Chi tiết tin tức

Ý nghĩa xuất gia của Đức Phật

19:55:00 - 17/03/2024
(PGNĐ) -  Chúng ta triển khai sâu hơn về ý nghĩa xuất gia của Đức Phật để có thể nhận rõ tầm quan trọng của xuất gia, giúp chúng ta sống đúng như Phật dạy.

Khi chưa xuất gia, Phật là thái tử sống trong cảnh vàng son nhung lụa. Có ba tòa lâu đài tiện nghi để Ngài sống thoải mái, không bị chi phối bởi thời tiết khắc nghiệt của Ấn Độ và còn có biết bao người hầu hạ, đàn ca múa hát cho Ngài vui, tất nhiên còn có nhiều người bảo vệ cung điện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Ngài. Mọi người đều bảo rằng đây là đời sống đế vương cao sang tột đỉnh mà ai cũng ham muốn. 

Nhưng Thái tử Sĩ Đạt Ta khác người thế gian, vì Ngài có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống con người và Ngài cũng không ham muốn hưởng thụ đời sống vật chất giàu sang như thế. Nói cách khác, Sĩ Đạt Ta có tự thọ dụng bên trong, hay Ngài là bậc Bồ-tát hiện thân vào loài người để cứu độ mọi người thoát khổ. 

Tiên A Tư Đà thấy con người thật, con người tinh thần của Sĩ Đạt Ta là quan trọng nhất, gọi là đầy đủ căn lành. Thật vậy, Thái tử Sĩ Đạt Ta có đầy đủ phước đức, trí tuệ trong thân người, nghĩa là Ngài có sức khỏe rất tốt, ngoại hình khiến người cảm mến, thông minh tuyệt đỉnh. Thân mỗi người không giống nhau, vì phước báo, đức hạnh và khả năng hiểu biết không giống nhau.

Mọi người ước mơ được như Ngài, nhưng thái tử thấy không giống chúng ta. Ngài thấy bị ràng buộc trong ngôi vị thái tử, trong ba tòa lâu đài, trong sự hầu hạ của những người bảo vệ, không được tự do đi lại. 

Thí dụ dễ thấy như Tổng thống Mỹ có quyền lực nhất, sống cao sang nhất, nhưng lúc nào cũng phải có người bảo vệ, phải sử dụng xe súng bắn không được. Khi ông sang Việt Nam, một máy bay để Tổng thống đi riêng, mấy chiếc phản lực hộ tống trước và sau. Còn có rất nhiều an ninh Mỹ kết hợp với an ninh của thành phố ta để bảo vệ mạng sống của ông. Đó là thực tế cho thấy rõ càng cao sang, danh vọng thì càng lệ thuộc bên ngoài. 

Nếu chúng ta gặp họ, sẽ được nghe nói rằng họ không có thì giờ ăn ngủ, không có thì giờ sống cho riêng mình, cả một sự ràng buộc bởi xã hội, địa vị, tình cảm, gia đình. Sự ràng buộc chặt chẽ như vậy được Thái tử Sĩ Đạt Ta gọi là ngục vàng, không có tự do gì cả. Muốn hiểu biết sinh hoạt bên ngoài, đâu có điều kiện. Tất cả mọi việc đều bị bưng bít. Điều mà Ngài muốn biết thì không dạy. Điều mà Ngài không muốn biết thì nhồi nhét cho Ngài, như dạy Ngài cách cai trị dân, cách huấn luyện binh sĩ để xâm chiếm nước khác… Với tư cách là một vị thái tử sẽ lãnh đạo đất nước, Ngài phải học những thứ này, dù không muốn. 

Trong khi Sĩ Đạt Ta khao khát biết sự thật của con người là chân lý. Vì vậy, ý chí xuất gia của Ngài là từ bỏ đời sống thế tục để được tự do thực sự, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, gọi là xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia, ra khỏi sinh tử luân hồi là mục tiêu lớn.

Ảnh tác giả

Bước theo dấu chân Phật, để thể hiện ý nghĩa xuất gia, chúng ta tất yếu cũng phải sống theo Phật dạy, nhưng thực tế có mấy người làm theo. Nếu theo đúng thì được giải thoát, nhưng không theo đúng, lợi dụng thì phải đọa. Vì vậy, tu hành có người làm Tổ, nhưng có không ít người tu mà cuộc sống khổ chồng chất thêm khổ.

Hoà thượng Thích Trí Quảng

Người xuất gia thực sự, dù ở hoàn cảnh nào cũng giải thoát. Người xuất gia vì tham vọng thì hết khổ này đến khổ khác, vì ham muốn của họ chẳng ai cho. Tôi có người bạn tu từ nhỏ tới nay, tôi 80 tuổi, gặp lại, họ than chưa tìm được mảnh đất cắm dùi, đi đâu cũng bị đuổi, bị giải tỏa; vì muốn bám trụ thì bị người đẩy đi, như vậy không phải người xuất gia. 

Sĩ Đạt Ta xuất gia buông bỏ hết. Vì những gì con người ham muốn không bao giờ tới, những gì chúng ta sợ sẽ tới; sợ khổ thì khổ tới, muốn an lạc thì an lạc tránh xa. Phải giác ngộ ý này. 

Sĩ Đạt Ta bỏ cung điện đi tìm chân lý, cảm thấy cuộc sống từ đây sung sướng hơn, vì bỏ chuỗi anh lạc, quần áo sang trọng đổi áo rách của Sa-môn thì ở đâu cũng được an ổn. Còn hồi nãy có nhiều tiền, phải mắc kẹt với tiền, nếu không bảo quản, tiền bị mất. 

Sĩ Đạt Ta bỏ tất cả, chỉ có một bình bát không có giá trị và bộ đồ rách không ai dùng. Tôi đi tu áp dụng điều này trong cuộc sống, cảm thấy an lành. Tôi có bạn đồng tu được Phật tử thương, mua cho bộ đồ vải quý, giặt phơi phải ngồi coi chừng, sợ mất, thiệt là khổ. Thầy này giữ của như vậy, nhưng mấy chục năm sau gặp lại, thầy cũng không có gì hơn, cuộc đời không đi lên được, vì đạo đức không phát triển, con người lần đi xuống thôi. 

Vì vậy, người xuất gia rồi hoàn tục là điều bình thường. Ý này được anh Võ Đình Cường diễn tả rằng những kẻ thấp chí bạc tài cứ ra vào sông bến cũ. Ở xã hội thấy khổ, thấy tu sướng, nên đi tu. Khi tu lại thấy khổ thì hoàn tục. Cứ như vậy mà ra vô sinh tử, xa hơn là ra vô sinh tử trong tam giới. 

Nhưng chúng ta xuất gia muốn phát chí xung thiên, tức vượt lên để làm Tổ, làm Phật. Còn thấp chí bạc tài cứ quanh quẩn với miếng cơm, manh áo… Đó là điều quan trọng tôi muốn nhắc nhở anh em. 

Đi tu rồi, ta không còn nghĩ đến phú quý, lợi danh, cơm ăn, áo mặc, nên đầu óc chúng ta có điều kiện suy nghĩ những việc cao hơn. Đầu tiên, Sĩ Đạt Ta nghĩ gì.

Sống trong hoàng cung, Ngài bị nhồi nhét lý thuyết quá nhiều, nên Ngài nghĩ rằng phải đi tìm thực tế, tức tìm học với những người có cách tu đạt kết quả tốt đẹp để thực tập theo. Và người đầu tiên mà Ngài gặp là đạo sĩ Kamala. Ông chỉ nói một ý mà Ngài nhận ra và thực tập có kết quả ngay, đó là Ly sanh hỷ lạc. 

Thật vậy, xuất gia thực sự, chúng ta phải rời khỏi đời sống vật chất và đời sống tình cảm, không bị xã hội, thiên nhiên chi phối, gọi là Ly sanh, chúng ta mới thực sự có đời sống tâm linh. Người tu không có đời sống tâm linh là tu sĩ giả. Ý này được Đức Phật nhắc rằng người tu phải có ốc đảo tâm linh để sống. Vì vậy, các thầy phải chứng được Ly sanh hỷ lạc, bước vào quả Dự lưu mới giải thoát. Còn hiểu biết thế gian không dùng được, vì càng ràng buộc chúng ta nhiều hơn. 

Đầu tiên, ta từ bỏ tình cảm thế gian. Tu mà giữ điện thoại liên lạc với gia đình, bạn bè, hoặc dùng thì giờ tán gẫu thì người này sẽ đi về đâu. Người càng lệ thuộc với bên ngoài thì càng dễ sa đọa. 

Theo kinh nghiệm của tôi, muốn tuệ sanh, phải cắt bỏ hoàn toàn tình cảm thế gian, mới tập trung tư tưởng được. Từ bỏ việc vướng mắc tình cảm để tư tưởng tập trung việc nào, thì huệ bừng sáng, thấy ngay giải đáp đúng đắn. Phật dạy rõ điều này rằng “Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện”.

Đức Phật có biện tài vô ngại, vì Ngài có lực tập trung cao độ. Những việc không cần thì không biết, nhưng khi cần là biết tất cả, đó là trí tuệ Sa-môn, là con đường mà chúng ta chọn theo Phật. Còn biết nhiều, nhưng nói khiến cho người ghét, biết nhiều như vậy chẳng ích lợi gì. Trên bước đường tu, khi có việc cần giải quyết, chúng ta tập trung tư tưởng, thấy rõ đáp án là thấy bằng trực giác rất quan trọng. 

Hòa thượng Trí Tịnh dạy chúng ta không nghe, không biết việc bên ngoài, để tập trung tư tưởng và bắt đầu quán sát lời Phật dạy để thấy được nghĩa lý bên trong. Làm như vậy, các thầy cô mới kết hợp được giáo lý Nguyên thủy và Đại thừa, mới làm giảng sư được. Nếu không, rơi vào cục bộ, nói đúng lý thuyết, nhưng người ghét. 

Tập trung và quán sát lời kinh Nguyên thủy và trí tuệ sáng tỏ là Đại thừa. Phải khẳng định rằng tư tưởng Đại thừa phát xuất từ kinh Nguyên thủy. Nhưng chấp vào Nguyên thủy, cho rằng chỉ có Nguyên thủy đúng nhất là rơi vào cục bộ. Lời dạy của Phật là gốc Nguyên thủy, nhưng cộng thêm Thiền định công phu, tức có tu chứng sẽ hiểu khác, hiểu sâu hơn. 

Văn tự ngôn ngữ chết, nhưng trí tuệ là sự sống. Vì vậy, Phật nói rằng những gì Ngài hiểu ví như lá trong rừng xanh tươi bốn mùa. Những gì Ngài nói ví như nắm lá trong tay, là tư tưởng chết. Nếu chúng ta chỉ biết ôm giữ cái này để thành xác chết hay sao. 

Nhưng từ kinh Nguyên thủy gia công Thiền định, bừng sáng tuệ giác trong tâm trí, chúng ta mới có kinh Duy ma, kinh Bát nhã, kinh Hoa nghiêm, kinh Pháp hoa. Tất cả kinh điển Đại thừa do tuệ giác bừng lên mới thấy được yếu nghĩa, yếu lý của lời Phật dạy.

Bữa trước tôi có nói các thầy Nguyên thủy không tin Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi, nhưng chia sẻ với họ, tôi nói rằng Văn Thù tiêu biểu cho trí tuệ tập thể của Đại Tăng. Kinh Pháp hoa gọi là tập trung phân thân, tức Hóa thân Phật Thích Ca tập trung lại. Cụ thể như các nhà truyền giáo, người đi qua Trung Hoa, người đi qua Ấn Độ, người đi sang Miến Điện, sang Campuchia, sang Việt Nam… đều có sự kết hợp tư tưởng Phật giáo với tư tưởng bản địa, nhưng tựu trung tất cả trí tuệ tập thể này đều nhằm xiển dương Phật pháp. Cũng vậy, các thầy cô tốt nghiệp ở các trường khác nhau, nhưng tập trung lại là trí tuệ tập thể. 

Và tập trung phân thân, chúng ta sẽ có tổng quan Phật giáo toàn cầu, tức quan sát toàn bộ, thấy Phật tùy hoàn cảnh, tùy nhân duyên mà Ngài thuyết pháp khác nhau.

Riêng tôi, sang Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…, tôi làm đạo khác nhau, thậm chí sang các nước theo Thiên Chúa giáo, tôi có cách làm tương ưng thích hợp được. Đó là nhờ có tổng quan là trí tuệ toàn diện, không cố chấp, không định kiến. 

Từ kinh Nguyên thủy, thái tử sống trầm mặc và xuất gia học đạo với nhiều đạo sĩ, nhưng qua kinh Hoa nghiêm, Thái tử Sĩ Đạt Ta biến thành Thiện Tài đồng tử học đạo với 52 vị thiện tri thức tiêu biểu cho toàn bộ trí tuệ của xã hội, mỗi người có một nghề, sống một kiểu, đó là tồn tại thực tế của xã hội mà ta phải chấp nhận, cũng có cái hay của nó, không phải cố định. Từ ý này, ta so sánh nhận thấy rõ kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa có điểm giống nhau, nhưng khác nhau về nhận thức, về sự đánh giá. 

Tỳ-kheo đi vào cuộc đời, về căn bản giáo lý, theo kinh Hoa nghiêm có ba thiện tri thức là Đức Vân rèn luyện đạo đức, Hải Vân rèn luyện trí tuệ và Thiện Trụ rèn luyện tâm định tĩnh, làm lợi ích cho đời. Điều này cho thấy kinh Nguyên thủy và Đại thừa đều phải thực tập giáo pháp như vậy, vì Tỳ-kheo thiếu đạo đức, thiếu trí tuệ và không làm lợi ích cho người thì coi như bỏ đi.

Sở đắc ba pháp này, Thiện Tài quan sát rộng hơn, nhận thấy Tỳ-kheo Thiện Trụ có lực tập trung, tức định tĩnh dẫn đến kết quả là phát huy được năng lực, làm lợi ích cho cuộc đời. Còn tập trung suông vô ích. 

Trước kia, không có đạo đức, không có trí tuệ, không định tĩnh thì làm nhiều, nhưng không được gì. Nhưng sau khi có ba sở đắc này, ngồi yên mà có lực tác động lớn hơn, gọi là nhập Pháp giới, chuyển pháp thành thân; nghĩa là chứng Pháp thân theo Hoa nghiêm phải có diệu dụng. Tu Hoa nghiêm, ngộ Tỳ lô tánh là nhận ra tánh sáng suốt của mình, kế là hiện Tỳ lô thân và thứ ba là ứng Tỳ lô dụng mới quan trọng. 

Tham vấn Hải Tràng Tỳ-kheo, thấy ngài ngồi yên, nhưng hàng hàng lớp lớp người trong xã hội đều quy ngưỡng ngài mà kinh Hoa nghiêm diễn tả là dưới chân ngài có vô số cư sĩ. 

Một Tỳ-kheo tu đạt đến sở đắc này thì điều thực tế nhất là có vô số người theo, ngày nay gọi là quần chúng. Tỳ-kheo tu mà trở thành cô lập, rũ xương trên núi là sai. Chúng ta tu thế nào mà nhiều người theo như Cù Đàm đi mãi không dừng, nhưng sau Ngài có vô số người theo. Không được như vậy là chúng ta đi vào con đường diệt vong, sai lầm. 

Phật vào Niết-bàn, nhưng hiện tại có hàng ngàn thầy cô theo học Phật pháp ở Học viện này. Lúc ban đầu, theo Phật chỉ có năm anh em Kiều Trần Như, sau đó có thêm 50 thanh niên Da Xá và 1.200 Tỳ-kheo. Và Phật giáo trường tồn đến ngày nay, phát triển khắp năm châu bốn biển, riêng thành phố Hồ Chí Minh có đến hơn 7.000 Tăng Ni. Nghĩa là Pháp thân Phật cứ lớn lần. Mỗi người chúng ta là Pháp thân Phật, hay Hóa thân Phật. 

Bốn Tỳ-kheo là Đức Vân, Hải Vân, Thiện Trụ và Hải Tràng cho thấy rõ đó là cốt cách của Sa-môn Cù Đàm.

Chúng ta đi đúng lộ trình Hoa nghiêm, phải có đức hạnh, trí tuệ và làm lợi ích cho người, tạo thành Pháp thân tiêu biểu qua hình ảnh của Hải Tràng Tỳ-kheo, kinh ghi rằng ngài ngồi yên, nhưng dưới chân ngài có vô số người phát tâm theo. 

Và lên cao hơn nữa, kinh diễn tả trên gối của Hải Tràng Tỳ-kheo có tầng lớp công nhân và thợ thuyền. Nói cách khác, lớp người dưới chân Phật quá khổ theo Phật tu. Lớp người thứ hai khá hơn, họ có nhà cửa, việc làm, có gia đình. Họ thấy Phật cũng muốn đi tu, vì thấy đời sống của họ không cao quý, tiêu biểu là Ưu Ba Ly xuất thân là thợ hớt tóc. Ông được bảy công tử trước khi xuất gia, đã tặng trang sức cho ông. Nhưng ông nghĩ họ bỏ của báu, theo Phật tu thì ông lấy những thứ này làm gì; theo Phật được giải thoát sinh tử chắc chắn sướng hơn là ôm giữ ba mớ trang sức để ở lại với sanh già bệnh chết hay sao. Ông vội vàng chạy đến Phật trước và được Phật thọ ký trước, còn bảy công tử đến sau ông, nên phải thỉnh ý ông cho phép xuất gia.

Như vậy, công nhân thợ thuyền cũng theo Phật xuất gia, không phải chỉ toàn là người cùng đinh. Và trên nữa, có hàng vương tôn công tử xuất gia theo Phật, tiêu biểu là 50 trưởng giả tử dòng Da Xá. Điều này cho thấy sự giáo hóa của Phật có tính cách đa đạng, đa phương. Còn chúng ta hành đạo được giới này ủng hộ thì giới kia chống. 

Sau cùng, giới trưởng giả cũng theo Phật, như vậy là đại đa số quần chúng đã theo Phật, nên vua chúa cũng phải theo Phật. Đó là con đường Phật xuất gia, khắp trời người đều cung kính quy ngưỡng. 

Ngày nay, chúng ta tu theo Phật, được giải thoát và cũng có năng lực làm cho người giải thoát. Không phải đi tu kiếm am cốc sống, chờ chết. Phật giáo không đào tạo người tiêu cực. Tất cả phải dấn thân theo con đường của Phật đã trải qua. Từ góc độ này, từ kinh Nguyên thủy nhìn qua kinh Đại thừa phải có sự tiếp nối, tức sự phát triển theo dòng chảy tự nhiên của sự sống. Điển hình như nếu không có tư tưởng Hoa nghiêm, Phật giáo Trung Hoa không thể tồn tại.

Thật vậy, Phật giáo truyền vào Trung Hoa, ở đó văn hóa Trung Hoa không chấp nhận hình thức khất thực của tu sĩ, vì khỏe mạnh mà đi xin ăn. Nhưng đến đời Đường có kinh Hoa nghiêm ra đời, nổi tiếng là Thanh Lương đại sư giảng giải phù hợp với văn hóa Trung Hoa vì nhiếp thu được tư tưởng Khổng, Mạnh, Lão, Trang. Sự kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng Phật giáo trong kinh Hoa nghiêm với tư tưởng văn hóa bản địa mới đơm hoa kết trái cho Phật giáo, được vua chúa và xã hội Trung Hoa ủng hộ, giúp Phật giáo phát triển. 

Nhưng khi Phật giáo hưng thạnh thì lại có mầm mống suy đồi bên trong. Điều này nhắc chúng ta nên nhớ lúc sống trong hoàn cảnh khổ như địa ngục nhưng đã tu được, thì thoát khổ rồi, phải luôn nhớ đến cái khổ ở địa ngục, phải tinh tấn hơn, đừng để rớt trở lại địa ngục.

Tóm lại, theo dấu chân Phật, hành giả chọn con đường hoằng pháp, cần kết hợp nhuần nhuyễn pháp Nguyên thủy và yếu lý Đại thừa để tuyên dương giáo pháp làm lợi ích cho nhiều người trong mọi thời đại.

Hoà thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin