Chi tiết tin tức

Danh, tướng, vọng tưởng phân biệt, chánh trí, như như

20:59:00 - 19/07/2024
(PGNĐ) -  Trong bài này sẽ nói về năm pháp: danh, tướng, phân biệt, chánh trí, như như, từ Kinh Nhập Lăng Già (Đại chánh tân tu Đại tạng kinh, quyển 16 số 672, in 2009).

Bấy giờ đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng: 

Bạch Thế Tôn! Xin nói cho con các tướng sai biệt của năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã. Con cùng các đại Bồ tát khéo biết chúng rồi, tiệm (dần) tu các địa, đầy đủ các pháp Phật, cho đến quả vị tự chứng của Như Lai. 

Phật dạy: Hãy nghe kỹ, ta sẽ nói cho ông. Đại Huệ! Năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã là: danh, tướng, phân biệt, chánh trí, như như.

Nếu người tu hành quán sát pháp này thì nhập vào cảnh giới tự chứng của Như Lai, xa lìa các kiến thường đoạn, hữu vô… đắc tam muội hiện pháp lạc rất sâu. Đại Huệ! Người phàm phu không biết năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã, nơi tâm hiện thấy có ngoại vật mà khởi phân biệt. Thánh nhân thì không như thế”. 

Sanh tử khổ đau mà người phàm phu đang kinh nghiệm là do “nơi tâm hiện thấy có ngoại vậtmà khởi phân biệt”. Thấy có ngoại vật là có sự phân chia thành đối tượng ngăn cách với chủ thể. Từ đó mà khởi ra vô vàn phân biệt để tạo thành một thực tại phân mảnh, đây là cuộc đờisanh tử.

Trong khi đó, thực tại thì không có sự phân cách giữa chủ thể và đối tượng. Điều này kinh nói là “hai vô ngã”, chủ thể không có ngã và đối tượng không có ngã. Nghĩa là không có chủ thể và đối tượng.

Tám thức là năm thức giác quan, ý thức, thức mạt na tức là thức chấp ngã, và thức thứ tám là a lại da, tức tạng thức. Do hoạt động phân biệt của tám thức này mà thấy có ra sanh tử.

Vì không biết sự hoạt động của tâm là “duy tâm ảnh hiện”, nên có sự phân cách giữa ta và người, ta với thiên nhiên, ta với thế giới. Kinh Lăng Già nói:

Thân, tài sản, nhà cửa
Đều duy tâm ảnh hiện
Phàm phu không thể biết
Khởi thấy có, thấy không.
Cảnh giới chỉ là tâm
Lìa tâm không thể đắc.

Để biết hoạt động của tâm, phải biết năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã. Những cái này sẽ được kinh giảng giải tiếp sau.

Đại Huệ bạch Phật: Do sao không biết mà khởi phân biệt? 

Phật dạy: Phàm phu không biết danh là giả lập, tâm theo đó lưu động, thấy thảy thảy tướng, vọng tưởng tôi và cái của tôi, dính nhiễm với sắc, che chướng thánh trí, khởi tham, sân, si. 

Tạo tác các nghiệp như tằm nhả kén, vọng tưởng tự trói, sa vào các nẻo của biển lớn sanh tử, như bánh xe kéo nước, tuần hoàn không dứt. Không biết các pháp như huyễn, như ảoảnh, như trăng trong nước, do tự tâm hiện, do phân biệt hư vọng mà khởi, lìa chủ thể nắm giữ và đối tượng được nắm giữ cùng sanh trụ diệt, cho rằng từ Tự tại thiên, thời gian, vi trần, vị thần tối cao mà sanh, theo danh tướng mà trôi lăn”.

Do không biết danh, tướng, vọng tưởng, chánh trí, như như, nên khởi phân biệt. Đi vào tâm phân biệt là đi vào mê mờ, tạo ra sanh tử. Cho nên cần phải biết cái gì và cơ chế nào tạo ra sanh tử hư vọng.

Danh là tên, để chỉ sự vật, đặc tính và sự hoạt động của sự vật. Danh là giả lập, tạm thời, để chỉ sự vật. Cùng với ý thức phát triển của con người, danh cũng phát triển theo, từ cụ thểbước sang lãnh vực trừu tượng: có và không, hiện hữu và không hiện hữu, hữu hạn và vô hạn…

Tướng là hình tướng, màu sắc, hình dạng, đặc tính, tạo thành cái được gọi là sự vật. Tướng hay sự vật là những cái hợp tạo, do những nguyên nhân (nhân) và điều kiện (duyên) hợp thành, nên không có bản chất, dễ dàng biến đổi, không thường còn. Điều này từ thường dùng trong đạo Phật là duyên khởi, duyên sanh.

Danh và tướng chỉ là những sự thật quy ước, tương đối (thế đế), là những phương tiện để sống cuộc sống trong thế giới vật chất. Nhưng bằng sự bám nắm, nắm giữ của mình, con người dần dần cho đó là những sự thật tuyệt đối, tối hậu (chân đế). Danh thay thế cho sự vật, và tướng là những sự vật cứng đặc, không thay đổi, có bản chất thường còn.

Đưa vào quán sát, danh tướng là không có thực thể, do những nhân duyên tạm thời hòa hợpmà thành, không có bản chất, không có tự tánh, vô tự tánh, “do phân biệt hư vọng mà khởi, lìa chủ thể nắm giữ và đối tượng được nắm giữ.”

Suy nghĩ của con người có được là dựa vào danh tướng. Không có danh tướng thì không thể có suy nghĩ. Và danh tướng đã hạn hẹp, phân biệt, chia cắt cho nên suy nghĩ cũng hạn hẹp, phân biệt, chia cắt. Khi đã lọt vào quyền lực của danh tướng thì một câu nói, nói về một điều không thật, cũng có thể làm người ta giận dữ, đưa đến tranh cãi, chiến đấu, chiến tranh. Thế giới trở thành phân mảnh, chia cắt là do hoạt động của ý thức phân mảnh, chia cắt.

Danh tướng tạo ra sự phân biệt trong tâm. “Tâm theo danh tướng mà lưu động, thấy thảy thảy tướng, vọng tưởng ra cái tôi và cái của tôi… khởi tham, sân, si”, như thế là sự chuyển động của thức phân biệt, tạo thành thế giới phân mảnh, chia cắt, xung đột nhau.

Ý thức phân biệt chuyển động mãi như thế, “theo danh tướng mà trôi lăn”, thế giới sanh tử do vậy chẳng bao giờ dứt.

Cho nên để chấm dứt, cắt đứt “dòng tâm theo đó lưu động”, cái tạo ra sanh tử tương tục, “các vọng tưởng tự trói như tằm nhả kén, như bánh xe kéo nước, tuần hoàn không dứt”, thì phải biết rằng chạy theo danh tướng là chạy theo sanh tử khổ đau. Biết thực chất của danh tướng là không có bản chất, không có tự tánh, “như huyễn, như ảo ảnh, như trăng trong nước, do tự tâm hiện”, là con đường thoát ra khỏi mê lầm do mình tự tạo.

Đại Huệ! Trong đó tướng là do thức con mắt thấy, gọi đó là sắc. Do thức tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà có thì gọi là thanh, hương, vị, xúc, pháp. Những cái như vậy ta gọi là tướng. 

Phân biệt là lập ra các danh để biểu thị các tướng, nghĩa là voi, ngựa, xe, đi bộ, nam, nữ… các danh để biểu thị tướng của chúng. Sự như vậy quyết định cho là không thể khác, đó gọi là phân biệt”.

Cái do thức của các giác quan kinh nghiệm, gọi là tướng. Tướng do thức của các giác quankinh nghiệm thì bị giới hạn, vì các giác quan thì giới hạn. Hơn nữa, thức và tướng đều không có bản chất, do hợp tạo, giả hợp, duyên sanh nên không có tự tánh.

Trên các tướng bề ngoài khác biệt ấy (nhưng bên trong thì không khác biệt vì không có bản chất) mà lập ra các danh cố định để biểu thị chúng thì gọi là phân biệt. Trong bản dịch đầu tiên kinh này của ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch chữ “phân biệt” này là “vọng tưởng”. Cả hai chữ đều cùng một ý nghĩa.

Phân biệt là phân biệt trên danh tướng vốn không có bản chất nên phân biệt là hư vọng, là vọng tưởng. Và thức hoạt động trên danh tướng hư vọng, nên thức là vọng tưởng.

Thế giới con người đang kinh nghiệm là thế giới của danh tướng do thức dệt thành, nên thế giới ấy là vọng tưởng hư vọng. 

Chánh trí là quán thấy danh tướng hỗ tương làm khách, thức tâm không khởi, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng sa vào chỗ ngoại đạo, Nhị thừa, đó gọi là chánh trí. 

Đại Huệ! Đại Bồ tát dùng chánh trí ấy quán sát danh tướng, chẳng phải hữu chẳng phải vô, xa lìa ác kiến nhị biên tăng giảm. Danh tướng và thức vốn xưa nay không khởi, ta gọi pháp ấy là Như Như”.

Khi quán thấy danh tướng vốn không có bản chất, hỗ tương với nhau làm khách thể, khách thể đối tượng này “như huyễn, như ảo ảnh, như trăng trong nước, do tự tâm hiện, do phân biệt hư vọng mà khởi” thì thức tâm không khởi. Thức tâm không khởi tức là chủ thể khôngkhởi. Không có chủ thể và đối tượng (“hai vô ngã”), đây là chánh trí.

Chánh trí là quán thấy không có danh tướng đối tượng, và không có chủ thể thức tâm.

Khi sự quán thấy này của chánh trí thành tựu, thì danh tướng đối tượng và thức chủ thể “vốn xưa nay không khởi, gọi là Như Như”. Danh tướng đối tượng và thức chủ thể vốn xưa naykhông khởi, nghĩa là hai thứ do phân biệt ấy xưa nay chưa từng có. Đây là Như Như hay Chân Như.

Đại Huệ! Đại Bồ tát trụ như như rồi, được ‘vô chiếu hiện cảnh’, lên Hoan Hỷ địa, lìa các nẻo xấu ngoại đạo, vào pháp xuất thế, thuần thục pháp tướng, biết tất cả pháp giống như huyễn…, chứng pháp hạnh của tự thánh trí, lìa kiến đoán định, như vậy lần lượt cho đếnPháp vân địa. 

Đến Pháp vân địa rồi, khai mở đầy đủ các lực tam muội tự tại thần thông mà thành Phật. Thành Như Lai rồi thì vì chúng sanh, hiện thân khắp cả như trăng trong nước, tùy theo ưa muốn của chúng sanh mà thuyết pháp. Thân ấy thanh tịnh, lìa tâm, ý, thức, mang giáp thệ nguyện rộng lớn, thành tựu đầy đủ mười nguyện vô tận. Đó gọi là những kết quả có được của đại Bồ tát nhập vào Như Như”.

Khi nhờ chánh trí, Bồ tát nhập vào và trụ Như Như hay Chân Như. Vị ấy vào sơ địa Hoan Hỷ địa, địa đầu tiên của mười địa Pháp thân Chân Như.

“Vô chiếu hiện cảnh” là không có cảnh được chiếu hiện đối lập với tâm.

Thuần thục với pháp tướng, với thật tướng Như Như như vậy, biết tất cả pháp giống như huyễn như mộng, vị ấy tu bằng chánh trí quán chiếu cái giả là thức biến hiện cảnh danh tướng và cái thật là Như Như. Thấy Như Như thì trụ Như Như, gọi là trụ vào địa. Như thế cái thấy danh tướng càng ngày càng biến mất và cái thấy Như Như chiếm chỗ cho đến lúc hoàn toàn. Cái thấy hư vọng danh tướng càng biến mất thì thế giới sanh tử hư vọng càng biến mất, thế giới thanh tịnh Như Như càng hiện ra. Lần lượt vượt qua các địa, cho đến địa thứ Mười Pháp vân địa. Vượt lên Pháp vân địa là thành Phật. Đây là kết quả của việc nhập vào và an trụ Pháp thân Như Như.

“Thị hiện khắp cả như trăng trong nước, thuyết pháp cho chúng sanh”. Từ Bồ tát Sơ địa lên đến quả vị Phật, không những tu trí huệ thấy các pháp là như huyễn, mà đi cùng trí huệ là đại bi và nguyện hạnh cứu giúp chúng sanh. Thành Phật là đầy đủ trí huệ, đại bi và hạnh nguyện.

Trái với niềm tin sai lầm của một số người cho rằng “giải thoát” là yên nghỉ, không làm gì cả. Càng lên các địa cao thì hoạt động cứu giúp chúng sanh càng sâu rộng, cho đến thành Phậtthì hoạt động khắp cả, “thị hiện khắp cả như trăng trong nước, thuyết pháp cho chúng sanh”.

Bấy giờ đại Bồ tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng: 

Bạch Thế Tôn! Ba tự tánh đều vào trong năm pháp, hay mỗi cái có tướng riêng của nó? 

Phật dạy: Đại Huệ! Ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã, đều vào trong năm pháp. Trong đó, danh và tướng là tánh vọng kế, vì y vào tánh duyên khởi và phân biệt tâm và tâm sở, đồng thời khởi lên với danh tướng. Tánh duyên khởi là như mặt trời với ánh sáng. Chánh trí như như thì chẳng thể hoại, đó là tánh viên thành thật. 

Đại Huệ! Khi sanh bám nắm với những cái do tự tâm hiện, có tám thứ thức phân biệt khởi lên. Các tướng sai biệt ấy đều không thật, chỉ là tánh vọng kế. Nếu có thể lìa bỏ hai thứ ngã chấpthì trí hai vô ngã tức thời sanh trưởng. 

Đại Huệ! Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát, Như Lai, các địa thứ lớp của tự chứng thánh trí, tất cả Phật pháp đều gồm trong năm pháp này”.

Ba tự tánh là tánh vọng kế, tánh duyên khởi và tánh viên thành thật.

Nói ngắn gọn, tánh vọng kế (vọng: hư vọng, kế: tính toán, phân biệt) là bám vào danh tướngvà phân biệt mà không biết chúng là hư vọng, như huyễn, như mộng. Tánh duyên khởi là tin rằng các pháp là do duyên khởi, có thật, mà không biết rằng, “danh tướng và thức vốn xưa nay không khởi, gọi là Như Như”. Tánh viên thành thật chính là Như Như.

Càng lên các địa cao hơn thì tánh vọng kế biến mất, tánh duyên khởi trở thành tánh viên thành thật. Toàn bộ vũ trụ trở thành thật tướng Như Như.

Con đường Nhị thừa, Bồ tát cho đến Như Lai, các địa thứ lớp, cho đến tất cả các pháp môncủa Phật pháp đều gồm trong năm pháp này. Đây là kết luận, năm pháp bao trùm tất cả Phật pháp nghĩa là bao trùm tất cả mọi tông phái. Các tông phái có thể khác nhau ở điểm xuất phát vì nhấn mạnh vào vài điểm khác nhau, nhưng tất cả phải đồng quy về Chánh trí và Như Như.

Lại nữa, Đại Huệ! Trong năm pháp là tướng, danh, phân biệt, như như, chánh trí, thì tướng là thấy hình trạng của sắc, thanh… mỗi mỗi khác nhau. Dựa vào các tướng kia mà lập ra danh như cái bình, cái đó là như vậy, không khác, đó gọi là danh. Đặt ra các danh để biểu thị các tướng tâm và tâm sở, đó gọi là phân biệt. Danh kia tướng kia rốt ráo không có gì, chỉ là vọng tâm đắp đổi phân biệt. Quán sát như vậy cho đến cái biết diệt mất, đó gọi là như như. 

Đại Huệ! Tướng như như là chân thật quyết định, căn bản rốt ráo, tự tánh có thể đắc. Ta cùng chư Phật tùy thuận chứng nhập như thật tướng ấy mà khai thị diễn nói. Nếu có thể tùy thuậnhiểu ngộ, lìa đoạn, lìa thường, chẳng sanh phân biệt, nhập vào tự chứng, ra khỏi cảnh giớingoại đạo và Nhị thừa đó gọi là chánh trí. 

Đại Huệ! Năm pháp, ba tự tánh, tám thức và hai vô ngã, tất cả Phật pháp đều gồm hết trong ấy. Đại Huệ! Trong những pháp ấy ông nên dùng tự trí thiện xảo mà thông đạt và khuyến khích người khác thông đạt. Thông đạt rồi thì tâm quyết định không chuyển theo người khác”.

Đoạn kinh này tóm tắt lại về năm pháp. Trong đó hai lần nhắc đến “tùy thuận”: chư Phật thì “tùy thuận chứng ngộ”, các hành giả thì “tùy thuận hiểu ngộ”.

Tùy thuận là thiền định, thiền quán và hạnh để tương ưng với chánh trí. Thiền định, thiền quán và hạnh, đó là “dùng tự trí thiện xảo mà thông đạt và khuyến khích người khác thông đạt”. Thông đạt là thấu hiểu, nhập vào “như thật tướng, tướng như như”, đây là trí huệ. “Khuyến khích người khác thông đạt” là đại bi. Con đường Bồ tát luôn luôn bao gồm trí huệvà đại bi.

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói bài kệ: 

Năm pháp, ba tự tánh
Cùng với tám thứ thức
Hai loại pháp vô ngã
Gồm khắp hết Đại thừa.
Danh tướng và phân biệt
Gồm trong hai tự tánh
Chánh trí và như như
Tức là viên thành tánh”. 

 

Nguyễn Thế Đăng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin