Chi tiết tin tức

Nước mắt Ngài Mục Kiền Liên muôn thuở vẫn còn nguyên

17:17:29 - 24/07/2013
NƯỚC MẮT NGÀI MỤC KIỀN LIÊN
MUÔN THUỞ VẪN CÒN NGUYÊN

 

Lời Tác Giả:Tôi vinh dự ra Hà Nội dẫn chương trình Đại Lễ Vu Lan Phật lịch 2557 - Dương lịch 2013 tổ chức ba ngày mùng 1,2,3 tháng Bảy năm Quý Tỵ tại Chùa Vạn Phúc - xã Phù Lỗ - huyện Sóc Sơn.Tôi được gặp Đại Đức Thích Nghiêm Thuận-một Tăng Sĩ trẻ của Phật Giáo.Qua câu chuyện trao đổi với Đại Đức, tôi thật sự xúc động khi biết Đại Đức dành tâm huyết nghiên cứu mọi đề tài để  giáo hóa thế hệ thanh-thiếu-nhi theo tinh thần đạo đức Phật Giáo ngỏ hầu góp phần xây dựng xã hội. Đại Đức có nói với tôi viết bài về đề tài Vu Lan Báo Hiếu năm nay. Bài viết dưới đây mang tính tự sự của đời tôi. Dẫu biết rằng đây chưa phải là “hương” nhưng có thể gọi góp thêm “sắc” trong vườn hoa đầy hương sắc của Phật Giáo Việt Nam thời đại ngày nay.


nuoc mat ngai muc kien lien muon thuo van con nguyen


Lúc mới bước chân vào cửa đạo, tôi vô cùng xúc động khi đọc kinh Vu Lan Báo Hiếu diễn tả Đức Thế Tôn trên đường hoằng hóa, Ngài đã quỳ lạy đống xương khô bên vệ đường, rồi giải thích cho đệ tử về công ơn cha mẹ. Tôi không cầm được nước mắt, nghĩ rằng Đấng Đạo Sư còn vậy huống chi là chúng ta. Và từ đó cho đến suốt cả quãng đời, tôi chọn đạo Phật là lý tưởng để tôn thờ và noi theo. Bởi lẽ, tín ngưỡng tôn giáo là phải có giá trị nhân bản đích thực. Nếu không bắt nguồn từ nhân bản thì tôn giáo chỉ là ảo vọng xa vời. Hơn nữa sinh ra trong cuộc đời, ai cũng từ lòng cha mẹ mà có, chứ ai tự nhiên mà sinh ra đâu! Nhân bản đích thực ở chỗ đó, tức là con người phải có cội nguồn và như vậy mới được lịch sử chấp nhận.

Khi lớn lên, dần dần tôi đi sâu vào giáo lý của đạo Phật, tôi tìm trong kinh điển những đoạn nói về công ơn sinh thành dưỡng dục để rút ra bài học đạo lý ở đời. Lại một lần nữa tâm tư tôi chấn động mạnh khi đọc đoạn kinh diễn tả Ngài Mục Kiền Liên lúc chứng đạo, điều đầu tiên mà Ngài thực hiện là quan sát trong Tam đồ Lục đạo để tìm mẹ đang ở đâu? Rồi Ngài cứu mẹ thoát khỏi chốn khổ đau và từ đó hình thành lễ Vu Lan Báo Hiếu trải dài trong lịch sử nhân loại gần 3.000 năm. Cũng suốt từ chặng đường dài ấy, biết bao hình ảnh hiếu thuận của chư liệt vị Tổ Sư, của chư Tôn Đức quá khứ và hiện tại, phụng dưỡng và báo hiếu song thân một cách đích thực và hiệu quả. Ai trong chúng ta cũng cảm thấy rung động tâm hồn khi nghe lời Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Gặp thời không có Phật, phụng thờ cha mẹ là phụng thờ Phật.” Ôi cao cả thay! Một tôn giáo của con người.
 
Ngày nay, đọc báo chí, xem truyền hình hàng ngày, chúng ta vô cùng đau xót khi nhìn thấy những đứa con đuổi cha mẹ ra đường để chiếm lấy đất đai nhà cửa, đành đoạn để cha mẹ trở thành kẻ ăn mày cho mình được sung sướng hưởng thụ chỉ vì đồng tiền đượm mùi phi nhân. Tôi tự hỏi tại sao như vậy? Phải chăng tiền bạc vào nhà thì tình nghĩa phải đội nón ra đi! Tất cả rồi được cái gì đây khi mà đạo lý không còn?! Ước gì những đứa con bất hiếu ấy có một phút tỉnh ngộ để thấy rằng cuộc đời dù tiền rừng bạc bể cũng chỉ là ảo ảnh phù du, chỉ có cha mẹ mới là vĩnh cửu.
 
Ai ơi! Mỗi năm đến dịp rằm Vu Lan tháng Bảy, chúng ta hãy thao thức về niềm hiếu hạnh mà nếp sống dân tộc Việt Nam đã gắn liền với đạo Phật. Bên cạnh những giá trị hùng tráng của một nền triết lý siêu việt thì đạo Phật đi vào cuộc sống con người bằng một phong thái dung dị và hòa ái. Quê hương yêu dấu Việt Nam đã đón nhận dòng suối mát của đạo Phật như đón thở khí trời thoải mái và khoáng đạt. Tháng Bảy Vu Lan báo ân cha mẹ, đền đáp tứ trọng ân chính là dịp chứng tỏ tình cảm đạo vị và trái tim tình yêu quê hương. Mong rằng ai đó dừng lại một phút suy nghĩ để tìm ra chân lý muôn đời: “Không có gì cao cả bằng tình cha nghĩa mẹ.” Và tư duy rằng: Bất luận nền đạo đức luân lý nào, bất luận xã hội thời đại nào, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây luôn lấy chữ HIẾU làm đầu. Vì thế phải biết thể hiện lòng hiếu thuận, phải biết gạn đục khơi trong mới tiếp cận cuộc sống Chân - Chân - Thiện - Mỹ, mới xây dựng được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện tại và tương lai.

Chỉ có như vậy thì nghĩa cử của Đức Thế Tôn lạy đống xương khô không trở thành vô nghĩa. Chỉ có như vậy giòng nước mắt của Ngài Mục Kiền Liên không khô cạn trong lòng người. Và cũng chỉ có như vậy cuộc sống của thế nhân mới được ngày càng tốt đẹp. 

Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, xin đốt lên nén hương lòng tôn vinh giòng nước mắt thương cha nhớ mẹ của những ai đang hiện diện trong cuộc đời này để mãi mãi nước mắt Ngài Mục Kiền Liên muôn thuở vẫn còn nguyên.

                                                                   
  Cư Sĩ TÁNH THUẦN
                                                              Ủy Viên Ban Hướng Dẫn Phật tử
                                                           GHPGVN Thành Phố Hồ Chí Minh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin