Chi tiết tin tức

Đem Phật vào tâm

16:07:00 - 18/01/2016
(PGNĐ) -  Trên bước đường tu, chúng ta thường phạm sai lầm, lo tu bên ngoài mà quên mất Phật trong tâm mình; trong khi Phật dạy rằng chúng ta có Phật tánh, ai tu cũng thành Phật. Nhưng vì chúng ta làm sai ý Phật, nên không đạt kết quả tốt đẹp.

Thật vậy, tu hành nhưng cứ phóng tâm ra ngoài, khiến lòng mình trống vắng và làm bên ngoài nhiều thì phiền não nhân đó phát sinh, rồi đổ thừa là tu đổ nghiệp. Nghiệp đổ là do sai lầm của chính mình. Nhưng nếu đem Phật vào tâm mình được, bấy giờ tâm mình đã có Phật, sẽ hiện được tướng Phật bên ngoài. Đó là ý quan trọng mà Phật tử cần ghi nhớ.

An vi Phat (10).JPG

Ngài Thiên Thai có kinh nghiệm tu hành, ngài chuyên lạy Phật để đem Phật vào tâm. Lúc ấy, tâm nghĩ đến Phật, miệng niệm Phật và thân lạy Phật. Như vậy là tập trung ba nghiệp thân, khẩu, ý hướng về Phật. Từ tâm nghĩ đến Phật liên tục, lâu ngày, nghĩa là Phật ở trong tâm, thì nhìn đâu cũng thấy Phật.

Riêng thầy tu Pháp Hoa, thể nghiệm pháp quán tưởng Phật lâu ngày, nên thấy Phật và thân tâm được thanh tịnh, giải thoát. Còn tu mà chưa thấy Phật, chỉ thấy tượng Phật, thì chưa được kết quả. Chúng ta nhìn tượng Phật, nhưng phải thấy Phật và thấy bằng tâm. Thầy áp dụng pháp này, nhắm mắt nhìn Phật là nhìn bằng tâm, mình vẫn thấy Phật thì biết là Phật vô tâm rồi. Nhắm mắt không thấy Phật là Phật chưa vô tâm.

Và nhắm mắt thấy Phật, trong chiêm bao cũng thấy Phật, thì bước qua giai đoạn ba, nhìn đâu cũng thấy Phật, nhìn trời, mây, cây cỏ, hoa lá cho đến nhìn đá cũng thấy Phật, vì thấy bằng tâm. Mắt nhìn cây thấy cây, nhưng tâm nghĩ đến Phật, nên thấy cây là Phật. Trên thực tế, một số người cho biết họ gặp nguy hiểm, nhưng hết lòng nghĩ về Phật, nên thấy Đức Quan Âm hiện. Hai người ở cũng một chỗ, nhưng người thấy Phật, người không thấy. Theo thầy, người thấy Phật là thấy bằng niềm tin, bằng tâm. Người thấy bằng mắt chỉ thấy trời biển, không thấy Phật. Thấy bằng tâm thì thấy Quan Âm hiện.

Ban đầu thân lạy Phật, miệng niệm Phật và tâm nghĩ đến Phật, phải nỗ lực thực tập cho thân, khẩu, ý thuần thục như vậy là đưa Phật vào lòng, việc tu hành mới có kết quả tốt đẹp, còn tu hình thức không quan trọng bằng.

Thầy thấy hai bà tay lần chuỗi, nhưng miệng nói huyên thuyên đủ thứ chuyện. Làm như vậy là tập thói quen của tay, là chỉ tu cái tay thôi, không tu miệng và không tu tâm; vì miệng nói bậy, tâm nghĩ ác, chắc chắn bị đọa.

Đầu tiên tập cái thân trước, vì lấy thân để cột tâm, lần chuỗi để chú tâm vô đó, việc chính là tập trung cái tâm, không phải cái tay. Lạy Phật, vì đối trước tượng Phật trang nghiêm, chúng ta dễ tập trung. Người tâm tán loạn, không ngồi thiền được, nên bắt buộc miệng niệm Phật, thân lạy Phật. Vì vậy, phải mượn miệng đọc kinh, tai nghe kinh, tâm chú ý vô kinh được. Còn không có gì để tập trung thì tâm phóng dật.

Phật giáo Đại thừa đặt ra mõ chuông để đại chúng tụng cho đúng nhịp và để mọi người chú tâm vô đọc theo. Sợ chúng phóng tâm, người ta đánh tiếng chuông cảnh giác. Thí dụ tụng ba biến chú Đại bi, đến biến thứ ba, đánh tiếng chuông để báo cho chúng biết chuyển sang đoạn khác.

Không phải thân thường tụng kinh là quan trọng. Nghĩ thân lạy Phật để Phật phò hộ, chưa chắc được. Hoặc tụng kinh để Phật nghe, cũng không đúng, vì Phật nói cho chúng ta tu, chẳng lẽ ta đọc để trả bài cho Phật hay sao.

Tụng kinh là phương tiện, cốt yếu là để lời Phật dạy đưa vô tâm mình, đó là lấy điều kiện tu bên ngoài để cột tâm lại và khi tâm chúng ta thanh tịnh thì nhìn đâu cũng thấy Phật. Kinh Hoa nghiêm dạy rằng không có gì không phải Phật mới là Phật. Phật này là Pháp thân Tỳ Lô Giá Na, là cốt lõi của đạo Phật.

Tu hành, nếu tâm chúng ta lúc nào cũng tập trung, nhắm mắt thấy Phật và ngủ cũng thấy Phật, như vậy, biết mình đã tiến được một bước. Còn tay lần chuỗi, miệng nói đủ thứ và nghĩ không tốt là phá pháp. Hoặc tay lần chuỗi, miệng niệm Phật, nhưng tâm không tập trung vô Phật là sai.

Phật chưa vào tâm mình, thì thân xác hoại, công phu này cũng bỏ. Bồ-tát Phổ Hiền dạy rằng tất cả đều phải bỏ lại khi thân tứ đại hoại diệt, chỉ có tâm đi theo mà thôi. Vì vậy, cốt lõi của tu hành phải thực tập chuyển hóa tâm theo hướng thánh thiện.

Người tu được tâm thanh tịnh, nhìn đâu cũng thấy Phật là họ đã hiện hảo tướng, tức có thân dễ thương. Hiểu được lý này, nếu tu hành mà không ai thương, phải tự biết mình sai. Đã không biết mình sai, lại còn nghĩ ác rằng người ta phá mình, không cho mình tu.

Khi tâm tốt, là tâm có Phật rồi, tâm sẽ có bốn phản ứng. Nếu tâm chưa có bốn đức tướng này là chưa tu.

Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và tâm Phật là tâm từ, bi, hỷ, xả. Chúng ta tự xét coi tâm mình có bốn tâm từ, bi, hỷ, xả chưa. Coi tâm từ của mình có chưa và tâm từ nếu có thì mở rộng đến mức nào, dung chứa được bao nhiêu chúng sanh.

Tu thật là tâm mở rộng, tu sai thì càng tu, tâm càng hẹp lại, không dung chứa được ai. Người thật tu còn phạm sai lầm, thí dụ tu Thiền thì thấy Thiền là đúng, các pháp tu khác sai, như vậy là tâm mình đã thu hẹp. Trong khi tâm Phật mở rộng vô biên, không còn biên giới. Thầy thực tập pháp này bằng cách quán tâm. Ban đầu, mình nhìn bạn đồng tu, thấy ai cũng tốt, nhưng trải qua một thời gian, tu sai thì ghét người, khó chịu với pháp tu của người. Thật vậy, Phật dạy nếu thấy có người mình không bằng lòng là phải biết tâm mình đã xấu rồi, nhưng đa số người không chấp nhận như vậy là sai.

Thầy thấy người tu thường chấp pháp, chấp luật, nên thấy người sai phạm thì họ không bằng lòng và người thực hành pháp khác thì họ chê bai. Thật tu mà đã sai từ căn bản này, nghĩa là tâm từ của mình thu hẹp lại, không dung chứa được ai.

Theo thầy, làm như vậy là tự tiêu diệt Phật pháp. Phật pháp tồn tại nhờ cả đạo tràng, một mình thầy không có nghĩa gì. Nhiều người đến được với thầy, vì tâm thầy mở ra, bao dung được tất cả.

Đầu tiên, quý vị tập mở rộng lòng mình với những người bạn đồng tu một pháp môn với mình, không làm được như vậy là hỏng. Sau đó, mở rộng tâm thêm nữa là dung tất cả mọi người tu không cùng pháp môn, nhưng cũng là Phật tử, cũng tu pháp Phật. Phật có 84.000 pháp môn khác nhau, nhưng Phật dạy rằng ai tu theo pháp Phật, cuối cùng cũng thành Phật. Người tu giỏi tới trước, người kém, nhưng đã trồng căn lành, kết duyên với đạo, mai kia họ cũng tới bến giác.

Phật dạy những gì thích hợp với người, giúp họ thực tập và gặt hái được thành quả. Nếu dạy pháp không thích hợp, tác hại hơn là có lợi. Ban đầu, Phật dạy Thiền Tứ niệm xứ để giúp cho người thoát khổ. Đến hội Pháp Hoa, Phật nói các ông đã đắc La-hán, hết khổ, thì phải hành Bồ-tát đạo, cứu giúp người, mới thành Phật. Nghĩa là từng chặng đường tu có các pháp khác nhau.

Ngài Trí Giả thấy tất cả người tu đều tốt, cần được giúp đỡ, dù họ tốt hay xấu với mình. Đối với người xấu, càng thương họ nhiều hơn, đó là tâm từ của Phật. Tại sao lại thương người xấu nhiều hơn. Phật quán tưởng, thấy người xấu hại người tốt là họ tự hại họ, vì họ sẽ bị quả báo, người lành không bị quả báo. Còn mình lành mà bị hại, coi chừng mình ác thật. Phật dạy rằng hại người lành giống như ngược gió tung bụi, hay gieo gió phải gặt bão.

 

Nếu mình tốt thật, họ xấu với mình, họ phải bị quả báo chứ. Thí dụ, thầy được nhiều người thương, nhưng bị người xấu hại, thì nhiều người sẽ bênh vực thầy. Nếu bị hại mà người hùa theo, như vậy thầy có tốt thật hay không.

Một người cố chấp, dù tu thật, cũng bị hại. Chẳng hạn vô xứ Hồi giáo mà truyền bá tôn giáo khác với niềm tin của họ, chắc chắn sẽ bị phỉ báng và sát hại, đó là điều tự nhiên. Người phạm sai lầm như vậy, phải chết, rồi được tổ chức nào đó phong là thánh tử đạo. Tu hành, quý vị nên cẩn thận điều này, đừng thí mạng vô ích.

Trên bước đường tu, khi tâm mình mở được, lòng từ bao dung tất cả mọi người, vì lợi ích cho số đông, thì ai cũng thương mình, chấp nhận mình, ủng hộ mình; như vậy, chắc chắn là mình làm đúng. Thật vậy, nhờ tâm Phật mà chúng ta đã có và mở tâm ra, giúp người thương mình và cả người hủy báng mình, thì mình nhìn cuộc đời nhẹ nhàng, thanh thản, không còn thắc mắc, lo buồn. Ở mặt nào, chúng ta tu được, khiến người cảm mến và họ hợp tác, giúp ta làm được một số việc một cách dễ dàng. Riêng thầy, xây dựng được ngôi trường này là nhờ sự ủng hộ của Tăng Ni, Phật tử.

Thành công việc lớn nhỏ nào, chúng ta cũng phải ghi ơn, nhớ ơn và trả ơn những người hợp tác, hy sinh cho mình, lòng mình không bao giờ quên. Vì vậy, Phật dạy người tu luôn nhớ nghĩ đến bốn trọng ơn và hành Bồ-tát đạo là trả được bốn ơn lớn này.

Thể hiện lý này, kinh Pháp hoa dạy rằng khi thành tựu quả vị Phật, chúng ta nghĩ đến người có liên hệ với ta, họ sanh ở đâu, làm gì, để có điều kiện thì ta đến cứu giúp họ. Đức Phật nói rằng chín mươi kiếp trước, Kiều Trần Như làm vua, tiền thân Phật làm tiên nhân. Kiều Trần Như là ông vua ác ghét người tu, nên ra lệnh móc mắt, chặt tay Phật. Nhưng tâm từ của Đức Phật rộng lớn vô cùng, Ngài quán tưởng những người thân và người thù đều bình đẳng, cho nên Ngài phát nguyện khi thành Phật, Ngài sẽ tìm độ trước tiên những người thù nghịch Ngài. Tại sao Phật nghĩ như vậy. Vì Phật đang thực hiện hạnh nhẫn nhục cao nhất, nếu không có người hành hạ, làm sao Ngài thể hiện sức chịu đựng cao nhất. 

kinh but.jpg

Tu hành theo Phật, ban đầu bị chửi mắng, chúng ta cảm thấy hơi nặng lòng, nhưng về sau, thấy bình thường là biết tâm mình tốt rồi. Bước thứ hai, bị đánh đập, chúng ta vẫn cười được, là sức nhẫn của chúng ta cao hơn. Và bước thứ ba, bị sát hại, lòng chúng ta vẫn thanh thản là đã đạt được nhẫn nhục Ba-la-mật.

Phật quán sát thấy ông vua hung ác giúp Ngài thành tựu nhẫn lực Ba-la-mật, đó là việc khó mà ít ai dám hy sinh làm việc ác này với Ngài, vì ai cũng sợ bị quả báo. Bố thí, cúng dường là việc dễ làm, nhưng sát hại, chửi mắng người tu là việc khó làm. Đối với người thật tu, cần có người sát hại để họ thành tựu pháp nhẫn nhục.

Riêng chúng ta, đối với người ân, mình quý, nhưng với người ác, càng quý hơn. Tuy nhiên, vì mình chưa đủ đạo lực để đạt tới hạnh này, nên dễ nổi nóng là bị đọa. Lịch sử cho thấy điều này. Sáu mươi kiếp trước, Xá Lợi Phất phát tâm tu Bồ-tát đạo, phát nguyện bố thí Ba-la-mật, ai xin gì, ngài cũng cho, nhưng vì ngài chưa đạt tới đạo lực như Phật mà phát nguyện như vậy, rất nguy hiểm. Thật vậy, khi người Bà-la-môn xin mắt, ngài móc mắt cho. Trong lòng ngài nghĩ rằng mình đã phát nguyện như vậy, không cho không được, là tâm còn so đo, tính toán, chưa phải tới chỗ này. Ngài đành bằng lòng cho Bà-la-môn khoét mắt. Vì chưa giải thoát thực sự, nên ngài cảm thấy đau và bực tức, ngài liền thề rằng không hành Bồ-tát đạo nữa, nghĩa là trở lại lòng vị kỷ.

Có đạo hữu đến thăm, thầy hỏi anh còn bố thí không. Anh nói không đi bố thí nữa, vì nó xấu quá. Anh này phát tâm bố thí, cho người dân tộc quà và nhờ họ dẫn đường đi ra, thì họ lại đòi tiền. Anh nói quà mình cho thì họ lấy, mà nhờ chút xíu lại đòi tiền. Thầy nói đạo hữu tức, coi chừng bị đọa, vì mất tâm Đại thừa. Lúc trước có tâm tốt, thích bố thí, nhưng bị chút xíu như vậy mà không bố thí nữa là mất Bồ-đề tâm.

Vì vậy, điều quan trọng Phật tử phải nhớ, làm sao mở tâm mình từng bước, không phải mở một lượt, mở một lượt sẽ không đủ sức chịu đựng nổi. Ban đầu bố thí, vì chúng ta chưa đắc đạo, Phật khuyên rằng những gì người cần, chúng ta không cần, chúng ta cho họ. Người tham thì không cần cũng không cho. Và khá hơn, những gì mình cần, nhưng người cần, sử dụng có lợi hơn mình, thì nên cho. Thứ ba là mình rất cần, nhưng vì tu hạnh bố thí cao, nên sẵn sàng buông hết, để coi lòng cố chấp của mình vào việc giữ của có còn hay không. Vì nếu không buông được, thì cận tử nghiệp đến, tâm sẽ bị kẹt vào vật, không đi được. Quý vị nên quán tưởng như Phổ Hiền Bồ-tát dạy rằng những gì đáng quý trên thế gian còn đem theo được thì nên giữ, những gì của trần gian chúng ta bỏ, vì biết sớm muộn gì cũng phải bỏ, không giữ mãi được.

Tâm từ của quý vị mở rộng đến bao nhiêu, chúng sanh theo tâm từ đó mà đến với quý vị bấy nhiêu. Thực tế cho thấy có người tu, nhưng không ai đến với họ, vì họ cố chấp, không ai ở được với họ, vì họ quá tốt, nên khó tánh. Thí dụ đơn giản như người quá sạch thì người ở dơ không ở chung được. Người ta thường nói nước trong không có cá, người tốt không có bạn. Đó là người cố chấp, không làm được gì.

Nhưng tâm từ mở rộng bao dung, nên có người hỏi làm vậy được không, thầy nói “Cũng được”, nghĩa là chưa được, nhưng… cũng được. Thí dụ nhà tôn nóng, nhưng tu cũng được, vì không được thì cũng phải được thôi, chứ còn cách gì khác. Nếu chúng ta cứ đòi hỏi phải như vầy, như vầy là sai, vì đòi khác không được.

Vì vậy, tầm nhìn theo Phật phải thoáng, phải mở rộng. Theo Pháp hoa, Phật dạy nhìn 84.000 pháp môn đều tốt, thực hành pháp Phật đều là Phật tử. Ý thức sâu sắc lý này, đầu tiên, thầy quan hệ được với chư Tăng Phật giáo Nam truyền một cách dễ dàng. Thầy qua Campuchia, Thái Lan, Lào, các vị Hòa thượng đều tử tế với thầy, vì thầy nhìn các ngài tốt và các ngài cũng nhìn lại thầy tốt, đó là nhờ tâm thầy bao dung. Còn cố chấp, kỳ thị các pháp khác ở ngay trong đất nước của chúng ta mà nghĩ rằng mình tu theo Bắc tông mới đúng, người khác theo Nam tông, hay Khất sĩ không được. Kỳ thị như vậy là tâm ích kỷ, mặc áo Phật, nhưng không có tâm Phật thì hoàn toàn sai lầm.

Đệ tử Phật phải có tâm từ, bao dung, làm lợi ích cho nhiều người. Thể hiện tinh thần này, khi bố thí, Phật giáo chúng ta phát quà không phân biệt tôn giáo, phát quà bình đẳng cho những người khó khăn. Làm như vậy, chúng ta thể hiện tâm Phật là tâm không phân biệt.

Và khi không có tâm phân biệt hệ phái khác, chúng ta tập mở rộng tầm nhìn hơn nữa qua các tôn giáo khác. Riêng thầy, thầy nhìn người tu Hòa Hảo trước, vì nghĩ rằng đạo Phật giáo Hòa Hảo và Phật giáo chúng ta là một, vì họ cũng có chữ Phật giáo, nên không kỳ thị họ. Và đi xa hơn, nhận thấy kinh Hòa Hảo cũng có nhiều ý tưởng mà mình chấp nhận được. Theo kinh nghiệm của thầy, khi có những hiểu biết tốt về người Hòa Hảo, mình nói chuyện, họ dễ nghe. Gần đây, có một người đạo Cao Đài tặng thầy kinh Pháp hoa biên soạn theo họ và nói rằng để thầy xem có phù hợp không. Nghĩa là tâm thầy mở rộng đến người theo đạo Cao Đài, nên họ cũng đến được với thầy, khiến lòng thầy cũng thấy vui, dù họ không phải đạo Phật. Trao đổi với thầy, ông nói đạo Cao Đài cũng thờ Phật Thích Ca, như vậy, mình và họ có chỗ gần nhau. Thầy nói với vị này rằng chân lý là một, nhưng mỗi người có một cách tu riêng; tuy nhiên, trăm sông đều đổ về biển, nghĩa là các pháp môn tu khác nhau, các tôn giáo khác nhau, nhưng ngộ đạo, chứng đạo là một.

Vì vậy, đầu tiên, tâm chúng ta mở bung ra, bao được một tín ngưỡng. Phật nói tâm mở được đến đâu thì người tới với ta đến đó. Đóng kín tâm lại, coi chừng bị cô đơn. Để biết tâm mình đạt đến mức độ nào, hãy coi bên ngoài, thấy người đến với mình bao nhiêu là tự biết tâm mình rộng hay hẹp.

Và kế tiếp, chúng ta tập mở tâm bi. Điển hình là Bồ-tát Quan Âm, nơi nào có người khổ thì ngài đến. Đáng lẽ Đức Quan Âm ở Cực lạc, nhưng Ngài phát tâm đại bi mở rộng đến Ta-bà, vì người ở Ta-bà quá khổ. Phật dạy chúng sanh có khổ, người mới phát tâm thương, không khổ làm sao thương. Thầy để ý thấy khi nghe đồng bào bị bão lụt khổ, Phật tử liền sẵn lòng cho quà và đi cứu trợ.

Riêng chúng ta ban đầu mới phát tâm Bồ-đề, tu tâm bi đầu tiên, mình thương người thân trước, là cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè. Nhưng cũng có người mà cha mẹ, vợ con gần họ nhất, là nội quyến thuộc, họ cũng không thương được, thì họ thương ai. Hoặc có điều dở nữa, tuy là anh em, lại tranh giành của cải, đến giết nhau, vì lòng tham quá lớn khiến mất cả tình anh em.

Có người đến thưa với thầy rằng mẹ của họ xấu lắm, thương người anh mà không thương họ. Khi thầy gặp bà mẹ, thầy hỏi tại sao thương đứa con này, không thương đứa kia. Bà nói con thương nó chứ, vì thuở nhỏ, nó mê gái đến bỏ học, nên bây giờ khổ. Thầy lắng lòng thanh tịnh, thấy khách quan rằng hai mẹ con đều sai lầm. Bà mẹ cũng thương đứa con hư hỏng, nhưng không có cách dạy dỗ, giúp nó nên người, mà trở thành hư hỏng, rồi oán hận mẹ. Phật tử phải nhớ sanh con thì có trách nhiệm nuôi dạy nó. Còn đứa con phải thấy tại mình hư hỏng, bỏ học và tại mình si mê, nên khổ, không phải tại cha mẹ.

Phật tử nên lắng lòng suy nghĩ để hóa giải tất cả những gì không tốt với tất cả người xung quanh là cha mẹ, anh em, vợ con cho đến bạn bè, đó là việc tương đối dễ, lòng bi bắt đầu mở ra tới đâu thì cưu mang giúp đỡ đến đó, nhưng phải có chút trí khôn, không phải giúp là giúp hết.

Có anh đạo Thiên Chúa quý trọng thầy và thưa rằng muốn giúp người em, nhưng cho nó bao nhiêu tiền, nó cũng làm tiêu hết, cũng nghèo khổ. Thầy nói anh theo Chúa, nghĩ rằng Chúa phạt nó, nhưng theo Phật, là tại nghiệp, nghèo là nghiệp.

Người Việt Nam có câu rất hay rằng giúp ngặt, không giúp nghèo. Nghĩa là người gặp hoàn cảnh khó khăn, gọi là ngặt, chúng ta giúp đỡ để họ vượt qua trở ngại, có cuộc sống tốt hơn, nhưng không thể giúp người xóa bỏ được cái nghèo, vì đó là nghiệp của họ. Tuy nhiên, nếu muốn giúp cũng có thể được, nhưng chuyển được nghiệp của người phải từ từ và cũng không đơn giản. Tùy theo nghiệp của họ mà mình chuyển hóa. Thí dụ không đưa tiền cho người đánh bạc. Đối với người mắc nghiệp này, chúng ta giúp bằng cách tìm việc cho họ có thu nhập đủ sống thôi, họ không thể lên được. Còn nghĩ cho họ nhiều tiền để họ làm ăn giàu có, họ lại tiếp tục cờ bạc, vì đó là cái nghiệp của họ mà, tất nhiên, họ không trả được tiền cho mình, rồi sanh ra oán hận, đó là lỗi tại mình. Có trí tuệ, biết rõ cái nghiệp của họ, ta không cho tiền, mà giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ cải thiện cuộc sống.

Thầy thấy có người tốt cho tiền để bạn về chùa công quả, vì người này muốn công quả, nhưng không có thì giờ, không có tiền để sống nếu công quả. Khi được giúp như vậy là đã tạo được công việc cho người sống lương thiện và họ cũng thực hiện được ước nguyện công quả. Nhờ có trí tuệ và xử sự tốt, một thời gian sau, anh này phát tâm quy y, trở thành người tốt; nói cách khác, là tạo điều kiện cho người trồng căn lành ở Tam bảo và họ sẽ tiếp tục tu.

Tóm lại, thể hiện lời Phật dạy trong cuộc sống, trí tuệ khai sáng và tâm từ, tâm bi sanh ra là hạnh Bồ-tát được thực hiện từ trong tâm cho đến trải ra ngoài hành động. Tu như vậy, tuy chỉ có Phật và mình biết, nhưng trải qua thời gian sống đúng Chánh pháp, từng bước, không phạm sai lầm, hành giả thăng hoa, tức tâm an lạc và cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

 

HT.Thích Trí Quảng
(Bài giảng tại Học viện Phật giáo TP.HCM)

Giác Ngộ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin