Chi tiết tin tức Hạnh nguyện chư Phật & nguyện lớn của Phật Dược Sư 16:40:00 - 28/02/2017
(PGNĐ) - Dẫn nhập
Chúng sanh hữu tình đều sống theo tập quán nghiệp: sanh ra, tồn tại, già nua, bệnh tật, và kết thúc bằng cái chết. Hàng triệu, hàng tỷ năm tiến hóa, các sanh loại hữu tình, vô tình nói chung, con người nói riêng, đã thay đổi nhiều, rất nhiều; trong đó, xã hội loài người có nhiều tiến bộ vượt bậc với những thành tựu khoa học, có khả năng chinh phục và khám phá vũ trụ mà trong kho từ vựng thời xa xưa có lẽ đã gọi là có ‘phép thần thông’ mới thực hiện được. Dẫu vậy, chúng sanh vẫn cứ quẩn quanh trong vòng sanh tử với những tâm tư nhỏ hẹp, thấp hèn! Thật vậy, con người bây giờ có thể ngồi yên một chỗ mà thấy, nghe, biết mọi vấn đề đang xảy ra trên thế giới. Con người bây giờ cũng có thể bay lượn vào vũ trụ bao la hay lặn sâu dưới đáy biển, đi xuyên vào lòng đất, kiểu người xưa gọi là đằng vân, độn thổ. Ấy nhưng, cuộc tồn sanh của bao sanh loại vẫn không có gì đổi thay, vẫn cứ loanh quanh trong thế giới hệ này với trò chơi sanh tử đan xen với niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc khổ đau tiếp nối không ngừng. Từ đó mới thấy, hễ có một chúng sanh ‘giác hữu tình’, hay chỉ mới ‘sơ phát tâm’ là đã có thể làm cho thế giới chấn động sáu cách, cung ma nghiêng đổ là điều dễ hiểu! Vì sao vậy? Vì trong giới hạn của thế giới này, những anh hùng cái thế, những đế vương hùng mạnh, những khối óc bác học phi thường… cho dù có tâm nguyện, khát vọng hay tham muốn đến tột cùng cũng chỉ để làm bá chủ toàn cầu, xưng hùng, xưng bá; hay như Chuyển luân thánh vương tên là Đảnh Sanh, vốn cai trị châu Diêm-phù-đề, sau xâm chiếm và cai trị bốn châu thiên hạ, vậy mà lòng tham vẫn chưa đủ, ông còn khởi tưởng chiếm đoạt Thiên Đế-thích, để một mình làm vua chư thiên1, rồi tất cả cuối cùng đều kết thúc bằng cái chết đọa lạc, chưa nói đến sự nghiệp xây dựng cơ đồ, mộng đế vương đã lấy đi bao sanh mạng, máu chảy thành sông, xương chất thành núi, biết bao khổ luỵ, tang thương, ‘nhất tướng công thành vạn cốt khô’, chứ có mấy ai mưu cầu hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại, tịnh Phật quốc độ, đưa chúng sanh đến chỗ không sanh, không già, không bệnh, không chết? Cho nên, khi một chúng sanh phát tâm Bồ-đề hay lập cái chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng Bồ-đề mà nội hàm của nó là ‘thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh’ nhằm đạt được giải thoát ngoài ba cõi thì mọi thứ danh vị ở thế gian trở thành hoa đốm giữa hư không hay có giá trị không hơn đôi dép rách!
Định danh Tâm Bồ-đề hay chí nguyện mong cầu tuệ giác vô thượng nói đơn giản là nguyện, praṇidhāna, mà theo Thành thật luận, quyển 9, thì nó vừa là tuệ tâm sở, vừa là dục, thắng giải, tín tâm sở và có hai loại, một là nguyện cầu đạo Bồ-đề, hai là nguyện làm lợi ích cho kẻ khác.2 Đây là cửa chính yếu vào đạo, nói sư Thiền sư Thật Hiền: “Cửa chính yếu để nhập đạo thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì chúng sanh độ nổi, tâm phát thì Phật đạo thành được. Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trải qua đời kiếp nhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong phạm vi luân hồi. Tu hành dẫu có, cũng toàn là lao nhọc, khổ sở một cách vô ích. Do đó mà kinh Hoa nghiêm đã nói, quên mất tâm Bồ-đề mà tu hành các thiện pháp thì gọi là hành động theo ma vương. Quên mất còn thế, huống chi chưa phát. Nên muốn học Như Lai thừa thì trước phải phát Bồ-đề nguyện, không thể chậm trễ.”3 Luận Đại trí độ cũng nói: “Trang nghiêm Phật độ là việc lớn, chỉ tu hành công đức không thể thành được, phải cần có nguyện lực; cũng như sức bò tuy hay kéo xe, nhưng phải có người cầm cương mới có chỗ đến. Nguyện thanh tịnh quốc độ cũng như vậy, phước như xe bò, nguyện như người cầm cương.”4 Nguyện còn gọi là bổn nguyện, nhân nguyện, thệ nguyện. Du-già sư địa luận, quyển 45 liệt kê 5 loại nguyện là phát tâm nguyện, thọ sanh nguyện, sở hành nguyện, chánh nguyện và đại nguyện; trong đó, chánh nguyện lại phân làm hai là tổng nguyện và biệt nguyện; đại nguyện lại phân thành 10 nguyện là cúng dường nguyện, thọ trì Chánh pháp nguyện, nhiếp pháp thượng thủ nguyện, tăng trưởng chúng sanh tâm hạnh nguyện, giáo hóa chúng sanh nguyện, tri thế giới nguyện, tịnh Phật quốc độ nguyện, đồng tâm đồng hành nguyện, tam nghiệp bất tận nguyện, và thành Bồ-đề nguyện.5 Thành duy thức luận, quyển 9, cũng nói 4 hoằng thệ nguyện là tổng nguyện, 48 nguyện của Phật Di Đà, 12 nguyện của Phật Dược Sư, 500 đại nguyện của Phật Thích Ca… là biệt đại nguyện, tức nguyện lớn riêng của từng người. Tựu trung, Bồ-đề tâm “là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sinh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm, giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ-đề tâm, đó là ý chí kiên cường bất khuất của một người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc của tham vọng điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta.”6 Đại nguyện chư Phật Tất cả chư Phật đã thành, đang thành và sẽ thành đều chứng đắc quả vị giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng chánh giác từ sự thành tựu hạnh nguyện của mình hay nói cách khác là thành tựu viên mãn Bồ-đề nguyện. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuở còn trôi lăn trong sinh tử luân hồi, chí nguyện nóng bỏng và ý chí kiên cường bất khuất của Ngài đã bùng phát trong ngục tù Hỏa xa. Ngài tự thuật: “Này chư vị! Trong vô lượng kiếp xa xưa, Ta đã từng tạo nghiệp xấu nơi thân, khẩu, ý rất nặng nề. Do nghiệp ấy mà Ta bị đọa vào tám địa ngục lớn, trong đó có địa ngục Hỏa xa. Trong địa ngục Hỏa xa, cứ hai người kéo lấy một chiếc xe lửa. Ngục tốt ngồi hai bên đầu xe, bặm miệng, nghiến răng, trừng mắt phun ra lửa dữ, mắt miệng tai mũi đều phun ra lửa, thân thể to lớn, mạnh mẽ hung bạo hành hạ tội nhân. Bấy giờ, người bạn tù bên cạnh Ta sức lực đã mỏi mòn, không thể nào bước đi nổi nên chậm chạp thụt lùi phía sau, liền bị ngục tốt dùng chĩa sắt đâm vào ngực, lấy gậy sắt đập vào lưng, máu chảy lênh láng thân thể như tắm. Người ấy vô cùng thống khổ kêu la thảm thiết, hoặc gọi cha mẹ, hoặc gọi vợ con, nhưng cũng chỉ vô ích mà thôi. Lúc ấy, Ta tận mắt chứng kiến cảnh tượng những người chịu khổ như vậy trong lòng vô cùng thương xót. Rồi do từ tâm sinh khởi mà Ta phát tâm Bồ-đề, Ta nguyện thay thế cho tất cả những tội nhân, bởi những tội nhân không còn sức chịu đựng, Ta xin ngục tốt đừng đánh đập họ nữa mà hãy khởi lòng lân mẫn. Ngưu đầu ngục tốt nghe Ta nói vậy lập tức nổi giận đùng đùng, cầm chĩa sắt, roi sắt vừa đâm và đánh vào đầu Ta, khiến Ta chết liền. Nhưng kỳ lạ thay, cũng ngay lúc ấy Ta thoát khỏi nạn một trăm kiếp trong địa ngục Hỏa xa. Ta nhờ phát tâm Bồ-đề mà thoát khỏi trọng tội ở địa ngục Hỏa xa.”7 Từ đó, Đức Phật nỗ lực tu tập, hành Bồ-tát đạo cho đến ngày thành tựu Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, không còn thối chuyển. ‘Nguyện vì chúng sanh thọ vô lượng khổ’ chính là tâm nguyện Bồ-đề của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni lúc mới sơ phát tâm. Và với Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì như vầy: “Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị mọi thứ bịnh khổ hành hạ mà không ai cứu giúp, không nơi nương tựa, không có y sĩ, không có dược liệu, không có thân thuộc, không có nhà cửa, nghèo nàn lắm khổ, thì danh hiệu của con, một khi đi qua thính giác của họ, là bịnh khổ tan biến, thân tâm an lạc, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng đầy đủ tất cả, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.”8 Dược Sư đại nguyện Rõ ràng chỉ có chư Phật, chư Bồ-tát mới có những đại nguyện như vậy, những chí nguyện cao cả, tự mình gánh vác trách nhiệm lớn lao gánh đi những bệnh tật, khổ đau của chúng sanh, sẵn sàng xả bỏ thân mạng vì sự tồn tại của Chánh pháp và vì ích lợi của tất cả hữu tình. Với chí nguyện lớn lao như vậy, nên khi “Đức Thế Tôn mạng chung ở trời Đâu Suất, biết sẽ vào thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!”9 Còn với Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì “bản thân ánh sáng rực rỡ chiếu soi vô số thế giới hệ. Thân ấy lại được trang hoàng bằng ba mươi hai tướng tốt của bậc đại trượng phu và tám mươi tướng phụ. Lại làm cho mọi người không khác gì với con.” Và “thân như ngọc lưu ly, trong ngoài trong suốt, không chút vẩn đục, ánh sáng to lớn và chiếu tỏa xa rộng. Công đức đồ sộ, lại khéo an trú. Những tia sáng rực rỡ, dệt nhau như mạng lưới, và tráng lệ quá hơn nhật nguyệt. Chúng sanh tối tăm được soi sáng cả, nên tùy ý hướng mà làm mọi sự nghiệp.”10 Ánh sáng rực rỡ chiếu soi vô số thế giới hệ, chiếu đến nơi mà mặt trời, mặt trăng dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì chỉ duy nhất là ánh sáng của từ bi và trí tuệ, là ánh sáng của tự tánh bình đẳng nơi mọi chúng sanh và chư Phật. Thật vậy, hết thảy chúng sanh vốn đều có đủ quang minh biến chiếu, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, như trong kinh Như Lai tạng11 đã nói, “Hết thảy chúng sanh đều có Như Lai tạng, quang minh rực rỡ, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, xưa nay đều có đủ.” Chỉ vì chúng sanh bị vô minh che lấp, chưa từng khai mở, cho nên bị ẩn khuất mà chưa hiện ra. Một khi tu hành thành Phật thì có thể như thật chứng tri điều này. Do đó, kinh Hoa nghiêm mới nói: “Lạ lùng thay! Lạ lùng thay! Hết thảy chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng, trí tuệ Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên chưa chứng được.” Trong tâm cảnh của Phật, Ngài nhìn thấy hết thảy chúng sanh đều bình đẳng với Ngài. Khi Phật chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, Ngài nhìn thấy chúng sanh trong đại địa chẳng ai không phải là Phật, chúng sanh và Phật bình đẳng! Kinh Như Lai tạng từng nêu 9 thí dụ để nói rõ ý nghĩa chúng sanh vốn có Phật tánh, trong đó cũng lấy lưu ly báu để thí dụ. Phật tánh của chúng sanh, như vật báu lưu ly thanh tịnh không tì vết, cho dù bị vùi lấp trong ô nhiễm nhưng bản tánh của nó vẫn trơn láng, sáng trong, không tổn thất một phân hào. Phật tánh của chúng sanh cũng y như vậy, cho dù bị trôi lăn trong bùn dơ sanh tử luân hồi cũng không vì vậy mà mất đi tự tánh bản nhiên thanh tịnh. Dược Sư Như Lai đã triệt để quét sạch bóng tối vô minh, tẩy trừ nhiễm ô phiền não, chân thân Phật tánh hiển bày cho nên ví thân như ngọc lưu ly vậy. An lập đạo lớn Phật tánh vốn bình đẳng trong tất cả mọi chúng sanh, nhưng chúng sanh như gã cùng tử bao nhiêu năm lưu lạc tìm kiếm miếng cơm manh áo, sống trong đói rách bơ vơ, khiến cho tâm tư trở nên hạ liệt, thấp kém, bần cùng, khư khư ôm lấy mặc cảm, bằng lòng làm một kẻ tôi tớ hèn mọn. Cho nên, khi Như Lai xuất hiện ở đời là phải làm năm 5 việc: Chuyển Pháp luân, thuyết pháp độ cha mẹ, khiến người không tin kiến lập lòng tin, chưa phát tâm Bồ-đề khiến phát tâm Bồ-đề, thọ ký cho Phật tương lai.12 Nghĩa là bằng mọi phương tiện dẫn dắt chúng sanh vào đạo, khai thị cho chúng sanh biết thế nào là Như Lai chân tử, hóa sinh từ trong lòng Chánh pháp. Và Phật Dược Sư thực hiện điều này bằng cách: “Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ đi theo tà đạo đều được làm cho ở yên trong đạo Giác ngộ, những người tu theo Thanh văn, Duyên giác đều được xây dựng bằng pháp Đại thừa.”13 Có thể nói, đại nguyện thứ hai và thứ ba của Phật Dược Sư là kiến tạo nền văn minh vật chất; đại nguyện thứ tư đặc biệt chú trọng đến nhận thức chánh tri, chánh kiến, tức là kiến tạo nền văn minh tinh thần. Nghĩa là, bằng mọi phương tiện, mà hơn hết là bằng bi và trí, Đức Phật Dược Sư đã phát nguyện, nếu có chúng sanh hữu tình nào không tin nhân quả thiện ác, phủ nhận công đức của Tam bảo, mạt sát chân lý, tạo các tội ác sát, đạo, dâm, vọng, đang hướng vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… tức là lạc mất chánh đạo, đi vào tà đạo, thì Phật Dược Sư nguyện đưa tất cả những chúng sanh hữu tình ấy ra khỏi đường tà, thoát ly ác thú, vĩnh viễn an trú nơi đạo Bồ-đề. Biển chúng thanh tịnh Mặc dù đã nỗ lực an trú chúng sanh vĩnh viễn nơi đạo Bồ-đề, nhưng chúng sanh căn tánh chậm lụt, nghiệp trọng phước khinh, trên bước đường học và hành đạo Bồ-tát không sao tránh khỏi lỗi lầm. Cho nên, trong tương lai, khi thành Phật, giả sử có vô lượng vô biên chúng sanh hữu tình tu hành phạm hạnh trong Chánh pháp của Phật Dược Sư, Ngài đều khiến cho không phạm lỗi lầm: “Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu hành phạm hạnh trong Chánh pháp của con, con làm cho tất cả được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại. Giả sử phá phạm đi nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh tịnh, không rơi vào đường dữ.”14 Phạm hạnh là chỉ cho hết thảy hạnh thanh tịnh, hoặc chỉ cho người xuất gia giữ giới không dâm dục, hoặc chỉ cho hết thảy giới hạnh mà Phật đã chế. Tu hành tịnh hạnh ở cõi Phật Dược Sư, người thọ giới, không luận là thọ giới Tỳ-kheo, giới Sa-di, giới tại gia, giới Bồ-tát… hễ đã tham dự vào pháp hội Dược Sư, nghe pháp của Dược Sư, niệm danh diệu của Dược Sư… thì hết thảy đều được viên mãn, giới thể không bị sứt mẻ. Giới sứt mẻ tức là phạm giới một phần, hoặc phạm khinh cấu tội. Nhờ oai đức từ quang gia bị của Phật Dược Sư, người thọ giới, hoặc người thọ giới mà bị sứt mẻ, đều được thanh tịnh cho đến viên mãn. Nói cách khác, nương tựa Tịnh độ của Phật Dược Sư để tu tập sẽ dễ dàng thành tựu viên mãn tam tụ tịnh giới, khiến cho biển chúng thường luôn thanh tịnh. Trong kinh Tăng nhất A-hàm có nói, Đức Phật ra đời trước hết là đối với người chưa thọ giới thì khiến cho thọ giới, người đã thọ giới rồi thì giúp họ giữ giới. Tuy nhiên, trong thực tế, sau khi thọ giới không phải ai cũng có khả năng nghiêm trì, ngay trong thời Phật tại thế còn có nhiều thánh đệ tử không thọ trì viên mãn, huống chi hàng phàm phu phiền não thâm trọng ngày nay? Do đó, trong Phật pháp có pháp môn sám hối. Nhưng dường như Phật Dược Sư còn tiên liệu vào đời mạt pháp ắt hẳn có người thọ giới mà không giữ giới, hoặc có người phạm giới mà không biết sám hối, cho nên trong bổn nguyện của mình, tiến thêm một bước nữa trong sự cứu độ, Ngài nguyện: Giả sử có chúng sanh hủy phạm cấm giới thì chỉ cần nghe được danh hiệu của Ngài, hay nghe được danh hiệu của chư Phật, giới thể sẽ trở lại thanh tịnh. Thanh tịnh tức là tội chướng tiêu trừ. Tội chướng tiêu trừ thì tự nhiên không đọa ác thú. Ác thú là ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng sanh nhờ nghe thánh hiệu của chư Phật rồi như pháp sám hối thì được miễn đọa ba đường ác, đó là phương tiện mà cũng là lòng từ bi của chư Phật nói chung, Phật Dược Sư nói riêng vậy. Lời kết Không phát thệ nguyện thì trọn không thành Phật đạo. Phước của thệ nguyện không thể ghi kể, dẫn đến chỗ cam lồ diệt tận.15 Cho nên, dù chỉ tu một ngày một đêm hai mươi bốn giờ cũng nên phát nguyện16, huống chi tận vị lai kiếp tu hành lẽ nào nguyện không phát? Cho nên, khi Thiện Tài Đồng Tử vừa phát tâm Bồ-đề thì Bồ-tát Văn-thù đã huấn thị rằng: “Lành thay, lành thay, thiện nam tử, nếu lìa bỏ tín căn, tâm tư mệt mỏi, thấp kém, không tinh cần học hỏi, ý chí thoái hóa, thỏa mãn với một ít công đức, thành tựu chỉ một chút thiện căn, không thiện xảo thực hành các hạnh và nguyện, không được thiện tri thức nâng đỡ, không được chư Phật hộ niệm, thì không thể biết được pháp này, không thể biết, không thể thâm nhập, không thể triệt để, không thể tin hiểu, không thể tư duy, không thể thông suốt, không thể sở đắc lý thú như vậy, sở hành như vậy, an trú như vậy.”17 Không thiện xảo thực hành các hạnh và nguyện thì không thể hiểu biết được Phật pháp cao siêu nhiệm mầu thế nào. Nói cách khác, không phát nguyện Bồ-đề dấn thân hành đạo làm lợi lạc chúng sanh thì còn cách xa bến giác. Do đó, không phải Phật Dược Sư, mà chư Phật, chư Bồ-tát đã thành, đang thành và sẽ thành đều có hạnh nguyện của riêng mình. Mười hai đại nguyện của Phật Dược Sư, mà trong đó chúng ta có thể thấy hằng hà sa số đại nguyện khác, mục đích là làm lợi lạc hữu tình. “Nguyện sau này khi con thành Phật”, con sẽ làm gì? Làm lợi lạc chúng sanh. Thành Phật đơn giản là thành người tỉnh thức, luôn luôn sống trong tỉnh thức để vận dụng bi và trí làm lợi lạc chúng sanh, nếu không, thành Phật để làm gì? Thích Nguyên Hùng _________________ (1) Tăng nhất A-hàm, phẩm An ban. (2) ĐTK/ĐCTT, T31, n°.1585, p. 0051b08. (3) Khuyên phát Bồ-đề tâm văn, Trí Quang dịch. (4) ĐTK/ĐCTT, T25, n°.1509, p. 0108b27. (5) ĐTK/ĐCTT, T30, n°.1579, p. 0543b08. (6) Tuệ Sỹ, Thắng Man giảng luận. (7) ĐTK/ĐCTT, T03, n°. 156, p. 0136a05. (8) Đại nguyện thứ 7, kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức. (9) Trung A-hàm 32, kinh Vị tằng hữu pháp. (10) Đại nguyện thứ 1 và 2, kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức. (11) ĐTK/ĐCTT, T16, n°. 0666. (12) Tăng nhất A-hàm, phẩm Tà tụ. (13) Đại nguyện thứ 4, kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức. (14) Đại nguyện thứ 5, kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức. (15) Tăng nhất A-hàm, phẩm Mã Huyết thiên tử hỏi về Bát chánh đạo. (16) Như phát nguyện giữ giới Bát quan trai. (17) ĐTK/ĐCTT, T09, n°. 0278, p. 783c2.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |