉ cần một lần tuyên bố cho Tăng biết là đủ. Bạch nhị yết ma có tất cả 73 pháp. Các Tăng sự này có tầm quan trọng hơn lần thứ nhất, vì vậy sau khi tuyên bố xong cần phải có sự biểu quyết thuận của chúng Tăng. Trong khi ấy, bạch tứ yết ma có 39 pháp. Đây là trường hợp của những Tăng sự quan trọng nhất và các Tăng sự này chỉ thật sự thành tựu sau một lần tuyên bố và ba lần quyết thuận của chúng Tăng.

Như vậy, Tăng già yết ma là các quyết định của Tăng đoàn căn cứ trên nền tảng của sự thanh tịnh và hoà hợp, bao gồm những nguyên tắc đòi hỏi phải tuyệt đối tuân thủ và được áp dụng tùy theo đối tượng của việc làm với mục đích là duy trì và phát triển những hoạt động của Tăng già theo chiều hướng thanh tịnh và hoà hợp. Tóm lại, những điều này cũng không nằm ngoài bài kệ mà Đức Phật đã dạy:

“Không làm các điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Tâm ý giữ trong sạch

Chính lời chư Phật dạy”.

(Pháp Cú 183)

TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIỚI LUẬT

Giới luật duy trì mạng mạch

Giới luật mà Đức Thế Tôn chế ra là “Tùy phạm tùy kết”. Nghĩa là nhân có người vi phạm, Phật mới chế. Giới điều đó có thể thay đổi uyển chuyển theo thời gian và từng quốc gia. Thế Tôn ra đời vì mục đích giải thoát cho chúng sinh khỏi sinh tử luân hồi nên giới luật của Ngài hoàn toàn không mang tính chất cưỡng chế. Ngược lại, đều vì lợi ích an lạc, giải thoát cho tất cả.

Giới là nền tảng của đạo Phật, vì duy trì, tồn tại và phát triển của chánh pháp luôn tuỳ thuộc vào sự hiện diện của giới luật: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, giới luật còn thì phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp cũng hoại diệt”. Giới luật được xem là hiện thân của Đức Phật, là bậc thầy tôn kính, là người hướng đạo cho Tăng già kể từ khi Đức Phật diệt độ. Do đó, giới luật đóng vai trò quan trọng và then chốt trong nếp sống của người xuất gia. Đức Phật dạy: “Giới là nền tảng của bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy bồ đề phần và tám thánh đạo phần. Ví như đất là nền tảng, không có nó thì các loài động vật không thể di chuyển. Cũng thế, không có giới thì 37 phẩm trợ đạo không thể được tu tập viên mãn” [17, tr.319].

Đạo Phật có vô lượng pháp môn để tu, đối trị vô số phiền não, nhưng tất cả thâu tóm trong 37 phẩm trợ đạo, là con đường duy nhất đưa hành giả từ phàm phu lên bậc thánh. Trong 37 phẩm trợ đạo, giới là nền tảng của tất cả pháp môn. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Niết bàn lấy giới làm nền tảng, đạo vô thượng bồ đề lấy giới làm gốc, là chiếc phao nổi cho người qua bể khổ”. Giới sản sinh mọi công đức lành cho chính tự thân người hành trì và đem lại an tịnh lợi lạc cho những người xung quanh. Đức Phật giải thích, nếu một Tỳ kheo thiện xảo trong giới luật, chắc chắn sẽ thành tựu 7 đức tánh: “Biết vi phạm; biết không vi phạm; biết phạm nhẹ; biết phạm nặng; cả hai Giới bổn được khéo truyền lại một cách rộng rãi, khéo điều chỉnh, khéo phân loại, khéo quyết định; bốn thiền có được không khó khăn, không mệt nhọc, không phi sức; do đoạn trừ các lâu hoặc tự mình với thắng trí, ngay trong hiện tại, chứng ngộ, chứng đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát” [19, tr.84]. Giới luật có chức năng vô cùng quan trọng đối với người xuất gia. Chính giới luật là thước đo nhân phẩm đạo đức của mỗi người xuất gia trong Tăng già. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Người trì giới được Long, Thiên ủng hộ, ngoại ma kính sợ. Người phá giới thì quỷ gọi là đại tặc, đi đến đâu thì quỷ quét hết dấu chân”.

Vì thế, trong cuộc sống thường nhật, nếu người xuất gia thiếu uy nghi sẽ khiến người đời tị hiềm, sinh tâm khinh thường. Huống chi người xuất gia không giữ giới hạnh, phạm trai phá giới, chẳng những bị bạn đồng tu xa lánh, long thiên hộ pháp không hộ trì, lại bị người đời phỉ báng, phá đi chánh kiến của người Phật tử, làm cho nhiều người xa lánh Phật pháp, ảnh hưởng đến uy danh, cũng như sự tồn vong chánh pháp. Người phá giới có năm tội lỗi:

(1) Tự hại mình;

(2) Bị người trí khiển trách;

(3) Tiếng xấu lan tràn;

(4) Khi sắp mạng chung tâm hối hận;

(5) Chết rồi đọa vào đường ác.

Cho nên, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn, được chế ngự với sự chế ngự giới bổn, hãy sống đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp, đã sống đầy đủ giới, vậy không có gì cần làm thêm nữa” [7, tr.451-452].

Như vậy, năng lực của giới là thành trì vững chắc ngăn chặn các lậu hoặc phát sinh từ thân, khẩu, ý. Luận đại trí độ nói: “Người nào muốn cầu sự lợi ích lớn, thì trước hết phải kiên trì tịnh giới như ngọc báu, như giữ thân mạng, vì giới là chỗ an trú của tất cả thiện pháp. Người trì giới đến khi mạng chung dù bị gió đao róc xé thịt xương gân mạch rút đứt, nhưng tâm vẫn không sợ hãi” [18, tr.14].

GIỚI LUẬT LÀ CHUẨN MỰC CHO NẾP SỐNG PHẠM HẠNH 

Để làm chuẩn mực cho nếp sống phạm hạnh Đức Phật dạy chúng ta hãy trang bị cho mình bằng những giới hạnh, khoác nên mình bằng chiếc áo giáp thiền định và hãy chuẩn bị cho mình một hành trang trí tuệ. Vì: “Đây là giới, đây là định, đây là tuệ. Định cùng tu với giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu” [4, tr.570]. Đức Phật khẳng định tầm quan trọng của Giới – Định – Tuệ; giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ mật thiết với nhau. Chính giới luật ngăn ngừa các tội lỗi phát sinh từ thân, khẩu, ý đưa đến thân tâm an định, khi tâm vắng lặng không vẩn đục thì ánh sáng trí tuệ xuất hiện, sẽ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc chứng thánh quả. Đó cũng chính là nếp sống phạm hạnh của người xuất gia.

Vậy nếp sống phạm hạnh (Brahmacariya) hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống thanh tịnh, hành động thánh thiện, hay nguyên tắc của cuộc sống độc thân để đảm bảo nền tảng vững chắc cho lý tưởng giải thoát. Đời sống này còn có ý nghĩa là tinh tấn thực hành, là sự nỗ lực liên tục để đối trị lại mọi sự khát ái, dục thủ và bất tịnh để hướng đến một đời sống thanh tịnh tuyệt đối. Mục đích của đời sống này nhằm đoạn trừ tất cả bất thiện pháp, những phiền não do tham, sân, si tạo ra từ vô thỉ kiếp về trước, từ đó làm động lực thúc đẩy cho sự tu tập giải thoát giác ngộ.

Đời sống phạm hạnh của một người xuất gia luôn dựa trên nền tảng giới luật, đối lập với cuộc sống thế tục, vốn luôn hàm chứa những yếu tố dục vọng và khổ đau. Đời sống phạm hạnh đó cần hội đủ hai yếu tố. Về hình thức, vị ấy từ bỏ gia đình, sống độc thân, không bà con quyến thuộc, cạo bỏ râu tóc, từ bỏ mọi thứ dục vọng mà một người bình thường được thọ hưởng, sống theo Pháp tứ y (Tứ Thánh chủng) của người xuất gia. Về nội dung, vị ấy hành trì đầy đủ giới luật, tinh tấn tu tập thiền định và trí tuệ. Vị ấy thuần thục trong chánh pháp của Đức Phật, từ bỏ các ác pháp và thực hành các thiện pháp để tăng tiến trên đời sống giải thoát của mình. Để thành tựu mục đích đời sống phạm hạnh, hành giả phải thực hành theo nếp sống mẫu mực trọn vẹn của một Thánh giả A-la-hán, bao gồm bốn sự thanh tịnh dưới đây: “Sự thanh tịnh về biệt giải thoát luật nghi (Đó là khả năng đề kháng những dòng nước lũ ô nhiễm từ bên ngoài ngang qua các hành vi hay nghiệp đạo, tràn ngập vào tâm làm cho tâm dơ bẩn). Sự thanh tịnh về phòng hộ căn môn (Đó là sự kiểm soát các giác quan, những cánh cửa mà ô nhiễm có thể đi xuyên vào trong tâm). Sự thanh tịnh về phương tiện sinh sống (Tức là sinh sống theo bốn truyền thống của chư Phật, gọi là Tứ Thánh chủng). Sự thanh tịnh do chánh niệm tỉnh giác (Nghĩa là luôn chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi…)” [16, tr.105].

Về nguyên tắc, con đường để thành tựu bốn sự thanh tịnh hay đời sống phạm hạnh nói trên chính là Giới – Định – Tuệ. Dựa trên cơ sở Giới – Định – Tuệ, trong đó lấy giới làm nền tảng căn bản, Đức Phật đã thành tựu viên mãn nếp sống phạm hạnh và hoàn toàn thanh tịnh tuyệt đối, Ngài đã chỉ rõ nếp sống ấy cho chúng ta một cách đầy đủ trong kho tàng giáo lý. Nương vào nếp sống này để tu tập, hành giả sẽ giải thoát khỏi khổ đau hoàn toàn.

KẾT LUẬN

Nhập vào hàng ngũ xuất gia, việc giữ gìn giới luật và thực tập nếp sống phạm hạnh là điều không thể thiếu. Là trưởng tử Như Lai, ngoài việc tự mình tu tập để giải thoát, chúng ta phải đảm đương trọng trách giữ gìn gia tài Phật pháp mà Đức Thế Tôn đã để lại. Thân bên ngoài chặt đứt mọi sự giao duyên với bạn ác, gọi là xa lìa tướng uế tạp của thân; tâm bên trong dứt bỏ các tư duy phân biệt xấu xa điên đảo, gọi là xa lìa tướng uế tạp của tâm. Muốn thực hiện được điều này cần phải cố gắng tu tập theo tinh thần giới luật. Lời cảnh tỉnh của Thế Tôn là kim chỉ nam cho người con Phật, để giữ gìn giềng mối Phật pháp. Với nếp sống Phạm hạnh thanh tịnh lấy giới luật làm thầy, giữ gìn giới luật từ thân khẩu ý, hộ trì các căn, đối trị các phiền não sân hận, kiêu mạn, sống thiểu dục tri túc… thì bước đầu đã thành tựu về Giới. Điều này sẽ giúp cho tâm dễ dàng định tĩnh, tâm thuần tịnh trong sáng là kết quả của thành tựu Định và Tuệ. Giới – Định – Tuệ là con đường đưa chúng ta thoát khỏi khổ đau và là con đường độc nhất đưa đến hạnh phúc sau cùng, đến Niết bàn tối thượng. Đó chính là ý nghĩa, giá trị đích thực của giới luật để định hướng một đời sống an lạc giải thoát, cho hiện tại và mai sau.

 

SC. Thích Nữ Tuệ Phương/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 392

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Thiện Bảo, Tăng Ni là mạch sống của Giáo hội, http://www.thuvienhoasen.org/thienbao-13-tangni.htm truy cập ngày 9/6/2022.

2. Thích Minh Châu dịch (2005), kinh Trường A-hàm I, Nxb. Tôn giáo,

3. Thích Minh Châu dịch (2005), kinh Trường Bộ I, Nxb. Tôn giáo.

4. Thích Minh Châu (1991), Trường bộ I, Đại tạng kinh Việt Nam, VNCPHVN.

5. Thích Minh Châu dịch (2005), kinh Tăng Chi Bộ I, Nxb. Tôn giáo.

6. Thích Minh Châu dịch (2003), kinh Trung Bộ I, Nxb. Tôn giáo.

7. Thích Minh Châu dịch (2004), kinh Tiểu Bộ I, Đại tạng kinh Việt Nam, VNCPHVN.

8. Thích Minh Châu (1990), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, VNCPHVN ấn hành.

9. Thích Minh Châu (2003), Những ngày và những lời dạy cuối cùng của Đức Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

10. Thích Minh Châu (2008), Hiểu và hành chánh pháp, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.

11. Thích Minh Châu (2004), Đức Phật – Nhà đại giáo dục, Nxb. Tôn giáo.

12. Thích Minh Châu (2001), Chánh pháp và hạnh phúc, Nxb. Tôn giáo.

13. Thích Minh Châu (2007), Những gì Đức Phật đã dạy, Nxb. Tôn giáo.

14. Thích Minh Chánh (2007), Luật học toát yếu, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

15. Minh Chi (1995), Các vấn đề Phật học, VNCPHVN ấn hành.

16. Thích Trí Thủ (1991), Luật Tỳ kheo tập I, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam ấn hành.

17. Thích Trí Thủ (1999), Yết Ma Yếu Chỉ tập 1, Trường Cao cấp Phật Học Việt Nam ấn hành.

18. Thích Đạo Tuyên trước thuật (Thích Đôn Hậu dịch) (1986), Tứ phần Luật Tỳ kheo Ni sao. Nxb. Tôn giáo.

19. Thích Viên Trí (2004), Ý nghĩa Giới luật, Nxb. Tôn giáo.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin