Chi tiết tin tức

Lạy Phật được phước lớn

18:11:00 - 02/04/2025
(PGNĐ) -  Việc lễ lạy hình tượng các vị Phật hay Bồ-tát… là một vấn đề nảy sinh nhiều quan niệm khác nhau như có ích lợi hay không ích lợi, có phước hay không có phước. Có người thì rất chăm chỉ lạy Phật, có người cho rằng chỉ cần tu tâm - lạy đức Phật trong tâm mình là được rồi, có người thì mơ hồ...

Tuy nhiên để nhận định có lợi ích, có phước hay không thì không thể dựa vào hiểu biết chủ quan của cá nhân mà phải có cơ sở cụ thể. Cơ sở đó chính là lời dạy của Đức Phật trong kinh điển. 

Nghiên cứu kinh điển, chúng ta thấy rằng ở cả kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa đều có nói đến công đức của việc đảnh lễ các tôn tượng, biểu tượng. 

Thời Đức Phật chưa có sự tạo tượng nên không có việc thờ cúng hay lễ lạy các hình tượng, nhưng Đức Phật cũng đã nhiều lần đề cập đến các hình tượng, biểu tượng tôn giáo. Ví dụ như trong kinh Đại bát Niết-bàn (thuộc Trường bộ kinh) Đức Phật khuyên mọi người “cần phải chiêm bái và tôn kính” bốn Thánh tích, tức là chỗ Như Lai đản sanh, chỗ Như Lai thành đạo, chỗ Như Lai chuyển pháp luân và chỗ Như Lai nhập Niết-bàn. Ngài dạy rằng: “Những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ thời những vị ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư thiên”. 

Ngoài các Thánh tích ra, Đức Phật cũng cho biết rằng sau khi Ngài nhập diệt thì việc tôn kính xá-lợi của Ngài cũng đem lại phước báo vô lượng. Trong kinh Du hành (thuộc Trường A-hàm), Ngài dạy rằng: “Trà-tỳ xong, lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì được sanh thiên”. 

Một số người nghĩ rằng Phật giáo chỉ tu tâm rồi phủ nhận hình thức, nhưng chính Đức Phật lại dạy mọi người gieo trồng phước báo dựa trên việc tôn kính các biểu tượng bên ngoài (lễ bái Thánh tích, tôn kính xá-lợi). Đây là một gợi ý hết sức thú vị để mở ra một phương pháp tu tập mang tính chất đại chúng, dành cho số đông. Các Thánh tích và xá-lợi có thể đem lại phước báo lớn lao cho người chiêm bái và kính ngưỡng như thế thì việc lễ lạy ảnh tượng của Đức Phật chắc chắn còn được phước lớn hơn nữa. Hiện nay tại các Thánh tích, người ta đã an vị tượng Đức Phật để cho những người hành hương đến chiêm bái, đảnh lễ, như tượng Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, tượng Đức Phật chuyển pháp luân ở Ba-la-nại, tượng Đức Phật nhập Niết-bàn ở Câu-thi-na…

Sau Phật nhập Niết-bàn khoảng trên dưới ba trăm năm, sự tạo tượng bắt đầu và từ đó, việc thờ cúng, lễ bái các tôn tượng Phật, Bồ-tát và Hiền Thánh tăng ngày càng phong phú. So với các kinh Nguyên thủy thì kinh điển Đại thừa nhấn mạnh hơn đến tác dụng lớn lao của việc lễ bái hình tượng Đấng Giác ngộ. Ví dụ như trong kinh Pháp hoa (phẩm Phương tiện) chép rằng:

“Các Phật diệt độ rồi…

Nếu như người vì Phật

Tạo dựng các hình tượng

Chạm trổ thành các tướng

Đều sẽ thành Phật đạo…

Nếu người lòng tán loạn

Nhẫn đến dùng một bông

Cúng dường nơi tượng vẽ

Dần thấy vô số Phật

Hoặc có người lễ lạy

Hoặc lại chỉ chắp tay

Nhẫn đến giơ một tay

Hoặc chỉ hơi cúi đầu

Dùng đây cúng dường tượng

Lần thấy vô lượng Phật

Tự thành đạo vô thượng”.

Lịch sử Phật giáo cũng đã ghi lại nhiều câu chuyện về việc lễ bái, cúng dường tượng Phật được phước báo lớn. Trong Cao tăng truyện chép chuyện Hòa thượng Chí Công kể cho vua Lương Võ Đế về tiền kiếp của nhà vua. Rằng kiếp trước nhà vua là một tiều phu. Lúc ấy trong rừng có một ngôi chùa đổ nát, trong chùa có bảy pho tượng Phật. Anh tiều phu không đành lòng nhìn thấy tượng Phật bị gió táp mưa sa nên đã mua bảy cái nón rơm để che bảy tượng Phật. Nhờ cái phước đó mà nay tái sanh được làm vua của một nước. 

Khi một người lạy Phật, không ai nghĩ rằng họ đang lạy xi-măng hay các chất liệu làm tượng mà họ thực sự nghĩ họ đang lạy Đức Phật thật. Họ tin rằng Đức Phật ở trên cao đang nhìn thấy họ và nghe được tâm tư cùng nguyện vọng của họ. Khi có chuyện buồn hay trong lòng rối ren, có người còn tâm sự với Phật, hoặc chỉ đơn giản đến ngồi bên tượng Phật để lòng được thanh thản. 

Đây chỉ là niềm tin hay Đức Phật thực sự nghe biết chúng ta? Như chúng ta biết, khi Đức Phật nhập Vô dư Niết-bàn tại Câu-thi-na bên Ấn Độ, đó chỉ là sự nhập diệt của nhục thân. Còn pháp thân của Phật thường trụ và biến khắp pháp giới. Cho nên Phật luôn có mặt ở thế gian. Hơn nữa, trong Phật pháp có rất nhiều thiện thần, hộ pháp, chư thiên. Họ là những người ủng hộ Phật pháp, ủng hộ những người kính tin Tam bảo, phát tâm tu tập. Cho nên nếu người lạy Phật có cảm thì chắc chắn sẽ có ứng vậy. Nếu người lạy chỉ coi tượng Phật là khối xi-măng hay gỗ thì họ sẽ không có phước, nhưng vì họ thành tâm và tin chắc họ không phải đang lạy khối gỗ mà là lạy chính Đức Phật thật, do đó sinh lòng tôn kính trọn vẹn và chiêu cảm được vô lượng phước lành. 

Một người bình thường không học Phật pháp, chỉ có niềm tin thôi mà thành tâm lạy Phật đã có phước lớn. Nếu người có học Phật pháp biết lạy Phật theo bài kệ Quán tưởng(kinh Hoa nghiêm) nữa thì hiệu quả càng lớn lao biết dường nào. Vì họ không phải lạy một vị Phật trước mặt mà là lạy mười phương chư Phật. Thật vi diệu thay phút giây:

Năng lễ, sở lễ tánh Không tịch

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì

Ngã thử đạo tràng như Đế châu

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.

Dịch nghĩa: 

(Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn

Lưới Đế châu ví đạo tràng

Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời

Trước bảo tọa thân con ảnh hiện

Cúi đầu xin thệ nguyện quy y). 

 

Thích Trung Hữu

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin