Chi tiết tin tức Bài giảng kinh cho Kevatta - Kinh Pali 20:45:00 - 10/11/2022
(PGNĐ) - Bài kinh Kevaṭṭa-Sutta là một bài kinh dài giảng cho một người thế tục trẻ tuổi tên là Kevaṭṭa khi người này đến xin Đức Phật chỉ định một vị tỳ-kheo trong Tăng đoàn thực thi các phép lạ để thu phục được nhiều người hơn. Thế nhưng Đức Phậtkhẳng định là Ngài không hề dạy các tỳ-kheo của mình làm phép lạ, mà chỉ giảng dạy họ phải làm thế nào để biến mình từ một con người bình dị trở thànhmột con người cao quý hơn, đưa mình đến sự Giải thoát cuối cùng và sự Giác ngộ tối thượng. Sự giảng và học hỏi đó tự nó cũng đã là một phép lạ. Đấy là nội dung của toàn bộ bài kinh, và cũng là "kim chỉ nam" giúp chúng ta theo dõi bài kinh rất phong phú, khúc triết, nhưng cũng rất phức tạp này.
Lời mở đầu của người chuyển ngữ
Bài kinh Kevaṭṭa-Sutta là một bài kinh dài giảng cho một người thế tục trẻ tuổi tên là Kevaṭṭa khi người này đến xin Đức Phật chỉ định một vị tỳ-kheo trong Tăng đoàn thực thi các phép lạ để thu phục được nhiều người hơn. Thế nhưng Đức Phậtkhẳng định là Ngài không hề dạy các tỳ-kheo của mình làm phép lạ, mà chỉ giảng dạy họ phải làm thế nào để biến mình từ một con người bình dị trở thànhmột con người cao quý hơn, đưa mình đến sự Giải thoát cuối cùng và sự Giác ngộ tối thượng. Sự giảng và học hỏi đó tự nó cũng đã là một phép lạ. Đấy là nội dung của toàn bộ bài kinh, và cũng là "kim chỉ nam" giúp chúng ta theo dõi bài kinh rất phong phú, khúc triết, nhưng cũng rất phức tạp này.
Thật vậy bài kinh vừa dài vừa chi tiết này được thuyết giảng hoàn toàn bằng phương phápẩn dụ, dựa vào các hình ảnh quen thuộc và cụ thể trong cuộc sống của một cá thể và trong khung cảnh sinh hoạt của xã hội nói chung. Sở dĩ Đức Phật sử dụng phương pháp giảng dạy cụ thể và thiết thực đó có thể là vì người nghe là một thanh niên thế tục, tuy nhiệt tình và ngưỡng mộ Đức Phật, thế nhưng có thể là chưa có một số kinh nghiệm hiểu biết cần thiết khả dĩ giúp mình nắm bắt các ý niệm trừu tượng và cao siêu.
Trong phần đầu của bài kinh Đức Phật giải thích phép lạ là gì, và sau đó thì nêu lên các thói tục cùng các sự sinh hoạt xã hội mang tính cách sai lầm và dị đoan nhằm giúp người tỳ-kheo ý thứcđược những gì nên làm và không nên làm, và sau cùng là các giai đoạn và các cấp bậc luyện tập sâu sắc và cao siêu hơn đưa mình đến sự Giải thoát. Hơn thế nữa và xa hơn nữa bài kinh còn được chấm dứt bằng một câu chuyện thật dí dỏm, nêu lên một thắc mắc mà không ai giải đáp được, kể cả các vị Thiên nhân trên các cõi Trời. Sự dí dỏm đó đã khiến nhà sư Thanissaro Bhikkhu cho rằng bài kinh này là một trong số các bài kinh ý nhị và khôi hài nhất trong kinh điển nòng cốt của Phật giáo cổ xưa. Học giả cư sĩ Piya Tan cũng nhận thấy điều đó và cho rằng bài kinh này thuộc vào thể loại kinh sách khôi hài khá hiếm hoi trong lãnh vực tôn giáo nói chung. Thật vậy cách thuật chuyện và các hình ảnh ẩn dụ dí dỏm đã khiến bài kinh Kevaṭṭa-Sutta trở thành một trong các bài kinh độc đáo nhất trong kinh điển Pali.
Bản kinh khá dài, có nhiều đoạn trùng hợp với các bản kinh khác, vì vậy một số dịch giả đã cắt bớt một số đoạn trong kinh và chuyển người đọc sang các bài kinh khác để xem các đoạn đã bị cắt bớt. Điều đó có thể làm gián đoạn sự liên tục và mạch lạc của toàn bộ bài kinh. Do vậy bản chuyển ngữ dưới đây sẽ giữ nguyên đúng với bản gốc bằng tiếng Pali. Việc chuyển ngữ được dựa vào bản dịch tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu và một bản dịch tiếng Pháp nhưng không thấy nêu tên dịch giả. Tuy bản dịch tiếng Pháp này cũng được dựa vào bản tiếng Anh của nhà sưThanissaro Bhikkhu, thế nhưng đầy đủ hơn và sử dụng một vài thuật tiếng Pháp khác hơn so với các thuật ngữ tiếng Anh trong bản dịch của nhà sư Thanissaro Bhikkhu. Hai cách diễn đạt khác nhau giữa hai ngôn ngữ khác nhau về một ý niệm chung đôi khi cũng có thể giúp sự hiểu biết trở nên phong phú hơn. Ngoài ra bản chuyển ngữ tiếng Việt dưới đây cũng được đối chiếu với một số các bản dịch tiếng Anh khác, nhất là các bản dịch của hai học giả Rhys Davids và Piya Tan.
*** Bài kinh giảng cho Kevaṭṭa
Tôi từng được nghe như vầy, lúc đó Đấng Thế Tôn đang ngụ tại thị trấn Nālandā (một đô thịthuộc đế quốc Magadha / Ma Kiệt Đà. Tại nơi này, vào thế kỷ thứ II sau Tây lịch, tức là khoảng tám thế kỷ sau khi Đức Phật giảng bài kinh này, lần đầu tiên một tu viện Đại thừa được thiết lập. Dần dần sau đó tu viện được mở rộng thêm và trở thành Đại học Nālandā, và cũng là đại học đầu tiên của Phật giáo. Vị trụ trì thứ hai của đại học này vào thế kỷ thứ III là nhà sư nổi tiếng Nāgārjuna / Long thụ) trong khu vườn xoài Pāvārika. Vào lúc đó có một người chủ gia đình (một người thế tục, một cư sĩ) tên là Kevaṭṭa tiến về phía Đấng thế Tôn, khi đến gần thì vái chào Ngài và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì người người chủ gia đình này cất lời hỏi Đấng Thế Tôn như sau: "Thưa Thế Tôn [thị trấn] Nālandā này thật hùng mạnh, phồn thịnh và đông dân, nhiều người đặt hết lòng tin nơi Đấng Thế Tôn. Tuy thế vẫn tốt hơn nếu Đấng Thế Tôn có thể yêu cầu một vị tỳ-kheo biểu dươngmột phép lạ trong lãnh vực sức mạnh tâm linh (psychic power), thể hiện từ thể dạng cao siêu nơi con người [bình dị] của mình, thì điều đó sẽ thu phục được nhiều người thán phục Đấng Thế Tônhơn tại thị trấn Nālandā này".
Sau khi lời thỉnh cầu đó được nêu lên, thì Đấng Thế Tôn nói với người chủ gia đình Kevaṭṭa như sau: "Này Kevaṭṭa, ta không hề giảng dạy các tỳ-kheo bằng cách nói lên: 'Này các tỳ-kheo, hãy thực thi các phép lạ trong lãnh vực sức mạnh tâm linh trước những người thế tục ăn mặc quần áo trắng (ý nói những người thế tục ăn mặc quần áo trắng là những người sang trọng, trong khi đó những người khất thực khiêm tốn, ăn mặc quần áo khâu bằng những mảnh vải mà người khác vứt bỏ, thì họ nào có quyền năng gì để phô bày phép lạ trước những kẻ cao sang)'".
Lần thứ hai... Lần thứ ba, người chủ gia đình Kevaṭṭa vẫn cứ [khăng khăng] lập lại lời thỉnh cầu ấy của mình với Đấng Thế Tôn: "Tôi không hề có ý tranh luận với Đấng Thế Tôn, mà chỉ muốn nói lên một điều là: Nếu Đấng Thế Tôn có thể yêu cầu một người tỳ-kheo biểu dương một phép lạthuộc lãnh vực sức mạnh tâm linh, thể hiện từ thể dạng cao siêu nơi con người [bình dị] của mình, thì điều đó sẽ thu phục được nhiều người thán phục Đấng Thế Tôn hơn tại thị trấn Nālandā này".
Lần thứ ba, Đấng Thế Tôn cũng lại trả lời người chủ gia đình: "Này Kevaṭṭa, ta không hề giảng dạy các tỳ-kheo bằng cách nói lên: 'Này các tỳ-kheo hãy biểu dương một phép lạ thuộc lãnh vực sức mạnh tâm linh trước những người thế tục ăn mặc quần áo trắng'".
"Vậy, này Kevaṭṭa, ta sẽ nêu lên ba thể loại phép lạ mà ta trực tiếp hiểu biết được và thực hiện được bởi chính ta. Vậy ba phép lạ ấy là gì? Đấy là phép lạ thuộc lãnh vực sức mạnh tâm linh, phép lạ thuộc lãnh vực thần giao cách cảm và phép lạ thuộc lãnh vực giảng dạy.
Phép lạ thuộc lãnh vực Sức mạnh Tâm linh
"Vậy phép lạ thuộc lãnh vực sức mạnh tâm linh là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo biểu dương (wield / thực thi, vận dụng, thể hiện) các thể dạng sức mạnh tâm linh. [Chẳng hạn như] người tỳ-kheo từ một nhân dạng duy nhất biến thành vô số nhân dạng khác nhau; [hoặc] từ thật nhiều nhân dạng hóa thành một nhân dạng duy nhất. Người tỳ-kheo hiện ra. Người tỳ-kheo biến mất. Người tỳ-kheo đi xuyên qua các bức tường, các thành lũy, núi non, tương tự như đi ngang một nơi trống không. Người tỳ-kheo chui xuống đất và ngoi lên khỏi mặt đất cứ như là lặn hụp trong một bể nước. Người tỳ-kheo đi trên mặt nước nhưng không bị chìm, tương tự như thong dong trên mặt đất bằng. Người tỳ-kheo ngồi tréo hai chân, thế nhưng bay lượn trong không trung chẳng khác gì như một con chim vỗ cánh. Người tỳ-kheo đưa tay, vuốt ve và nắm chặt mặt trời và cả mặt trăng. Người tỳ-kheo tạo ra các động tác từ thân thể mình nhưng liên hệ đến tận các cõi Brahmā (là các cõi Trời trong Ấn giáo, kinh sách Hán ngữ gọi là các cõi Phạm thiên. Ấn giáo nêu lên vô số các vị Thiên nhân thuộc các cấp bậc khác nhau, mang các chức năng khác nhau, ngự trị trên các cõi Trờikhác nhau. Trong số họ có ba vị lớn nhất và vị cao nhất là vị Đại Brahmā / "Phạm Thiên Vương" và cũng là "Vị Sáng tạo ra Thế giới" / Creator of the world, hai vị còn lại là Vhisnu / Tỳ Thấp Nô và Shiva / Thấp Bà. Trong kinh sách Phật giáo thường thấy nói đến các cõi Brahmā, các vị Phạm Thiêncũng như vô số các nhân vật huyền thoại khác trong Ấn giáo. Phật giáo được hình thành trong một xã hội ảnh hưởng nặng nề bởi Ấn giáo cùng với các kinh điển Veda / Vệ đà, do đó đã phải vay mượn một số thuật ngữ và các huyền thoại trong tín ngưỡng này để mang giáo lý mới mẻ của mình đến gần hơn - và cũng có thể là dễ hiểu hơn chăng - đối với quảng đại quần chúng? Nêu lên các điều trên đây là nhằm hy vọng có thể giúp một số người đọc theo dõi dễ dàng hơn câu chuyện trong phần kết thúc bài kinh, nêu lên một người tỳ-kheo ngao du trên khắp các cõi Trời để tham vấn các vị Thiên nhân về một thắc mắc nan giải của mình).
"Đối với một người sẵn có đức tin và niềm tin bên trong chính mình (nói chung là những người dễ tin) thì sẽ trông thấy người tỳ-kheo [quả đúng thật] là đang biểu dương các hình thức sức mạnh tâm linh... (mỗi khi độc giả nhận thấy có ba chấm ở cuối câu, thì đấy có nghĩa một số chữ hay một số câu đã được cắt bớt nhằm tránh sự lập đi lập lại) đang tạo được các động tác phát sinh từ thân thể [bình dị] của mình nhưng liên hệ đến tận các cõi Brahmā (người tỳ-kheo tạo được các hành động siêu phàm mà chỉ có các vị Thiên nhân trên các cõi Trời mới có thể làm được). [Sau đó] người này (người dễ tin và có đức tin) lại thuật lại chuyện ấy với một người không có đức tin cũng chẳng có một niềm tin nào (nói chung là những người không tin các phép lạ) bằng cách nêu lên: 'Điều ấy chẳng phải là đáng kinh ngạc hay sao? Quả là cả một quyền năng (power) to lớn, một năng lực(prowess / khả năng, tiềm năng) phi thường của con người suy tư đó (contemplative / tức là người tỳ-kheo đứng ra thực hiện phép lạ). Ngay đang trong lúc này tôi vẫn có thể hình dung được người tỳ-kheo ấy đang biểu dương các hình thức sức mạnh tâm linh..., tạo được các tác động từ thân thể[bình dị] của mình nhưng liên hệ đến tận các cõi Brahmā'.
"Sau đó, người không có đức tin cũng chẳng có niềm tin nào (nhưng đã được nghe nói về các phép lạ đó) lại thuật lại các chuyện ấy với một người khác có đức tin và có niềm tin (một người dễ tin) như sau: 'Này bạn, có một sự quyến rũ (charm / duyên dáng, hấp dẫn) gọi là sự quyến rũGandhāri (tên gọi của một phụ nữ huyền thoại trong Ấn giáo, hoàng hậu của vua Dhṛtarāṣṭra, sinh ra một trăm con) và người tỳ-kheo này đã mượn (lợi dụng) sự quyến rũ đó để tạo ra các hình thứcsức mạnh tâm linh..., tạo ra các động tác từ thân thể [bình dị] của mình nhưng liên hệ đến tận các cõi Brahmā'. Vậy, Kevaṭṭa nghĩ thế nào về chuyện ấy? Chẳng phải đấy chỉ là chuyện mà một người không có đức tin cũng chẳng có một niềm tin nào, nói với một người sẵn có đức tin và niềm tin hay sao?' (một người không có đức tin cũng chẳng có niềm tin nào, thuật lại một câu chuyện về phép lạmà mình không tin với một người sẵn có đức tin và niềm tin, thì câu chuyện sẽ có thể hóa thành sự thật đối với người này. Một người tin và một người không tin đối với một câu chuyện nào đó sẽ có thể đưa đến các sự tranh cãi giữa hai người, và từ các sự tranh cãi đó sẽ có thể đưa đến hiềm khích và xung đột giữa họ với nhau).
"Quả đúng là như vậy, Thưa Thế Tôn, [thật ra] người ấy cũng chỉ [đơn giản] nói ra những gì mà mình muốn nói" (người thuật chuyện chỉ thuật lại những gì mình trông thấy hay nghe thấy, tin hay không tin là do người nghe, tất cả tùy thuộc vào đức tin hay không có đức tin của người này).
"Này Kevaṭṭa, khi đã trông thấy được các sự bất lợi đó đối với phép lạ trong lãnh vực sức mạnh tâm linh, thì chính ta cũng cảm thấy xấu hổ (ashamed), kinh sợ (repelled) và nhờm chán (disgusted) các phép lạ trong lãnh vực sức mạnh tâm linh.
Phép lạ thuộc lãnh vực Thần giao Cách cảm
"Vậy, phép lạ thuộc lãnh vực thần giao cách cảm (telepathy) là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo đọc được tâm thần, các biến cố tâm thần (các sự sợ hãi, lo âu, sung sướng, đau buồn...), các tư duy cùng các cung cách suy nghĩ của người khác, của các cá thể khác [và nói lên]: 'Đấy chính là những gì mà bạn đang suy nghĩ, đấy là tâm thần của chính bạn'.
"Sau đó, một người sẵn có đức tin và niềm tin bên trong chính mình đọc được tâm thần... của người khác... Người này sau đó lại thuật lại chuyện ấy với một người khác không có đức tincũng chẳng có một niềm tin nào, bằng cách nói lên: 'Chẳng phải là đáng kinh ngạc (awesome) hay sao? Quả là một điều lạ lùng (astounding)! Con người suy tư ấy (người tỳ-kheo ấy, người tu tập ấy) hàm chứa một quyền năng (power) to lớn, một năng lực (prowess) phi thường! Ngay đang trong lúc này tôi cũng có thể hình dung được con người ấy đang đọc được tâm thần... của người khác...'
"Sau đó, người không có đức tin cũng không có một niềm tin nào thuật lại chuyện ấy với một người sẵn có đức tin và có niềm tin, bằng cách nêu lên: 'Có một sự quyến rũ gọi là sự quyến rũMaṇikā (là tên gọi của năm cỗ xe Vimāna / "Thiên xa" trong huyền thoại Ấn giáo, các cỗ xe đó do chính vị Brahmā / Phạm Thiên Vương sáng chế ra. Các cỗ xe này thật to lớn, làm toàn bằng vàng dát ngọc, dùng để ngao du trong không trung), người tỳ-kheo mượn sự quyến rũ (thu hút, tưởng tượng) đó để đọc tâm thần... của các kẽ khác... (gợi lên sự thích thú va say mê của các kẻ khác để hình dung ra ý nghĩ và sự ước mơ của họ)'. Vậy, Kevaṭṭa nghĩ thế nào? Chẳng phải đấy chỉ là chuyện mà một người không có đức tin cũng chẳng có một niềm tin nào, thuật lại với một người sẵn có đức tin và niềm tin hay sao?" (người không tin thuật lại một chuyện mà mình không tin cho một người dễ tin, thì người này sẽ tin là có thật).
"Quả đúng là như vậy, Thưa Thế Tôn, người ấy cũng chỉ [đơn giản] nói ra những gì mà mình muốn nói (tin hay không tin là chuyện của người nghe. Đức Phật không trực tiếp nói ra điều đó mà chỉ nêu lên sự kiện đó dưới hình thức một câu hỏi để Kevaṭṭa tự hiểu).
"Này Kevaṭṭa, khi đã trông thấy được sự trở ngại đó của phép lạ trong lãnh vực thần giao cách cảm, thì chính ta cũng cảm thấy kinh sợ (horrified), bị chê cười (humiliated / khinh miệt) và nhờm chán (disgusted) trước các phép lạ trong lãnh vực thần giao cách cảm".
Phép lạ thuộc lãnh vực Giảng dạy
"Vậy phép lạ thuộc lãnh vực giảng dạy (instruction / giáo huấn, giáo dục, hướng dẫn) là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo nêu lên một sự giảng dạy [đại loại] như sau: 'Hãy suy nghĩtheo chiều hướng này, không nên suy nghĩ theo chiều hướng kia. Hãy nhìn vào mọi sự vật theo đường hướng này, không nên nhìn vào mọi sự vật theo đường hướng kia. Hãy gạt bỏ chuyện này, nên tìm thấy sự hài hòa và an trú bên trong chuyện kia'. Này Kevaṭṭa, đấy gọi là phép lạ của sự giảng dạy.
"Chẳng hạn như trường hợp một vị Tathagata (Như Lai) xuất hiện trong thế giới này, xứng đáng, ngay thật, tự mình đạt được sự giác ngộ (Đức Phật tự nói đến chính mình nhưng nêu lên ở ngôi thứ ba). Vị ấy thuyết giảng Dhamma (Đạo Pháp), tuyệt vời từ đoạn đầu, tuyệt vời trong đoạn giữa, tuyệt vời ở cả đoạn cuối. Vị ấy nêu cao một cuộc sống thánh thiện về tất cả mọi mặt và cả sự tinh anh sâu xa trong cuộc sống đó, một cuộc sống hoàn toàn hoàn hảo, tinh khiết một cách khác thường.
"Một người chủ gia đình hay người con trai của người chủ gia đình (một người con đã trưởng thành nhưng chưa lập gia đình, vẫn còn sống với cha mẹ) sau khi được nghe Dhamma đã phát động được lòng tin (conviction / niềm tin, sự tin tưởng) nơi vị Tathagata ấy và tự nghĩ rằng: 'Cuộc sống trong khung cảnh gia đình quả là một con đường chật hẹp, đầy bụi bặm. Cuộc sống thoát ly gia đình sẽ mở ra cho mình một bầu không gian rộng lớn hơn nhiều. Sống trong gia đìnhthật hết sức khó tạo được cho mình một kiếp sống thánh thiện hoàn toàn hoàn hảo và tinh khiết, sống trong gia đình chẳng khác gì như sống trong một vỏ sò bóng loáng (sống trong gia đình dù tiện nghi và sung túc, thế nhưng chẳng khác gì như một con ốc thu mình trong chiếc vỏ chật hẹp, dù chiếc vỏ có bóng loáng và xinh đẹp đến đâu cũng vậy). Vậy thì tại sao tôi lại không cạo tóc, cạo râu, khoác lên người chiếc áo màu nghệ, thoát khỏi khung cảnh gia đình để trở thành một kẻ (phiêu bạt) không nhà?'
"Thế rồi, một thời gian sau đó, người ấy (người chủ gia đình hay người con trai trong gia đình) từng được nghe Dhamma do một vị Tathagata thuyết giảng đã buông bỏ cái đống của cải của mình, dù cái đống đó to lớn hay nhỏ nhoi; lánh xa vòng ràng buộc họ hàng, dù cái vòng ràng buộcđó rộng lớn hay hạn hẹp; cạo tóc, cạo râu, khoác lên người chiếc áo màu nghệ, rời bỏ cuộc sống gia đình biến mình trở thành một kẻ không nhà.
"Thế rồi, sau khi đã rời bỏ gia đình, người ấy bắt buộc phải tuân thủ giới luật nơi tự viện, phải nhận thấy các mối nguy hiểm phát sinh từ các sự lầm lỗi do mình tạo ra, dù nhỏ nhoi cách mấy. Nhằm giúp mình bảo toàn đạo đức, người ấy phải luôn canh chừng các cửa ngõ của các cơ quan giác cảm (lục giác và tâm thần), phải biết lắng sâu trong sự chú tâm tỉnh giác (mindfulness / chánh niệm) và sự cảnh giác (alertness / tỉnh táo, cẩn trọng), và phải luôn cảm nhận được sự hài lòng.
(Sau khi giải thích thế nào là ba thể loại phép lạ thì Đức Phật nêu lên sự giảng dạy gồm ba cấp bậc từ thấp đến cao. Cách trình bày về ba cấp bậc này rất chi tiết và khá dài dòng. Nhà sưThanissaro Bhikkhu đã cắt bỏ phân đoạn này vì toàn bộ phân đoạn này đã được nêu lên trong một bài kinh khác mang tựa là Samaññaphala Sutta / "Các Kết quả mang lại từ Cuộc sống Suy tư" / kinh sách Hán ngữ gọi là "Sa Môn Quả" thuộc Trường Bộ Kinh, DN-2. Nhà sư Thanissaro Bhikkhu chuyển người đọc sang bài kinh này để đọc phân đoạn đã bị cắt bỏ. Một số nhà sư và các học giảkhác cũng đã cắt bỏ phân đoạn này trong các bản dịch của họ. Thật vậy sự dài dòng và chi tiếttrong phân đoạn này có thể làm phân tâm khiến người đọc khó nhận thấy sự mạch lạc của toàn bộbài kinh. Tuy nhiên - như đã được nói đến trong phần mở đầu trên đây - thiết nghĩ chúng ta cũng nên cố gắng theo dõi đầy đủ bài kinh, bởi vì các chi tiết trước hết cũng có thể giúp chúng ta ý thứcđược từng hành động và các xu hướng của mình trong cuộc sống, và sau đó cũng có thể giúp chúng ta hình dung được phần nào sự sinh hoạt xã hội trong thung lũng sông Hằng cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm. Vì lý do đó bản chuyển ngữ dưới đây sẽ giữ nguyên toàn bộ bài kinh đúng theo bản gốc bằng tiếng Pali, nhằm giúp độc giả theo dõi toàn bộ bài kinh, không cần phải tìm các bài kinh khác để xem thêm).
Giáo huấn thuộc cấp bậc thứ yếu về Đạo đức
"Vậy người tỳ-kheo phải làm những gì để kiện toàn đạo đức? Không được tước đoạt sự sống, không được sát hại. Người tỳ-kheo trong cuộc sống phải biết đặt chiếc gậy xuống, đặt con dao xuống, phải nhân từ, phát lộ lòng thương cảm vì sự an lành của tất cả chúng sinh. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tránh hành động không lấy những gì mà người khác không cho, người tỳ-kheo không lấy những gì mà người khác không cho mình. Tránh không lấy những gì không cho, người tỳ-kheo chỉ nhận những gì mà người khác cho mình. Người tỳ-kheo không sinh sống bằng các phương tiệngian xảo, mà phải [sống] phù hợp với một cái tôi đã được tinh khiết hóa. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Không lập gia đình, người tỳ-kheo chọn cuộc sống độc thân. Không như dân cư trong làng, người tỳ-kheo tránh các hành vi dục tính. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tránh nói dối, người tỳ-kheo không nói những lời giả dối. Người tỳ-kheo chỉ nói sự thật, tôn trọng sự thật, kiên quyết và tín cẩn. Người tỳ-kheo không phải là một kẻ lừa dối trong thế giới. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tránh những lời gây chia rẽ, người tỳ-kheo không gieo rắc sự bất hòa. Người tỳ-kheo nghe những gì tại nơi này, không thuật lại tại nơi khác khiến gây ra hiềm khích giữa những người tại nơi này với những người tại nơi khác. Người tỳ-kheo nghe những gì tại nơi này, không lập lại tại nơi khác, khiến gây ra hiềm khích giữa những người tại nơi khác với những người tại nơi này. Nhằm hòa giải giữa những người bất hòa, hàn gắn giữa những người hiềm khích, người tỳ-kheo quý trọng sự hòa hợp, tìm thấy niềm vui trong sự hòa hợp, nói lên những lời mang lại sự hòa hợp. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tránh những lời phỉ báng, người tỳ-kheo không nhục mạ. Người tỳ-kheo nói những lời hòa nhã, hiền hòa, êm tai, đi thẳng vào tim [người nghe]. Người tỳ-kheo nói những lời lễ độ, khả ái, dịu dàng đối với tất cả mọi người. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tránh cách ăn nói vô bổ, người tỳ-kheo không ba hoa vô tích sự. Người tỳ-kheo ăn nói đúng lúc, nêu lên những điều xác thực, phù hợp với mục đích [mà mình muốn nói] (ăn nói ngay thẳng), phù hợp với Dhamma (Đạo Pháp), phù hợp với Vinaya (Giới luật). Người tỳ-kheo nói những lời mà người khác thích nghe, phù hợp với hoàn cảnh, hữu lý, ngắn gọn, thích nghi với mục đích[mà mình muốn nêu lên]. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Người tỳ-kheo tránh không làm phương hại đến các hạt giống và sự sống của cỏ cây. "Người tỳ-kheo chỉ ăn mỗi ngày một lần, tránh không ăn cơm chiều, cũng không ăn vặt. "Người tỳ-kheo tránh không nhảy múa, ca hát, chơi đàn, nghe nhạc, không tham dự các buổi trình diễn. "Người tỳ-kheo không đeo vòng hoa, không xức nước hoa, không dùng mỹ phẩm. "Người tỳ-kheo tránh không dùng giường cao, ghế cao, tiện nghi và sang trọng. "Người tỳ-kheo không được phép nhận vàng và tiền bạc.
"Người tỳ-kheo không nhận ngũ cốc chưa nấu chín (tránh không hủy hoại mầm mống của của các hạt ngũ cốc)..., thịt sống..., đàn bà và phụ nữ..., dê, trừu...gà, vịt, heo,...voi, trâu bò, ngựa đực, ngựa cái..., ruộng vườn, gia sản.
"Người tỳ-kheo không nhận đưa tin..., tránh việc thương mại, mua bán bằng cách cân thiếu, giả mạo kim khí, hoặc dùng các quả cân không đúng..., không vi phạm các hành vi tham nhũng, lừa dối và lường gạt.
"Ngưòi tỳ-kheo không chặt tay chân, không hành quyết, không giam cầm kẻ đạo tặc, kẻ cướp, kẻ hành hung (sự trừng phạt thuộc lãnh vực luật pháp, người tu hành không xen vào các việc xét xử và trừng trị bất cứ ai). "Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
Giáo huấn thuộc cấp bậc trung bình về Đạo đức
"Tuy vậy cũng có các vị đạo sĩ và những người bà-la-môn (nói chung là những người tu hành theo các tín ngưỡng khác) sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường (tức là sống bằng cách khất thực), thế nhưng lại thường gây ra tai hại cho các hạt mầm và sự sống của cỏ cây - chẳng hạn như các loài thảo mộc phát triển nhờ vào rễ, vào thân, vào cành, vào chồi, vào mầm. Người tỳ-kheo tránh không gây ra tai hại cho các hạt mầm và sự sống của cỏ cây. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo (cách nay hơn 25 thế kỷ thung lũng sông Hằnglà cả một khung cảnh hoang vu, rừng rậm khắp nơi, thế nhưng Đức Phật vẫn khuyến kích những người bước theo con đường của Ngài hãy biết thương yêu sự sống, thương yêu từng cọng cỏ, từng hạt mầm. Ngài vừa là người vạch ra Con Đường cho nhân loại nhưng cũng là một nhà sinh thái tiên phong, một người bảo vệ thiên nhiên, luôn nghĩ đến sự sống của tất cả chúng sinh và của cả cỏ cây trên hành tinh nhỏ bé và chật hẹp này).
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và những người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại thích tiêu dùng các thứ tích trữ (gom góp, cất dấu, dành riêng cho mình, không chia sẻ với kẻ khác), chẳng hạn như: thức ăn tích trữ, thức uống tích trữ, quần áo tích trữ, xe cộ (xe bò, xe ngựa...) tích trữ (dùng riêng, không cho kẻ khác mượn), giường gối tích trữ, nước hoa tích trữ. Người tỳ-kheo tránh không tích trữ và tiêu dùng các thứ của cải đại loại như vậy. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo (người tỳ-kheo khất thựcvừa đủ ăn, không được phép để dành sang ngày hôm sau).
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại thường hay say mê (addicted) các buổi trình diễn, chẳng hạn như: nhảy múa, ca hát, tấu nhạc, diễn kịch, ngâm thơ, vỗ tay, đánh trống, thích nghe tiếng chũm chọe, xem đèn kéo quân, các màn nhào lộn, ảo thuật, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò, đấu dê, đấu gà, đấu chim cúc, các màn đấu gậy, đánh võ, đô vật, các trò chơi cầm quân tập trận, cách đóng các vai trò (các cấp bậc chỉ huy trong đoàn quân hay trong cuộc sống chẳng hạn), cách giàn trận, duyệt binh. Người tỳ-kheo tránh không thăm dự các buổi trình diễn đại loại như vậy. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại say mê các trò chơi vô bổ, chẳng hạn như chơi cờ xếp theo tám hàng hay mười hàng, chơi cờ ngoài trời (cờ người), nhảy cò cò (nhảy ô), bắn bi, xúc xắc, múa gậy, ném bóng, đá bóng, thổi còi, kéo các chiếc xe nhỏ dùng làm đồ chơi, nhảy cóc (leap-frog, còn gọi là nhảy cừu / saute-mouton), xếp chong chóng (quay trong gió), chơi với các chiếc xe (đồ chơi),chơi với các dụng cụ đo lường, bắn cung tên, đoán các hình vẽ trong không trung (do người khác dùng ngón tay để vẽ trong không khí), đoán các ý nghĩ của người khác, nhại những người tật nguyền. Người tỳ-kheo tránh các trò chơi vô bổ và vô nghĩa đại loại như vậy (ngày nay các trò chơi tinh xảo và phức tạp hơn nhiều, chẳng hạn như các trò chơi điện tử). Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại say mê bàn ghế sang trọng và tiện nghi, chẳng hạn như - giường rộng, đục đẽo hình dạng thú vật, khăn trải giường dệt bằng lông thú thật dài, khăn trải giường khâu bằng các mảnh vải đủ màu, khăn trải giường bằng len trắng, khăn trải giường bằng len thêu hoa hoặc hình dạng thú vật, chăn đắp nhồi bông, khăn trải giường viền tua chung quanh, khăn trải giường bằng lụa dát ngọc; thảm lót bằng len, thảm lót lưng voi, lưng ngựa hoặc lót ghế xe, dùng thảm bằng da hươu, da nai, giường có màn che, giường có gối màu đỏ để tựa lưng hay gác chân. Người tỳ-kheo tránh không dùng các đồ đạc sang trọng và tiện nghi đại loại như vậy. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có thói quen sử dụng nước hoa, mỹ phẩm cùng các sản phẩm làm gia tăng thêm vẻ đẹp của mình - chẳng hạn như xoa bóp thân thể, xoa dầu, tắm nước thơm, xoa nắn chân tay, soi gương, bôi kem, đeo vòng hoa, xức nước hoa, xoa phấn lên mặt, bôi đen mi mắt, đeo vòng tay, băng đô (headband / vòng kẹp tóc), gậy cầm tay chạm trổ, chai đựng ước uống được trang trí, đeo kiếm, dùng các vật che nắng cầu kỳ, dùng dép thêu thùa, khăn quấn đầu, trang sức quý giá, phất trần (đuổi ruồi, phủi bụi) làm bằng lông đuôi bò yak, áo khoác trắng với viền áo thêu thùa. Người tỳ-kheo tránh không sử dụng các vật đại loại như vậy. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại say mê thảo luận về các vấn đề tầm thường, chẳng hạn các chuyện về vua chúa, trộm cắp, các bộ trưởng trong chính quyền; các đạo quân, còi báo động, các trận chiến; thực phẩm, các thức uống; quần áo, đồ đạc trong nhà, vòng hoa, nước hoa; họ hàngthân thuộc, xe cộ; làng mạc, phố xá, tỉnh lỵ, đồng quê; phụ nữ, các vị anh hùng; chuyện ngoài đường, các chuyện thêu dệt, các chuyện về người chết; các chuyện linh tinh, nguyên nhân tác tạo ra thế giới và đại dương (bàn cãi về các vấn đề viễn vông, những chuyện quá khứ hoặc tương lai), tranh luận để tìm hiểu xem các sự vật hiện hữu hay không hiện hữu. Người tỳ-kheo tránh không tranh luận về các vấn đề tầm phào đại loại như vậy. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại say mê tranh luận về những chuyện chẳng hạn như: 'Bạn có hiểu gì về học thuyết này hay giáo lý kia hay không? Tôi là người thấu triệt được học thuyết này và cả giáo lý kia. Làm thế nào mà bạn lại có thể thấu triệt được học thuyết này và cả giáo lý kia? Cách tu tập của bạn sai rồi. Cách tu tập của tôi mới là đúng. Tôi luôn vững tin. Bạn còn hoang mang lắm. Những gì bạn nêu lên trước tiên thật ra phải nêu lên sau cùng. Những gì bạn nêu lên sau cùng đúng ra phải nêu lên trước nhất. Những gì mà bạn phải để ra thật nhiều thì giờ để suy nghĩ thì ngay từ đầu đã là sai lầm rồi. Học thuyết của bạn đã bị lật đổ. Bạn đã đuối lý. Bạn chỉ cố gắng vớt vátnhững gì có thể gọi là giáo lý của bạn mà thôi; nếu có thể thì bạn hãy cố gắng thoát ra khỏi học thuyết ấy của bạn. Người tỳ-kheo tránh không tranh luận về những chuyện đại loại như vậy. Điều đó cũng là thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tuy vậy cũng có các vị đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có thói quen mang thông điệp và đảm trách các việc ủy thác của một số người khác, chẳng hạn như: vua chúa, quan lại, tướng tá, các vị giáo sĩ, các người chủ gia đình hoặc các người trẻ tuổi, mỗi khi họ sai bảo: 'Hãy đến nơi này, hãy đến nơi kia, hãy mang thứ này đến nơi này, hãy đến lấy vật ấy tại nơi kia. Người tỳ-kheo tránh không mang thông điệp, cũng không nhận lãnh các việc ủy thác của những người như vừa kể. Điều đó cũng là thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
"Tuy vậy cũng có các vị đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng họ lại sử dụng mánh khóe, thuyết phục, xúi dục, khinh thường những người cúng dường ấy, duy nhất chỉ nghĩ đến việc vơ vét họ tối đa. Người tỳ-kheo tránh không sử dụng các mánh khóe cũng không thuyết phục người bố thí [một cách không chính đáng nhằm mục đích thúc dục họ cấp dưỡng các tiện nghi vật chất cho mình]. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.
Giáo huấn thuộc cấp bậc cao về Đạo đức
"Tuy vậy cũng có các vị đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng họ lại có một cuộc sống sai lầm, nhờ vào các xảo thuật đê hèn (các phương tiện tầm thường, đê tiện, hạ cấp. Trong bản dịch của Thanissaro Bhikkhu các chữ này là "animal" arts, có nghĩa là các "nghệ thuật", các "xảo thuật" hay các sự "khéo léo" hạ cấp, đê tiện), chẳng hạn như:
- Xem tướng chân tay (đoán vận mạng dựa vào các dấu hiệu trên chân tay / chiromancy, palmistry); - Đoán điềm (omen) và giải đoán các hiện tượng (sign); - Giải đoán các biến cố trên trời (sao băng, sao chổi...); - Giải đoán các giấc chiêm bao; - Xem tướng dựa vào các hình thù (các dị tướng tốt và xấu) trên thân thể; - Đoán điềm dựa vào các vết chuột cắn trên vải; - Xem tướng dựa vào hình thù của sọ; - Cúng dường lửa, cúng dường một chiếc muôi (ladle / thìa hay muổng lớn dùng để múc canh hay múc cháo), cúng dường trấu (husk / vỏ thóc lúa), bột gạo, gạo, mỡ, dầu; - Cúng dường những gì thoát ra từ miệng mình; - Xem các đầu ngón tay để tiên đoán những gì sẽ xảy ra; - Xem phong thủy (geomancy); - Trừ ma, ếm quỷ nơi nghĩa địa; - Ếm bùa; - Xem đất (tìm mạch nước ngầm, đá quý...); - Luyện rắn, bào chế thuộc độc, luyện bồ cạp, chuột, chim, quạ; - Tiên đoán tuổi thọ; - Làm phép phù hộ; - Đoán vận mệnh (xem tử vi).
"Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như vậy.
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hènchẳng hạn như: xét đoán xem các viên ngọc sẽ mang lại may mắn hay xui xẻo, giá trị quần áo, giá trị các chiếc gậy (staff / các chiếc gậy cầm tay biểu trưng cho uy quyền), cung kiếm, giáo mác; xét đoán phụ nữ, con trai, con gái, nam nô lệ, nữ nô tỳ xem họ có xứng đáng hay không; xác định voi, ngựa, trâu, bò cái, dê cái, cừu đực, gà vịt, chim cúc, kỳ đà (lézard), thỏ, rùa, cùng các thú vật khác xem có đúng là giống tốt hay không.
"Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như vậy.
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ vào thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như tiên đoán:
- Các vị chỉ huy (ruler / lãnh đạo) sắp tiến quân; - Các vị chỉ huy sắp tiến quân hay sẽ lui binh; - Các vị chỉ huy phe bên ta sẽ tấn công và quân sĩ phe bên kia sẽ tháo chạy; - Các vị chỉ huy phe bên kia sẽ tấn công và quân sĩ phe bên ta sẽ tháo chạy; - Các vị chỉ huy phe bên ta sẽ thắng trận, các vị chỉ huy phe bên kia sẽ bại trận; - Các vị chỉ huy phe bên kia sẽ thắng trận, các vị chỉ huy phe bên ta sẽ bại trận; - Theo cách này tất sẽ chiến thắng, theo cách kia tất sẽ bại trận.
"Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như vậy.
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như tiên đoán:
- Nguyệt thực sẽ xảy ra; - Nhật thực sẽ xảy ra; - Thiên hà sẽ bị che khuất; - Sẽ có một hành tinh (chẳng hạn mặt trăng) bị che khuất bởi một hành tinh khác to lớn hơn; - Mặt trời, mặt trăng vận hành thuận lợi; - Mặt trời, mặt trăng vận hành bất thuận lợi; - Các vì sao vận hành thuận lợi; - Các vì sao vận hành bất thuận lợi; - Các chòm sao báo hiệu các điều thuận lợi; - Các chòm sao báo hiệu các điều bất thuận lợi; - Sẽ xảy ra một trận mưa sao băng; - Sẽ xảy ra hiện tượng bừng sáng ở chân trời (ánh hồng ở chân trời lúc rạng đông trước khi mặt trờiló dạng?); - Động đất sẽ xảy ra; - Sấm sét sẽ xảy ra dù lúc đó bầu trời không có mây; - Sẽ xảy ra các hiện tượng mọc lên hay lặn xuống, hiện tượng tối sầm hay tỏa sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao; - Các hậu quả phát sinh từ hiện tượng nguyệt thực..., hoặc từ các hiện tượng mọc lên, lặn xuống, tối sầm hay rực sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao.
"Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như vậy.
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ, các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như tiên đoán:
- Sắp xảy ra mưa lũ; sắp xảy ra hạn hán; - Sắp được mùa, sẽ đói kém; - Sắp được thanh bình và yên ổn hoặc tai ương sẽ xảy ra; - Bệnh dịch sẽ lan tràn; bệnh dịch sẽ chấm dứt. - Hoặc họ cũng có thể sinh sống bằng các phương tiện tính toán tiền nong (cho người khác), làm thơ, giảng dạy nghệ thuật hoặc giảng dạy triết học (theo Thanissaro Bhikkhu, thì triết học ở đây là học thuyết Lokāyata, một triết thuyết rất phổ biến vào thời bấy giờ, mô tả về thế giới, nói chung là giới "trí thức ba hoa" dùng sự "hiểu biết" của mình làm phương tiện sinh nhai).
"Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như vậy.
"Tuy vậy cũng có các đạo sĩ và những người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thết tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như:
- "Tiên đoán ngày tốt, ngày xấu trong các việc cưới hỏi, ly dị; các ngày thuận lợi để đòi nợ, hùn vốn hoặc cho vay; tâm sự để thu hút kẻ khác hoặc khiến kẻ khác lánh xa mình; hoặc để chăm sóc (an ủi) các phụ nữ sẩy thai hoặc phá thai; thốt lên những câu thần chú (spell / bùa mê) làm đớ lưỡi người khác, khiến người khác cứng hàm, hai tay không cử động được, hai tai không nghe thấy gì cả (một hình thức thôi miên để sai khiến kẻ khác); hoặc tìm câu trả lời qua ánh mắt của một vị thần linh trong một tấm gương, hoặc của một cô bé gái hay một người đồng bóng (spirit medium); thờ phụng Mặt trời, tôn vinh vị Đại Thiên Vương (Great Brahmā), phun lửa từ miệng mình, cầu khẩnvị Nữ thần may mắn.
"Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như như vậy.
"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại sống một cuộc sống sai lầm nhờ các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như:
- Hứa sẽ hiến dâng lễ vật cho các vị thần linh để hồi đáp lại sự ân sủng của họ; [sau đó thì] giữ đúng những lời hứa ấy; thờ thần linh ma quỷ (demonology); - Bày các phép bùa chú để bảo vệ nhà cửa (xem phong thủy...); - Làm gia tăng sức cường dương (virility) hoặc khiến tạo ra bất lực (impotence / liệt dương); - Bày các thủ tục lễ lạc tại các nơi chuẩn bị xây cất; - Phong thánh (consecrating / ban phép) các nơi xây cất (cúng thổ thần, thổ địa trước khi khởi công); - Làm phép súc miệng; làm lễ tắm (tấy uế tội lỗi, các sự ô nhiễm,...); - Hiến tế lửa (dâng lửa để cúng dường là nghi lễ của Ấn giáo); - Uống thuốc gây nôn để tẩy uế từ dưới, từ trên và cả trong đầu; nhỏ thuốc vào tai, vào mắt; tri bệnh xuyên qua lỗ mũi; xoa dầu; [hoặc] cấm xoa dầu; phẩu thuật; uống thuốc bào chế từ rễ cây; bó chỗ đau bằng thuốc làm bằng các loài thảo mộc.
"Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống tồi tệ nhờ các xảo thuật đại loạinhư vậy.
" Sau khi đã thực hiện được trọn vẹn nền tảng đạo đức (ba cấp bậc đạo đức) thì người tỳ-kheo, xuyên qua sự cẩn trọng (restrain / tiết độ, thận trọng, ý thức được từng hành động của chính mình) mang lại từ nền tảng đạo đức đó, sẽ không còn phải đối đầu với một mối hiểm nguy nào, dù trong bất cứ cảnh huống nào. Điều đó cũng tương tự như một vị vua oai hùng đã đánh thắng được quân thù, không còn e sợ quân thù tấn công mình dù là từ hướng nào. Đối với người tỳ-kheo cũng vậy, khi đã thực hiện được trọn vẹn nền tảng đạo đức cho mình thì sẽ không còn gặp phải một mối hiểm nguy nào, dù trong bất cứ cảnh huống nào. Nhờ vào sự kết hợp cao quý đó của đạo đức (ba cấp bậc đạo đức), thì từ bên trong chính mình người tỳ-kheo sẽ cảm nhận được một niềm vui sướng hiện lên từ sự hoàn hảo của chính mình.
"Đấy là cách mà người tỳ-kheo thực hiện được trọn vẹn nền tảng đạo đức cho mình.
Sự thận trọng đối với các cơ quan giác cảm
"Vậy người tỳ-kheo phải canh chừng các cửa ngõ của các cơ quan giác cảm như thế nào (xin mạn phép nhắc lại một điểm rất quan trọng: Đối với giáo lý Phật giáo tâm thần cũng là một cơ quan cảm giác tương tự như các cơ quan giác cảm khác. Một cá thể do đó sẽ gồm có sáu cơ quangiác cảm, mỗi cơ quan giác cảm là một cửa ngõ: ngũ giác là năm cửa ngõ mở vào thế giới hiện tượng bên ngoài, tâm thần là cửa ngõ thứ sáu mở vào thế giới nội tâm, đối tượng tiếp xúc của cửa ngõ tâm thần là tư duy, xúc cảm, tác ý, các sự diễn đạt, hình dung, tưởng tượng, v.v.). Khi trông thấy một hình tướng bằng mắt thì người tỳ-kheo sẽ không bám víu vào đó và xem đó như là một chủ đề (theme, tạo ra các tác ý, các sự gợi ý, các sự diễn đạt nói chung) hoặc các chi tiết (các sự nhận xét hay đánh giá) nào cả (có nghĩa là ý thức được sự cảm nhận của mắt về một hình tướngnào đó, thế nhưng không diễn đạt hay giải thích hình tướng đó qua bất cứ một khía cạnh nào cả) - bởi vì nếu người tỳ-kheo không giữ được sự thận trọng đối với mắt - thì các sự tệ hại và dại dột, chẳng hạn như các sự thèm khát và đớn đau, sẽ không khỏi xảy ra với mình. Khi nghe thấy một âm thanh bằng tai... (như đã được ghi chú trên đây - nhưng cũng xin nhắc lại - mỗi khi thấy ba chấm liên tiếp, thì đấy là cách cắt bớt một số chữ hoặc một số câu nhằm tránh sự lập đi lập lại. Cách lập đi lập lại giúp việc học thuộc lòng được dễ dàng hơn, thế nhưng ngày nay chúng ta đã có chữ viết, do đó lập đi lập lại không còn cần thiết nữa) Khi ngửi thấy một mùi bằng mũi... Khi nếm thấy một vị bằng lưỡi... Khi nhận thấy một cảm giác qua sự đụng chạm với thân thể (sờ mó chẳng hạn)... Khi nhận biết được một ý nghĩ nhờ vào khả năng trí thức (intellect), thì người tỳ-kheo sẽ không bám víuvào đó và xem đó như là một chủ đề (để suy nghĩ và gợi ý) hay các chi tiết (các sự diễn đạt và giải thích) nào cả - bởi vì nếu người tỳ-kheo không giữ được sự thận trọng đối với khả năng trí thức - thì các sự tệ hại và dại dột chẳng hạn như sự thèm khát và đớn đau sẽ không khỏi xảy ra với mình. Khi đã thực hiện được cho mình sự thận trọng cao quý đó đối với các chức năng của các cơ quangiác cảm, thì từ bên trong chính mình người tỳ-kheo sẽ cảm thấy một niềm vui sướng hiện lên từ sự hoàn hảo đó của chính mình.
"Đấy là cách mà người tỳ-kheo thực hiện được trọn vẹn sự thận trọng (cảnh giác) đối với các cửa ngõ của các cơ quan giác cảm của mình.
Sự Chú tâm và Cảnh giác
"Vậy người tỳ-kheo phải làm thế nào để phát huy sự chú tâm (mindfullness / chánh niệm) và sự cảnh giác (alertness / sự tỉnh táo)? Mỗi khi bước tới hay lùi lại thì người tỳ-kheo thực thi động tác đó với tất cả sự cảnh giác (chú ý vào động tác đó của mình). Mỗi khi nhìn ra phía trước hoặc nhìn chung quanh..., mỗi khi gập chân tay hay duỗi chân tay..., mỗi khi mặc áo ngoài, khoác thêm áo choàng và ôm chiếc bình bát..., khi ăn, uống, nhai hoặc nếm..., khi tiểu tiện, đại tiện..., khi bước đi, đứng lại hay ngồi xuống, đi ngủ, thức giấc, nói năng hoặc giữ yên lặng, thì người tỳ-kheo luôn thực thi các động tác đó (các cử chỉ đó) với tất cả sự cảnh giác (ý thức và chú tâm vào từng cử chỉvà hành động đó của mình với tất cả sự tỉnh táo). Đấy là cách mà người tỳ-kheo phát huy sự chú tâm (mindfulness / chánh niệm) và sự cảnh giác (alertness / sự tỉnh táo, hoàn toàn ý thức được những gì đang xảy ra trên thân thể và trong tâm thần mình. Ý thức được là mình đang hít vào hay thở ra cũng là cách mang lại cho mình sự tỉnh táo).
Sự hài lòng
Vậy sự hài lòng của người tỳ-kheo là như thế nào? Tương tự như một con chim, dù đang bay về đâu cũng vậy, thì gánh nặng duy nhất [trên người] chỉ là đôi cánh. Cũng vậy người tỳ-kheo hài lòng với bộ quần áo trên thân và chiếc bình bát trên tay mỗi khi cần đến. Dù phải đi đến phương trời nào, người tỳ-kheo cũng chỉ mang theo với mình những vật dụng tối thiểu. Đấy là sự hài lòngcủa người tỳ-kheo.
Loại bỏ các Chướng ngại
"Người tỳ-kheo, nhờ vào sự kết hợp cao quý đó của đạo đức (ba cấp bậc đạo đức), nhờ vào sự thận trọng cao quý đó đối với các cửa ngõ của các cơ quan giác cảm (sự tiết độ và cảnh giác đối với ngũ giác và tâm thần), nhờ vào sự hài lòng cao quý đó (bộ quần áo trên người và chiếc bình báttrên tay), sẽ biết chọn cho mình một chốn ở tĩnh mịch (xa cảnh phồn hoa): trong một khu rừng, dưới bóng mát một cội cây, nơi vùng núi non, nơi thung lũng, trong một chiếc hang nơi lưng chừng đồi, một bãi tha ma, một nơi sáng sủa giữa một khu rừng âm u, một nơi hoang dã, một khung cảnh rộng lớn hoặc chỉ đơn giản cạnh một đống rơm. Sau khi khất thực và ăn xong, người tỳ-kheo ngồi xuống tréo hai chân vào nhau, giữ thân người thật thẳng, hướng sự chú tâm của mình vào lãnh vực thứ nhất (đây là cách chuẩn bị của người tỳ-kheo nhằm tạo cho mình các điều kiện cần thiết và cụ thểtrước khi khởi sự hành thiền. Sau khi tạo được các điều kiện trong môi trường bên ngoài thì sau đó sẽ bắt đầu phát huy một thể dạng tâm thần thuận lợi bằng cách loại bỏ các thể dạng khuấy động - "ngũ triền cái"- trong tâm thức mình).
"Loại bỏ mọi hình thức thèm muốn (covetousness) đối với thế giới, người tỳ-kheo an trútrong sự tỉnh giác không một thoáng thèm muốn nào. Người tỳ-kheo loại khỏi tâm thức mình mọi sự thèm muốn ("tham dục cái"). Loại bỏ mọi ác ý và các sự giận dữ, người tỳ-kheo an trú trong trong sự tỉnh giác, không một thoáng ác ý ("sân hận cái"), luôn nghĩ đến sự an vui của tất cả chúng sinh. Người tỳ-kheo loại khỏi tâm thức mình mọi ác tâm và các sự giận dữ. Loại bỏ sự lười biếng (sloth / uể oải) và đờ đẫn (torpor / mệt mỏi, lờ đờ, ngái ngủ / "hôn trầm - thụy miên cái"), người tỳ-kheo an trú trong sự tỉnh giác, không một thoáng lười biếng hay đờ đẫn, luôn phát động sự chú tâm, cảnh giác, mang lại cho mình sự sáng suốt. Loại bỏ sự bồn chốn (restlessness / áy náy) và sự lo âu(anxiety / băn khoăn, lo lắng / "trạo cứ - hối quả cái"), người tỳ-kheo an trú trong sự bình lặng, không một thoáng xao động trong nội tâm. Loại bỏ sự lưỡng lự (uncertainty / hoang mang, không vững tâm / "hoài nghi cái"), người tỳ-kheo an trú trong sự vững tâm không một thoáng lưỡng lự, mang lại cho mình một tâm thần bén nhạy. Người tỳ-kheo loại khỏi tâm thức mình mọi sự lưỡng lự (trên đây là năm thứ "chướng ngại" có thể xảy ra trong lúc chuẩn bị hành thiền: lười biếng, đờ đẫn, bồn chồn, lo âu, lưỡng lự. Kinh sách Hán ngữ gọi chung năm thứ chướng ngại ấy là "ngũ triền cái", gồm "tham dục cái", "sân hận cái", "hôn trầm - thụy miên cái", "trạo cứ - hối quả cái", "hoài nghi cái". Người tu hành không hành thiền giảng các thuật ngữ tiếng Hán cho những người thế tục không hành thiền về "ngũ triền cái", thì chẳng khác gì như cùng nhau tìm vào một khu rừng rậm, thế nhưng không ngồi xuống để tĩnh tâm mà chỉ thấp thỏm, lo âu, bồn chồn, sợ hãi và nghi ngại, nhìn quanh xem có năm loài thú dữ đang rình rập mình hay không. "Ngũ triền cái" không phải là các thái độ tâm thần trong cuộc sống mà là các chướng ngại trong việc hành thiền).
"Thí dụ một người nào đó vay một số tiền để đầu tư vào việc thương mại. Công việc làm ăn thành công. Sau khi hoàn trả số tiền đã vay, lợi tức còn lại người này dùng để chiều chuộng vợ, trong trường hợp đó ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Trước đây tôi có vay một số tiền để buôn bán, việc làm ăn trôi chảy. Nay tôi đã trả hết nợ, tiền còn lại tôi dùng để chiều chuộng vợ. Nhờ vậy người ấy tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc (xin nhắc lại bài kinh này Đức Phậtgiảng cho một người thanh niên đánh cá, một người chủ gia đình còn trẻ. Cách giảng rất dễ hiểuhoàn toàn dựa vào các hình ảnh ẩn dụ phù hợp với người nghe).
"Hãy lấy một thí dụ khác, chẳng hạn một người nào đó ngả bệnh, đau đớn và bệnh trạng trầm trọng. Người này bỏ ăn, cơ thể bạc nhược. Thế nhưng sau một thời gian thì bình phục, người này ăn uống trở lại, sức khỏe hồi phục. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể đến với người ấy: "Trước đây tôi ngả bệnh... Nay tôi đã bình phục. Tôi biết đói, ăn uống rất ngon và tôi đã tìm lại được sinh lực trước đây'. Nhờ vậy người ấy tìm được niềm vui và hạnh phúc.
"Hãy lấy một thí dụ khác, chẳng hạn một người nào đó bị tù. Sau một thời gian thì được thả, người này giữ được sự lành lặn, sức khỏe vẫn còn tốt, gia sản còn nguyên. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Trước đây tôi từng bị tù. Nay tôi đã được thả ra, hoàn toàn lành lặn và khỏe mạnh, gia sản vẫn còn nguyên'. Nhờ đó người ấy tìm được niềm vui và hạnh phúc.
"Hãy nêu lên một thí dụ khác, chẳng hạn một người nào đó rơi vào cảnh nô lệ, làm thân tôi đòi, không còn tự do, không đi đâu được theo ý muốn của mình. Sau một thời gian thì được trả tự do, người này nhờ đó đã thoát khỏi cảnh nô lệ. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Trước đây tôi là một kẻ nô lệ... Nay tôi đã thoát khỏi hoàn cảnh nô lệ đó, tôi hoàn toàn tự do, không còn làm thân tôi đòi cho kẻ khác, tôi tìm lại được sự tự chủ, tôi có thể đi đâu tùy ý tôi'. Nhờ đó người ấy tìm được niềm vui và hạnh phúc.
"Hãy nêu lên một thí dụ khác, chẳng hạn một người nào đó vận chuyển tiền bạc và hàng hóa, men theo một con đuờng trong một vùng hoang vắng. Sau một thời gian [đầy lo sợ] thì người này ra thoát khỏi vùng hoang vắng đó, an toàn và lành lặn, của cải còn nguyên. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Trước đây tôi từng vận chuyển tiền bạc và hàng hóa, tôi men theomột con đường trong một vùng hoang vắng. Nay tôi đã ra thoát khỏi vùng hoang vắng đó, an toànvà lành lặn, chẳng mất mát một thứ gì cả'. Nhờ đó người ấy tìm được niềm vui và hạnh phúc.
"Cũng tương tự như vậy, khi năm thứ chướng ngại ("ngũ triền cái") chưa được loại bỏ ra khỏi con người mình, thì người tỳ-kheo có thể xem các thứ ấy chẳng khác gì như một món nợ, cảnh ốm đau, chốn ngục tù, kiếp nô lệ hay sự nguy hiểm trên một đoạn đường trong một nơi hoang vắng. Thế nhưng sau khi năm thứ chướng ngại ấy đã được loại bỏ khỏi con người mình, thì người tỳ-kheo sẽ có thể xem các thứ ấy như một món nợ đã trả xong, sức khỏe đã hồi phục, cảnh lao tù đã chấm dứt, sự tự do đã tìm lại được, đã đi qua đoạn đường trong một nơi hoang vắng. Nhờ đó người tỳ-kheo sẽ cảm thấy một niềm hân hoan hiện lên với mình. Đối với bất cứ ai cũng vậy, khi cảm nhận được niềm hân hoan thì sự vui sướng cũng sẽ hiện lên với người ấy. Với sự vui sướnghiện lên trong tim, thân xác của người tỳ-kheo nhờ đó cũng sẽ trở nên an bình hơn. Với thân xác an bình, người tỳ-kheo sẽ cảm nhận được sự thích thú. Với sự cảm nhận thích thú đó, tâm thức của người tỳ-kheo sẽ trở nên tập trung hơn (trên đây là cách Đức Phật giảng về "ngũ triền cái" bằng các thí dụ cụ thể. Sau khi loại bỏ được năm thứ chướng ngại tâm thần thì người tỳ-kheo sẽ phát huy được sự chú tâm dễ dàng hơn, giúp mình hòa nhập vào bốn thể dạng jhānas / thiền-na - tức là bốn thể dạng lắng sâu của tâm thức bắt đầu từ sự sung sướng vui thích đến thể dạng phẳng lặng, thanh thản, trong sáng và sâu kín nhất của tri thức mình).
Bốn thể dạng Jhāna / Thiền hay Thiền-na
"Sau khi loại bỏ (seclude / tránh khỏi) được [các sự thèm khát] dục tính, loại bỏ được các ý nghĩ tai hại (unskillfull qualities / các sự sinh hoạt lầm lẫn, kém sáng suốt trong tâm thần) thì người tỳ-kheo sẽ có thể hòa nhập và an trú trong thể dạng jhāna thứ nhất: trong thể dạng đó sẽ hiện lênniềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự từ bỏ [các sự thèm khát dục tính và các tư duy tai hại] đồng thời niềm hân hoan và vui sướng đó cũng được đi kèm với một sự suy nghĩ tập trung (directed thought / sự suy nghĩ không xao động hướng vào một sự cảm nhận nào đó) và một sự thẩm định (evaluation / sự nhận định, một sự ý thức minh bạch). Người tỳ-kheo thấm nhuần, hòa nhập, làm ngập tràn và lan rộng bên trong thân thể mình một niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự từ bỏ. Điều đó cũng tương tự như một người giúp việc tắm rửa rành nghề hay tập sự, rắc bột tắm (bột xà-phòng) vào một chiếc chậu bằng đồng, sau đó vừa rẩy nước vừa nhào nặn, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi tạo được một nắm bột tắm hoàn toàn thấm nước từ bên trong và cả bên ngoài, nhưng không hề nhỏ giọt. Cũng tương tự như vậy, người tỳ-kheo thấm nhuần, hòa nhập, làm ngập tràn và lan rộng bên trong thân thể mình một niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự từ bỏ (các sự thèm khát dục tính và các ý nghĩ tai hại). Trong toàn thân thể của người tỳ-kheo không có một nơi nào là không thấm đượm niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự từ bỏ đó.
"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy (Đức Phật không dạy các tỳ-kheo làm phép lạ để thu phục thật nhiều người theo sự mong muốn của người chủ gia đình trẻ tuổi Kevaṭṭa, mà sự giảng dạy của Ngài là đạo đức và sự giải thoát, là những gì mà người tu tậpphải tự thực hiện cho chính mình và bởi chính mình. Bước đầu tiên trên con đường thực hiện đó là biến mình từ một con người thèm khát, hoang mang, đờ đẫn, hận thù, lo sợ, thèm khát dục tính và các ý nghĩ tai hại, trở thành một con người hân hoan và vui sướng. Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ).
"Tiếp theo đó và sau khi sự suy nghĩ tập trung (directed thought) và sự thẩm định(evaluation) (hai thể dạng vận hành của tri thức ở cấp bậc jhāna thứ nhất) lắng xuống, thì người tỳ-kheo sẽ hòa nhập và an trú bên trong thể dạng jhāna thứ hai: là niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự tập trung, một sự hợp nhất (unification) của sự tỉnh giác (awareness) thoát khỏi sự suy nghĩ tập trung và thẩm định (directed thought & evaluation / suy nghĩ và xét đoán), một sự vững tin trong nội tâm (internal assurance). Người tỳ-kheo thấm đượm, hòa nhập, làm tràn ngập và tỏa rộng trong toàn thân thể của mình một niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự tập trung [tâm thần]. Điều đó cũng tương tự như một hồ nước được một mạch nước ngầm phun lên làm ngập nước, ngoài ra không có một con suối nào rót thêm vào đó, dù [nước được mang lại] từ hướng đông, hướng tây, hướng bắc hay hướng nam, cũng không có các cơn mưa lũ thay nhau rót xuống từ trời cao. Do vậy chỉ có một nguồn nước mát duy nhất phun lên từ đáy hồ, thấm đượm, hòa nhập, lan tràn và tỏa rộng làm cho hồ ngập tràn nước mát, không có một nơi nào trong hồ không bị thâm nhập bởi nước mát... [Cái hồ ấy] cũng tương tự như thân xác [của người tỳ-kheo] ngập tràn bởi niềm hân hoan và vui sướng. Trong toàn thân thể đó, không có một nơi nào là không thấm đượm niềm hân hoan và vui sướng, phát sinh từ sự tập trung ("chánh niệm", xin nhắc lại: trong thể dạng jhāna thứ nhất niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự "từ bỏ", trong thể dạng jhāna thứ hai, niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự "tập trung tâm thần").
"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.
"Tiếp theo đó, sau khi niềm hân hoan và sự vui sướng (trong jhāna thứ hai) lắng xuống thì người tỳ-kheo sẽ an trú trong thể dạng thanh thản (aquanimous), tỉnh thức (mindful) và bén nhạy (alert), và cảm nhận được sự vui thích (pleasure) trên toàn thân thể mình. Người tỳ-kheo hòa nhập và an trú bên trong jhāna thứ ba mà những người Cao Quý (các bậc thành đạt và giác ngộ) khẳng định: 'Đó là thể dạng mà người tỳ-kheo thường trú sau khi thực hiện được sự thanh thản và tỉnh giác'. Người tỳ-kheo thấm đượm, hòa nhập, làm ngập tràn và tỏa rộng trong toàn thân thể của mình sự vui sướng toát ra (divested) từ niềm hân hoan đó. Điều đó cũng tương tự như một hồ sen, trong đó một số hoa đâm chồi và mọc lên trong nước, ngập tràn bởi nước, một số khác vượt lên khỏi mặt nước và nở rộ, tất cả đều thấm đượm, hòa nhập, ngập trong nước, thấm ướt nước mát, từ rễ đến chóp hoa, không có một chỗ nào trên các cánh hoa ấy lại không thấm ướt nước mát; đối với người tỳ-kheo [trong lúc hành thiền] cũng vậy... toàn thân thể mình đều thấm đượm sự thích thú phát sinh từ niềm hân hoan.
"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.
"Và tiếp theo đó, với sự buông bỏ sự thích thú và cả đớn đau - tương tự như trường hợptrên đây đối với sự tan biến của niềm hân hoan và các mối đau buồn - người tỳ-kheo hòa nhập và an trú bên trong jhāna thứ tư: tinh khiết (purity), thanh thản (equanamity) và tỉnh giác (mindfulness / tỉnh thức, "chánh niệm"), không thích thú cũng không đớn đau. Người tỳ-kheo ngồi yên lặng, toàn thân ngập tràn bởi sự tỉnh thức (awareness / sáng suốt, minh mẫn) tinh khiết và rạng ngời. Điều đó cũng tương tự như một người ngồi xuống và phủ một tấm khăn trắng lên toàn thân mình, từ đầu đến chân, khiến không có một chỗ nào trên thân thể không được che kín bởi tấm khăn trắng. Cũng tương tự như vậy, người tỳ-kheo ngồi xuống, thấm đượm toàn thân mình bởi một sự tỉnh thức tinh khiết và rạng ngời. Không có chỗ nào trên thân thể không thấm đượm bởi sự tỉnh thức tinh khiếtvà rạng ngời.
"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.
Sự hiểu biết sâu xa
"Với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng ngời, không một vết ô nhiễm, không sơ hở, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh (imperturbability / bình thản, không xao động, thăng bằng, không xao xuyến), người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết và quán thấy. Người tỳ-kheo nhận biết: 'Thân xác này của tôi được khoác lên một hình tướng, được cấu tạo bởi bốn thành phần căn bản (đất, nước, lửa, khí), sinh ra từ một người mẹ và một người cha, lớn lên nhờ cơm cháo, phải gánh chịu sự đổi thay (vô thường), sự va chạm (sự cọ sát với môi trường), các áp lực (trong cuộc sống), sự tan rã (ốm đau, già nua) và phân tán (cái chết). Và cái tri thức này của tôi thì được chống đỡ (phải chịu đựng và phấn đấu) tại nơi này và liên hệ (liên quan) với nơi này (phấn đấu với môi trường và sự sống, liên hệ với sự sinh hoạt của xã hội xuyên qua "cái tôi" của mình). [Điều đó cũng] tương tự như một viên ngọc bích (beryl) tuyệt đẹp, sắc nước thật tinh khiết - viên ngọc gồm tám mặt cắt, mài bóng, rạng rỡ, trong suốt, hoàn hảo về mọi mặt, và hơn thế nữa từ bên trong viên ngọc lại còn có thêm các đường gân màu biếc, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, màu nâu - và một người có cặp mắt tinh xảo, cầm viên ngọc trên tay [để ngắm nghía] và suy nghĩ như thế này: 'Đây quả là một viên ngọc bích có sắc nước thật tinh khiết, gồm tám mặt cắt, mài bóng, rạng rỡ, trong suốt, hoàn hảo về mọi mặt. Hơn thế nữa bên trong viên ngọc lại còn có thêm các đường gân màu biếc, màu vàng, màu đỏ, màu nâu. Cũng tương tự như vậy - với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, không một vết ô nhiễm, không một khuyết điểm, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỷ kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết và quán thấy. Người tỳ-kheo nhận thấy: 'Thân xác này của tôi được khoác lên bởi một hình tướng, được cấu tạo bởi bốn thành phần, sinh ra từ một người mẹ và một người cha, lớn lên nhờ cơm cháo, phải gánh chịu sự đổi thay, sự va chạm, các áp lực, sự tan rã và phân tán. Và cái tri thức này của tôi thì được chống đỡ tại nơi này và liên hệ với nơi này'.
"Điều đó (sự ý thức đó, sự hiểu biết đó) tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.
Thân xác được tạo tác bởi tâm thần "Với tâm thức tập trung đó, tinh khiết, minh mẫn, không một vết ô nhiễm, không một khuyết điểm, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào một thân xác được tạo tác bởi tâm thần (a mind-made body / một thân xác được tạo tác bởi tâm thần. Ý nghĩa của câu này rất quan trọng: trên đây chúng ta thấy một tâm thức sáng suốt nhận thấy thân xác là một thứ "hình tướng gồm bốn thành phần căn bản, sinh ra từ một người mẹ và một người cha, lớn lên nhờ cơm cháo, gánh chịu mọi áp lực từ môi trường đến sự sống. Tâm thức gán cho cái tổng thể "hình tướng" đó một "danh xưng" gọi là "cái tôi"). Từ cái thân xác đó người tỳ-kheo lại tạo ra một thân xác khác (bám víu vào "cái tôi" đó, vào sự "hiện hữu" đó, tức là những gì do tâm thức tạo ra, thì sự bám víu đó vào cái "hình tướng" đó, vào "cái tôi" đó sẽ đưa đến sự hình thành của một "hình tuớng" khác mang một "cái tôi" khác. Nói một cách khác thì "cái tôi" này của thân xác này sẽ làm phát sinh ra một "cái tôi" khác của một thân xác khác: "cái tôi" này tự nó tạo ra môt "cái tôi" khác cho chính nó trong một thân xác khác: đó là sự tái sinh, và đó cũng là sự vận hành của nguyên lý tương liên: "cái này có cái kia sinh ra"), được khoác lên bởi một hình tướng, được tạo ra bởi tâm thức (như vừa được giải thích trên đây: thân xác này là do tâm thức trước đây của mình tạo ra cho mình, và tâm thức hiện tại này của mình lại đang tiếp tụctạo ra một thân xác khác cho mình trong tương lai), đầy đủ không thiếu sót một thành thành phầnnào, các khả năng (faculties / phẩm chất, chức năng) của chúng cũng không kém hơn (trung thựcvới những gì do tâm thức tạo ra cho nó bởi chính nó). Điều đó cũng tương tự một người nào đó rút một cọng sậy ra khỏi lớp vỏ bọc ngoài của nó. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Đây là lớp vỏ bọc ngoài, đây là cọng sậy. Lớp vỏ là một thứ, cọng sậy là một thứ khác, thế nhưng [thật ra thì] cọng sậy được rút ra từ lớp vỏ của nó. Hoặc một người nào đó rút một thanh kiếm ra khỏi bao kiếm, và ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Đây là thanh kiếm, đây là bao kiếm. Thanh kiếm là một thứ, bao kiếm là một thứ khác, thế nhưng [thật ra thì] thanh kiếm được rút ra từ bao kiếm của nó'. Hoặc một người nào đó kéo một con rắn ra khỏi lớp da lột của nó, và ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Đây là con rắn, đây là lớp da lột. Con rắn là một thứ, da lột là một thứ khác, thế nhưng [thật ra thì] con rắn được kéo ra khỏi lớp da lột của chính nó'. Cũng tương tự như vậy - với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng ngời, không một vết ô nhiễm, không một khuyết điểm, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào một thân xác được tạo tác bởi tâm thức. Từ cái thân xác đó (tạo ra bởi tâm thức) người tỳ-kheo lại [tiếp tục] tạo ra một thân xác khác, được khoác lên bởi một hình tướng [khác] tạo ra bởi tâm thức, đầy đủ không thiếu sót một thành phầnnào, các khả năng của chúng cũng không kém hơn (trên đây Đức Phật giảng về hiện tượng tái sinhbằng các hình ảnh cụ thể).
"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.
Các quyền năng siêu phàm
"Với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, minh mẫn, không một vết ô nhiễm, không một khuyết điểm, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động đuợc sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó hướng thẳng vào các cách thức [vận hành] trong lãnh vực quyền năng(power / sức mạnh) siêu phàm. Người tỳ-kheo có thể vận dụng (wield / lèo lái, biểu dương, sử dụng)các thể dạng (manifolds / các khía cạnh, các hình thức) của quyền năng siêu phàm đó. [Chẳng hạn như] từ một hóa thành thật nhiều, từ thật nhiều hóa thành một. Người tỳ-kheo hiện ra. Người tỳ-kheo biến mất. Người tỳ-kheo đi xuyên qua các bức tường, các thành lũy, núi non... không một khó khăn nào, tương tự như đi ngang một nơi trống trải. Người tỳ-kheo chui xuống mặt đất và ngoi lên khỏi mặt đất, tương tự như lặn hụp trong nước. Người tỳ-kheo đi trên mặt nước không bị chìm, tương tự như thong dong trên mặt đất. Người tỳ-kheo ngồi tréo hai chân thế nhưng bay lượn trong không trung, tương tự như một con chim với đôi cánh. Người tỳ-kheo dùng tay với được mặt trời và cả mặt trăng, vuốt ve và nắm thật chặt. Người tỳ-kheo tạo ra các tác động phát sinh từ thân xác mình, liên quan đến tận các cõi Brahmā. Điều đó cũng tương tự như một người thợ đồ gốm khéo tay, hay người thợ phụ, có thể tạo ra bất cứ một thứ bình chậu nào theo ý mình từ đất sét mà mình đã nhào nặn kỹ lưỡng, hoặc một người thợ điêu khắc ngà voi khéo léo, hay một người thợ phụ, đẽo gọt bất cứ đồ vật gì bằng ngà voi theo ý mình, từ những chiếc ngà voi đã được chọn lựa cẩn thận, hoặc một người thợ kim hoàn rành nghề, hay một người thợ phụ, tạo ra những vật bằng vàng theo ý mình từ những mảnh vàng đã đuợc chuẩn bị cẩn thận. Cũng tương tự như vậy - với một tâm thứctập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không một khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào các cách thức [vận hành] thuộc lãnh vực quyền năng siêu phàm... Người tỳ-kheo tạo ra các động tác phát sinh từ thân thể mình liên hệ đến tận các cõi Brahmā.
"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.
Lắng nghe được các âm thanh
"Với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thứcđó của mình hướng thẳng vào các thành phần thính giác (các âm thanh, các âm hưởng) thiêng liêng. Nhờ vào các thành phần thính giác thiêng liêng (các âm thanh mầu nhiệm), đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên khả năng của con người [bình dị] - người tỳ-kheo nghe thấy được cả hai thể loại âm thanh: thiêng liêng và [cả lãnh vực] con người, từ thật xa hay thật gần. Điều đó cũng tương tự như một người đi trên một con đường cái nghe được (phân biệt được) tiếng phát ra từ một chiếc trống nhỏ một mặt (kettle-drum / timbale / trống một mặt), tiếng trống cơm, tiếng tù và làm bằng vỏ ốc (conch shell), tiếng chũm chọe, tiếng trống to. Người tỳ-kheo có thể nhận biết được: 'Đây là tiếng trống nhỏ một mặt, đây là tiếng trống cơm, đây là tiếng tù và bằng vỏ ốc, đây là tiếng chũm chọe, đây là tiếng trống lớn. Cũng tương tự như vậy - với tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không một khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào các thành phầnthính giác (các âm thanh, các âm hưởng) thiêng liêng. Nhờ vào các thành phần thính giác thiêng liêng, đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên khả năng của con người [bình dị] - người tỳ-kheo nghe thấy được cả hai thể loại âm thanh: thiêng liêng và [cả lãnh vực] con người.
"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.
(Những gì trên đây cho thấy một người tỳ-kheo sau khi đạt được thành quả nhờ vào phép thiền định và xuyên qua bốn cấp bậc lắng sâu của tâm thức, sẽ đạt được các khả năng siêu phàm, thế nhưng không phải là để dừng lại đấy, mà phải nhìn thấy và đi xa hơn, dù rằng các khả năng ấy "tự chúng cũng đã là các phép lạ". Bởi vì đấy chỉ là các kết quả tự nhiên và thứ yếu, không phải là mục đích của sự giảng dạy. Xin nhắc lại trên đây trước khi giải thích về phép lạ là gì thì Đức Phậtcho biết là "tự mình hiểu được và thực hiện được các phép lạ ấy bởi chính mình", độc giả có thể xem lại câu này bằng các chữ in đậm trong cuối phân đoạn mở đầu của bài kinh, trước khi Đức Phật giải thích thế nào là ba thứ phép lạ. Phân đoạn trên đây và các phân đoạn tiếp theo dưới đây Đức Phật sẽ giải thích thật rõ ràng và chi tiết các quyền năng siêu phàm - các "phép lạ" - mang lại từ sự giảng dạy là như thế nào) Đọc được Tâm thần của người khác
"Với một tâm thức cô đọng, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ không một vết ô nhiễm, không khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết bên trong tâm thức của người khác. Người tỳ-kheo nhận biết được [sự hiểu biết bên trong] tri thức của người khác, của các cá thể khác, vận dụng tri thức của mình để hoà nhập (encompassed / nhập chung, bao trùm) vào tri thức đó [của kẻ khác]. Người tỳ-kheo nhận biết được tâm thức đam mê [của kẻ khác] đúng là 'một tâm thức đam mê' (không sai lầm), một tâm thức không đam mê [của kẻ khác] đúng là 'một tâm thức không đam mê'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức thù ghét (aversion / ác cảm, ghét bỏ) đúng là 'một tâm thức thù ghét', một tâm thức không thù ghét đúng là 'một tâm thức không thù ghét'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức mang ảo giác đúng là 'một tâm thức mang ảo giác', một tâm thức không mang ảo giác đúng là 'một tâm thức không mang ảo giác'. Người tỳ-kheo nhận biếtđược một tâm thức kỷ cương (restricted / khắt khe) như là một tâm thức kỷ cương, một tâm thứcbất nhất (scattered / lỏng lẻo, hời hợt, rời rạc) như là một tâm thức bất nhất. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức cởi mở đúng là 'một tâm thức cởi mở'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức thiếu cởi mở như là 'một tâm thức thiếu cởi mở'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức lỗi thời (surpassed mind / lạc hậu) như là một tâm thức lỗi thời, một tâm thức không lỗi thờiđúng là 'một tâm thức không lỗi thời'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức tập trung đúng là 'một tâm thức tập trung'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức thiếu tập trung như là 'một tâm thức thiếu tập trung'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức buông xả (released mind / thanh thản, bình lặng, không vướng mắc, không xao động) đúng là 'một tâm thức buông xả'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức thiếu buông xả đúng là 'một tâm thức thiếu buông xả'. Cũng tương tự như vậy, một thiếu nữ hay - một thanh niên - thích làm đẹp nhìn vào gương mặt mình, phản chiếu từ một tấm gương thật sạch hay từ một bát nước trong, và nhận thấy gương mặt mình mang nhược điểm (blemisched / khiếm khuyết, không vừa ý) nếu [thật sự] có nhược điểm, hoặc không mang nhược điểm nào nếu [thật sự] không có nhược điểm nào (Đức Phật nêu lên một thí dụcụ thể về cách đọc nội tâm của kẻ khác). Cũng tương tự như vậy - với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết của tri thức người khác. Người tỳ-kheo nhận biết được sự tỉnh giác (awareness / sự hiểu biết, sự tỉnh thức hay tri thức) của người khác, của các cá thể khác, và hòa nhập (hội nhập, bao trùm) sự tỉnh giác (tri thức) đó [của người khác] cùng với sự tỉnh giác (tri thức) của chính mình. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức đam mê đúng là 'một tâm thức đam mê', một tâm thức không đam mê đúng là 'một tâm thức không đam mê'..., một tâm thức buông xả đúng là một tâm thứcbuông xả, và một tâm thức không buông xả đúng là 'một tâm thức không buông xả'.
"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy. Nhớ lại được các tiền kiếp
"Với một tâm thức cô đọng, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết về sự nhớ lại các thể dạng tiền kiếp (theo nhà sư Thanissaro Bhikkhu cho biết thì nghĩa từ chương của chữ "tiền kiếp" / past lives là previous homes / "các ngôi nhà trước đây" của mình). Người tỳ-kheo nhớ lại khung cảnh của các kiếp sống quá khứ (manifold past lives), chẳng hạn như một lần sinh, hai lần sinh, ba lần sinh, bốn, năm, mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, một trăm, một ngàn, một trăm ngàn, thật nhiều kappa (kappa là tiếng Pali, mỗi kappa là một chu kỳ thời gian thật dài tương quan với một chu kỳ chuyển động và tan biến của vũ trụ, gồm chung trong đó dòng tiến hóa và suy thoái của tất cả chúng sinh. Chữ kappa được dịch sang tiếng La-tinh là aeon, kinh sách Hán ngữ gọi là kiếp hay kiếp-ba) liên quan đến sự co rút của vũ trụ, thật nhiều kappa liên quan đến sự trương nở của vũ trụ, thật nhiều kappa liên quan đến sự co rút và sự trương nở của vũ trụ [và nói lên]: 'Trong các khoảng thời gian đó, tôi từng mang tên như thế này, tôi thuộc vào bộ tộc này, mang hình tướng như thế kia. Thức ăn của tôi gồm những thứ như thế này, các cảm nhận thích thú và đớn đau của tôi từng hiện ra với tôi như thế này hay như thế kia, sự chấm dứt sự sống của tôi là như thế đó. Sau khi tình trạng ấy biến mất tại nơi kia, thì tôi hiện ra tại nơi này'. Đấy là cách mà người tỳ-kheo nhớ lại vô sốkiếp sống quá khứ của mình xuyên qua các cảnh huống đã từng xảy ra với thật nhiều chi tiết. Điều đó cũng tương tự như một người phải từ bỏ ngôi làng này để đến một ngôi làng khác, và sau đó từ một ngôi làng khác lại chuyển sang một ngôi làng khác nữa, và sau cùng thì trở về ngôi làng nơi sinh trưởng của mình trước kia. [Trong trường hợp đó] ý nghĩ sau đây có thể hiện lên với người tỳ-kheo: 'Tôi đi từ ngôi làng này của tôi (nơi sinh trưởng của tôi) để đến ngôi làng kia. Nơi đó tôi từng đứng trong ngôi làng đó như thế này, tôi từng ngồi trong ngôi làng đó như thế kia, tôi ăn nói theo cách này, tôi giữ yên lặng theo cách kia. Từ ngôi làng đó tôi lại quay về nhà'. Cũng tương tự như vậy - với một tâm thức cô đọng, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức ấy của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết về sự nhớ lại các thể dạng tiền kiếp... qua các cảnh huống đã từng xảy ra cùng với thật nhiều chi tiết.
"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.
Sự biến mất và hiển hiện của các chúng sinh
"Với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không một khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết về sự biến mất và hiển hiện của các chúng sinh. Người tỳ-kheo - với đôi mắt thiêng liêng, đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên [khả năng thị giác] của con người [bình dị] - sẽ trông thấy được chúng sinh qua đời và hiển hiện trở lại, và nhận thấy họ thấp kém hay cao cả, xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo đói, tất cả đều tùy thuộc vào kamma / nghiệp của họ: 'Các chúng sinh ấy - nếu có một cung cách hành xử thiếu đạo đức trong các lãnh vực thân xác, ngôn từ và tâm thức, [chẳng hạn như] phỉ báng những người cao quý, mang các quan điểm sai lầm và hành động dưới sự chi phối của các quan điểm sai lầm - thì sau khi chết, thân xác bỏ lại, thì sẽ hiển hiện trở lại trong một hoàn cảnh thiếu thốn, với phần số tồi tệ, trong một cảnh giới thấp kém, nơi địa ngục. Thế nhưng các chúng sinh ấy nếu có một cung cách hành xử đạo đức trong các lãnh vực thân xác, ngôn từ và tâm thức, không hề phỉ báng những người cao quý, mang các quan điểm đúng đắn, hành xử phù hợp với các quan điểm đúng đắn, thì sau khi chết, thân xác bỏ lại, sẽ hiển hiện trở lại trong một hoàn cảnh thuận lợi, nơi các cõi thiên nhân'. Cũng vậy người tỳ-kheo - với đôi mắt thiêng liêng, đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên [khả năng thị giác] của con người [bình dị] - sẽ trông thấy được sự qua đời và hiển hiện trở lại của các chúng sinh, và nhận biết được tại sao họ lại rơi vào hoàn cảnh thấp kém hay cao cả, xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo đói, tất cả đều tùy thuộc vào kamma / nghiệp của họ. Điều đó cũng tương tự như một người đứng trên chỗ cao nhất của một ngôi nhà to lớn trong một khu phố nơi trung tâm [thành phố], có đôi mắt tinh tường, trông thấy được những người bước vào ngôi nhà, rời khỏi ngôi nhà, đi dạo trong các con đường trong khu phố, hoặc ngồi trong khu phố. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Các người ấy bước vào ngôi nhà, rời khỏi ngôi nhà, đi dạo trong các con đường trong khu phố, hay ngồi xuống trong khu phố. Cũng vậy - với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không một khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết về sự qua đời và hiển hiện của các chúng sinh. Người tỳ-kheo - với đôi mắt thiêng liêng, đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên [khả năng thị giác] của con người [bình dị] - sẽ trông thấy được chúng sinh qua đời và hiển hiện trở lại, và nhận biết được tại sao họ lại rơi và hoàn cảnh thấp kém hay cao cả, xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo đói, tất cả đều tùy thuộc vào kamma / nghiệp của họ...
"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy. Sự chấm dứt của các thể dạng sôi sục tâm thần
"Với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không một khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh (thăng bằng, không xao xuyến), người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết về sự chấm dứt của các thể dạng sôi sục tâm thần (effluents / các sự xao động tâm thần khiến sự chú tâmbị thất thoát). Người tỳ-kheo nhận biết được điều đó tất sẽ mang lại [cho mình sự hiểu biết]: 'Đây là sự bấn loạn (stress / khổ đau, lo buồn trong tâm thần và trên thân xác)... Đây là nguyên nhân tạo ra sự bấn loạn... Đây là phương cách đưa đến sự chấm dứt bấn loạn... Đây là sự sôi sục tâm thần... Đây là nguyên nhân tạo ra sự sôi sục tâm thần... Đây là sự chấm dứt sự sôi sục tâm thần... Đây là phương cách làm chấm dứt sự sôi sục tâm thần'. Khi con tim của người tỳ kheo hiểu được điều đó, trông thấy được điều đó, thì nó sẽ thoát ra khỏi sự sôi sục về tính dục, sự sôi sục về sự hình thành (muốn được như thế này hay như thế kia, nói chung là các sự bám víu và thèm khát), sự sôi sục của sự u mê (vô minh). Thoát ra khỏi các thứ ấy là sự hiểu biết và cũng là sự 'Giải thoát'. Người tỳ kheo nhận biết được: 'Sự sinh đã chấm dứt, cuộc sống thánh thiện đã được thực hiện, công việc đã hoàn tất. Không còn bất cứ một thứ gì vướng mắc trong thế giới này. Điều đó cũng tương tự như một chiếc hồ trong thung lũng nơi một vùng núi non, nước hồ trong vắt không một chút ô nhiễm, một người có đôi mắt tinh tường đứng trên bờ hồ có thể trông thấy sò ốc, các hòn cuội, các hòn sỏi, các đàn cá đang bơi hoặc đang nghỉ ngơi'. Cũng tương tự như vậy, với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không một khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết về sự biến mất của các sự sôi sục. Người tỳ-kheo nhận biết điều đó tất sẽ mang lại [cho mình sự hiểu biết]: 'Đây là sự bấn loạn (stress / khổ đau, lo buồn trong tâm thần và trên thân xác)... Đây là nguyên nhân tạo ra sự bấn loạn... Đây là phương cách đưa đến sự chấm dứt sự bấn loạn... Đây là sự sôi sục tâm thần... Đây là nguyên nhân tạo ra sự sôi sục tâm thần... Đây là sự chấm dứt sự sôi sục tâm thần... Đây là phương cách làm chấm dứt sự sôi sục tâm thần'. Khi con tim của người tỳ kheo hiểu được điều đó, trông thấy được điều đó, thì nó sẽ thoát ra khỏi sự sôi sục về tính dục, sự sôi sục về sự hình thành (muốn được như thế này hay như thế kia, nói chung là các sự bám víu và thèm khát), sự sôi sục của sự u mê (vô minh). Thoát ra khỏi các thứ ấy là sự hiểu biết và cũng là sự 'Giải thoát'. Người tỳ kheo nhận biết được: 'Sự sinh đã chấm dứt, cuộc sống thánh thiện đã được thực hiện, công việc đã hoàn tất. Không còn bất cứ một thứ gì vướng mắc trong thế giới này.
(Trước hết Đức Phật dạy phải làm như thế nào để biến mình từ một con người bình dị trở thành một con người cao cả và tinh khiết hơn, và tiếp tục sau đó thì phải hòa nhập vào bốn thể dạng jhāna tức là bốn thể dạng lắng sâu của tâm thức. Qua các thể dạng lắng sâu đó, người hành thiền sẽ phát động được các quyền năng siêu phàm giúp mình lắng nghe được các âm thanh thật xa và thiêng liêng mà người khác không nghe thấy được, đọc được tâm thần của người khác mà chính họ không ý thức được, nhớ lại được các tiền kiếp của mình, sự hiển hiện và biến mất của tất cả chúng sinh. Hơn thế nữa bốn thể dạng lắng sâu đó còn làm chấm dứt được cả các sự sôi sục trong tâm thức mang lại cho mình sự Giải thoát. Thế nhưng sau sự Giải thoát đó sẽ là gì, tức là sau khi bốn thành phần căn bản - "tứ đại" trong kinh sách Hán ngữ - chấm dứt không còn lưu lại một dấu vết kamma / nghiệp nào trong thế giới này, thì những gì "còn lại" là những thứ gì và chúng sẽ đi về đâu?
Để trả lời cho thắc mắc đó Đức Phật nêu lên một câu chuyện mà một số các dịch giả Tây phương cho rằng là khôi hài (humour / hóm hỉnh, hài hước), thế nhưng câu chuyện dường như chỉ mang tính cách dí dỏm, cụ thể và thiết thực - với một vài nét châm biếm nào đó, nếu có thể nói như vậy - nhằm giúp một người chủ gia đình còn trẻ có thể hiểu được đặc tính của bốn thành phần căn bản sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt không lưu lại một dấu vết nào trong thế giới này. Câu chuyệndiễn tiến như sau)
Tham vấn các vị Thiên nhân
"Này Kevaṭṭa, trước kia ý nghĩ sau đây cũng đã từng hiện ra trong tri thức của một người tỳ-kheo trong chính Tăng đoàn gồm các tỳ-kheo đông đảo này: 'Bốn thành phần căn bản - [gồm] đặc tính của đất (các chất rắn của cơ thể), đặc tính của nước (các chất lỏng của cơ thể), đặc tính của lửa (hơi ấm của cơ thể) và đặc tính của gió (hơi thở, không khí) - sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả (một dấu vết nào cả: đất thành đất, nước thành nước, hơi nóng trở thành hơi nóng, không khí trở thành không khí), thì [các đặc tính của] chúng sẽ đi về đâu?' Người tỳ-kheo này (sau khi tự hỏi như vậy) bèn tập trung tâm thần thật mạnh, đến độ làm hiện ra một con đường trong tâm thức cô đọng của mình, đưa mình đến gặp các vị Thiên nhân (Deva) (xin lưu ý tín ngưỡng phổ quát và đại chúng thời bấy giờ là Ấn giáo, các vị Thiên nhân và các cõi Trời là các ý niệm trong tín ngưỡng này và đã ăn sâu vào nền văn hóa dân gian thời bấy giờ. Vì vậy Đức Phật cũng đã vay mượn một số thuật ngữ và ý niệm trong nền văn hóa đại chúng này để giảng dạy Dhamma của Ngài). Người tỳ-kheo này liền tìm gặp các vị Thiên nhân trong đoàn Tùy tùng (Retinue) của Bốn Vị Đại Vương, khi đến nơi thì hỏi các vị ấy như sau: 'Này các bạn, bốn thành phần căn bản - [gồm] đặc tính của đất, đặc tính của nước, đặc tính của lửa và đặc tính của gió - sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả?
"Sau khi câu hỏi được nêu lên, thì các vị trong đoàn Tùy tùng của Bốn Vị Đại Vương trả lờinhư sau: 'Chúng tôi cũng không biết là [các đặc tính của] bốn thành phần căn bản đó ... sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả. Thế nhưng [cũng may là có] Bốn Vị Đại Vươngở cấp bậc cao hơn và cũng tuyệt vời hơn chúng tôi. May ra họ có thể hiểu được bốn thành phầncăn bản đó... sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả.' "Người tỳ-kheo bèn tìm gặp Bốn Vị Đại Vương, và khi gặp được họ thì hỏi họ như sau: 'Này các bạn, bốn thành phần căn bản... sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả?
"Sau khi câu hỏi được nêu lên, thì Bốn Vị Đại vương đều trả lời như sau: 'Chúng tôi cũng không biết bốn thành phần căn bản... sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả. 'Thế nhưng [cũng may là có] các vị Thiên nhân Ba-Mươi-Ba ở cấp bậc cao hơn và tuyệt vời hơn chúng tôi. May ra họ có thể hiểu được...'
"Người tỳ-kheo lại tìm gặp các vị Thiên nhân Ba-Mươi-Ba, và khi gặp được họ thì hỏi họ như sau: 'Này các bạn, bốn thành phần căn bản... sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả?' "Sau khi câu hỏi được nêu lên thì các vị Thiên nhân Ba-Mươi-Ba trả lời người tỳ-kheo như sau: 'Chúng tôi cũng không biết bốn thành phần căn bản... sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả. Thế nhưng [cũng may là] có vị Sakka (Vua của các vị Thiên nhân) là vị quản lýcác Thiên nhân, thuộc cấp bậc cao hơn và tuyệt vời hơn chúng tôi. Vị này may ra có thể hiểu được...'
"Người tỳ-kheo lại tìm gặp vị Sakka là vị Quản lý các Thiên nhân, và khi gặp được vị này thì hỏi vị này như sau: 'Này bạn, bốn thành phần căn bản... sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả?'
"Sau khi câu hỏi được nêu lên, thì vị Sakka, vị Quản lý các Thiên nhân, trả lời người tỳ-kheo như sau: 'Tôi cũng không biết bốn thành phần căn bản... sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả. Thế nhưng [cũng may là] có các vị Yāma (Dạ-ma / Các thần chết / Gods of the Death / các vị Thiên nhân của giây phút cuối cùng / Devas of the Hours) ở cấp bậc cao hơn và tuyệt vời hơn tôi. May ra họ có thể biết..., ...
"Các vị Yāma nói: "Chúng tôi cũng không biết... Thế nhưng [cũng may là] có vị Thiên nhânlà Suyāma (Viêm-ma-thiên / vị Lãnh đạo các vị Yama / chief of the Yama devas). Vị này may ra có thể biết..., ... "Vị Suyāma nói: 'Tôi cũng không biết... Thế nhưng [cũng may là] có các vị Tusita (Các vị Thiên nhân nơi cõi trời Đâu suất)... May ra họ có thể biết...'
"Các vị Tusita nói: 'Chúng tôi cũng không biết ... Thế nhưng [cũng may là] có vị Santusita... May ra vị này có thể biết...'
"Vị Santusita nói: 'Tôi cũng không biết... Thế nhưng [cũng may là] là có các vị Thiên nhânNimmanarati (Các vị Thiên nhân say mê các việc sáng tạo / các vị "kỹ sư" trên cõi Trời)... May ra các vị này có thể biết...'
"Các vị Thiên nhân Nimmanarati nói: 'Chúng tôi cũng không biết... Thế nhưng [cũng may là] có vị Thiên nhân tên là Sunimmita... May ra vị này có thể biết...'
"Vị Thiên nhân Sunimmita nói: Tôi cũng không biết... Thế nhưng [cũng may là] có các vị Thiên nhân Paranimmitavasavatti (theo sự giải thích của nhà sư Thanissaro Bhikkhu thì đây là các vị Thiên nhân giữ vai trò kiểm soát các sáng tạo của các vị Thiên nhân khác / Devas Weilding control over the creations of others)... May ra các vị này có thể biết...' "Các vị Thiên nhân Paranimmitavasavatti nói: 'Chúng tôi cũng không biết ... Thế nhưng [cũng may là] có vị Thiên nhân là Paranimmita Vasavatti... Vị này may ra có thể biết...'
"Người tỳ-kheo bèn tìm gặp vị Thiên nhân Vasavatti, khi gặp được vị này thì hỏi vị này như sau: 'Này bạn, bốn thành phần căn bản sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả?
"Sau khi câu hỏi được nêu lên, thì vị Thiên nhân Vassavatti nói với người tỳ-kheo như sau: 'Tôi cũng không biết bốn thành phần căn bản sẽ đi về đâu... sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả. Thế nhưng [cũng may là] có Đoàn Tùy tùng của các vị Thiên nhân Brahmā (Phạm thiên / các vị Thiên nhân ở cấp bậc cao nhất trên cõi Trời, gồm có ba vị tất cả, và vị cao nhất là vị Sáng tạora Thế giới) ở cấp bậc cao hơn và tuyệt vời hơn tôi. May ra họ có thể hiểu được bốn thành phầncăn bản sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả.'
"Người tỳ-kheo bèn phát động sự tập trung tâm thần làm hiện ra con đường đưa mình tìm gặp đoàn Tùy tùng của các vị Brahmā. Khi gặp được đoàn Tùy tùng của các vị Brahmā thì tiến đến bên cạnh họ và hỏi họ như sau: 'Này các bạn, bốn thành phần căn bản - [gồm] đặc tính của đất, đặc tính của nước, đặc tính của lửa và đặc tính khí - sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả?
"Sau khi câu hỏi được nêu lên, thì đoàn Tùy tùng các vị Thiên nhân Brahmā trả lời người tỳ-kheo như sau: 'Chúng tôi cũng không biết bốn thành phần căn bản sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả. Thế nhưng [cũng may là] có vị Đại Thiên nhân Brahmā, là vị Chiến thắng (the Conqueror), vị Vô địch (Unconqueror), vị Quán thấy được tất cả (the All-seeing), vị Toàn năng (the All-Powerful), vị Chúa tể (the Sovereign Lord), vị An bài (the Maker), vị Sáng tạo (the Creator), vị Lãnh đạo (the Chief), vị Bổ nhiệm và Cai trị (the Appointer and Ruler), vị Cha của Tất cả những gì Đã Xảy Ra và Sẽ Xảy Ra (the Father of All That Have Been and Shall Be). Vị này ở cấp bậc cao hơn và tuyệt vời hơn chúng tôi. May ra vị này có thể biết được bốn thành phần căn bản(đất, nước, lửa, khí)... sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả.'
Đến đây người tỳ kheo không còn biết vị Đại Thiên nhân Brahmā hiện đang ở đâu [để đi tìm] đành phải hỏi đoàn Tùy tùng gồm các vị Brahmā xem vị Đại Brahmā (Đại Phạm thiên / Phạm Thiên Vương) đang ở đâu?
"'Thế nhưng, này các bạn, các bạn có biết vị Đại Brahmā hiện đang ở đâu hay không?
"'Này bạn tỳ-kheo, chúng ta cũng chẳng biết vị Đại Brahmā ấy đang ở đâu và đang đi về hướng nào. Thế nhưng mỗi khi có các dấu hiệu ánh sáng tỏa rộng và rạng ngời phát sinh thì vị Đại Brahmā sẽ xuất hiện. Tức thời ánh sáng rạng ngời hiện ra báo hiệu vị Đại Brahmā sắp xuất hiện'.
"Tức khắc sau đó vị Đại Brahmā hiện ra.
"Tức thời người tỳ-kheo tiến đến phía vị Đại Brahmā, sau khi đến gần thì cất lời hỏi: 'Này bạn, vậy thì bốn thành phần căn bản - [gồm] đặc tính của đất, đặc tính của chất lỏng, đặc tính của lửa và đặc tính của khí - sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả?
"Sau khi câu hỏi được nêu lên, thì vị Đại Brahmā trả lời người tỳ-kheo như sau: 'Này tỳ-kheo, Ta đây chính là Brahmā, vị Đại Brahmā, vị Chiến thắng, vị Vô địch, vị Quán thấy được Tất cả, vị Toàn năng, vị Chúa tể, vị An bài, vị Sáng tạo, vị Lãnh đạo, vị Bổ nhiệm và Cai trị, vị Cha của Tất cả những gì Đã Xảy Ra và Sẽ Xảy Ra' (Vị Đại Brahmā sở dĩ nói lảng, không trực tiếp trả lời câu hỏi của người tỳ-kheo, là vì chính mình cũng không biết là bốn thành phần căn bản đi về đâu, và đấy chính là một trong các điểm khá hóm hỉnh trong câu chuyện).
"Người tỳ-kheo lần thứ hai lại cất lời với vị Đại Brahmā như sau: ' Này bạn, tôi không hỏi bạn có đúng là vị Brahmā hay không, vị Đại Brahmā, vị Chiến thắng, vị Vô địch, vị Quán thấy được Tất cả, vị Toàn năng, vị Chúa tể, vị An bài, vị Sáng tạo, vị Lãnh đạo, vị Bổ nhiệm và Cai trị, vị Cha của Tất cả Những gì Đã Xảy Ra và Sẽ Xảy Ra. [Điều mà] mà tôi muốn hỏi bạn là bốn thành phầncăn bản - [gồm] đặc tính của đất, đặc tính của chất lỏng, đặc tính của lửa, đặc tính của khí - sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, và không lưu lại một thứ gì cả?
"Lần thứ hai vị Đại Brahmā lại trả lời người tỳ-kheo như sau: ''Này tỳ-kheo, Ta đây chính là Brahmā, vị Đại Brahmā, vị Chiến thắng, vị Vô địch, vị Quán thấy được Tất cả, vị Toàn năng, vị Chúa tể, vị An bài, vị Sáng tạo, vị Lãnh đạo, vị Bổ nhiệm và Cai trị, vị Cha của Tất cả của những gì Đã Xảy Ra và Sẽ Xảy Ra'.
"Lần thứ ba người tỳ-kheo lại cất lời với vị Đại Brahmā như sau: 'Này bạn, tôi không hề hỏi bạn có đúng là vị Brahmā hay không, vị Đại Brahmā, vị Chiến thắng, vị Vô địch, vị Quán thấy được Tất cả, vị Toàn năng, vị Chúa tể, vị An bài, vị Sáng tạo, vị Lãnh đạo, vị Bổ nhiệm và Cai trị, vị Cha của Tất cả Những gì Đã Xảy Ra và Sẽ Xảy Ra. [Điều mà] mà tôi muốn hỏi bạn là bốn thành phầncăn bản - [gồm] đặc tính của đất, đặc tính của chất lỏng, đặc tính của lửa, đặc tính của khí - sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả?'
"Vị Đại Brahmā bèn nắm lấy tay của người tỳ-kheo kéo lại sát bên cạnh mình và nói [khe khẽ] với người tỳ-kheo như sau: 'Các vị Thiên nhân trong đoàn Tùy tùng của các vị Brahmā tin rằng: 'Không có bất cứ gì mà vị Đại Brahmā này lại không biết. Không có bất cứ gì mà vị Đại Brahmā này lại không thấy. Không có bất cứ một thứ gì mà vị Đại Brahmā này lại không đạt đượcsự thấu triệt. Không có bất cứ một thứ gì mà vị Đại Brahmā này lại không thực hiện được'. Chính vì vậy mà ta không dám nói ra trước mặt họ (thú nhận trước mặt những người tùy tùng của mình) là chính mình cũng không biết là bốn thành phần căn bản ấy..., sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả' (sự thú nhận của vị Đại Brahmā cho thấy tính cách hóm hỉnh trong câu chuyệnđi đến chỗ tột đỉnh của nó). Tất cả chỉ vì cung cách hành xử của bạn sai lầm (đi tìm các vị Thiên nhân trên Trời để hỏi một chuyện mà chính họ cũng không biết), bạn hành xử sai lầm rồi, bạn bất chấp (bypassing) [lời giảng dạy của] Đấng Thế Tôn, bạn đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc của bạn không đúng nơi. Vậy bạn hãy tức khắc quay trở về bên cạnh Đấng Thế Tôn, và khi gặp Ngài thì nêu nêu lên thắc mắc ấy với Ngài. Dù Ngài sẽ trả lời như thế nào thì bạn cũng phải ghi khắc những lời ấy vào bên trong con tim mình' (đây cũng là một câu gián tiếp mà Đức Phật cảnh giác người thanh niên Kevaṭṭa). "Sau đó, tương tự như một người lực sĩ co duỗi chân tay [một cách dễ dàng], người tỳ-kheo biến mất khỏi thế giới của các vị Brahmā và sau đó xuất hiện trở lại trước mặt ta ("ta" ở đây là Đức Phật, đang thuật chuyện về người tỳ-kheo thắc mắc về sự chấm dứt của bốn thành phần căn bảncho người thanh niên Kevaṭṭa đang ngồi nghe). Người tỳ-kheo vái chào ta và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì người tỳ-kheo hỏi ta như thế này: 'Thưa Thế Tôn, bốn thành phần căn bản - [gồm] đặc tính của đất, đặc tính của chất lỏng, đặc tính của lửa và đặc tính của gió - sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một thứ gì cả?' "Sau khi câu hỏi đó được nêu lên, thì ta trả lời người tỳ-kheo như thế này: 'Trước đây từng có một số người buôn bán trên mặt biển (sea-faring merchants / các thương gia buôn bán và chuyên chở hàng hóa bằng đường biển) mang theo với họ một con chim nuôi làm cảnh từ trên bờ trước khi căng buồm để vượt đại dương. Khi nào [mất hút và lạc huớng] không trông thấy bờ thì họ thả con chim ra. Con chim sẽ bay lên cao theo hướng Đông, hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc hoặc bất cứ một hướng trung gian nào, và nếu nó trông thấy được bờ ở một hướng nào đó thì nó sẽ bay về hướng ấy. Nếu con chim không trông thấy bờ ở đâu cả thì nó sẽ bay trở về thuyền (con chim bay lên thật cao trên không trung để trông thấy bờ, thế nhưng nếu nó vẫn không trông thấy bờ ở một hướng nào cả thì tất nó sẽ phải bay trở lại và đáp xuống thuyền, bởi vì nó sẽ không đủ sức để bay mãi trên không trung. Con chim phải là chim làm cảnh từ trên bờ, bởi vì các con chim biển - chim hải âu chẳng hạn - thì nó có thể đáp xuống nước và nổi lềnh bềnh trên mặt sóng. Đây cũng là một kinh nghiệm cho những người "muốn đi thật xa" bằng "thuyền đánh cá"). Người tỳ-kheo từng dù hành thật xa đến tận các cõi Brahmā, thế nhưng vẫn không tìm được câu giải đáp cho thắc mắc của mình. Đối với Kevaṭṭa cũng vậy [giống như người tỳ kheo ấy] hãy cứ tìm về với ta.
(Sau đây là cách mà Đức Phật cho Kevaṭṭa biết là bốn thành phần căn bãn sẽ đi về đâu. Thế nhưng trước khi trực tiếp đưa ra câu giải đáp thì Đức Phật cho biết là cách nêu lên thắc mắc đó không đúng, mà phải hỏi rằng nơi nào không có chỗ cho bốn thành phần căn bản đặt chân vào đó, lưu lại dấu vết của chúng tại nơi đó)
"Không nên đặt câu hỏi theo cách đó [tức là]: 'Bốn thành phần căn bản - [gồm] đặc tính của đất, đặc tính của nước, đặc tính của lửa, đặc tính của khí - sẽ đi về đâu, sau khi chấm dứt, không để lại một thứ gì cả, mà phải đặt câu hỏi như thế này:
"'Nơi nào mà nước, đất, lửa và gió không lưu lại một dấu chân nào (một vết tích nào)? Nơi nào mà danh xưng và hình tướng, dù là dài hay ngắn, Thô thiển hay tinh tế, Xinh đẹp hay xấu xí, Tất cả đều đi đến chỗ chấm dứt?
"'Câu trả lời sẽ là:
Tri thức không có một mặt phẳng nào (để đặt chân lên đó), [Nó tỏa rộng đến] vô biên, Rạng ngời cùng khắp: Nơi đó, bốn thành phần căn bản - (gồm) đặc tính của đất, đặc tính của nước, đặc tính của lửa, đặc tính của gió - không lưu lại một dấu chân nào (một vết tích nào). Tại nơi đó, dù là dài hay ngắn, Thô thiển hay tinh tế, Xinh đẹp hay xấu xí, Tất cả mọi danh xưng và hình tướng đều đi đến chỗ chấm dứt. Với sự chấm dứt đó (của sự sinh hoạt) của tri thức, từng thứ một (trong số các đặc tính của bốn thành phần) đều đi đến chỗ chấm dứt'".
Đấy là những lời thuyết giảng của Đấng Thế Tôn. Người chủ gia đình Kevaṭṭa cảm thấy rất hài lòng và vui sướng trước những lời thuyết giảng đó của Đấng Thế Tôn.
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Học giả và cũng là một cư sĩ người Malaysia là Piya Tan đã mở đầu bản dịch bài kinh này của ông bằng một câu trích dẫn của văn hào người Mỹ John Steinbeck (1902-1968, đoạt giải Văn chương Nobel năm 1962). Câu trích dẫn này như sau:
Tôi có thể tin rằng một vị thầy vĩ đại cũng là một nghệ sĩ tài ba, và những vị thầy tài ba cũng hiếm hoi như những người nghệ sĩ vĩ đại. Sự giảng dạy cũng có thể xem là một nghệ thuật to lớn nhất, cho đến khi nào cơ sở tiếp nhận [sự giảng dạy đó] vẫn còn là trí óc con người và lãnh vực tâm linh.
Nguyên văn tiếng Anh của câu này như sau:
"I have come to believe that a great teacher is a great artist and that there are as few as there are any other great artists. Teaching might even be the greatest of the arts since the medium is the human mind and spirit."
Piya Tan đã nhận thấy được nghệ thuật thuyết giảng siêu việt đó của một vị Thầy vĩ đại qua bài kinh trên đây. Nghệ thuật thuyết giảng nói chung là một yếu tố khá quan trọng trong việc truyền đạt tư tưởng và sự hiểu biết. Thế nhưng dường như không quá quan trọng đối với những người nghe có một vốn liếng hiểu biết và một khả năng nhận thức nào đó. Trái lại đối với những người chưa có các kinh nghiệm suy tư lâu dài, thì việc giảng dạy phải cần đến một nghệ thuật khéo léo và tinh vi hơn.
Đức Phật giảng bài kinh này cho một người thanh niên bình dị chưa có một ý niệm nào về giáo lý của Ngài, mà chỉ tìm Ngài để thỉnh cầu Ngài sai một người tỳ kheo thực thi các phép lạ để chinh phục được nhiều người hơn. Trước một người thanh niên nhiệt tình nhưng dường như khá thật thà đó, Đức Phật đã thuyết giảng bài kinh này hoàn toàn bằng phương pháp ẩn dụ, dựa vàocác hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống và các thói tục trong sự sinh hoạt chung của xã hội.
Đức Phật cho biết là giáo lý của Ngài không phải là đề làm phép lạ mà là để biến một con người bình dị trở thành cao quý hơn, và sự biến cải đó tự nó cũng đã là một phép lạ. Đức Phậtkhông giảng dạy phép lạ cho các đệ tử của mình, thế nhưng vào một lúc nào đó các đệ tử ấy có thể nghe thấy các âm thanh mà các kẻ khác không nghe thấy được; đọc được tâm thức các kẻ khác mà chính các kẻ khác tự mình không ý thức được; nhớ lại được các tiền kiếp của mình trong khi các kẻ khác chỉ loanh quanh với những sự thèm khát và bám víu trong sự hiện hữu hiện tại; trông thấy được sự biến mất và hiển hiện của tất cả chúng sinh trong thế giới, trong lúc chính các chúng sinh ấy không có một ý niệm nào về các sự diễn tiến vừa phù du nhưng cũng vừa triền miên đó của chính mình. Đấy là các phép lạ thiết thực và cụ thể mang lại từ sự giảng dạy và học hỏi, không phải là các phép lạ nhằm mục đích thu phục kẻ khác hoặc chỉ là các "xảo thuật" tinh xảo làm kế sinh nhai.
Thế nhưng sự giảng dạy của Đức Phật không dừng lại ở các phép lạ đó mà còn đi xa hơnthế rất nhiều, đấy là câu giải đáp cho một thắc mắc to lớn nhất, gay go nhất mà tất cả các vị Thiên nhân trên khắp các cõi Trời đều mù tịt. Vậy sự thắc mắc đó là gì? Các đặc tính của bốn thành phầncăn bản - đất, nước, lửa và khí - tạo ra danh xưng và hình tướng của một cá thể sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt và không để lại một dấu vết nào trong thế giới hiện tượng này?
Câu hỏi đó, sự thắc mắc nan giải đó là cả một sự ám ảnh to lớn nhất đối với con người nói chung, dù là ở phương trời nào, vào thời đại nào, thuộc một nền văn hóa nào. Nếu tất cả các vị Thiên nhân trên khắp các cõi Trời không giải đáp được thì tất chúng ta cũng sẽ không giải đáp được. Thế nhưng theo sự giảng dạy của Đức Phật qua bài kinh này thì câu giải đáp cho thắc mắc đó mang hai khía cạnh hay hai trường hợp khác nhau. Trong trường hợp thứ nhất, nếu các đặc tínhcủa bốn thành phần tạo ra danh xưng và hình tướng của một cá thể tiếp tục đặt "dấu chân" thật sâu và thật đậm nét trên dòng tri thức của một cá thể, thì chúng sẽ khiến cho cá thể ấy tiếp tục hiện hữutriền miên trong thế giới này. Ngược lại, trong trường hợp thứ hai, nếu các đặc tính của bốn thành phần căn bản tạo ra danh xưng và hình tướng của một cá thể không tìm được một chỗ nào bằng phẳng, vững chắc và cụ thể trên dòng của tri thức của cá thể ấy để đặt "dấu chân" của chúng, khi dòng tri thức đó đã trở nên Vô biên, Rạng ngời và Cùng khắp, thì đấy chính là sự Giải thoát của sự "Giải thoát" cuối cùng.
"'Nơi nào mà nước, đất, lửa và gió không lưu lại một dấu chân nào (một vết tích nào)? Nơi nào mà danh xưng và hình tướng, dù là dài hay ngắn, Thô thiển hay tinh tế, Xinh đẹp hay xấu xí, Tất cả đều đi đến chỗ chấm dứt?
"'Câu trả lời sẽ là:
Tri thức không có một mặt phẳng nào (để đặt chân lên đó), [Nó tỏa rộng đến] vô biên, Rạng ngời cùng khắp: Nơi đó, bốn thành phần căn bản - (gồm) đặc tính của đất, đặc tính của nước, đặc tính của lửa và đặc tính của gió - không lưu lại một dấu chân nào. Tại nơi đó, dù là dài hay ngắn, Thô thiển hay tinh tế, Xinh đẹp hay xấu xí, Tất cả mọi danh xưng và hình tướng đều đi đến chỗ chấm dứt. Với sự chấm dứt đó (của sự sinh hoạt) của tri thức, từng thứ một (trong số các đặc tính của bốn thành phần) đều đi đến chỗ chấm dứt'".
"Thế giới" tạo ra "tri thức", "tri thức" tạo ra "thế giới", khi nào hai thứ ấy vẫn còn thúc đẩynhau, níu kéo nhau để cùng hiện hữu, thì mỗi cá thể sẽ vẫn còn tiếp tục xoay vần trong cái thế giớido tri thức của cá thể ấy tự tạo ra cho chính mình. Khi nào tri thức không còn tạo ra thế giới nữa, và thế giới không còn lưu lại "dấu chân" của nó trên dòng của tri thức nữa, thì đấy sẽ là cách khiến sự trói buộc và xoay vần - giữa tri thức và thế giới, giữa thế giới và tri thức - sẽ chấm dứt. Sự tách rời dứt khoát đó của tri thức với thế giới do nó tạo ra cho chính nó là sự Giải thoát cuối cùng của nó, biến nó hóa thành Vô biên, Rạng ngời và Cùng khắp, và đó cũng là sự Giác ngộ tối thượng mang lại từ sự giảng dạy.
Trên đây là ý nghĩa chủ yếu của toàn bộ bài kinh. Sau đây chúng ta hãy tìm hiểu thêm một vài chi tiết về bài kinh khá khúc triết này.
Tựa của bài kinh
Chữ Kevaṭṭa nơi tựa của bài kinh là tên gọi của một người thế tục tham vấn Đức Phật. Trong bản kinh gốc bằng tiếng Pali nhân vật này được gọi là gahapati-putto, tiền ngữ gahapati có nghĩa là một người bình dị / a commoner hay một người chủ gia đình / a house holder, hậu ngữ putto có nghĩa là một thanh niên, một người con trai / a son, a child. Do đó có thể hiểu chữ gahapati-putto là một người chủ gia đình, một người thế tục, một thanh niên trẻ tuổi. Hầu hết các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây phương được tham khảo đều gọi nhân vật này là người chủ gia đình trẻ tuổi. Trong bản dịch của HT Thích Minh Châu và của Piya Tan thì gọi là "người con trai của người chủ gia đình", có nghĩa là một người con trai trong gia đình nhưng chưa lập gia đình và ở riêng. Trong bản dịch dựa vào Hán tạng của HT Thích Tuệ Sỹ thì gọi là "người con trai trưởng giả" (有長者子 / hữu trưởng giả tử) có nghĩa là người con trai trưởng trong gia đình, thế nhưng chữ "trưởng giả" có thể khiến hiểu lầm là một người giàu sang và quý phái. Dù cách gọi không thống nhất giữa các dịch giả về chữ gahapati-putto, thế nhưng cũng có thể tạm hiểu nhân vật này là một người thanh niên bình dị, một người chủ gia đình còn trẻ, hoặc một người con trai còn sống trong gia đình. Nói chung cách gọi "người chủ gia đình" rất thường thấy trong kinh điển Pali chỉ đơn giảncó nghĩa là "một người thế tục", khác với "một người tỳ-kheo" sống bên ngoài khung cảnh gia đìnhvà sự sinh hoạt xã hội.
Trong các tự điển đã được tham khảo, tên gọi Kevaṭṭa của người thanh niên thế tục, cũng có nghĩa là "người đánh cá" hay "người chài lưới" (fisher, fisherman). Trong bản dịch của Piya Tan, tên gọi Kevaṭṭa cũng được ghi chú thêm ở cuối trang là một người đánh cá. Do vậy cũng có thể hiểu tên gọi Kevaṭṭa chỉ là một biệt danh, bởi vì trong kinh điển bằng tiếng Pali thường thấy nêu lên biệt danh của các nhân vật, nhưng không nêu lên tên tục. Phải chăng cách gọi đó là một thói tục vào thời bấy giờ nhằm kính trọng người khác, hoặc cũng có thể là cách nêu lên cá tính, nghề nghiệp, vị thế của họ trong xã hội.
Tuy nhiên trong Tam Tạng Kinh của Tích Lan và trong bản dịch của Rhys David về bài kinhnày thì chữ Kevaṭṭa được viết là Kevaḍḍha, chữ này không tìm thấy trong các tự điển tham khảo, do đó có thể là tên gọi, không phải là biệt danh? Trái lại trong Hán Tạng (A-hàm Kinh) thì nhân vật này lại mang tên là Kiên Cố (堅固), trong bản dịch của HT Thích Tuệ Sỹ dựa vào A-hàm Kinh do đó cũng gọi nhân vật này là Kiên Cố. Trong bản dịch của HT Thích Minh Châu dựa vào bản kinh gốc bằng tiếng Pali thì tên của nhân vật này là Kevaddha, thế nhưng cũng được ghi chú thêm bên cạnh trong hai dấu ngoặc đơn là Kiên Cố. Tên gọi "Kiên Cố" không biết do đâu mà ra, bắt đầu xuất hiệntừ trong A-hàm Kinh hay từ trước đó trong các kinh bằng tiếng Phạn dịch lại từ tiếng Pali, mà ngày nay ít được quan tâm và do đó rất khó truy tìm. Ngoài ra cũng có thể nghĩ rằng "Kiên cố" (堅固/Jiāngù) là một chữ dịch âm. Ngoài ra trong quyển "Từ điển Phật Học Hán Việt" (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội - 1998) thuật ngữ Kiên cố (堅固) được giải thích như sau: "Như rễ cây vững chắc không thể nhổ được thì gọi là Kiên, đi theo với vật khác mà không thay đổi trạng thái vốn có thì gọi là Cố. Chỉ tâm niệm không thay đổi, không lay chuyển thì gọi là Kiên cố". Vì vật theo quyển tự điển Phật học này thì chữ Kiên Cố không phải là một tên gọi. Độc giả có thể xem thêm các ghi chú khác về thuật ngữ Kiên Cố trong bản kinh tiếng Hán trong Phục lục dưới đây.
Sự giảng dạy bằng phương pháp ẩn dụ trong kinh Kevaṭṭa-Sutta
Sở dĩ dài dòng về tên gọi Kevaṭṭa như trên đây là để cho thấy nhân vật này không những là một người thế tục trẻ tuổi mà còn là một người sinh sống bằng một nghề bình dị. Dù nhiệt tình thếnhưng người thanh niên này có thể là không có nhiều kinh nghiệm hiểu biết về lý thuyết, mà chỉ tìm Đức Phật để thỉnh cầu Ngài sai các tỳ kheo làm phép lạ để chinh phục được nhiều người hơn. Nhằm thích ứng với trình độ hiểu biết và xu hướng của người nghe, Đức Phật đã thuyết giảng bài kinh này, từ phần mở đầu cho đến đoạn cuối, hoàn toàn bằng phương pháp ẩn dụ dựa vào các hình ảnh cụ thể và thiết thực. Chúng ta hãy nêu lên ba trường hợp điển hình sau đây.
Trường hợp thứ nhất Đức Phật ví niềm vui sướng khi loại bỏ được năm thứ chướng ngạicũng tương tự như một căn bệnh đã được chữa khỏi, một món nợ đã trả xong, cảnh lao tù đã chấm dứt, thời gian nô lệ đã mãn hạn, đoạn đường hoang vắng đã đi qua. Trường hợp thứ hai Đức Phậtmô tả bốn thể dạng lắng sâu của tâm thức bằng các hình ảnh thật giản dị. Ao sen ngập tràn nước mát và trong vắt biểu trưng cho một tâm thức đã được tinh khiết hóa. Mạch nước ngầm duy nhấtphun lên từ đáy ao biểu trưng cho dòng luân lưu sâu kín và nguyên sinh của tri thức. Các hoa senmọc lên từ đáy ao, ngập trong nước hoặc ngoi lên khỏi mặt nước biểu trưng cho sự Giải thoát.
Đặc biệt hơn cả là trường hợp thứ ba, Đức Phật nêu lên câu chuyện thật dí dỏm, vừa khơi động sự tò mò và chú tâm của người thanh niên Kevaṭṭa, vừa nêu lên một cách kín đáo và khéo léo về một chủ đề vô cùng khúc triết trong Phật giáo: Các đặc tính của bốn thành phần căn bản tạo ra danh xưng và hình tướng của một cá thể sẽ đi về đâu sau khi chấm dứt, không lưu lại một dấu vết nào trong thế giới này?
Từ sự Giải thoát đến sự Giác ngộ tối thượng
Thắc mắc trên đây được giải đáp trong phần kết luận của bài kinh. Bốn thể dạng lắng sâu của tâm thức giúp người hành thiền cảm nhận được sự Giải thoát và thực hiện được chính sự Giải thoát đó. Đến khi tịch diệt, qua sự Giải thoát đó, thì các đặc tính của bốn thành phần căn bản tạo ra danh xưng và hình tướng trước đây của người hành thiền sẽ không đi về đâu cả, mà chấm dứt bên trong cái tri thức giác ngộ đã trở thành Vô biên, Rạng ngời và Cùng khắp đó của chính mình. Sư ý thức đó, sự hiểu biết siêu việt đó nói lên là sự Giải thoát của cả sự "Giải thoát", và cũng có nghĩa là sự Giác ngộ tối thượng.
Nếu tri thức giải thoát trở thành Vô biên, Rạng ngời và cùng khắp không không có một nơi nào "bằng phẳng" để các đặc tính của bốn thành phần cùng với danh xưng và hình tướng đặt vết chân của chúng trong đó, thì trái lại một tri thức bám víu, đam mê và thèm khát là một mảnh đất vững chắc giúp cho các đặc tính của bốn thành căn bản cùng danh xưng và hình tướng đặt chân lên đó. Các vết chân đó chính là các dấu vết của kamma / "nghiệp", tức là nguyên nhân, là động cơ thúc đẩy đưa tri thức của một cá thể gia nhập trở lại với bốn thành phần căn bản khác qua các danh xưng và hình tướng khác trong thế giới này. Các đặc tính của bốn thành phần căn bản cùng với các danh xưng và hình tướng "mới mẻ" đó hoàn toàn phản ảnh một cách trung thực với những gì mà tri thức trước đó đã tạo ra và ghi khắc trên dòng luân lưu của chính nó. Sự trung thực đó cũng tương tự như "một cọng sậy rút ra từ chiếc vỏ bọc ngoài của nó, như một thanh kiếm rút ra khỏi bao kiếm, như một con rắn được kéo ra khỏi lớp da lột của nó". Cái mong manh của cọng sậy, cái sắc bén của thanh kiếm và nọc độc của con rắn là những gì sẽ hủy hoại và làm chấm dứt các đặc tính của bốn thành phần cùng với danh xưng và hình tướng của một cá thể trong cuộc sống hiện tại này.
Đấy là ý nghĩa của toàn bộ bài kinh trên đây. Vậy thiết nghĩ đôi khi chúng ta cũng nên nhìn lại việc tu tập của mình. Nếu chúng ta bước theo sự giảng dạy thì chúng ta sẽ trông thấy một vị Thầy, nếu chúng ta bước theo 84 000 phương tiện thiện xảo thì chúng ta sẽ chỉ trông thấy một người nghệ sĩ mà thôi.
Chúng ta hãy nên buông thả tâm hồn mình giúp nó bay lên thật cao, thế nhưng nếu nó chẳng thấy thiên đường hay cực lạc ở đâu cả, thì nó sẽ quay về với con tim mình, với những khổ đau sâu kín của chính mình và của tất cả chúng sinh, tương tự như một con chim dù bay thật cao tận lưng chừng trời, thế nhưng nếu nó chẳng thấy bến bờ nào cả, thì nó sẽ đáp xuống chiếc thuyền đang bập bềnh trên muôn ngàn ngọn sóng của đại dương mênh mông.
Tư liệu xem thêm
Dưới đây là bảng liệt kê một số tư liệu chủ yếu giúp độc giả tham khảo và xem thêm:
1- Bản dịch của nhà sư Thanissaro Bhikkhu: https://www.dhammatalks.org/suttas/DN/DN11.html Trong bản dịch này có nhiều phân đoạn đã được cắt bớt, độc giả có thể xem các phân đoạnnày trong các bài kinh khác theo sự chỉ dẫn của dịch giả Thanissaro Bhikkhu.
2- Bản dịch tiếng Pháp trên trang mạng canonpali/org: http://www.canonpali.org/tipitaka/suttapitaka/digha/dn11.html Bản dịch này được dựa vào bản dịch tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu, nhưng đầy đủ hơn, không cắt bớt một đoạn nào cả". Một vài thuật ngữ cùng một vài câu trong bản dịch tiếng Pháp này khác với bản dịch tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu. Thế nhưng các sự khác biệt đó cũng có thể là một sự bổ túc giữa hai hai ngôn ngữ khác nhau.
3- Bản dịch của Piya Tan: Kevaddha Sutta The Discourse to Kevaddha (pdf) (xin gõ các chữ này vào một công cụ tìm kiếm) Bản dịch này rất đầy đủ và có nhiều ghi chú mang tính cách giáo khoa và hàn lâm(academic), có thể giúp việc nghiên cứu dễ dàng hơn.
4- Bản dịch của Rhys David: https://suttacentral.net/dn11/en/rhysdavids-brasington?reference=none&highlight=false Bản dịch này rất đầy đủ, từ chương và rất xưa - đầu thế kỷ XX - đã được một học giả khác là Leigh Brasington hiệu đính phù hợp với Anh ngữ ngày nay. Ngoài ra bản dịch này cùng với một số lời bình giải cũng có thể tìm thấy trên hai trang mạng khác theo các địa chỉ liên kết: https://obo.genaud.net/dhamma-vinaya/pts/dn/dn.11.rhyt.pts.htm http://www.leighb.com/dn11.htm
5- Bản kinh gốc bằng tiếng Pali: https://obo.genaud.net/dhamma-vinaya/pali/dn/dn.11.pali.bd.htm Đây là bản gốc bằng tiếng Pali trong Tam Tạng Kinh của Phật giáo Tích Lan. Xin lưu ý về một điểm khá quan trọng là ba Tam Tạng Kinh của ba nước Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan đều có một số điểm khác biệt nhau.
6- Bản kinh Kevaṭṭa-Sutta bằng tiếng Hán (堅固經) trong Hán Tạng (A-hàm Kinh): https://legacy.suttacentral.net/lzh/da24 Nói chung các bản kinh trong Hán tạng (A-hàm Kinh) dịch từ tiếng Phạn có rất nhiều điểm dị biệt từ hình thức đến nội dung - so với các bản kinh nguyên thủy bằng tiếng Pali. Bản kinh Kevaṭṭa-Sutta trên đây là một thí dụ điển hình. Bản kinh tiếng Hán - Kiên Cố Kinh - được thực hiện từ đầu thế kỷ thứ V, do hai dịch giả: một gốc người Ấn là Buddhayaśsa (Phật Đà Da Xá) và một gốc người Hán là Trúc Phật Niệm (竺佛念). Nếu đối chiếu bản dịch này với các bản dịch khác căn cứ vào bản gốc bằng tiếng Pali, thì sẽ thấy rất nhiều khác biệt. Bản tiếng Hán này có thể khó truy tìm đối với một số độc giả, do đó xin sao chép lại trong Phụ lục dưới đây.
7- Bản dịch tiếng Việt dựa vào bản gốc bằng tiếng Pali của HT Thích Minh Châu: Bản dịch này xuất hiện trên rất nhiều trang mạng: https://thuvienhoasen.org/a220/11-kinh-kevaddha-kien-co-kevaddha-sutta https://thienphatgiao.org/kinh-truong-bo11/ Tuy được dựa vào bản gốc tiếng Pali, thế nhưng các thuật ngữ Phật giáo trong bản dịch này thì lại là các thuật ngữ tiếng Hán. Hơn nữa ngữ pháp của một số câu cũng rất gần với ngữ pháp tiếng Hán hơn là ngữ pháp tiếng Việt.
8- Bản dịch tiếng Việt dựa vào bản gốc tiếng Hán của HT Thích Tuệ Sỹ: https://thienphatgiao.org/kinh-truong-a-ham-kinh-kien-co/
Sau hết xin nêu lên bảng đối chiếu về câu kết luận của bài kinh trong các bản dịch khác nhau, giúp việc phân tích và tìm hiểu được dễ dàng hơn.
Bảng đối chiếu câu kết luận của bài kinh trong một số bản dịch khác nhau
Phụ Lục
堅固經 (Kiên Cố Kinh) 佛說長阿含經卷第十六 後秦弘始年佛陀耶舍共竺佛念譯
Xin lưu ý các câu có chữ "kiên cố" dưới đây trong bản kinh tiếng Hán: 佛告堅固: Phật nói kiên cố (có thể hiểu: Phật nói [với] Kiên Cố, nhưng cũng có thể hiểu: Phật nói [một cách] cương quyết (?). Ngoài ra chữ "kiên cố" cũng có thể là một chữ dịch âm /Jiāngù (?). Tiếng Hán là sinh ngữ, do đó ý nghĩa, ngữ pháp cũng như cách phát âm có thể thay đổi với thời gian. Tiếng Hán trong A-hàm Kinh và tiếng Hán ngày nay cách nhau hơn 15 thế kỷ!) 佛復告堅固: Phật lại nói kiên cố ***
如是我聞: 一時,佛在那難陀城波婆利掩 次林中,與大比丘眾千二百五十人俱。 爾時, 有長者子,名曰堅固,來詣佛所,頭面禮足, 在一面坐。時,堅固長者子白佛言:「善哉!世尊! 唯願今者勑諸比丘:『若有婆羅門、長者子、居 士來,當為現神足顯上人法。』」 佛告堅固: 「我終不教諸比丘為婆羅門、長者、居士而 現神足上人法也。我但教弟子於空閑處 靜默思道,若有功德,當自覆藏,若有過 失,當自發露。」 時,堅固長者子復白佛言:「唯願 世尊勑諸比丘:『若有婆羅門、長者、居士來, 當為現神足,顯上人法。』」 佛復告堅固:「我 終不教諸比丘為婆羅門、長者、居士而現 神足上人法也。我但教弟子於空閑處靜 默思道,若有功德,當自覆藏,若有過失,當 自發露。」 時,堅固長者子白佛言:「我於上人 法無有疑也。但此那難陀城國土豐樂,人 民熾盛,若於中現神足者,多所饒益,佛及 大眾善弘道化。」 佛復告堅固:「我終不教比 丘為婆羅門、長者子、居士而現神足上人 法也。我但教弟子於空閑處靜默思道,若 有功德,當自覆藏,若有過失,當自發露。所 以者何?有三神足。云何為三?一曰神足,二 曰觀察他心,三曰教誡。云何為神足?長者 子!比丘習無量神足,能以一身變成無數, 以無數身還合為一,若遠若近,山河石壁,自 在無礙,猶如行空;於虛空中結加趺坐,猶 如飛鳥;出入大地,猶如在水;若行水上; 猶如履地;身出烟火,如大火聚,手捫日 月,立至梵天。若有得信長者、居士見此比 丘現無量神足,立至梵天,當復詣餘未得 信長者、居士所,而告之言:『我見比丘現無 量神足,立至梵天。』彼長者、居士未得信者,語 得信者言:『我聞有瞿羅呪,能現如是無量 神變,乃至立至梵天。』」 佛復告長者子堅固: 「彼不信者,有如此言,豈非毀謗言耶?」 堅固 白佛言:「此實是毀謗言也。」 佛言:「我以是故, 不勑諸比丘現神變化,但教弟子於空閑 處靜默思道,若有功德,當自覆藏,若有過 失,當自發露。如是,長者!此即是我諸比丘 所現神足。 「云何名觀察他心神足?於是,比 丘現無量觀察神足,觀諸眾生心所念法, 隈屏所為皆能識知。若有得信長者、居士, 見比丘現無量觀察神足,觀他眾生心所念 法,隈屏所為皆悉識知,便詣餘未得信長 者、居士所,而告之曰:『我見比丘現無量觀察 神足,觀他眾生心所念法,隈屏所為皆悉能 知。』彼不信長者、居士,聞此語已,生毀謗言: 『有乾陀羅呪能觀察他心,隈屏所為皆悉能 知。』云何?長者子!此豈非毀謗言耶?」 堅固白 佛言:「此實是毀謗言也。」 佛言:「我以是故,不 勅諸比丘現神變化,但教弟子於空閑處 靜默思道,若有功德,當自覆藏,若有過失, 當自發露。如是,長者子!此即是我比丘現 觀察神足。 「云何為教誡神足?長者子!若如 來、至真、等正覺出現於世,十號具足,於諸 天、世人、魔、若魔天、沙門、婆羅門中,自身作證, 為他說法,上中下言,皆悉真正,義味清淨,梵 行具足。若長者、居士聞已,於中得信,得信 已,於中觀察自念:『我不宜在家,若在家者, 鈎鎖相連,不得清淨修於梵行。我今寧可 剃除鬚髮,服三法衣,出家修道,具諸功德, 乃至成就三明,滅諸闇冥,生大智明。所以者 何?斯由精勤,樂獨閑居,專念不忘之所得 也。』長者子!此是我比丘現教誡神足。」 爾時, 堅固長者子白佛言:「頗有比丘成就此三 神足耶?」 佛告長者子:「我不說有數,多有比 丘成此三神足者。長者子!我有比丘在此 眾中自思念:『此身四大,地、水、火、風,何由永滅?』 彼比丘倐趣天道,往至四天王所,問四天王 言:『此身四大,地、水、火、風,由何永滅?』 「長者子!彼 四天王報比丘言:『我不知四大由何永滅? 我上有天,名曰忉利,微妙第一,有大智慧, 彼天能知四大由何而滅。』彼比丘聞已,即倐 趣天道,往詣忉利天上,問諸天言:『此身四 大,地、水、火、風,何由永滅?』彼忉利天報比丘言: 『我不知四大何由滅,上更有天,名焰摩, 微妙第一,有大智慧,彼天能知。』即往就問,又 言不知。 「如是展轉,至兜率天、化自在天、 他化自在天,皆言:『我不知四大何由而滅?上 更有天,微妙第一,有大智慧,名梵迦夷,彼 天能知四大何由永滅。』彼比丘即倐趣梵道, 詣梵天上問言:『此身四大,地、水、火、風,何由永 滅?』彼梵天報比丘言:『我不知四大何由永 滅,今有大梵天王,無能勝者,統千世界,富 貴尊豪,最得自在,能造化物,是眾生父母, 彼能知四大由何永滅。』長者子!彼比丘尋 問:『彼大梵王今為所在?』彼天報言:『不知大 梵今為所在,以我意觀,出現不久。』未久, 梵王忽然出現。長者!彼比丘詣梵王所問 言:『此身四大,地、水、火、風,何由永滅?』彼大梵王 告比丘言:『我梵天王無能勝者,統千世界, 富貴尊豪,最得自在,能造萬物,眾生父母。』 時,彼比丘告梵王曰:『我不問此事,自問 四大,地、水、火、風,何由永滅?』 「長者子!彼梵王猶 報比丘言:『我是大梵天王,無能勝者,乃至 造作萬物,眾生父母。』比丘又復告言:『我不 問此,我自問四大何由永滅?』長者子!彼梵 天王如是至三,不能報彼比丘四大何由 永滅。時,大梵王即執比丘右手,將詣屏處, 語言:『比丘!今諸梵王皆謂我為智慧第一, 無不知見,是故我不得報汝言:「不知不 見此四大何由永滅。」』又語比丘:『汝為大愚! 乃捨如來於諸天中推問此事。汝當於世 尊所問如此事,如佛所說,善受持之。』又 告比丘:『今佛在舍衛國給孤獨園,汝可往 問。』 「長者子!時,比丘於梵天上忽然不現。 譬如壯士屈申臂頃,至舍衛國祇樹給孤 獨園,來至我所,頭面禮足,一面坐,白我言: 『世尊!今此四大,地、水、火、風,何由而滅?』時,我告 言:『比丘!猶如商人臂鷹入海,於海中放 彼鷹飛空東西南北,若得陸地則便停止, 若無陸地更還歸船。比丘!汝亦如是,乃至 梵天問如是義,竟不成就,還來歸我。今當 使汝成就此義。』即說偈言: 「『何由無四大, 地水火風滅? 時,堅固長者子白佛言:「世尊!此比丘名何 等?云何持之?」 佛告長者子:「此比丘名阿室 已,當奉持之。」 爾時,堅固長者子聞佛所說, 歡喜奉行。
Bures-Sur-Yvette, 10.11.22 Hoang Phong chuyển ngữ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |