Chi tiết tin tức

Con đường đến Sơ quả

19:25:00 - 18/04/2024
(PGNĐ) -  Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

"Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người… Phật bảo:

- A-nan, nay Ta sẽ nói cho ngươi về Pháp kính để các Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh; dứt hết ba đường dữ, chứng quả Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời sẽ tận cùng biên tế của khổ; và cũng có thể nói việc ấy cho người khác nghe.

- Này A-nan! Pháp kính là, Thánh đệ tử đã đạt được bất hoại tín, hoan hỷ tin Phật là Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mười đức hiệu đầy đủ. Hoan hỷ tin Pháp là giáo pháp chân chính vi diệu, Phật tự ý nói ra, không cuộc hạn thời tiết, dạy bày con đường đi đến Niết-bàn; được thực hành bởi kẻ trí. Hoan hỷ tin Tăng là chúng khéo hòa đồng, sở hành chất trực không dối trá và chứng thành đạo quả, trên dưới thuận hòa, đầy đủ pháp thân, hoặc có người đang hướng tới Tu-đà-hoàn và được quả Tu-đà-hoàn, có người đang hướng tới Tư-đà-hàm và được quả Tư-đà-hàm, có người đang hướng tới A-na-hàm và được quả A-na-hàm, có người đang hướng tới A-la-hán và được quả A-la-hán. Ầy là bốn đôi tám bậc, chúng Hiền thánh của Như Lai, xứng đáng được cung kính, làm ruộng phước cho đời. Tin giới của Hiền thánh là thanh tịnh, không nhơ, không bị sứt mẻ, không rò rỉ, được các bậc minh triết tu theo mà chứng đến tam muội định vậy.

- A-nan, đó là Pháp kính, khiến Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh, dứt sạch ba đường dữ, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời hoàn tất tận cùng biên tế của khổ; và cũng có thể nói cho người khác sự việc ấy".

(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành, số 2 [trích])

Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Ngoài lộ trình căn bản này ra, Đức Phật còn giới thiệu một con đường khác để đến Sơ quả, đó là bốn bất hoại tín; niềm tin trong sạch, hân hoan, kiên định, không có gì lay chuyển vào Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới. 

Nói đến niềm tin trong giáo pháp thường là chánh tín - niềm tin đúng đắn hay tịnh tín - niềm tin trong sạch. Pháp thoại này, niềm tin ngoài đúng đắn và trong sạch còn thêm cả hân hoan và hỷ lạc. Hoan hỷ tín là tin tưởng sâu sắc với lòng vui phơi phới, ngập tràn hỷ lạc. Tin và hiểu hòa quyện với nhau mới kiên định và an vui. Hoan hỷ tín khiến cho tâm sung mãn như khi được hỷ, lạc và khinh an của thiền định.

Tin Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới, với người tu Phật thì không có gì lạ, là lẽ đương nhiên. Phật là bậc giác ngộ. Pháp là con đường đến giác ngộ. Tăng là người đi theo Phật và Pháp để từng bước chứng đạt giác ngộ. Thánh giới là nền tảng của giác ngộ. Thành tựu bốn niềm tin bất hoại này, hỷ lạc sung mãn trong từng mỗi phút giây sẽ bước lên bờ giác ngộ.

Niềm tin được gia cố bằng hỷ lạc, hân hoan sẽ thăng hoa thành chánh niệm và chánh định. Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới giờ đây không còn là những đối tượng bên ngoài mà trở thành một với thân tâm mình. Tất cả pháp hiện tiền đều hiển bày trong sự sáng suốt, định tĩnh, an lành và thánh thiện. Sống với tâm hoan hỷ tín, bất hoại tín với Tam bảo và Thánh giới như vậy thì sẽ thấy ra sự thật về thân (phá thân kiến), vượt thoát những định kiến quy ước giáo điều (phá giới thủ), thấy rõ con đường giải thoát (phá trừ nghi), dự vào dòng Thánh. 

Quảng Tánh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin