Chi tiết tin tức

Đức Phật quán nhân duyên giáo hóa năm ẩn sĩ Kiều Trần Như

15:44:00 - 01/09/2024
(PGNĐ) -  Phật giáo Nguyên thủy đương nhiên là cái gốc của Phật giáo. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần phải hiểu và áp dụng trong cuộc sống. Nếu chỉ hiểu lý thuyết, không suy nghĩ sâu sắc và không áp dụng trong việc tu hành của mình chắc chắn không được kết quả tốt đẹp.

Nói đến Phật giáo Nguyên thủy, chúng ta nghĩ đến Đức Phật Thích Ca là nghĩ đến nhân cách của Phật, nghĩ đến việc làm và lời dạy của Phật. Nhân cách của Đức Phật quá lớn, việc làm của Ngài được nhiều người noi theo. Vì vậy, tư tưởng của Đức Phật đưa ra từ ngàn xưa tồn tại lâu dài cho đến ngày nay vẫn còn được nhân loại tin tưởng và áp dụng có lợi ích thiết thực.

Ngoài nhân cách vĩ đại của Đức Phật, việc làm của Đức Phật và đệ tử của Ngài cũng có giá trị vô cùng lớn lao. Thật vậy, Đức Phật nói với chúng ta rằng Ngài nói những gì mà Ngài đã làm, đang làm và sẽ làm. Và những việc Ngài làm đều là bài học sống động cho chúng ta. Hàng đệ tử Phật cũng đi theo con đường Phật đã thể nghiệm.

Chính vì vậy, khi Đức Phật tại thế, Ngài đã cảm hóa được nhiều thành phần xã hội từ vua chúa cho đến thường dân. Điển hình như vua Tần Bà Sa La đầy uy quyền, ông không phải là người dễ tin, dễ nghe theo người khác. Vậy mà ông vua này đã tin theo Phật, hết lòng với Phật khiến chúng ta phải suy nghĩ Phật là người thế nào mà vua này lại tin tưởng và kính trọng Phật tuyệt đối như vậy.

Khởi đầu con đường tu hành, Đức Phật đã thản nhiên vứt bỏ cuộc sống nhung lụa của đế vương mà không có người nào trên thế gian dám nghĩ tới chứ chưa nói đến dám làm. Ngài dãi nắng dầm mưa đi tìm đạo, học đạo, khổ cực không kể xiết cho đến đắc đạo, thành Phật mà cũng chưa ngừng nghỉ. Ngài tiếp tục hành trình mở đạo, lặn lội đi khắp vùng Ngũ hà để cảm hóa mọi người. Thiết nghĩ với quá trình tu của Đức Phật chỉ trong hiện đời, chứ chưa nói đến vô số kiếp Ngài đã trải thân hành Bồ-tát đạo, thì ai lại không tin tưởng và không kính trọng Phật được.

Đức Phật đắc đạo, quán nhân duyên xem người nào có duyên với Ngài, thì Ngài đến đó làm đạo. Đó là điều quan trọng của người đắc đạo và hành đạo. 

Gặp người có duyên nghĩa là suy nghĩ của mình và họ hợp nhau mới chia sẻ được. Người không có duyên với mình, họ không nghe còn chống lại. 

Đức Phật Thích Ca là người tu nên Ngài tìm những người Ngài từng quen biết trong cuộc sống tu hành để chia sẻ, đó là đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất. Trước kia ông từng dạy Ngài, nhưng Phật biết ông còn kẹt Tứ không thiên, chưa đạt đỉnh cao giác ngộ. Phật nghĩ làm sao hóa giải cho ông đắc quả A-la-hán, vì lúc đó ông sanh lên trời Tứ không rồi. Muốn vậy, Phật phải vào định để lên trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ mới nói được với ông. Vì vậy, Phật không nghĩ đến việc tìm độ ông này ngay. 

Ngài mới nghĩ nên chia sẻ kinh nghiệm tu hành cho năm anh em Kiều Trần Như. Phật liền từ Bồ Đề Đạo Tràng cách thành Ba La Nại rất xa, nhưng Phật vẫn đến Lộc Uyển gặp năm người này, vì họ có duyên với Ngài là từng tu chung một pháp, học chung một thầy ở tu viện của Uất Đầu Lam Phất, nên dễ chia sẻ cho nhau. Ngài biết những gì mà các ông này bế tắc, nên Ngài đến khai thông, kinh gọi là Phật khai tri kiến ví như gà mẹ chỉ cần gõ nhẹ vỏ trứng là gà con ra được.

Với năm anh em Kiều Trần Như đã có suy nghĩ, thao thức, thực tập chín muồi thì Phật chỉ nói một lời, thậm chí chỉ nhìn thấy Phật là họ nghe và chứng ngộ được liền. Ý này được ngài Nhật Liên ví như con chim trong lồng nghe con chim ngoài trời hót, nó thấy được bầu trời tự do bên ngoài mà muốn xổ lồng vỗ cánh tung bay. 

Kiều Trần Như đã chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, nên ông nhập định được cả tháng, nhưng ông kẹt trong định này, chưa chứng A-la-hán được. 

Thực tế cho thấy phần nhiều tu sĩ hay rơi vô tình trạng này, tôi cũng vậy. Thật vậy, khi tất cả mọi việc xã hội mà chúng ta không thể giải quyết, chúng ta hay nhập thất, tức ở yên một chỗ, không tiếp xúc với bên ngoài để giữ Chánh niệm vào Chánh định. Bấy giờ, trong Chánh định, chúng ta tiếp xúc với Phật, với các Bồ-tát, các Thánh Tăng, đó là thế giới an lành nhất. Kinh Đại thừa gọi là Thường Tịch Quang Tịnh độ, thế giới an lành tuyệt đối của chư Phật.

Vì vậy, người vào định không để tâm đến thế giới hữu hình hữu hoại, nên họ không buồn giận lo sợ. An trụ tâm yên tĩnh, họ nghĩ đến Phật, đến Bồ-tát, Thánh Tăng thì họ thấy được Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng. 

Riêng tôi thực tập pháp này, tôi thường nói tôi thích sống với người đã chết là các Đức Phật, các Bồ-tát, các Thánh Tăng mà hành trạng của các Ngài được ghi lại trong kinh giúp tôi luôn cảm thấy an lạc.

Vì vậy, đắc được định nào thì an trú ở ốc đảo sở đắc, sở chứng của mình. Còn người tu không có sở đắc, sở chứng thường bị dao động với những đợt sóng trần gian hơn. 

Kiều Trần Như và bốn ẩn sĩ dù sống đơn sơ nhưng thấy an lạc, hạnh phúc vì họ sống ở dạng này. Như vậy, chúng ta nhận ra an lạc, hạnh phúc của người tu không phải có nhiều tiền, sống sang trọng, ăn ngon mặc đẹp; nhưng tâm họ an lạc là hạnh phúc. 

Năm vị hiền sĩ ở Lộc Uyển sống rất an lạc, không bận rộn việc đời, nên Phật tìm tới họ để chia sẻ kinh nghiệm tu hành. Phật và họ có điểm đồng nhau mới chia sẻ được.

Và quả đúng như Phật nghĩ, chỉ sau một mùa an cư ngắn, Phật đã dìu dắt các ngài đắc lục thông La-hán. Trước nhất, các ngài có cái nhìn chính xác, tức thấy nhân duyên sanh các pháp, nên không bị động. Còn chúng ta không thấy nhân duyên sanh các pháp mới muốn phải thế này thế nọ, nhưng có bao giờ muốn mà được, nên phải đau khổ. 

Nếu đắc La-hán thấy ai có duyên với mình thì họ quý trọng mình, mình nói họ dễ nghe theo. Còn nghịch duyên, họ cứ nói ngược lại. Mình có một trăm điều tốt, họ cũng không thấy, mà cứ bới móc một lỗi nhỏ. Nhưng với người biết áp dụng lý nhân duyên thì nghịch hay thuận cũng là duyên. Với thuận duyên, chúng ta nhẹ nhàng. Còn đối trước nghịch duyên, chúng ta cảm thấy khó chịu thì phải tự biết là nghiệp chúng ta còn. Phải lo khắc phục cái nghiệp khó chịu, không phản ứng lại để tạo thêm vọng nghiệp. Nhưng còn thấy khó chịu và tìm cách đối phó sẽ dẫn mình đi sâu vào con đường đấu tranh, tội lỗi.

Thật vậy, năm 1963 tôi đã rơi vô hoàn cảnh này khiến tôi thức tỉnh. Bấy giờ, vì thấy Phật giáo bị đàn áp, đương nhiên thương Phật giáo thì phải đấu tranh. Từ đó vô số việc xảy ra, phiền não không còn lối thoát; đó là điều quan trọng mà tôi nhận ra sai lầm của mình. 

Đức Phật dạy tất cả sự vật trong trời đất đều theo quy luật thành, trụ, hoại, không. Thấy nhân duyên thuận là thấy nó đang ở trong kiếp thành mà muốn nó diệt thì không thể được. Chẳng những nó không diệt, cuối cùng nó diệt ta, ta phải ôm hận xuống mồ. Hoặc một triều đại hết, muốn nó trụ lại, giữ lại cũng không được. Chúng ta đã biết các pháp hữu vi là pháp sanh diệt, nó tự sanh tự diệt. Ta muốn hay không muốn, nó cũng tự diệt.

Với con người, phải chịu quy luật sanh già bệnh chết. Sanh thì biết là sanh, bệnh thì biết là bệnh và chết thì biết là chết. Biết đúng như vậy để chuẩn bị cho cuộc sống này được tốt đẹp. Biết bệnh, chúng ta làm gì. Biết già phải làm gì và biết chết về đâu. Phật giáo gọi là sanh tử sự đại, tức sanh tử là việc lớn của đời người phải lo.

Kiều Trần Như được Chánh kiến thấy sự vật chính xác là thấy nhân duyên. Tại sao nó sanh, tất cả sự vật đều có nhân, rồi có thêm duyên mới có quả. Thấy sự vật chính xác sẽ không làm sai trái thêm. Còn không thấy sự vật chính xác làm sai trái vì nghe lời xúi giục làm việc tội lỗi thì tự thọ quả báo, tự khổ.

Kiều Trần Như thấy chính xác gọi là thiên nhãn thông. Kế đến là thiên nhĩ thông. Chẳng những ngài hiểu người qua ngôn ngữ, mà ngài còn hiểu thấu tiếng nói từ trong tâm can của người không phát ra âm thanh thì làm sao người đời gạt được Thánh nhân. 


Nhưng thực tế chúng ta thấy hai người cãi nhau vì cả hai chỉ muốn nói mà không muốn nghe. Không nghe làm sao hiểu người. Nghe mới hóa giải được sự phiền muộn do người hiểu lầm về mình.

Người hiểu lầm, mình có thể đính chính. Nhưng thấy không đính chính được vì họ chấp rồi thì Phật dạy người có trí nghe nhưng không nói được, thì người hiểu sai để họ tự sửa, mình không thể sửa. 

Điển hình là việc người Bà-la-môn giết con rồi chôn sau tịnh thất của Phật để vu oan Phật giết người. Các Tỳ-kheo kêu oan, Phật bảo các ông lo tu, đừng kêu oan. Ai làm sai, quả báo tới, họ phải chịu. Quả tình người làm ác cuối cùng cũng bị phanh phui. Không kêu oan vẫn được minh oan. Và Phật đã xin vua Ba Tư Nặc tha cho người này vì ganh tức, nói xấu, làm hại Phật mà cái hại lại quay ngược về ông. Tha cho ông để ông tu lại.

Thần thông thứ ba là Kiều Trần Như chứng được tha tâm thông. Người tới với ngài hay muốn tới, ngài đều biết trước và biết họ nghĩ gì, muốn gì.

Thực tế tôi đã gặp Thiền sư Sato có thần thông này. Ngài ở cách xa tôi 600 cây số. Tôi không liên lạc được với ngài, cứ lên xe lửa đi tới chùa để gặp ngài. Mới đến cửa chùa đã có thầy Tri sự đứng đợi hỏi tôi có phải là người Việt Nam không. Hòa thượng muốn gặp thầy. Thiền sư này chứng tha tâm thông, biết trước việc tôi đến và tôi chưa hỏi, ngài đã nói thầy muốn hỏi điều này phải không. Ngài bảo tôi về mở tạng kinh đọc sẽ hiểu thêm. Thiền sư mù mắt, tạng kinh rất nhiều, nhưng ngài nhớ rõ tạng kinh ở trang nào dạy cái gì. Người tu có chứng ngộ là như vậy. Điều này nhắc rằng đạo Phật là đạo để thực hành và chứng ngộ, không phải để nói. 

Kiều Trần Như đắc lục thông La-hán và bốn người bạn cùng tu cũng đắc Thánh quả. Sau đó, con của trưởng giả Da Xá đến thấy Phật và năm vị Thánh La-hán sanh tâm kính trọng, muốn tu. Phật nhận lời và giao cho Kiều Trần Như dạy trưởng giả tử này.

Ông Da Xá đến tìm con, thấy Phật cũng muốn tu, nhưng Phật can ngăn. Người đáng cho xuất gia mới được xuất gia. Phật dạy rằng trong tất cả các loài chỉ có loài người mới được xuất gia làm Sa-môn. Nhưng trong loài người không phải ai cũng được xuất gia vì còn có già nạn. Không phải ai Phật cũng cho xuất gia.

Điều này tôi thấy rõ. Trước kia tôi có người bạn quyết tâm tu. Ông may ba bộ y chờ giới đàn đi thọ giới. Chờ mãi không được, ông bị bắt đi lính. Và mãn lính về, ông cũng chuẩn bị y bát xuất gia nữa. Nhưng lần này, ông được thọ giới về hình thức, nhưng không được Phật hộ niệm, không được Phật thọ dụng, nên không đắc giới. Vì vậy, thọ giới xong, ông ôm y bát về thăm quê, đến nửa đường, ông mệt, cột ghe vào gốc cây. Nhưng khi nước lên cao, ghe đụng vào cây làm úp thuyền, ông rớt xuống sông. Lên được bờ thì y bát mất hết. Cho tới ngày giải phóng đất nước 30 tháng 4, gia đình ông gọi về và ông hoàn tục.

Phật nói đủ duyên mới xuất gia được. Chưa đủ duyên phải tạo duyên. Chưa đủ duyên mà cứ xuất gia đại sẽ không gặt hái được kết quả.

Phật bảo ông Da Xá nên tu tại gia để trồng căn lành với Phật, Pháp, Tăng là kết duyên với Tam bảo, tôn thờ Tam bảo để sau này xuất gia tu hành. Vì vậy chúng ta mới có giới cư sĩ tại gia từ đây.

Với các vị đắc lục thông La-hán, Phật dạy mỗi thầy đi một hướng để giáo hóa chúng sanh. Đó là điểm quan trọng được Phật giáo Nguyên thủy ghi nhận.

Một thầy đi một hướng là gì. Các thầy là lục thông La-hán thấy nhân duyên rồi, thấy duyên của mình với nước nào thì đến nước đó, thấy duyên với người nào thì đến đó độ; không phải đi chung. Vì có duyên chỗ đó, đến đó tu được. Với chỗ không có duyên mà đến sẽ bị làm khó cũng trở ngại cho việc tu của mình. 

Đắc lục thông La-hán thấy sâu xa, nhưng chưa đắc La-hán cũng nhận ra được chỗ có duyên với ta hay không. Theo tôi, tới chỗ thấy hợp tình hợp cảnh thì tâm mình an vui, mình ở được. Hai là quần chúng thương, mình cũng ở được. Ba là chính quyền địa phương chấp nhận thì để mình ở, không gây khó dễ. Còn điều thứ tư quan trọng là ở đây có làm được lợi ích cho cuộc đời hay không. Vì làm lợi ích mới sanh phước, không làm lợi ích thì lãng phí cuộc đời rất uổng. Phật nói đời người rất quý, thời gian rất quý, nhưng không làm được lợi ích, chúng ta từ giã cuộc đời ra đi trắng tay. 

Nếu có đủ bốn điều kiện này là chúng ta nhận ra duyên mình có với nơi nào thì nỗ lực làm tạo được công đức và được đời quý trọng. Như vậy mình ra đi trong an lành và kiếp tái sanh gặp lại người mình từng cưu mang, họ sẽ hết lòng hợp tác giúp chúng ta dễ dàng hành Bồ-tát đạo tiếp.

Vì vậy, không phải Phật nói một thầy đi một hướng, chia ra nhiều hướng để khất thực cho dễ. Vì khất thực là duyên làm đạo, không phải xin ăn.

Thật vậy, Mã Thắng thấy nhân duyên độ Xá Lợi Phất, nên từ Lộc Uyển ngài đi thẳng về thành Vương Xá để độ Xá Lợi Phất. Bấy giờ, Xá Lợi Phất là nhà hùng biện bậc nhất, không ai lý luận hơn ông. Nhưng nghe Mã Thắng độ Xá Lợi Phất khiến ai cũng ngạc nhiên. Vì một người mà không ai cãi được, lại quy phục một người cả đời không được một tiếng nói. Xá Lợi Phất cãi giỏi, lúc nào cũng nghĩ tranh cãi nên lòng luôn bất an. Mã Thắng luôn giữ Chánh niệm, trụ Chánh định nên tướng ung dung tự tại giải thoát hoàn toàn khác với người nói hay cãi giỏi luôn bất an vì chứa đầy ắp dữ kiện để nói. Đó cũng là bệnh của giảng sư. 

Nhưng gặp vị thầy có tướng giải thoát an lạc, Xá Lợi Phất yên lặng đi theo từng bước. Đến khi Mã Thắng ngồi dưới gốc cây thọ thực, Xá Lợi Phất mon men đến gần nói rằng con thấy ngài ung dung tự tại, con kính trọng. Xin ngài nhận con làm đệ tử. Mã Thắng từ chối, nói ông mới học đạo, không hướng dẫn được, hãy tìm thầy của ông để học. Lời khiêm tốn của Mã Thắng đắc Thánh quả nhắc chúng ta suy nghĩ bài học này. 

Và khi Xá Lợi Phất gặp Phật, được Phật khai ngộ, liền đắc La-hán, trở thành trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử Phật.

Các Tỳ-kheo theo Phật trong giai đoạn đầu gồm năm ẩn sĩ Kiều Trần Như, 50 công tử Da Xá, 1.000 thầy trò của ba anh em Ca Diếp và 200 tu sĩ ngoại đạo của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Tổng cộng 1.250 Tỳ-kheo là chúng thường tùy theo Phật tu đều đắc La-hán, đều có lục thông, biết rõ mọi việc, nên kiếp nạn không hại các ngài được.

Vì vậy, suốt 12 năm đối với các vị Thánh Tăng, Phật chỉ có Tam quy. Nhưng từ năm thứ 13 trở đi, giáo đoàn tăng dần số tu sĩ và có nhiều tạp Tăng.

Tạp Tăng là những người chưa đủ điều kiện cũng xuất gia, thậm chí họ tự may y mua bát để làm thầy tu. Vì uy tín của Phật quá lớn nên người ta kính trọng, cúng dường Phật và Tăng đoàn. Những tạp Tăng muốn được kính trọng, cúng dường bèn tự ý mặc áo Sa-môn.

Chính vì vậy, Phật chế thêm luật Tỳ-kheo gọi là Tứ phần luật để ngăn bớt thành phần bất hảo đi tu. Phật quy định chỉ được khất thực buổi sáng thôi, khi nào thấy rõ đường chỉ tay của mình mới được ôm bát khất thực. Và phải trở về tịnh xá khi mặt trời đứng bóng, tức trước 12 giờ trưa. Luật này nhằm hạn chế người lợi dụng áo tu đi khất thực suốt ngày đêm và luật Phật chỉ cho ăn một bữa trưa, chiều không được ăn, thì người nhịn đói không được cũng không tu. Bắt đầu năm thứ 13 như vậy, Phật chế ra 250 giới Tỳ-kheo và 350 giới Tỳ-kheo-ni để ngăn bớt những người chưa đủ điều kiện đi tu. Điều luật này được Phật giáo Nguyên thủy ghi rõ.

Với chư Tăng là Thánh Tăng có tầm nhìn sáng, đi khất thực là đi hóa duyên, nghĩa là đi vào làng để hướng dẫn người dân sống lương thiện. Vì họ thấy nhà sư ăn ít, mặc đơn sơ khiến họ cũng hạn chế việc ăn mặc giúp cho cuộc sống họ nhẹ nhàng hơn và cũng tốt cho môi trường sống. 

Thật vậy, chư Tăng không làm, nhưng người dân thấy các sư sống thanh đạm, không tốn kém, không khai thác tài nguyên thiên nhiên nhiều, bảo vệ được môi trường sống của loài người, của mọi loài và của trái đất này được an lành. Ngày nay điển hình cho tinh thần này là nước Bhutan được công nhận có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, mặc dù cuộc sống vật chất của họ không cao, nhưng họ rất giàu tinh thần. Họ cố gắng giữ tài nguyên thiên nhiên, không khai thác bừa bãi, chỉ khai thác ít, đủ sống thôi, nên môi trường sống của họ thực tốt đẹp. Và đời sống người dân không vất vả cực khổ, vì không lao vào việc kiếm nhiều tiền để hưởng thụ vật chất một cách vô độ. Họ biết sống chậm, sống xanh, sống lương thiện, sống tri túc và thăng hoa đời sống tâm linh, hạnh phúc tràn đầy.

Trong khi các nước văn minh giàu tiền của, đời sống vật chất quá dư thừa, nhưng người dân không được hạnh phúc, thậm chí bị ức chế tâm lý quá mức đến nỗi phải tự tử để kết thúc cuộc sống không như ý. Chỉ vì họ luôn chạy theo đam mê vật chất quá nhiều, nên lúc nào cũng thấy thiếu thốn. Để giải quyết cho đủ theo vọng tưởng tham đắm vô hạn, những nước văn minh đã khai thác tài nguyên thiên nhiên không còn biết đâu là điểm cần phải dừng lại. Vậy mà họ vẫn thấy chưa đủ, vẫn còn thiếu cho cái túi tham không đáy. Một khi khai thác thiên nhiên quá mức đồng nghĩa với phá hủy thiên nhiên đã đưa đến hậu quả nghiêm trọng khiến thế giới phải báo động.

Chúng ta cầu nguyện cho các nước hiểu được lời Phật, cùng chung nhau bảo vệ sự sống của muôn loài, sự sống của môi trường, giúp cho hành tinh này sạch đẹp để con cháu chúng ta được mãi mãi sống khỏe mạnh, an lạc và biết san sẻ tình thương đến muôn loài mọi giới.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin