Chi tiết tin tức

Đức Quan Âm hiện hữu giữa lòng cuộc đời

20:48:00 - 03/11/2020
(PGNĐ) -  Muốn hiểu và thấy Bồ-tát Quan Âm, chúng ta phải nhìn thẳng vào xã hội. Đức Quan Âm hiện hữu giữa lòng cuộc đời này, không cần tìm kiếm ở đâu khác.

Trong phẩm Phổ môn thứ 25, Đức Phật nói về công hạnh siêu tuyệt của Đức Quan Âm mà chỉ có Phật mới biết trọn vẹn. 

 

Quả đức ấy của Bồ-tát Quan Âm phát xuất từ nhân địa tu hành Bát-nhã, Ngài quán sát cùng tột thật tướng các pháp, thấy được ngũ uẩn dưới dạng “Không”. 

 

Vì vậy, Ngài kết hợp được hai mặt vật chất và năng lượng một cách tự tại, gọi là Ma-ha Bát-nhã. Đó là trí tuệ bậc nhất, biết tất cả pháp không chướng ngại, nên Ngài còn có tôn danh là Quán Tự Tại Bồ-tát.

 

quantheam 2.jpg
Bồ-tát Quán Thế Âm tại chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn

 

Từ đại trí tuệ Bát-nhã phát đại từ bi tâm, trở về ngọn nguồn tâm thức, lưu xuất Đà-la-ni, tức mật ngữ hay thần chú Đại bi. Tuy không hiểu mật ngữ, nhưng qua công phu hành trì, chúng ta nhận được sự linh nghiệm của thần chú Đại bi.

 

Từ Bát-nhã và tâm đại bi kết hợp thành hiện thân Quan Âm có khả năng độ sanh rộng tới mức là “Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng”, tức đồng một lúc có một ngàn nơi cầu cứu, thì Ngài đều hiện thân cứu thoát đủ, không phải hiện hữu giới hạn một chỗ.

 

Thu hẹp lại, Ngài giáo hóa dưới 32 dạng, hay một thân mà hành đạo liên hệ với 32 dạng hình khác nhau. Tùy theo yêu cầu, Ngài xuất hiện từ thân Như Lai, Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn; nói chung là từ Thánh nhân cho đến thân chư Thiên là Phạm Vương, Đế Thích. 

 

Ở trần thế, Ngài hiện thân Chuyển luân Thánh vương, thân tiểu vương, kế là thân tể quan, cư sĩ, trưởng giả, tức ba lớp người thuộc thượng tầng xã hội. Nói theo ngày nay là lãnh đạo cao cấp như Thủ tướng, Bộ trưởng, người trí thức, người giàu có. Thậm chí Ngài còn hiện thân phụ nữ, trẻ con, quỷ thần…, tổng cộng là 33 thân gồm một thân chính và 32 Ứng hiện thân.

 

Đức Phật cho biết không thể nào nói hết sự biến hóa thần thông của Bồ-tát Quan Âm, vì thực ra Ngài là một vị cổ Phật với tôn danh là Chánh Pháp Minh Như Lai, vì thương nhân gian mà Ngài thị hiện cứu độ chúng sanh. Vì vậy, trên tượng Quan Âm thường có Đức Phật trên trán, thể hiện ý nghĩa dù hiện hữu chung sống với các loại hình, nhưng Phật huệ của Quan Âm vẫn không thay đổi. 

 

Điều này gợi nhắc chúng ta khi hành đạo, hòa với người là điều tất yếu, nhưng đừng đánh mất vị Phật trong ta. Trên bước đường tu tạo công đức, chúng ta quét dọn, rửa nhà cầu, trồng trọt…, nhưng xong việc rồi, không kể nữa. Không phải lao động để trở thành người lao động. Làm tất cả, mà ta vẫn là ta, dù hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta cũng dùng Phật huệ hóa giải; đừng để khó khăn nhận chìm.

 

Để giáo hóa người, Quan Âm hiện hình tương ưng thế gian, đồng cảnh ngộ với họ. Vì vậy, gặp người dữ hay cô hồn, Quan Âm không thể là người mẹ hiền lành; Ngài phải làm Tiêu Diện Đại sĩ với mắt xếch ngược và nhe nanh vuốt đáng sợ, sẵn sàng nuốt chửng cô hồn.

 

Trường hợp khác, Quan Âm hiện thân Thị Kính, một người đàn bà bất hạnh như bao người phụ nữ khác ở thế gian. Tuy nhiên, không bao giờ oán hận, chỉ lo tu hành cho tiêu tan nghiệp ác và cuối cùng đắc đạo, Thiện Tài cũng bay theo. Quan Âm đã vẽ ra hướng đi cho những người nữ muốn chuyển khổ đau thành hạnh phúc và như pháp tu hành, tất cả sự hàm oan sẽ chắp cánh cho họ thăng hoa.

 

Hoặc có trường hợp, Ngài làm vua nước nhỏ (tiểu vương) phải đương đầu với nước lớn mạnh tham tàn, một khó khăn nhất của người lãnh đạo. Quan Âm cũng hiện thân loại hình này, khéo léo điều động nhỏ để thắng lớn. Thông thường, nước nhỏ phải sợ sệt, triều cống nước lớn mà chưa yên thân. 

 

Ở đây, đặc biệt tiểu vương chỉ nói đạo giải thoát, dạy chúng tu thiền mà giữ vững biên cương. Nói cách khác, làm cho đại chúng thanh tịnh, trí sáng suốt. Trí khôn và tâm định tĩnh không thể bị đánh cướp được, nhưng làm đối phương phải nể sợ.

 

Thực tế cho thấy ý này, trong lịch sử nước ta còn ghi lại công lao to lớn của vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, những vị vua nổi tiếng tu thiền, nhưng đã dẹp tan quân Mông Nguyên mạnh gấp trăm lần ta. 

 

Có lúc Bồ-tát hiện Tể quan, cụ thể như Khuông Việt Thái sư, giúp vua điều hành việc nước tốt đẹp. Đất nước bình yên, vua thoái vị. Hoặc giúp vua ổn định việc nước xong, thì rũ áo từ quan, thể hiện tinh thần vị tha vô ngã hoàn toàn, nên sống trong cảnh phú quý lợi danh tột đỉnh mà chẳng hề sanh tâm tham đắm, vì thấu rõ danh lợi ràng buộc ta ở mãi trong sinh tử, chẳng bao giờ trở lại thế giới Phật được.

 

 Nhìn vào cách hành xử thánh thiện ấy mà biết được vua quan này là Quan Âm Bồ-tát hiện thân. Còn vua quan của thế gian thì bám chặt địa vị, ưa thích hưởng thụ, cho đến cái chết kề bên vẫn không buông bỏ.

 

Riêng tôi, trên bước đường tu, đã từng gặp người rất ác, nhưng không giết, không đánh, không nhục mạ, mà lại dễ dàng tha mạng cho tôi. Tôi cảm nghĩ Bồ-tát Quan Âm đã tác động, khiến họ phải đối xử tốt với tôi. Nói chung, bất cứ ai có lòng tốt giúp đỡ tôi vượt qua hiểm nguy, hoạn nạn, tôi tin đó là lực gia bị của Quan Âm sai khiến họ đến cứu tôi.

 

Hoặc như cha tôi thoát chết cũng nhờ Quan Âm. Khi bị lính Pháp bắt, lấy búa đập lên đầu, ông liền niệm Quan Âm và nghe tiếng búa đập mà không có cảm giác đau. Sau đó, chúng nhốt ông vào khám, chờ sáng hôm sau đem bắn, nhưng đến khuya, tên lính này đi hành quân bị mìn nổ chết.

 

Trong kinh cũng ghi sự tác động mầu nhiệm của Quan Âm trong thất nạn, nhị cầu. Ai bị những tai nạn như nước cuốn trôi, lửa cháy, quỷ hại, bị đánh đập, bị sát hại, gông cùm xiềng xích, nạn cướp, mà hết lòng niệm Quan Âm, thì Ngài cứu. 

 

Theo tôi, điều này không đơn giản, không thể hiểu bình thường. Ở dạng vô hình, hiểu theo chiều sâu căn lành, chúng ta gieo trồng chỗ nào sẽ được nơi đó cứu thoát bằng mọi cách. 

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng được cứu, vì nghiệp lực của mỗi người khác nhau và mối quan hệ của từng người đối với cuộc đời, đối với thế giới siêu hình không ai giống nhau. 

Tuy lòng từ bi của Bồ-tát chan hòa tất cả, nhưng ta và Bồ-tát có sự quan hệ tương ưng mới cứu được. Nếu nghiệp thức của ta liên hệ với tà ma quỷ thần thì nó cũng xúi giục ta làm ác.

 

Khi chúng ta chí thành chánh niệm Quan Âm đến mức vô tâm, đạt đến siêu thức, ngang với hạnh nguyện của Ngài, mới nhận được lực gia bị kỳ diệu, làm thay đổi người ác thành người thiện, hoàn cảnh xấu trở thành tốt. 

 

Trái lại, vừa niệm vừa run, hoặc niệm trong hữu ý, còn suy nghĩ, hiểu biết được, thì không thể nào tiếp nhận được gia trì lực của Quan Âm.

 

Tóm lại, bước theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quan Âm, chúng ta tùy duyên hành đạo, tùy theo yêu cầu của từng nơi, từng lúc, mang an vui, lợi ích cho người mà tâm vẫn nhẹ nhàng, thanh tịnh. Đồng hạnh, đồng nguyện với Quan Âm như vậy, làm bạn lữ với các Bồ-tát bất thoái chuyển và ra vào tam giới tự tại. Ước nguyện ấy hằng ấp ủ trong tâm niệm của từng hành giả Pháp hoa vậy. 

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin