Chi tiết tin tức Điểm tương đồng về Tứ Thánh đế trong Kinh Tạp A-Hàm và A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận 17:02:00 - 20/04/2023
(PGNĐ) - Một trong những giáo lý quan trọng trong suốt 45 năm Đức Phật thuyết Khổ và Con đường diệt Khổ là Tứ Thánh Đế nằm trong tạng Nikaya và A-hàm. Giáo lý này được xem là chủ đề trọng tâm trong Kinh tạng và Luận tạng, đặc biệt trong A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc luận. Khi biên tập thành Kinh và Luận tạng, dù cho hình thức trình bày, giảng giải pháp có thay đổi nhưng nội dung giáo nghĩa và con đường tu tập không ngoài mục đích giải thoát và hoằng dương chánh pháp.
LỰA CHỌN SO SÁNH Đức Phật khi Chuyển Pháp luân lần đầu tiên ở Benares đã giảng về Tứ Thánh đế và trong suốt 45 năm Ngài vẫn hằng giảng dạy về chân lý này. Vì đây giáo lý quan trọng nên Đức Phật nói Tứ Thánh đế trong nhiều hoàn cảnh, địa điểm, và đối tượng khác nhau, được ghi lại thành nhiều bài kinh trong Tạng Nikaya và A-hàm. Giáo lý này tập trung nhiều nhất trong Kinh Tạp A-hàm và được trình bày dưới hình thức những bài Kinh ngắn, như Kinh Chuyển Pháp Luân [1] hay Kinh Tứ Đế (2) [2]. Ngoài hai bản kinh trên còn có các Kinh nói về Tứ Thánh đế trong Tạp A-hàm như: Tứ đế (1), Đương Tri, Dĩ tri, Lậu tận, Biên Tế, Hiền Thánh (1), Hiền Thánh (2), Ngũ Chi Lục Phần, Lương Y, Sa-môn Bà-la-môn (1) (2), Như Thật Tri, Thiện Nam tử, Nhật Nguyệt (1) (2), Thánh đệ tử, Khư-Đề-La, Nhân Đà-la-trụ, Luận xứ, Thiêu Y, Bách Thương, Bình Đẳng Chánh Giác, Như Thật Tri, Thân Thứ, Không, Manh, Tư Duy (1) (2), Giác (1) (2), Luận Thuyết, Tranh, Vương Lực, Túc Mạng, Đàn Việt, Thọ Trì (1) (2), Như Như, Nghi (1) (2), Thâm Hiểm, Đại Nhiệt, Đại Ám, Minh Ám (1) (2) (3), Thánh đế, Thiền Tư, Tam-ma-đề, Trượng (1) (2), Ngũ Tiết Luân, Tăng Thượng Thuyết Pháp, Hiệt Tuệ, Tu-Đạt, Điện Đường (1) (2), Chúng Sanh, Tuyết Sơn, Hồ Trì Đẳng, Thổ, Trảo Giáp, Tứ Thánh Đế Dĩ Sanh. Tổng cộng 63 kinh trong Tạp A-hàm đều biên tập dưới hình thức những bài kinh tương tự Kinh Chuyển Pháp Luân và Kinh Tứ Đế. Tứ Thánh đế trong A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận được biên tập theo hai hình thức Khế kinh tức như kinh văn trong Kinh Tạp A-hàm và phần luận giải kinh theo đối Pháp tạng. Phần luận giải kinh văn sử dụng các hình thức A-tỳ-đạt-ma luận giải kinh. Do đó điểm tương đồng giữa Tứ Thánh đế trong Kinh Tạp A-hàm và A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận được khảo sát dựa trên 65 bài kinh trong Kinh Tạp A-hàm và phần khế kinh Phẩm Thánh đế trong A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận [3]. HÌNH THỨC CẤU KẾT GIỮA KINH VÀ A-TỲ-ĐẠT-MA PHÁP UẨN TÚC LUẬN Qua sự so sánh cho thấy về hình thức kết cấu giữa Kinh và Luận, Tứ Thánh đế trong Kinh Tạp A-hàm và phần Khế Kinh trong A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận hoàn toàn giống nhau. Vì A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận đại biểu cho A-tỳ-đạt-ma cổ điển tức thể tài Ma-đát-lý-ca (Ma-thất-lị-ca). Tỳ-nại-da Tạp sự nói rằng: “Ma-thất-lị-ca….đối với nghĩa đã hiểu muốn bày cho rõ, đó là Tứ Niệm Xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo phần, Tứ vô uý, Tứ Vô ngại giải, Tứ quả Sa-môn, Tứ pháp cú…Pháp tập, Pháp Uẩn…gọi chung là Ma-thất-lý-ca” [4]. Nghĩa là Ma-đát-lý-ca giải thích những giáo lý mang tính đề cương như Bát Chánh đạo, Tứ Thánh đế, Tứ Niệm xứ… Thể tài này nêu đề mục, dựa vào Khế Kinh mà giải thích. Ngài Ấn Thuận nói rằng: “Tất cả Khế Kinh là do Phật tuyên thuyết, vì làm sáng tỏ những điểm cốt yếu trong phật Pháp, do đó mới nói ma-đát-lý-ca thuộc khế kinh” [5]. A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận bảo tồn hình thức căn cứ Khế Kinh để giảng giải phân biệt nên vẫn biên tập kinh vào luận như Phẩm Thánh đế vì: “Mỗi khi những nội dung của Kinh tạng đã được xác quyết vững chắc, những nghiên cứu A-tỳ-đàm không còn được đưa vào đó nữa” [6]. Nếu có sử dụng hình thức A-tỳ-đạt-ma được luận giải sau đó, riêng biệt không đưa vào phần khế Kinh. Do đó, A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận giống Kinh ở phần Khế Kinh, các bài Kinh nói Tứ Thánh đế trong Kinh Tạp A-hàm giống với phần Khế Kinh Phẩm Thánh đế trong A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận. Trong đó, Đức Phật không đề cập tới Tứ đế, chỉ đề cập danh mục Tứ đế, nói một cách tổng quát, giới thiệu khái quát từng đề mục về chân lý Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế không giải thích, đàm luận giáo nghĩa. GIÁO NGHĨA Giáo nghĩa giữa Kinh và A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận về Tứ Thánh đế là giống nhau. Đức Phật khẳng định pháp Tứ đế, giải thích làm cho người nghe mở tâm, thông hiểu, thọ trì. Tuy Nhất Thuyết Hữu Bộ cho rằng 3 thời quá khứ, hiện tại, vị lai là thật có [7] và luận giải trong Pháp Uẩn Túc Luận như: Vì các pháp này, đều là nhân, là căn bản, là đạo lộ, là duyên khởi của khổ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, nói chi tiết cho đến thân này sau khi hoại, do đây làm nhân cho quả khổ sinh khởi. Như nói khát ái các thứ đều là nhân của khổ, nó là căn bản dẫn khởi các khổ [8]. Hữu bộ giải thích sâu rộng về nguyên nhân của Khổ trong hiện tại cũng do nhân quá khứ và quả vị lai do nhân hiện tại; do ái dục làm nhân mà luân hồi sinh tử chịu các quả khổ. Bên cạnh đó, Hữu Bộ sử dụng phạm trù năm uẩn để giải thích giáo thuyết, phát triển Khổ đế thành bát khổ [9]…, nhưng nhìn chung giáo nghĩa không khác nhau. Đời sống con người không nằm ngoài Khổ và Niết bàn. Người học Phật nếu nhận diện được Khổ, biết như thật về Khổ sau đó suy tư, tu tập hiện quán: nguyên nhân của Khổ do đâu, sự diệt Khổ như thế nào và con đường diệt Khổ tu tập ra sao. Nếu hiện quán như vậy là đi trên con đường dẫn đến sự giác ngộ, giải thoát vì Tứ Thánh đế nương theo quy luật duyên khởi: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh” [10] cho nên nếu ai thấy Khổ người đó cũng thấy suốt Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo Thánh đế, Đức Phật chỉ ra rằng: “Này các Tỳ kheo, ai thấy khổ, người ấy cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy con đường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ tập, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con đường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy con đường đưa đến khổ diệt. Ai thấy con đường đưa đến diệt khổ, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt” [11]. Theo A-tỳ-đạt-ma, “hiện quán” tức chứng nghiệm thực tế về Thánh đế bằng “giản trạch”. Khi con người còn trong khổ đau mà nhận diện được khổ từ đó sẽ đoạn được khổ. Khổ đau về thân hay tâm chỉ trạng thái của tâm thức. Khi quán sát được rằng: “cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi” [12] thì không còn trở lại trạng thái này nữa. Đó là một trạng thái Niết bàn, Vô ngã với sự an lạc tự tại, trí tuệ thông suốt thấy rõ thật tướng các pháp. Pháp Uẩn Túc Luận nói rằng: “Dù chư Phật xuất thế hoặc không xuất thế, thì pháp Diệt như vậy là pháp trụ, pháp giới, tất cả Như Lai tự nhiên thông đạt, bậc đẳng giác: tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, phân biệt, khai thị cho mọi người hiểu rõ: “Đây là Niết Bàn, đây là diệt; đây là trạng thái Niết bàn, đây là trạng thái diệt” [13]. Dù Phật có xuất thế hay không nếu đắc pháp phương tiện tức “thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” [14] thì pháp Diệt tức trạng thái Niết Bàn tối hậu, dù có chứng ngộ hay chưa chứng ngộ, bản lai diện mục vẫn tồn tại, chỉ có điều còn vô minh bụi trần che lấp, luân hồi sinh tử. Niết bàn, giải thoát khổ đau là mục đích tối hậu của Thánh đế. NỘI DUNG ĐƯỢC BIÊN TẬP TRONG KINH VÀ LUẬN Phần Khế Kinh trong Pháp Uẩn Túc Luận biên tập giống các bài kinh trong Kinh Tạp A-hàm, lấy Kinh Chuyển Pháp Luân làm trọng tâm và kết hợp các bài kinh ngắn trong Kinh Tạp A-hàm. Như lời dạy sau: “các Tỳ kheo nếu đối với bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện phát khởi ý muốn tăng thượng, tu tập hiện quán” [15]. Đức Phật người trí tuệ và đề cao, ca ngợi trí tuệ nên muốn thấu triệt một sự vật hiện tượng và tâm thức nhất thiết phải dùng phương pháp “hiện quán” hay “giản trạch” nghĩa là: “Khả năng phân tích và lựa chọn…bằng khả năng đó mà đi sâu vào yếu tính của tồn tại. Thấy rõ bản chất và yếu tính của tồn tại, đó là mục đích cứu cánh của nhận thức là nhu cầu hiểu biết” [16]. Từ thế giới hiện hữu quanh ta phân tích, lựa chọn sau đó nhận thức thẳng vào yếu tính tồn tại. Theo Dị Bộ Tông Luân Luận, Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cho rằng: “Tứ Thánh đế là pháp tiệm tu hiện quán” [17] nghĩa là muốn thấy biết như thật cần phải thấy rõ các giai đoạn chứng nghiệm Thánh đế. Nghĩa là hiện quán tuần tự các Thánh đế và chứng ngộ tuần tự các Thánh đế. Nhờ sự quán sát như vậy mà ánh sáng trí tuệ chiếu soi vô minh, hướng đến tịch tịnh, giải thoát giác ngộ. Có thể nói, Kinh Tạp A-hàm hay A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận đều tuyên thuyết, chỉ rõ chân lý Khổ và Con đường diệt khổ hướng tới đời sống giải thoát khổ đau, an lạc, tự tại. Phần nội dung trong phần luận giải Phẩm Thánh đế của A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận được gọi A-tỳ-đạt-ma (A-tỳ-đàm) hay Abhidharma, do các đệ tử nói, không do Phật thuyết. Thế thì, phần luận giải đó có được gọi là Pháp không? Theo Hirakawa Akira: “A-tỳ-đàm có thể được giải thích là những nghiên cứu về giáo pháp của Đức Phật, hay nghiên tầm những chân lý mà Đức Phật khai mở” [18]. Pháp trong phần Khế Kinh A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận và Kinh tạng do Thế Tôn tự thân chứng ngộ tuyên thuyết: “Chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng chánh giác” [19]. Pháp là chân lý, giáo lý chung cho cả Kinh và Luận vì không thể luận giải A-tỳ-đạt-ma mà không căn cứ vào Pháp. Trong Kinh Du Hành Đức Phật dạy rằng: “Hãy nương theo Kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo Luật, nương theo Pháp mà xét cho rõ gốc ngọn” [20]. Pháp được ghi chép trong Kinh hay Luật, nơi để nương tựa suy xét gốc ngọn giáo lý. Đó là “Pháp” do Thế Tôn nói. Đối với Pháp trong Luận tạng do các luận sư luận giải, Pháp đó cũng là Pháp chỉ rõ gốc ngọn, là “nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải” vì: “Pháp có nghĩa là tự giữ lấy tính cách nó (nhậm trì tự tánh) và làm mẫu mực phát sinh cho sự nhận biết (quỹ sinh vật giải)” [21] nghĩa Pháp vốn chân lý, tự nhiên như vậy, tự nó sẽ giữ tính cách của nó nên khi luận giải từ một pháp ra các pháp thì tư tưởng cũng chỉ một. Nó cùng ý nghĩa: “Chư Như Lai dùng một âm thanh nói tất cả pháp” [22]. “Âm thanh” chỉ cho tư tưởng [23], Phật dùng một hay nhiều tư tưởng hay chân lý, từ chân lý này hiển lộ tất cả pháp, từ một pháp nói ra muôn pháp do “cái này có, cái kia có, cái này sinh cái kia sanh”; điều này cũng đồng nghĩa: “Lý tưởng diễn tả trong ngôn từ là giáo lý giáo pháp thì cũng gọi là pháp”[24], Các bộ phái khi luận giải Pháp, khi đề cập đến cái gì Đức Phật chưa giải thích: “Không phải một âm thanh của Phật nói được tất cả các pháp” [25] thì các đệ tử sẽ phân tích, giải thích với mục đích xiển dương chân lý và giữ gìn chánh pháp. Qua đó, với người viết, Pháp hay A-tỳ-đạt-ma hay giáo lý Tứ Thánh đế trong A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận cũng như trong Tạng Luận đều là Pháp vì dựa vào giáo lý Thế Tôn nghiên cứu, nghiên tầm về chân lý mới có thể dung thông mà luận giải trong A-tỳ-đạt-ma. Có thể nói Tứ Thánh đế trong Kinh Tạp A-hàm và A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận giống nhau về giáo nghĩa. Dù ở trong hình thức Kinh hay Luận, giáo lý Tứ Thánh đế đều được Đức Phật và các vị thánh đệ tử xiển dương chân lý hướng tới đời sống tu tập, giải thoát giác ngộ hoàn toàn.
SC. Thích Nữ Nhẫn Hòa/TCVHPG407
Chú thích: * SC. Thích Nữ Nhẫn Hòa, Học viên Cao học khóa V tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. [1] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 5-Bộ A-Hàm V-Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-Hàm số 1, Kinh Chuyển Pháp Luân, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc-Taiwai, 2000, tr.1052-1055. [2] Ibid, Kinh Tứ Đế (2), tr.1055. [3] Phước Nguyên dịch và chú, A-Tì-Đạt-Ma Pháp Uẩn Túc Luận, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.350-375. Xem phần khế kinh trong phẩm Thánh đế. [4] Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Căn Bản Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ-nại-da Tạp Sự, quyển 40, Hội Văn hoá Giáo dục Đài Bắc, Taiwai, 2000, tr.325. [5] Ấn Thuận, Nghiên cứu về các luận sư và các tác phẩm của phái Thuyết nhất thiết Hữu bộ Tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2022, tr.58. [6] Hirakawa Akira, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Nguyên Hiệp dịch, Nxb. Văn hoá-Văn nghệ, 2018, tr.222. [7] Thích Hạnh Bình, Triết học Có và Không, Nxb. Phương Đông, 2008, tr.114. [8] Phước Nguyên dịch và chú, A-Tì-Đạt-Ma Pháp Uẩn Túc Luận, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.368. [9] Ibid, tr.357-364. [10] HT.Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Phật Tự Thuyết Hay, Viện NCPHVN, 1999, tr.116. [11] HT.Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng 5, Đại Phẩm, Viện NCPHVN, 1991, tr.635. [12] HT.Thích Minh Châu dich, Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, Viện NCPHVN, 1991, tr.11. [13] Phước Nguyên, A-tì-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.370-371. [14] Thích Thông Bửu, Giảng sư bảy đức tính ưu việt, Nxb. Tôn giáo, 2004, tr.86. [15] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 5-Bộ A-Hàm V-Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-hàm số 1, quyển 15, 403. Như Thật Tri, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc-Taiwai, 2000, tr.1075. [16] Tuệ Sỹ dịch và chú, A-tỳ-đạt-ma Câu Xá, Nxb. Phương Đông, 2013, tr.14. [17] TT.Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, Nxb. Phương Đông, 2016, tr.70. [18] Hirakawa Akira, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Nguyên Hiệp (dịch), Nxb. Văn hoá-Văn nghệ, 2018, tr.199. [19] Thích Đức Thắng dịch, Tạp A-hàm I, Kinh số 337.Duyên Khởi Pháp, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr.645. [20] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 1-Bộ A-hàm-Kinh Trường A-Hàm Số 1, Kinh Du Hành II, NXB Taiwai, 2000, tr.84. [21] Thích Thiện Siêu, Đại cương Luận Câu Xá, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr.65. [22] Thích Trí Quang, Dị Bộ Tông Luân Luận, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr.90. [23] Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, Nxb. Phương Đông, 2016, tr.53. [24] Thích Thiện Siêu, Đại cương Luận Câu Xá, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr.66. [25] Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, Nxb. Phương Đông, 2016, tr.124.
Tài liệu tham khảo: 1. Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tương Ưng 1, 5, Viện NCPHVN, 1999. 2. Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 5-Bộ A-Hàm V-Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A-Hàm số 1, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc-Taiwai, 2000. 3. Thích Đức Thắng dịch, Tạp A-hàm I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2015. 4. Phước Nguyên dịch và chú, A-Tì-Đạt-Ma Pháp Uẩn Túc Luận, Nxb. Hồng Đức, 2018. 5. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Căn Bản Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ-nại-da Tạp Sự, quyển 40, Hội Văn hoá Giáo dục Đài Bắc, Taiwai, 2000. 6. Ấn Thuận, Nghiên cứu về các luận sư và các tác phẩm của phái Thuyết nhất thiết Hữu bộ Tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2022. 7. Hirakawa Akira, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Nguyên Hiệp dịch, Nxb. Văn hoá – Văn nghệ, 2018. 8. Thích Hạnh Bình, Triết học Có và Không, Nxb. Phương Đông, 2008. 9. Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, Nxb. Phương Đông, 2016. 10. Thích Thông Bửu, Giảng sư bảy đức tính ưu việt, Nxb. Tôn giáo, 2004. 11. Thích Thiện Siêu, Đại cương Luận Câu Xá, Nxb. Tôn giáo, 2006. 12. Thích Trí Quang, Dị Bộ Tông Luân Luận, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2011.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |