Chi tiết tin tức

Khái niệm Ý thức trong Duy thức học

22:11:00 - 24/03/2016
(PGNĐ) -  Duy thức học (DTH) được xem là một hệ thống tư tưởng bao hàm cả nhận thức luận lẫn tâm lý học Phật giáo nhưng ít được các nhà nghiên cứu ngoài Phật học quan tâm tìm hiểu.

 

1Đặt vấn đề

Hiện nay các công trình nghiên cứu về Phật giáo phần nhiều tập trung vào các vấn đề thế giới quan, nhân sinh quan và bản thể luận, ít có những công trình chú ý đến vấn đề nhận thức luận trong Phật giáo. Trong khi đó, Duy thức học (DTH) được xem là một hệ thống tư tưởng bao hàm cả nhận thức luận lẫn tâm lý học Phật giáo nhưng ít được các nhà nghiên cứu ngoài Phật học quan tâm tìm hiểu. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích nội hàm khái niệm ý thức trong DTH để làm rõ các giá trị nhận thức và ý nghĩa của ý thức trong đời sống con người.

2Phân tích nội hàm khái niệm ý thức trong Duy thức học

Theo DTH, tâm con người tạm phân thành tám thức: Năm thức trước là: nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, được gọi là tiền ngũ thức, cộng với thức thứ sáu là ý thức được gọi chung sáu thức ngoài, vì chúng dễ dàng được nhận biết. Hai thức sau có thức thứ bảy là mạt-na và thức thứ tám là a- lại-da, được gọi là hai thức trong, vì chúng hoạt động một cách âm thầm, sâu kín, khó nhận thấy. Tương ứng với sáu thức ta có sáu căn là nhãn căn (mắt), nhĩ căn (tai), tỉ căn (mũi), thiệt căn (lưỡi), thân căn (cơ thể) và ý căn (được coi là tương đương với hệ thần kinh trung ương).

Sáu căn này, mỗi căn có khả năng kết hợp với một loại cảnh riêng để tạo ra thức. Cụ thể là: Nhãn căn kết hợp với sắc cảnh để tạo ra nhãn thức, là sự nhận biết về sắc tướng (hình ảnh, màu sắc); nhĩ căn kết hợp với thanh cảnh để tạo ra nhĩ thức, là sự nhận biết về âm thanh; tỉ căn kết hợp với hương cảnh để tạo ra tỉ thức, là sự nhận biết về mùi; thiệt căn kết hợp với vị cảnh để tạo ra thiệt thức, là sự nhận biết về vị; thân căn kết hợp với xúc cảnh tạo ra thân thức, là sự nhận biết về cái tiếp

xúc; ý căn kết hợp với pháp cảnh để tạo ra ý thức, là sự nhận biết về các pháp. Như vậy, sự vật hiện tượng bên ngoài thông qua sáu thức ngoài trở thành những ảnh tượng ở trong tâm. Những ảnh tượng này chính là pháp trần, là đối tượng nhận biết của ý thức.

Theo DTH thì đối tượng nhận thức của ý thức gồm ba cảnh.

Đó là:

  • Ánh cảnh tức tướng trạng có thực thể của sự vật hiện tượng, là cảnh vật chưa bị định danh, dán nhãn và đặt tên bởi con người.
  • Đới chất cảnh tức những hình ảnh về sự vật mà ta thu nhận được do sự tiếp xúc hằng ngày của các giác
  • Độc ảnh cảnh tức những tướng trạng mà ý thức thu nhận được trong quá trình phân biệt, suy nghiệm, phán đoán. Độc ảnh cảnh lại chia làm hai phần: những ảnh tượng mà ta suy nghiệm do trong thực tế đã tiếp xúc rồi thì gọi là Hữu chất độc ảnh cảnh, còn những ảnh tượng do sự tưởng tượng mà có, nó không tồn tại trong thực tế thì được gọi là Vô chất độc ảnh cảnh.

Tùy thuộc vào đối tượng nhận thức mà ý thức được chia làm Ngũ câu ý thức và Độc đầu ý thức.

  • Ngũ câu ý thức là khi ý thức phối hợp với năm thức trước để phân biệt, đánh giá đối tượng giác quan. Khi chủ thể tương tác với đối tượng nhận thức còn ở mức độ cảm giác, chưa có suy luận của tri giác thì đối tượng của Ngũ câu ý thức là Tánh cảnh; khi có sự tham gia của suy luận thì đối tượng của nó trở thành Đới chất cảnh.
  • Độc đầu ý thức là khi ý thức không phối hợp với năm giác quan. Nó độc lập suy nghĩ, tưởng tượng về một việc gì đó. Đối tượng nhận thức của nó là Độc ảnh cảnh. Phạm vi hoạt động của Độc đầu ý thức bao gồm ý thức trong mộng, ý thức khi tỉnh và ý thức trong định. Ý thức trong mộng được xây dựng trên những dữ liệu có sẵn, thái độ tâm lý, hoàn cảnh xung quanh nên thường không chính xác vì thiếu dữ kiện thực tế để so sánh kiểm nghiệm. Ý thức khi tỉnh là suy nghĩ, tính toán, so lường về những việc quá khứ, hiện tại hay tương lai để lập kế hoạch hành động. Vì thế ý thức có thể suy nghĩ về việc thiện hay ác dẫn đến hành động thiện hay ác của con người. Nó cũng có thể đúng hoặc sai tùy thuộc vào kinh nghiệm về đối tượng và phương pháp nhận thức của con người. Ý thức trong định chỉ xuất hiện khi đã nhập định, khi đó con người đạt được trạng thái nhất tâm bất loạn, ý thức không tiếp nhận các nhận thức do năm thức bên ngoài mang lại mà nó hoạt động độc lập. Khi đó đối tượng của ý thức trong định là cảnh giới chân thật, là Tánh cảnh. Tuy nhiên, loại ý thức này chỉ có ở những vị chuyên hành thiền định mới có thể trải nghiệm được.

Trên đây, là giới thiệu sơ lược về khái niệm về ý thức trong DTH. Bây giờ, chúng tôi sẽ đi vào phân tích một số đặc điểm nổi bật của ý thức và ý nghĩa của nó đối với đời sống con người.

Thứ nhất, về định nghĩa, DTH cho rằng ý thức là chủ của năm thức trước, rất linh hoạt, lanh lợi, nhạy bén. Nó có thể phân biệt nhị nguyên, phải trái, trắng đen… trên căn bản những gì mà năm giác quan thâu nhập vào. Do đó, nhờ có ý thức mà con người hiểu được sự vật hiện tượng là gì thông qua các quá trình nhận thức.

Thứ hai, về tính nhận thức của ý thức. Ý thức phản ánh tồn tại khách quan, chứ không phải là cái gì huyền bí vốn có trong người phát ra mà cũng không phải là cái siêu nhiên từ không trung nhập vào đầu. Và ý thức nhận thức cái bản chất, nhận thức khái quát bằng ngôn ngữ. DTH nói sự vật hiện tượng bên ngoài thông qua năm thức ngoài đã trở thành những ảnh tượng ở trong tâm. Những ảnh tượng này chính là pháp trần, là đối tượng nhận biết của ý thức.

Thứ ba, về tính năng động của ý thức. Bát thức quy củ tụng của Ngài Huyền Trang nhận định về ý thức bằng lời kệ: “Động thân phát ngữ độc vi tối”, tức ý thức là động cơ lớn nhất làm phát sinh hành động thân thể và ngôn ngữ. Cùng với 51 tâm sở, chính ý thức đạo diễn để thân và khẩu tạo nên các nghiệp thiện, ác, hoặc không thiện không ác. Khi nghĩ thiện, nó đồng hành với các điều thiện. Khi nghĩ ác, nó sẽ đồng hành với các phiền não. Như vậy trong đời sống hằng ngày, ý thức điều chỉnh, điều khiển hoạt động của con người, làm cho hoạt động con người có sự chủ định, chủ tâm nhằm thích nghi, cải tạo thế giới và cải biến bản thân.

3Kết luận

Bài viết này chỉ trình bày nội hàm khái niệm ý thức theo quan điểm DTH. Những ý nghĩa mang tính khái quát nêu trên của ý thức, một trong tám thức theo phân định của DTH, cũng cho thấy ý thức đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình nhận thức và sự vận hành tâm lý của con người. Chính ý thức quyết định phẩm chất các hành động của thân thể và ngôn ngữ. Việc làm chủ ý thức giúp con người thăng hoa trong cuộc sống giải thoát, đã được các tông phái Pháp tướng hay Duy thức nghiên cứu cặn kẽ. Từ sự phân tích sơ lược trên đây cũng đủ thấy rằng DTH là một bộ môn có giá trị nhận thức hết sức phong phú nếu ta đi sâu phân tích chi tiết về chúng, rất cần được các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu khai thác để bổ sung cho các vấn đề nhận thức luận và tâm lý học khác. •

 

THÁI VĂN ANH

Tài liệu tham khảo:

  1. Thích Nhất Hạnh, Vấn đề nhận thức trong Duy thức học, Nxb Lá Bối, 1969.
  2. Tuệ Sĩ (Việt dịch), Luận thành Duy thức học, Ban Tu thư Phật học,
  3. Huyền Trang, Bát thức quy củ tụng trang chú, bản dịch của Quảng Minh, http://www.thuvienhoasen.org.
  4. Nguyễn Xuân Thức (chủ biên), Giáo trình tâm lý học đại cương, Nxb ĐH Sư phạm Hà Nội, 2007.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 195

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin