Chi tiết tin tức

Đức Phật độ Vua Pasenadi

20:35:00 - 27/08/2022
(PGNĐ) -  Một hôm, vua Pasenadi đi một mình đến thăm Phật, không có hoàng hậu và công chúa đi theo. Ngài để xe và thị vệ ngoài cổng tinh xá Jetavana rồi đi bộ vào một mình.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một khất sĩ đưa vua đến gặp Phật trước am lá của người. Sau khi chào hỏi và an vị, vua vào đề ngay:

– Thưa sa môn Gotama, người ta thường ca ngợi ngài là Phật, là đã đạt tới quả vị giác ngộ cao nhất. Trẫm băn khoăn tự hỏi: Tuổi đời ngài còn ít, ngài mới xuất gia chỉ độ mười năm, thế mà sao ngài lại đạt tới thành quả đó được? Trẫm đã nghe nói đến những vị đạo cao đức trọng như Pùrana Kassapa, Makkhali Gosaleiputta, Nigantha Nàtaputta, Sanjaya Belatthiputta vân vân. Những vị này đều là những người tu lâu năm, tuổi tác đã cao, tại sao họ không tự nhận họ là bậc giác ngộ hoàn toàn? Lại còn những vị như Pakudha Kaccàna và Ajita Kesakambala nữa. Ngài có nghe nói đến những vị ấy không?

– Thưa Đại vương, Phật ôn tồn đáp, tôi có nghe nói tới các vị ấy và có vị tôi đã từng được gặp. Thưa Đại vương, sự giác ngộ không tùy thuộc vào tuổi tác và số năm tu học. Có những cái bé nhỏ mà ta không nên khinh thường như một vị vương tử bé, một con rắn con, một đốm lửa nhỏ và một nhà tu trẻ. Vị vương tử bé cũng có thễ có vương tính của một đức vua. Một con rắn con cũng có thể làm ta mất mạng trong chốc lát. Một đốm lửa nhỏ cũng có thể thiêu rụi một khu rừng hay một thành phố. Một nhà tu trẻ cũng có thể đạt tới quả vị giác ngộ hoàn toàn. Đại vương, người khôn ngoan không bao giờ khinh thường một vương tử bé, một con rắn con, một đốm lửa nhỏ, một nhà tu trẻ.

Vua Pasenadi nhìn Phật kinh ngạc, hiểu ngay Phật muốn nhắc khéo đến tuổi trẻ của mình. Đức Phật đã thốt những lời nói trên một cách hồn nhiên, từ tốn, không một chút mặc cảm. Vua bắt đầu có đức tin nơi Phật. Ông hỏi tiếp:

– Sa môn Gotama, có người nói rằng ngài chủ trương không nên thương yêu. Vì càng thương yêu càng có nhiều lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Trẫm nghĩ rằng điều đó có thể đúng, nhưng lòng trẫm vẫn không yên. Trẫm nghĩ nếu không có thương yêu thì cuộc đời sẽ khô khan và vô vị lắm. Xin ngài giải dùm chỗ nghi này cho trẫm.

– Đại vương, lành thay, câu hỏi của ngài giúp tôi có dịp khai sáng yếu nghĩa cho mọi người hiểu rõ ý tôi. Cuộc đời rất cần đến tình thương, nhưng không phải thứ tình thương dựa trên căn bản dục vọng, đam mê và vướng mắc, mà là thứ tình thương rộng lớn, bình đẳng, không phân biệt gọi là lòng từ bi. Từ (maitri) là ban vui, bi (karunà) là cứu khổ. Lòng từ bi không chấp có người ban, có người nhận, nên không bị vướng mắc vào cạm bẫy của tham, sân, si. Vì không bị vướng mắc vào ngã, nhơn, nên không mang đến lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Người có tâm từ bi sẵn sàng ban vui, cứu khổ cho tất cả loài hữu tình, không phân biệt kẻ đó có phải là cha mẹ hay anh em gì của mình không. Đại vương, ngài là bậc lãnh đạo của một quốc gia, nếu ngài phát tâm từ bi thì dân chúng cả nước đều được ân triêm công đức.

– Trẫm có một gia đình để coi sóc, một vương quốc để chăm lo. Nếu trẫm không thương yêu gia đình của trẫm và thần dân trong xứ của trẫm thì làm sao trẫm có thể coi sóc và chăm lo cho họ được?

– Đại vương, tôi không có ý nói Đại vương không nên yêu thương thái tử Jeta và công chúa Vajiri, tôi chỉ khuyên Đại vương nên yêu thương tất cả mọi người như ngài đã yêu thương thái tử và công chúa. Tình thương bình đẳng, không phân biệt, chính là lòng từ bi. Tình thương bám víu và lựa chọn gây nên sự bất công và chia rẽ, oán hận và chiến tranh. Chỉ có lòng từ bi mới thật sự mang đến an vui và thanh bình cho mọi người.

– Thật là kỳ diệu ! Nhưng làm sao mình có thể bày tỏ tình thương của mình đối với một người nếu mình không chứng tỏ cho họ thấy mình quan tâm lo lắng cho họ hơn những người khác?

– Đại vương, mỗi người đều có nỗi khổ và ước vọng riêng. Tìm cách thỏa mãn những ước vọng chánh đáng của họ là “Từ”, tìm cách làm vơi nỗi khổ của họ là “Bi”. Lòng ban vui, cứu khổ bình đẳng đối với tất cả mọi người. Chỉ cần gặp duyên thuận lợi là hành động. Ngài nên ban vui, cứu khổ tùy duyên chứ không nên tùy người.

–Thật là kỳ diệu ! Thưa sa môn Gotama. Giáo lý về Từ Bi của ngài vừa giảng thật là kỳ diệu và thâm sâu. Trẫm cần có thì giờ suy nghĩ để chiêm nghiệm và thấm nhuần hai chữ Từ Bi. Trẫm xin cám ơn và từ giã ngài. Hôm khác trẫm sẽ đến đây để học hỏi về giáo lý giác ngộ và giải thoát của ngài.

Chiều hôm ấy, hoàng hậu Mallikà và công chúa Vajiri đột nhiên thấy vua trở nên rất ngọt ngào và thầm lặng. Hoàng hậu và công chúa biết đó là hiệu quả của cuộc gặp gỡ giữa vua và Phật.

Cuộc viếng thăm của vua Pasenadi tại tinh xá Jetavana đã được nhiều người bàn tán và đã đem lại ảnh hưởng không nhỏ cho giáo đoàn khất sĩ tại thủ đô Sàvatthi. Một số các lãnh tụ giáo phái, lâu nay đã từng được vua kính nể và bảo trợ, bắt đầu có mặc cảm là bị bỏ rơi. Họ nhìn tinh xá Jetavana với con mắt không có thiện cảm. Tuy nhiên giới trí thức và tuổi trẻ tìm đến tinh xá Jetavana càng lúc càng đông. Chỉ trong vòng hai tháng mà đã có trên 150 thanh niên xin xuất gia và đã được thầy Sàriputta cho làm lễ xuống tóc. Vua Pasenadi và hoàng hậu Mallikà đều xin quy y Tam Bảo, làm đệ tử tại gia của Phật. Thấy vua Pasenadi chuyên cần đến tinh xá cúng dường và nghe thuyết pháp, một số quan chức trong triều cũng bắt chước vua.

 

Minh Thiện Trần Hữu Danh/Trích từ "Sự tích Đức Phật Thích Ca"

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin