Chi tiết tin tức

Công đức lạy Phật

15:55:00 - 06/12/2024
(PGNĐ) -  Lạy Phật, lễ bái các Đức Phật và Bồ-tát là pháp hành phổ biến của hàng Phật tử. Dù xuất gia hay tại gia, kể cả những người có cảm tình với Đức Phật mỗi khi vào chùa tháp đều kính cẩn, chí thành lễ bái.

Hàng ngày, trong các thời khóa công phu, lễ bái Tam bảo và chư Phật, Bồ-tát là một trong những lễ nghi quan trọng. Đến ngày lễ sám hối, các đạo tràng thường lạy hồng danh sám hối. Có nơi còn tổ chức lạy Phật và Bồ-tát hàng trăm cho đến hàng ngàn, thậm chí hàng vạn danh hiệu.

Hầu hết mọi người Phật tử đều tin lạy Phật và Bồ-tát thì có công đức. Nhưng công đức cụ thể là gì thì không phải ai cũng biết. Hầu hết chỉ đem lòng thành quy kính lễ bái để tiêu trừ ngã mạn, nguyện học theo công hạnh của các Ngài đồng thời sẽ nhận được sự che chở và gia hộ. Kinh Tăng nhất A-hàm(chương năm pháp, phẩm 32. Thiện tụ, kinh số 3) xác nhận, lạy Phật có năm công đức:

“Một thời, Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

- Thừa sự, lạy Phật có năm công đức. Những gì là năm? Một là xinh đẹp, hai là tiếng hay, ba là lắm tiền nhiều của, bốn là sinh nhà trưởng giả, năm là chết sinh lên trời, các cõi lành. Vì sao vậy? Vì Như Lai không ai sánh bằng. Như Lai có tín, có giới, có văn, có tuệ, có sắc thiện thành tựu, cho nên thành tựu năm công đức. 

- Lại nữa, vì nhân duyên gì lạy Phật mà được xinh đẹp? Chính do vì thấy hình ảnh Phật mà phát tâm hoan hỷ, vì lý do này nên được xinh đẹp. 

- Lại, vì nhân duyên gì được âm thanh hay? Nhờ thấy hình ảnh Như Lai, đã tự xưng hiệu niệm ba lần, ‘Nam-mô Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác’. Vì lý do này nên được âm thanh hay. 

- Lại, vì nhân duyên gì mà được lắm tiền nhiều của? Do thấy Như Lai mà bố thí lớn, rải hoa, đốt đèn và thí những vật khác. Vì nhân duyên này được nhiều của báu. 

- Lại, vì nhân duyên gì sinh nhà trưởng giả? Khi thấy thân Như Lai, tâm không đắm nhiễm, gối phải quỳ sát đất, chắp tay chí tâm lạy Phật, do nhân duyên này sinh nhà trưởng giả. 

- Lại, vì nhân duyên gì thân hoại mạng chung sinh lên trời, cõi lành? Theo thường pháp của chư Phật Thế Tôn, những chúng sinh nào đem năm duyên sự lạy Như Lai liền sinh lên trời, cõi lành. 

- Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm nhân duyên này, lạy Phật có năm công đức. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn lạy Phật, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu năm công đức này. 

- Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

Năm công đức lạy Phật thật cụ thể và rõ ràng. “Một là xinh đẹp, hai là tiếng hay, ba là lắm tiền nhiều của, bốn là sinh nhà trưởng giả, năm là chết sinh lên trời, các cõi lành”. Vấn đề được đặt ra là vì sao lạy Phật thì thành tựu năm công đức này? 

Trước hết nhờ “Như Lai có tín, có giới, có văn, có tuệ, có sắc thiện thành tựu, cho nên thành tựu năm công đức”. Chư Phật và Bồ-tát là những bậc giác ngộ, có vô lượng công đức phước báo. Tín, giới, văn, tuệ là đức bên trong; sắc thiện là hình tướng bên ngoài. Sắc thiện là 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Ngoài tướng hảo quang minh, sắc thiện là nét trí tuệ và từ bi sáng ngời khiến cho người lễ bái sinh lòng cảm phục và quy kính.

Công đức đầu tiên, “Chính do vì thấy hình ảnh Phật mà phát tâm hoan hỷ, vì lý do này nên được xinh đẹp”. Tượng Phật và Bồ-tát cần tôn tạo đủ hảo tướng. Thấy Phật liền sinh tâm hoan hỷ. Các Ngài có vô biên thân, ứng hóa thân trong loài người phải là người hội đủ các yếu tố ngoại hình lý tưởng. Người có thiện căn thấy Phật liền sinh lòng cảm mến như cha mẹ hiền, “Tứ sinh chi từ phụ (cha lành của bốn loại)”. Thấy Phật và Bồ-tát liền cảm mến, hân hoan vui vẻ, muốn nương tựa dài lâu bên Ngài. Lạy Phật với lòng vui nên thành tựu phước báo xinh đẹp.

Công đức lạy Phật tiếp theo là được tiếng hay. “Nhờ thấy hình ảnh Như Lai, đã tự xưng hiệu niệm ba lần, ‘Nam-mô Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác’. Vì lý do này nên được âm thanh hay”.Thường thì chúng ta xưng niệm danh hiệu trước rồi mới lễ bái, nhờ đó mà thành tựu công đức. Tiếng hay là nói ra lời ái ngữ, hòa nhã, người nghe cảm mến và quý thương. Công đức này không phải ước muốn là được. Phải có nhân lành xưng tán danh hiệu Phật từ nhiều đời. 

Trước khi lạy Phật, chúng ta thường sắm sửa hương đèn hoa trái dâng cúng. Lễ phẩm cúng Phật đầy đủ là lục cúng, nếu giản đơn là cây hương, cành hoa, ngọn nến, giọt dầu, hoặc chén nước trong sạch, miễn có lòng thành. “Do thấy Như Lai mà bố thí lớn, rải hoa, đốt đèn và thí những vật khác. Vì nhân duyên này được nhiều của báu”. Nhờ cúng dường Tam bảo mà thành tựu phước báu nhiều tài sản, vật chất đủ đầy, không bao giờ bị thiếu thốn. 

Công đức tiếp theo của lạy Phật là được sinh vào nhà tôn quý, trưởng giả. “Khi thấy thân Như Lai, tâm không đắm nhiễm, gối phải quỳ sát đất, chắp tay chí tâm lạy Phật, do nhân duyên này sinh nhà trưởng giả”. Nhờ tâm trong sạch và cung kính, gieo mình kính lễ năm vóc sát đất mà được công đức tôn quý, cao sang. Lạy Phật cốt ở tâm tôn kính và lòng chí thành. Không vì sợ hãi hay cầu xin mà lạy Phật. Chỉ vì Phật và Bồ-tát là những bậc phước trí vẹn toàn, là thầy của trời người, là bậc giác ngộ và giải thoát nên con kính lễ và nguyện noi gương Ngài.

Cuối cùng, lạy Phật được phước sinh về cõi lành. “Theo thường pháp của chư Phật Thế Tôn, những chúng sinh nào đem năm duyên sự lạy Như Lai liền sinh lên trời, cõi lành”. Chư Phật là ruộng phước tối thượng. Kính lễ các Ngài chắc chắn được vô lượng công đức. Cõi lành bao gồm phước báo nhân thiên. Nếu sinh làm người thì ở bậc trên, cao sang quyền quý. Nếu sinh làm trời hưởng phước thù thắng, vi diệu ở cõi trời. Tuy ở trong Dục giới nhưng không rơi vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. 

Như vậy, lạy Phật là hành động của thân nhưng pháp tu này còn bao gồm cả miệng và ý, ba nghiệp đều hướng Phật. Nói cách khác là nhiếp ba nghiệp vào thanh tịnh. Đồng thời, pháp tu lạy Phật còn kết hợp quán tưởng, buông bỏ ngã mạn, tiêu trừ chấp thủ, cúng dường bố thí. Có sự kết hợp nhiều pháp tu thông qua hình thức lễ bái chứ không đơn thuần là lễ lạy.

Khổ đau của con người do khẩu nghiệp bất thiện tạo ra không phải là ít. Niệm hồng danh Phật để nhớ nghĩ đến và học theo công hạnh Ngài. Nguyện nói lời chân thật, đoàn kết, yêu thương, nói ra lời mang đến lợi ích cho người. Niệm Phật càng nhiều thì tâm Phật càng hiển lộ và luôn được bình an.

Trước khi lạy Phật là quán tưởng công đức của Như Lai. Thường thì nhớ nghĩ đến Phật, niệm Nam-mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Pháp này còn gọi là niệm ân đức Phật bảo. Kinh văn này dạy quán tưởng Như Lai với tín, giới, văn, tuệ, sắc thiện thành tựu. 

Nhìn Phật tướng hảo quang minh liền sinh lòng hoan hỷ và tịnh tín. Rất nhiều người có căn lành này, thấy Phật liền vui. Chính việc thấy Phật đã tiếp thêm nguồn năng lượng bình an, hoan hỷ. Hình ảnh Đức Phật thêm một lần nữa được khắc ghi sâu đậm trong tâm. Về sau, nghĩ đến Phật cũng an vui như khi nhìn thấy. Đây chính là công đức nhiếp tâm ý hướng Phật. 

Miệng niệm hồng danh Phật, tịnh hóa khẩu nghiệp. Khổ đau của con người do khẩu nghiệp bất thiện tạo ra không phải là ít. Niệm hồng danh Phật để nhớ nghĩ đến và học theo công hạnh Ngài. Nguyện nói lời chân thật, đoàn kết, yêu thương, nói ra lời mang đến lợi ích cho người. Niệm Phật càng nhiều thì tâm Phật càng hiển lộ và luôn được bình an.

Thân cung kính lễ bái Phật, năm vóc sát đất, chí thành kính lễ. Lạy Phật để học theo Phật, nguyện sống trí tuệ và từ bi. Lạy Phật là biểu hiện cụ thể nhất của lòng tôn kính và kết tinh các pháp quán niệm. Nhờ đó mà thành tựu công đức.

Thế nên, hàng đệ tử Phật gặp tôn tượng Ngài cần chí thành lễ bái. Dâng hương hoa, đốt nhang đèn cúng dường, ý quán tưởng công đức và tướng hảo, miệng thầm niệm hồng danh, thân trang nghiêm tề chỉnh cung kính lễ bái. Lễ lạy Tam bảo ba lạy, lễ bái nhiều hơn nữa lại càng hay. Lễ bái đúng như pháp sẽ thành tựu công đức vô lượng.

Nhiên Đạo

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin