Chi tiết tin tức Được tài lợi mà không phóng dật là hiếm có 20:22:00 - 22/05/2025
(PGNĐ) - Ai cũng mong làm ăn thuận lợi, phát đạt, trở nên giàu có để được hạnh phúc, an vui. Làm giàu là khó, nhưng khi khá giả rồi lại không dễ an vui như người ta vẫn nghĩ. Vì cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh.
Ngày xưa do cái khó bó cái khôn, nay hết khó rồi nên nhiều cái khôn theo dục vọng mà sinh khởi. Thành ra không ít người sau khi làm ăn khấm khá, cuộc sống và gia đình lại có nhiều biến động, thậm chí đổ vỡ, tan hoang. Cội nguồn của vấn đề là tâm phóng dật, chạy theo dục vọng sau khi có chút tài lợi. Kỳ thực thì tài lợi vốn không có lỗi, chính ý không vững vàng, tâm buông thả theo dục mới thực sự lỗi lầm. Âu đó cũng là tập nghiệp của con người, không có điều kiện nên nằm co chứ đủ đầy thì mặc sức tung tẩy. Vì vậy mà vua Ba-tư-nặc chiêm nghiệm về nhân sinh đã thấy rõ, khi được nhiều tài lợi mà người ta không phóng dật là hiếm có. “Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc một mình ở nơi chỗ yên tĩnh tư duy, tự nghĩ: ‘Thế gian ít có người được tài lợi thắng diệu mà không phóng dật, không tham đắm, không tạo những ác hạnh đối với chúng sanh. Nhưng thế gian có nhiều người được tài lợi thắng diệu là hay sanh ra phóng dật, tăng trưởng tham đắm chúng, khởi lên các tà hạnh’. Nghĩ vậy rồi, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ yên tĩnh tư duy, tự nghĩ: ‘Thế gian ít có người được tài lợi thắng diệu và đối với tài lợi đó không sanh ra phóng dật, không sanh ra tham đắm, không tạo ra tà hạnh. Nhưng thế gian có nhiều người được tài lợi thắng diệu là hay sanh ra phóng dật, sanh ra tham đắm, khởi lên các tà hạnh. Phật bảo vua Ba-tư-nặc: - Đúng vậy, Đại vương! Đúng vậy, Đại vương! Thế gian ít có người được tài lợi thắng diệu mà không tham đắm, không sanh ra phóng dật, không khởi lên những tà hạnh. Nhưng thế gian có nhiều người được tài lợi thắng diệu và đối với tài lợi phóng dật mà khởi lên tham đắm, khởi lên các tà hạnh. Đại vương nên biết, những người thế gian kia được tài lợi thắng diệu, đối với tài lợi mà phóng dật, mà khởi tham đắm, làm các tà hạnh, đó là những người ngu si, sẽ chịu khổ lâu dài, không lợi ích. Đại vương, giống như người thợ săn, học trò thợ săn, giăng lưới bắt giết nhiều thú vật, trong rừng hoang vắng; hại chúng sanh khốn khổ, nghiệp ác tăng trưởng. Cũng vậy, người thế gian được tài lợi thắng diệu, đối tài lợi sanh phóng dật, khởi lên tham đắm, tạo các tà hạnh; người ngu si này sẽ chịu khổ não lâu dài, không được lợi ích”. (Kinh Tạp A-hàm, quyển 46, kinh số 1230. Tài lợi [trích]) Đức Phật thấy rất rõ điều này nên chế giới, giúp người tu luôn biết đủ, muốn ít để dễ dàng buông bỏ và xả ly. Dĩ nhiên, người tu cũng cần những phương tiện vật chất tối thiểu để sống và tu hành. Những ai thường làm Phật sự hay từ thiện thì cần các phương tiện nhiều hơn. Khi tâm chưa vững, nắm giữ nhiều tài lợi thì người tu cũng dễ sinh ra tham đắm và phóng dật. Tâm sinh diệt vô thường, lằn ranh thiện ác như đường tơ kẽ tóc. Ban đầu thì cần phương tiện để hoằng pháp và lợi ích chúng sinh nhưng về sau thì chấp thủ không buông, nghĩ là của mình, sinh ra tham đắm và phóng dật. Đức Phật gọi những người như vậy là ngu si, không trí tuệ, sẽ chịu khổ lâu dài. Tài lợi là miếng mồi của thợ săn, ai dính mồi thì sẽ sa lưới và bị thợ săn giết thịt. Tài lợi là vật bên ngoài mà người tu chưa dứt ra được, chấp thủ tự ngã là trói buộc bên trong, tinh vi hơn biết đến khi nào mới tháo tung để thoát ra. Chiêm nghiệm sâu về lời dạy này để thấy tâm mình còn yếu kém, dễ sa ngã mà tự nhắc mình. Chùa chiền, Tăng đoàn rất cần kinh phí để triển khai các hoạt động Phật sự nhưng cá nhân của người tu thì cần vô sở hữu cho nhẹ nhàng. Trụ xứ nào, tài lợi là của chung, mọi người sống theo tinh thần lục hòa, tuy mỗi cá nhân không có gì mà có tất cả thì nơi đó có an lạc. Ngược lại với tinh thần lục hòa thì người tu dễ rơi vào tham đắm và phóng dật, chịu nhiều khổ não trong hiện tại và tương lai. Quảng Tánh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |