Bi trí Quan Âm trong kinh Pháp hoa và kinh Bát-nhã
17:39:00 - 27/12/2017
(PGNĐ) - Nói về Quan Âm, Đức Phật dạy rằng Bồ-tát này có 33 thân hay 33 loại Ứng hiện thân ở Ta-bà. Nói như vậy, không có nghĩa là Đức Quan Âm chỉ có 33 thân như nhiều Phật tử hiểu lầm.
Bồ-tát Quan Âm có trăm ngàn muôn ức hiện thân, cho nên Đức Phật đã nói về thần lực của Quan Âm trong kinh Phổ môn rằng “Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng”, nghĩa là nếu một ngàn chỗ có tâm thành cầu nguyện Đức Quan Âm thì đồng một lúc đó có một ngàn Bồ-tát Quan Âm liền ứng hiện; nói chính xác hơn, trong khắp Pháp giới không chỗ nào mà Quan Âm không ứng hiện để cứu độ. Nếu có chúng sanh kêu cứu Ngài. Ngài sẽ hiện thân hình tương ưng với nhu cầu của con người như hiện thân Tỳ-kheo, hiện thân cư sĩ, hiện thân ngoại đạo, thậm chí hiện thân trẻ con. Tại sao Quan Âm có quyền năng như thế và chúng ta có được kết quả như Phật dạy hay không là vấn đề đặt ra để chúng ta ứng dụng trong cuộc sống, tu hành như thế nào mới đạt được kết quả cao như Quan Âm, hay kết quả nhỏ thì cũng thoát được nạn tai.
Trong các kinh điển Đại thừa, phần lớn Đức Phật dành một phẩm nói về Quan Âm, cho nên chúng ta biết công hạnh của Ngài rất lớn. Điển hình là kinh Bát-nhã, mà trong phần trọng tâm, Đức Phật cũng đưa ra năng lực siêu xuất của Đức Quan Âm làm mô hình kiểu mẫu.
Đức Phật phá các chấp tướng và Ngài giới thiệu Bồ-tát Quan Âm mang tên khác là Quán Tự Tại như sau: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách…”. Đó là phần mở đầu của Bát-nhã Tâm kinh, Đức Phật đã mượn hình ảnh Quan Âm để chứng minh vị Bồ-tát này là người tu chứng Bát nhã và sử dụng được Bát-nhã.
Bát-nhã là gì. Bát-nhã là trí tuệ cao nhất có thể đưa con người vượt qua tất cả khổ ách, gọi là trí Bát-nhã, cho đến đạt được cứu cánh Niết-bàn. Đức Phật Thích Ca cho biết ba đời chư Phật đều nương trí Bát-nhã để vượt qua tất cả chướng duyên, phá được tất cả khổ ách và đạt đỉnh cao Niết-bàn.
Và Đức Phật cũng nói rằng Quan Âm đã đạt cứu cánh Niết-bàn này; vì vậy chúng ta ngầm hiểu rằng Đức Quan Âm là vị Phật đã thành, tức Ngài đã thành Phật rồi, nhưng hiện thân Bồ-tát để trợ hóa cho Đức Phật Thích Ca hành đạo ở cõi Ta-bà.
Theo kinh Pháp hoa, Đức Phật nói có hai hạng Bồ-tát là Bồ-tát từ nhân hướng quả và Bồ tát từ quả hướng nhân. Bồ-tát từ nhân hướng quả là tất cả những người như chúng ta phát tâm Bồ-đề, tu hành theo nhiều pháp môn khác nhau, nhưng đều cầu mong chứng được Phật quả. Bồ-tát từ quả hướng nhân là những vị Bồ-tát đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời để cứu độ chúng sanh.
Bồ-tát Quan Âm cũng vậy, Ngài đã thành Phật ở thế giới Phật, nhưng vì luôn sống với tâm đại bi nên Ngài thường quán sát khổ đau của chúng sanh và muốn giải phóng nỗi khổ niềm đau cho họ, Ngài mới hiện thân lại cõi Ta-bà này. Vì vậy, kinh Pháp hoa gọi Ngài là Quán Thế Âm, kinh Bát-nhã gọi là Quán Tự Tại. Hai danh xưng này khác nhau điểm gì.
Quán Thế Âm là thành Phật rồi hiện thân lại làm Bồ-tát. Vì vậy người ta tạc tượng Quan Âm kiểu nào, trên đầu Ngài cũng có tượng Phật, tiêu biểu cho Ngài thành Phật, nhưng thương chúng sanh khổ đau mà Ngài hiện thân lại. Nếu thương chúng sanh khổ đau trong loài A-tu-la, hay trong loài rồng, hoặc trong loài người, Quan Âm sẽ hiện thân vô loài đó. Nhưng Bồ-tát hiện thân vào các loài chúng sanh, Ngài khác với chúng sinh ở điểm trên đầu Ngài lúc nào cũng có Phật.
Vì vậy, trên bước đường tu của chúng ta, việc quan trọng là phải có Phật trong tim mình, hay trên đỉnh đầu mình; vì không có Phật, chúng ta dễ rớt vào tà ma ngoại đạo. Nếu mang hình thức thầy tu, nhưng trong tim không có Phật là không có tâm đại bi sẽ dễ làm việc ác; trên đầu không có Phật, tức không có trí Bát-nhã thì luôn phạm lỗi lầm, dù mang hình thức nào cũng là ác ma, ngoại đạo. Tuy nhiên, nếu mang hình thức A-tu-la, hay cư sĩ, nhưng trên đầu có Phật, trong tim có Phật, thì họ là Phật. Phật này là Phật tâm, Phật huệ. Vì vậy mà người thế gian thường nói khẩu Phật tâm xà, nghĩa là miệng nói lời thiện của Phật, nhưng tâm ác thì không thể là Phật. Còn mặt dữ như ông Tiêu, nhưng tâm là Phật vẫn tiêu biểu cho Phật.
Bồ-tát Quan Âm kết hợp được đại bi của kinh Pháp hoa và đại trí của kinh Bát-nhã. Kinh Hoa nghiêm cũng có một phẩm nói về Đức Quan Âm và nhiều kinh Đại thừa đề cập đến Ngài. Điều này cho thấy đối với Phật pháp, Bồ-tát Quan Âm đóng vai trò rất quan trọng.
Ngày nay, chúng ta hành đạo theo tinh thần Đại thừa, nhưng không áp dụng kinh Bát-nhã để quét sạch nghiệp chướng trần lao và phát sinh trí tuệ mà nói tu Đại thừa là sai lầm lớn. Phải có đại trí mới tu Đại thừa được.
Tuy nhiên, không có đại trí mà tu Đại thừa được là theo kinh Pháp hoa dạy hành giả phải nương theo đại trí của Phật, Bồ-tát mà tu. Nếu không có đại trí và cũng không nương được đại trí của Phật, Bồ-tát mà tự hành Bồ-tát đạo, sẽ chuốc họa vào thân. Thật vậy, trên bước đường tầm sư học đạo, Phật và thầy rất quan trọng; vì không có thầy chỉ dạy và không có Phật ấn chứng, không thể nào hành Bồ-tát đạo. Khi nương được trí tuệ Phật, chúng ta có thể hóa giải tất cả mọi việc của trần gian.
Riêng tôi, hành đạo đến ngày nay luôn được an ổn, chính yếu là nhờ đặt trọn niềm tin tuyệt đối ở Phật, nên được Phật lực gia bị, quyết đoán ít bị sai lầm. Có sai lầm nhỏ, hay ít sai lầm, chúng ta cũng thoát được, nếu không sai lầm là tốt nhất.
Trên bước đường tu, chưa có trí Bát-nhã, chúng ta có thể nương theo trí Bát-nhã của Phật. Nhưng trên thực tế cuộc sống, có lúc nương được Phật lực, có lúc không được Phật lực gia bị. Nhận được Phật lực gia bị với điều kiện tâm chúng ta phải hoàn toàn thanh tịnh. Một vị tu hành giỏi dở chưa nói, nhưng nói đến tâm thanh tịnh là chính. Giỏi mà tâm không thanh tịnh thì dễ trở thành ác ma. Dở nhưng thanh tịnh, Phật lực gia bị được. Vì vậy, chúng ta thấy trong cuộc sống có người ít học, nhưng làm được Phật sự lớn mà người khác không làm nổi, vì nhờ tâm thanh tịnh và được Phật lực gia bị, cho nên họ thấy điều cần làm. Các vị cao tăng khi gặp việc khó, không giải quyết được, các ngài thường nhập thất, hoặc nhập định để giữ cho tâm thanh tịnh.
Khi tâm thanh tịnh, Phật huệ mới rọi vào được và mới thấy khác với cái thấy phát xuất từ Thức. Cái thấy theo Thức là do suy nghĩ mà biết thì chỉ đúng được 50% là tốt rồi. Trong khi trí Bát-nhã do Phật huệ rọi vào, vượt hơn hiểu biết của Thức, thì không cần suy nghĩ, tự động bừng sáng trong lòng.
Như tôi thường nhắc bốn mươi năm trước, Hòa thượng Trí Tịnh đã dạy rằng khi ngài không suy nghĩ thì biết chính xác. Muốn được như vậy, đòi hỏi chúng ta phải trải qua quá trình tham thiền nhập định để dứt bặt Thức, bấy giờ tâm chân như mới bừng sáng. Tôi thường thực tập pháp này để thấy và hành động theo tâm chân như, nên thoát được những hiểm nạn.
Nếu có tâm thanh tịnh, Phật lực sẽ gia bị, ví như mặt nước phẳng lặng và trong suốt thì ánh trăng hiện rõ. Thật vậy, Phật chỉ hiện vô tâm chúng ta khi không có dao động trong lòng, tức vọng thức không khởi lên. Ta không nghĩ việc nào là tâm trong sạch, là gạn lọc được tham sân si, mạn, nghi, ác kiến.
Vì vậy, tu hành cần gạn lọc tâm mình cho trong sạch bằng cách lấy pháp Phật rửa tâm. Học Phật pháp, chúng ta biết rằng tất cả mọi vật trên thế gian này đều không bền chắc, thân ngũ uẩn cũng không bền chắc. Thấy rõ pháp như vậy và chúng ta tập làm theo Phật dạy. Chính cuộc đời của Đức Phật cũng thể hiện rõ ý này. Ngài từ bỏ tất cả tài sản vật chất mà người thế gian coi là cao quý nhất để dấn thân trên con đường cát bụi, đó là Ngài đang gạn lọc tâm cho trong sạch.
Đối với phàm phu, không có thì tham muốn cho có, dẫn đến việc làm sai trái, bị tù đày, đau khổ; nhưng người đời có rồi thì muốn giữ lại mãi cũng là tham thì cũng khổ và giữ không được, lại càng khổ nữa.
Đức Phật hoàn toàn khác hẳn, Ngài vứt bỏ cung vàng điện ngọc, quyền thế, sống khổ hạnh một mình để kiểm tra xem lòng Ngài có còn ham muốn hay không.
Nghĩ cuộc sống Phật cao thượng như thế, thì mình là đệ tử Ngài phải phát tâm buông bỏ tất cả. Khi buông bỏ được phần nào, tự động tâm thức ta được lắng yên phần đó. Nhờ vậy, Phật hiện vào tâm ta một phần, giúp chúng ta thấy lờ mờ trước chân lý và theo đó, chúng ta tăng trưởng niềm tin nơi Phật và tiến tu được.
Khi tôi sang Nhật tu học, tâm trạng này được giáo sư khai ngộ, tôi rất thấm thía. Vào khoảng thập niên 60, Nhật Bản có ti-vi, giáo sư giảng rằng tâm con người ví như cái ti-vi có lớn có nhỏ khác nhau và tần số cũng khác. Lúc đó, ti-vi Nhật chỉ có ba tần số.
Màn hình ti-vi lớn nhỏ rộng hẹp tiêu biểu cho người đời có phước báo nhiều ít khác nhau. Ti-vi chỉ có một tần số tiêu biểu cho người tu theo hạnh Thanh văn, mở ti-vi ra là họ bắt thẳng vô đài, tức thấy Phật liền, không thấy gì khác; còn đóng ti-vi là chúng sanh. Nhưng người tu giả, mở hay đóng ti-vi cũng thấy chúng sanh, thì tu muôn kiếp cũng không thành Phật. Đóng ti-vi, thấy tối đen là vô minh; nhưng mở ti-vi thấy ánh sáng Phật, nên người tu thích sống nội tâm, ví như ti-vi chỉ có một đài thôi.
Còn có hai, ba đài tiêu biểu cho người hành Bồ-tát đạo khác với Thanh văn. Tu Thanh văn ví như có một tần số, mở ra là có Niết-bàn; nhưng tu Bồ-tát đạo, mở tần số này thì thấy thế giới Cực lạc của Phật Di Đà, mở tần số khác thấy thế giới Tịnh Lưu ly của Phật Dược Sư, hoặc mở tần số khác nữa, thấy Phật Đa Bảo. Có nhiều tần số, hay có nhân duyên căn lành của chúng ta gieo trồng từ đời trước nên đời này mới kết nối được với chư Phật, chư Bồ-tát. Có nhân duyên với vị Phật hay vị Bồ-tát nào thì thấy vị đó; không có nhân duyên thì dù có mở ra cũng không thấy được.
Hoặc mở ti-vi nhưng hình ảnh mờ không thấy rõ vì ti-vi bị nhiễu sóng; thấy Phật không rõ là tâm chúng ta bị loạn động, chưa thanh tịnh. Cũng như trong đại dương có những đợt sóng ngầm, tâm thức chúng ta cũng có những làn sóng nghiệp ngầm khởi lên làm chúng ta không thấy được Phật.
Nhận thức yếu nghĩa này, tôi luôn để tượng Phật trên bàn viết trước mặt mình. Khi tập trung mà không thấy được Phật, thì phải nhìn vào tượng Phật, để tâm vào tượng Phật để thấy Phật.
Khi tâm ta hoàn toàn thanh tịnh, Bồ-tát Quan Âm, hay cảnh Tây phương hiện rõ, nhưng tâm mình bị những đợt sóng ngầm là tham sân si nổi dậy thì cảnh Cực lạc liền biến mất, Quan Âm cũng không còn. Trên bước đường tu, ai cũng còn trạng thái này. Ngồi yên, vụt nhớ việc nào ác, hay nhớ người nào xử sự tệ với ta, ta phát giận liền người đó, hoặc nhớ đến những cơ hội tốt mình lỡ bỏ qua thì liền cảm thấy tiếc nuối… Tất cả những sự kiện xảy ra trong cuộc sống chúng ta đều được lưu giữ đầy đủ trong lòng mình và nó có thể nổi dậy bất cứ lúc nào, khi đó hình ảnh Phật bị nhòe đi, giống như ti-vi bị nhiễu sóng. Nếu biết khắc phục, lắng nghiệp thì hình ảnh Phật sẽ từ từ hiện rõ trở lại.
Vì vậy, do chúng ta điều chỉnh ti-vi mà hình ảnh rõ màu đẹp, người tu cũng điều chỉnh tâm mình cho thanh tịnh để thấy thế giới Phật rõ hơn, nghe âm thanh Phật rõ hơn. Và người điều chỉnh được tâm thanh tịnh đến mức độ cao nhất là Đức Quan Âm mà Tâm kinh diễn tả là Ngài hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Cho nên đối với Bồ-tát Quan Âm, âm thanh của tất cả chúng sanh và ánh sáng của thế giới chúng sanh đều hiện rõ nét, vì Ngài đã chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Đó chính là pháp quan trọng nhất trong đạo Phật.
Chúng ta nhìn tất cả mọi thứ ở khắp mọi nơi đều bị vướng mắc trong ngũ uẩn, tức kẹt vào sắc, thanh, hương, vị, xúc. Trong khi chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì không vướng mắc gì cả, tất cả những gì do mắt thấy tai nghe, do cảm thọ, do tưởng tượng, nói chung do sự tác động của thức uẩn, đều biến mất trong tâm thức, không có một niệm nào khởi lên gọi là tâm không. Còn nhớ quá khứ, suy tính tương lai, thấy đối tượng buồn vui, là tâm thức còn khởi động. Nhưng chiếu kiến ngũ uẩn giai không là tất cả mọi việc trước mắt biến mất; nói cách khác, tuy có, nhưng coi như không, gọi là quán không, hay vào cửa không.
Còn việc có mà chúng ta nói không là sai; Bồ-tát Quan Âm không phải như thế, vì Ngài thấy thật tướng không. Thí dụ mọi người trong đạo tràng này hiện diện trước mặt tôi là có, không phải không; nhưng tôi biết rằng trước kia và sau này, quý vị đều không có ở đây, nên không thật. Ý này được Bồ-tát Long Thọ dạy rằng quán không, quán giả và quán trung.
Đầu tiên, tu theo Quan Âm, quán không để rời bỏ tâm chấp trước. Mọi việc, mọi người có hay không có, chúng ta cũng không quan tâm đến để được giải thoát. Vì chúng ta coi mọi vật không cần thiết, nên bỏ. Bỏ vật bên ngoài cho đến bỏ vật trong tâm và thậm chí sắc uẩn này cũng không cần. Như vậy, chúng ta bỏ tâm chấp trước, không phải bỏ vật; hiểu bỏ vật là sai.
Và bỏ tâm chấp trước rồi, sự vật vẫn là sự vật, thì Phật dạy rằng sự vật thế nào, chúng ta nói đúng như vậy; không phải có mà nói không. Có nói có, không nói không; nhưng sự vật này không thật tồn tại mãi. Trước 6 giờ sáng, ở giảng đường này trống không và sau 6 giờ chiều, quý vị về hết thì ở đây cũng trống không.
Hoặc xa hơn, trước khi sanh ra, chúng ta không có mặt trên cuộc đời này, là không và sau khi chúng ta từ giã cuộc đời thì cũng không, là tất cánh không. Ta có mặt trên cuộc đời là sự hiện hữu giả tạm, vì thân vật chất này thay đổi theo từng sát-na, không đứng yên và kế đến là sự thay đổi về tâm, tâm lý chúng ta cũng luôn biến dạng. Nhờ quán sát đúng đắn như vậy, chúng ta không cố chấp vào thân tâm, không cố chấp vào sự vật và mọi người bên ngoài; cho nên vượt được tất cả nỗi khổ trong lòng chúng ta, gọi là khổ tâm. Những việc không đáng khổ cũng tưởng tượng ra để khổ, đó là cái khổ lớn nhất của phàm phu. Còn thân vật chất có khổ, nhưng nếu chúng ta không màng đến thì cũng chẳng thấy khổ. Khi còn có sự kết hợp của thân ngũ uẩn và thân tứ đại thì gọi là còn sống; nhưng nếu thân vật chất này chết rồi thì có còn khổ vui hay không. Quán sâu lý không, đạt được “Hành thâm Bát-nhã” như Đức Quan Âm, nên vượt được tất cả khổ vui của thế nhân.
Chúng ta chưa vượt được tất cả khổ vui, vinh nhục, tình ái của trần gian này mà cứu đời là tự chuốc lấy tai họa cho mình. Dù cuộc đời như thế nào, tâm của hành giả vẫn như như bất động, là độ nhứt thiết khổ ách. Nhận ra yếu nghĩa này, phải độ mình giải thoát mới nghĩ đến độ người.
Bồ-tát Quan Âm là hành giả kiểu mẫu thể hiện cốt tủy của pháp này. Ngài đạt được trí Bát-nhã cao tột, phiền não không còn, mới phát đại bi tâm, tức từ chân như tâm là đỉnh cao nhất của trí tuệ mà phát tâm vào đời cứu độ chúng sanh.
Việc làm của Đức Quan Âm nhắc nhở chúng ta làm đạo, thương người nhưng phải có trí tuệ chỉ đạo. Còn không phát được từ tâm chân như hay trí Bát-nhã, chúng ta dễ bị ma quái mê hoặc. Nó thấy ta thương người nên nó giả dạng làm người tật nguyền để dụ dỗ và ta làm theo nó là bị lệ thuộc chặt chẽ vào quỹ đạo của ma, khó thoát ra được. Thí dụ ta muốn phóng sanh thì họ đem lồng chim đến xúi mình mua thả. Nghe nói phóng sanh có phước, ta dặn họ bắt giùm bao nhiêu con chim, bao nhiêu ký cá để thả. Đó là hành Bồ-tát đạo không có trí Bát-nhã. Có trí Bát-nhã thấy người đáng cứu, chúng ta cứu, không bị nó mê hoặc hay lợi dụng. Thấy người bắt cá ăn thịt, chúng ta mua thả nó và biết thả ra sông nó sống được.
Làm việc bằng tâm đại bi được phát khởi từ tâm chân như, hay trí Bát-nhã, mới có kết quả tốt đẹp. Với trí Bát-nhã chỉ đạo, Đức Quan Âm khi hiện thân làm tiểu vương, khi hiện thân Bà-la-môn, hoặc hiện thân phụ nữ mà cứu được người. Nhờ trí Bát-nhã soi sáng, Ngài biết rõ tới đâu cần mang hình tướng gì để cứu giúp chúng sanh, Ngài liền có thân hình tương ưng nên cứu được. Thử nghĩ xem đến nước mà họ chỉ tin theo ngoại đạo nào đó, chắc chắn mang hình thức tu sĩ Phật giáo chẳng những không được tiếp đón, có khi còn bị mất mạng.
Tóm lại, áp dụng lời Phật dạy, chúng ta niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Âm, đồng thời thể hiện Chánh pháp trong cuộc sống của chính mình thì hành đạo ở nơi nào, sống ở chỗ nào, cũng được Đức Quan Âm gia hộ, thoát được khổ nạn và mang lại an vui, lợi ích cho nhiều người giống như Bồ-tát Quan Âm.
HT.Thích Trí Quảng
Nguồn: GNO
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|