Chi tiết tin tức Thế nào là "Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết"? 18:03:00 - 20/10/2021
(PGNĐ) - Trước hết chúng ta tìm hiểu xem Kinh là gì? Kinh, nói cho đủ là khế kinh, có nghĩa là kinh điển do Đức Phật dạy tùy theo năng lực, trình độ và hoàn cảnh của đối tượng riêng biệt.
Khế có nghĩa là phù hợp, mà thuật ngữ Phật học gọi là khế lý tức phù hợp với chân lý và khế cơ, tức phù hợp với khả năng, trình độ và hoàn cảnh của mỗi người. Và mục tiêu của kinh có thể ví như là tấm bản đồ dẫn dắt chúng sanh đi ra khỏi những phiền não khổ đau, hướng đến một đời sống hoà bình an lạc trong hiện tại và xa hơn nữa là thoát khỏi tam giới đến Niết bàn vô thượng. Nhưng vì chúng sinh khác biệt về tâm tánh, về trình độ nên cũng có nhiều kinh (sự chỉ dẫn) khác nhau, tức nhiều pháp phương tiện khác nhau. Đức Phật là một vị đại lương y, trước khi Ngài diễn nói, Ngài quán sát thính chúng, biết căn cơ của người nghe pháp để đưa ra những giáo pháp thích hợp nhằm chữa cho họ hết tâm bệnh. Mỗi lời giáo huấn của Ngài đều nhắm vào một mục đích nào đó, dành cho một đối tượng thính chúng nào đó và ở một quốc độ hay thời gian nào đó, để tháo gỡ cái kẹt cho họ. Và vì tâm vọng tưởng ủa chúng sinh luôn luôn dính mắc vào các pháp <> nơi thế giới hiện tượng tức thế giới tục đế, nên Đức Phật thấy thật là khó nói về cái mà Ngài đã chứng ngộ, chẳng hạn như nói về Phật tánh, chân tâm, vốn không hình tướng, không số lượng. Nếu nói chúng sinh có Phật tánh là chấp trước, nói không có Phật tánh là hư vọng, nói Phật tánh cũng có cũng không là nói trái ngược nhau, nói Phật tánh chẳng có chẳng không là hý luận. Nên Phật mới dùng các pháp thế gian phương tiện, <> [Bá Trượng Ngữ Lục] Chư Tổ nói "Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan" có nghĩa là chấp chặt nơi văn tự mà giải nghĩa, thì oan cho ba đời đức Phật, mà rời bỏ kinh điển thì lại lạc vào những tà thuyết của ma vương. Vì lời nói của chư Phật như trên đã trình bày chỉ là phương tiện tạm thời, nghĩa là tùy bệnh cho thuốc. Thuốc trị bệnh của Phật là thuốc phá chấp, nếu chiếu theo văn tự để giải nghĩa, hễ Phật nói Có thì mình chấp cái Có đó là thật, hễ Phật nói Không thì lại chấp cái Không đó là thật, ấy là oan cho Phật. Còn nếu "Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết": Kinh là phá chấp, nếu lìa kinh tức còn chấp, còn chấp là ma, không thể giải thoát được. Ngoài ra, trong kinh Viên Giác, Đức Phật dạy rằng, giáo pháp của Ngài như ngón tay chỉ mặt trăng, là phương tiện để đạt đến chân lý, cho nên đừng lầm ngón tay là mặt trăng, chân lý không nằm trong kinh điển. Nếu y theo kinh điển để giải nghĩa, để tìm chân lý trong những giòng chữ, thì đó chính là chỉ biết nhìn ngón tay mà chưa biết nhìn mặt trăng. Nhưng rời bỏ hẳn kinh điển đi thì lại có thể rơi vào những điên đảo vọng tưởng. Cũng vì không muốn cho môn đệ chấp chặt rằng kinh điển là chân lý mà thật ra chỉ là phương tiện chỉ bày chân lý cho nên đức Phật đã nói: "Trong bốn mươi chín năm thuyết pháp ta chưa từng thuyết một chữ." Và chấp lấy phương tiện làm cứu cánh tức là làm oan ức cho chư Phật, mà bỏ mất phương tiện đi thì cũng không có cách gì đạt đến cứu cánh. Trong cuốn Hé Mở Cửa Giải Thoát, Hòa thượng Thích Thanh Từ dạy: (bắt đầu trích) ..."Có một Phật tử hỏi chúng tôi rằng người xưa nói: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Tại sao y kinh nói giải nghĩa mà oan ba đời, chư Phật? Tại sao lìa kinh một chữ tức đồng ma nói? Đây chúng tôi sẽ giải thích cho quý vị thấy rõ ý nghĩa của kinh điển đại thừa. Kinh là lời của Phật, trong lời của Phật có khi Ngài nói trắng ra, có khi Ngài nói ẩn dụ, tức là dùng lời nói thẳng thì chúng ta dễ nhận dễ thấy, nếu Ngài dùng lời nói ẩn dưới hình thức thí dụ thì ta có thể nhận ra, như vậy những chỗ Phật dạy ở trong ẩn dụ, nếu chúng ta giải trắng như những lời thường, đó là y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Thí dụ, Như trong kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn là phẩm quý vị thường tụng nhất. Trong phẩm Phổ Môn có đoạn sau đây nói rằng: Nếu có người cầu con trai niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, sanh được con trai. Người muốn cầu sinh con gái, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát sinh được con gái. Cho đến người niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì vào lửa không bị cháy, xuống nước không bị chìm. Như quý vị tu hành dạy các Phật tử cũng dạy như vậy, có phải không? thấy kinh Phật nói chúng ta cũng theo như vậy. Giả sử có người hỏi: Thưa quý cô tụng kinh như vậy mà cô tin kinh hay không? quý cô sẽ trả lời ra sao? Nếu tụng kinh không tin thì tụng kinh làm chi? Nếu bảo rằng: Tin, thì xin quý cô niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát cho chí thành mà vào lửa bị cháy, xuống nước bị chìm, chẳng lẽ lời Phật không phải là lời vàng ngọc, không phải là chơn lý hay sao? Rồi chúng ta mới trả lời ra làm sao? Như hôm qua cô Phật tử đến hỏi chúng tôi: Cô được một người bạn khuyên tụng kinh Phổ Môn niệm danh hiệu Quán thế Âm Bồ Tát để cầu con trai, cô làm theo lời bạn, nhưng đến lúc sanh ra lại là con gái. Cô mới hỏi bạn: Vậy kinh có linh không? Cô bạn không có lời để đáp lại. Tin và hiểu kinh Phổ Môn như vậy là thiếu thực tế. Như vậy, chúng ta phải hiểu kinh như thế nào để không rơi vào câu “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”. Chúng ta phải niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát như thế nào là phải giải nghĩa kinh điển đại thừa như thế nào là phải giải nghĩa kinh điển đại thừa như thế nào để không làm giảm giá trị Đức Phật, và để chứng minh lời Phật dạy là đúng, là thiết thực. Thường trong kinh điển đại thừa, khi có nói đến các vị Bồ Tát là nói đến đặc tính tượng trưng của các vị: Như nói đến Đức Quán Thế Âm là nói đến nhĩ căn (lỗ tai), nói đến Ngài Văn Thù Bồ Tát là nói đến nhãn căn... Chúng ta phải hiểu rõ tinh thần tượng trưng nầy. Cho nên niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát tức là nhìn lại tánh nghe của mình, chớ không chạy ra bên ngoài. Khi nhìn lại tánh nghe của mình, thây nó không tướng mạo thì làm sao lữa đốt được, làm sao nước đắm chìm được? Và khi mình sống được với tánh nghe thì mọi việc sẽ được như ý. Nên nói rằng cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái, đó là tượng trưng cho mọi việc như ý. Nhìn lại tánh nghe của mình ví như mình được hòn ngọc Ma Ni bảo châu tức là hòn ngọc như ý. Nghĩa là được toại nguyện, được như ý và được diễn tả bằng: Cầu cái gì được cái nấy. Hiểu kinh như vậy, chúng ta mơi thấy lời Phật là đúng, là chơn thật. Nếu không hiểu như vậy, chúng ta sẽ bị bế tắc và không giải quyết những việc bảo người làm mà không được kết quả mong muốn như trong kinh Phật đã dạy. Kế đến tôi xin nói đến câu “Ly Kinh nhất tự túc đồng ma thuyết”. Giả sử có người nói với quý vị: Người nào trì kinh Pháp Hoa thì cỏ cây tươi tốt, người nào trì kinh Kim Cang thì cỏ cây héo sào, người nói như vậy quý vị có tin? Quý vị thấy rõ ràng những chỗ nói mà không có ly kinh (mà chúng ta lại tin): đó là đồng ma thuyết thật là nguy hiểm. Người học Phật là người sáng suốt sống bằng trí tuệ chớ không phải sống bằng tình cảm dễ dãi dễ tin, nghe ai nói gì cũng tin mà chúng ta phải trắc nghiệm đúng rồi mới tin. Như vậy khi nghe nói những gì không dính dấp với kinh đó là ly kinh. Ly kinh một chữ cũng là ma nói rồi, huống n ữa là một câu. Một câu không có trong kinh, người tự ý nói, đó là ly kinh rồi. Ly kinh là sao? Là ma thuyết cho nên hiểu thật rõ rồi chúng ta khỏi lầm lẫn ở trong nhà đạo, còn không hiểu nhiều khi nghe người ta nói, đồn với nhau hay truyền miệng với nhau mà không đúng lời Phật dạy, đó là ly kinh, tức là đồng với ma thuyết...." (hết trích) Không riêng Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Tịnh Không, một bậc cao tăng Trung quốc thời hiện đại, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ, cũng dạy rằng: (bắt đầu trích) “... Chúng ta thường nghe câu nói sau đây: Nhà Phật thường nói “y văn giải tự, tam thế Phật oan” nghĩa là y theo câu văn hiểu nghĩa theo mặt chữ, thì ba đời Phật bị oan. Cứ chiếu theo văn tự để nghiên cứu, giải thích thì tam thế chư Phật là quá khứ Phật, hiện tại Phật, vị lai Phật đều kêu oan uổng, quý vị hiểu lầm ý Phật mất rồi! Trong bài kệ Khai Kinh có câu “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, tôi nói con người hiện tại hiểu sai lệch, nên trở thành “khúc giải Như Lai chân thật nghĩa” tức là hiểu cong vạy ý nghĩa chân thật của Như Lai, hoặc “ngộ giải Như Lai chân thật nghĩa” là hiểu lầm lạc ý nghĩa chân thật của Như Lai. Quý vị xem: Có phải là Như Lai kêu “oan uổng” hay không? Học Phật pháp phải quy về tự tánh, điều này khẩn yếu lắm. Nói cách khác, giúp cho chúng ta đạt được tâm thanh tịnh, giúp chúng ta mở mang trí huệ, đấy chính là Phật pháp. ....” (Hết trích) Như thế, quý Hòa thượng Thanh Từ và Tịnh Không đã dạy chúng ta phải hiểu rõ nghĩa của lời Phật dạy. Chúng ta cũng nên biết rằng Phật nói kinh là để trị bệnh tâm cho chúng sinh. Đức Phật tùy tâm bệnh chúng sinh mà cho thuốc, chúng sinh nhiều tâm bệnh khác nhau thì cần nhiều phương pháp trị liệu khác nhau, nhiều lời kinh với vô lượng nghĩa khác nhau, chứ không phải chỉ có một loại thuốc mà thôi. Kinh Phật lại có những câu chuyện huyền ký với ý tứ tiềm ẩn, thí dụ mục đích đức Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa là để khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Tri Kiến Phật, nghĩa là dạy cho chúng sinh thấu triệt được rằng mọi người đều có Phật Tánh, bởi vì trước khi Phật nói kinh Pháp Hoa thì mọi người chưa biết đến Tri Kiến Phật, tức là Chân Tâm, Phật Tánh, Giác Tánh. Vì kinh Pháp Hoa dạy về Phật Tánh, cho nên trong kinh có những câu như “vào nước không chìm...”, vào lửa không cháy...”, “đốt thân cháy lâu tới một ngàn hai trăm năm...”, “đốt cánh tay mãn bảy muôn hai ngàn năm...” vân vân, đều là những ẩn dụ để nói về Chân Tâm bất sanh bất diệt, vào nước không chìm vào lửa không cháy mà thôi. Nếu lại dùng tâm chấp của thế gian mà cho rằng những điều trên đã có xảy ra thật, tin rằng nhảy xuống biển sẽ không chìm, bước vào lửa sẽ không cháy, thì rõ ràng là không thông hiểu quy luật của thế giới tương đối, của vật chất.
Chùa Bửu Châu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |