Chi tiết tin tức Mùa an cư - dừng lại để thăng hoa đạo nghiệp 20:29:00 - 04/07/2025
(PGNĐ) - Giữa nhịp sống hối hả của thế gian, nơi những bon chen, muộn phiền len lỏi từng góc tâm, người xuất gia cần lắm một khoảng lặng để quay về nương tựa nơi nội tâm, tịnh dưỡng thân tâm và thắp sáng lý tưởng giải thoát.
Trong truyền thống Phật giáo, An cư kiết hạ (結夏安居) chính là khoảng thời gian cao quý như vậy. Ba tháng an cư không đơn thuần là sự tạm dừng bước chân du phương của hàng Tăng sĩ, mà còn là dịp để quay về nội tâm, củng cố giới luật và tinh chuyên thiền định, như giữ ngọn lửa thiêng soi sáng con đường giải thoát. Chữ “an” (安) nghĩa là yên, chữ “cư” (居) nghĩa là ở, “an cư” (安居) nghĩa là an trú, ở yên một chỗ, bớt đi bớt việc bớt những duyên không cần thiết để trở về một trú xứ, không du phương để toàn tâm tu tập trong ba tháng mùa mưa, từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy âm lịch. Theo Luật tạng, vào thời Đức Phật, chư hành giả thường du phương khất thực và hoằng pháp khắp nơi. Nhưng vào mùa mưa, việc đi lại dễ khiến chúng sinh bé nhỏ bị tổn hại, đồng thời gây trở ngại cho việc tu học. Vì lòng từ bi và trí tuệ, Đức Phật chế định mùa Vassāvāsa, tức mùa an cư để chư Tăng Ni an trú tu học, hạn chế việc đi lại. Từ đó, an cư trở thành một pháp chế quan trọng, tạo cơ hội cho hành giả thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới - Định - Tuệ. An cư giúp Tăng đoàn thể hiện đúng hình ảnh của Tăng bảo: thanh tịnh, hòa hợp như nước hòa với sữa, không rời không nhiễm. Từ ngàn xưa, chư lịch đại Tổ sư nơi đất Việt đã hết lòng gìn giữ truyền thống an cư ấy một cách nghiêm mật. Ngày nay, mỗi mùa hạ về, hàng Tăng bảo đều trang nghiêm câu hội. Từng bước chân an trú, từng tiếng mõ trầm bổng nhặt khoan ru lời kinh vang vọng là minh chứng sống động cho sự tiếp nối không ngừng của mạch đạo thiêng liêng. Từ khắp mọi nơi, người người hoan hỷ cùng nhau câu hội về tu tập, huân sâu thiện pháp. Có không ít người xa tít tận trời Tây, được nghe chúng Tăng hòa hội thanh tu, quý vị cũng tranh thủ quay về trong niềm hân hoan khôn tả. Mỗi mùa an cư là một mùa hoa đạo nở rộ. Trong suốt ba tháng, Tăng chúng cùng nhau hành trì, tụng giới, tọa thiền, học pháp, sám hối sống đúng tinh thần Lục hòa cộng trụ. Sáng rồi lại chiều, chiều rồi lại tối, các thời khóa tu tập diễn ra liên tục không gián đoạn, như những nhịp đập đều đặn tưới tẩm hạt giống Bồ-đề trong mỗi người. Mỗi thời khóa là một cơ hội trở về với chính mình. Có vị thiên về thiền tọa, có vị ưa tụng kinh, có vị thích nghe pháp, nhưng tất cả đều hướng đến sự an lạc và chung một chí nguyện là nuôi lớn hạt giống Bồ-đề. Từ đó, Tăng đoàn trở nên trang nghiêm, thanh tịnh, lấy giới luật làm nền tảng, lấy thiền định làm phương tiện, lấy trí tuệ làm cứu cánh.
Cũng như cây cổ thụ âm thầm chuyển nhựa chẳng ngại nắng mưa đổi mùa. Khí lạnh, non xanh, chùa tiêu sái. Lòng người cũng phiêu trầm. Trong mọi lúc phải tu miên mật như thế. Công phu thuần thục hốt nhiên trời đất rỗng suốt, mọi hoài nghi đều được giải thoát. Như Thiền sư Nham Đầu Toàn Khoát nói: “Của báu từ ngoài đem vào không phải thứ thiệt, mỗi mỗi phải từ hông ngực lưu xuất mới là của báu nhà mình”. Học Phật không khó nhưng để thông suốt pháp Phật thì không dễ. Nếu không khắc tỉnh khắc tiến cứ để thời gian trôi đi, thì chẳng khác nào người đứng trước kho báu mà không biết cách mở cửa. Giống như cây cổ thụ vững chãi giữa bão táp, vẫn vững vàng dù cành lá có lay động. Tâm của chúng ta cũng vậy, dù cuộc sống có bộn bề, có sóng gió, thì nguồn bình an bên trong vẫn luôn hiện hữu, không bị ngoại cảnh lôi kéo và làm xao động. Đây chính là mục tiêu tối thượng của việc tu tập, tìm thấy sự an lạc vĩnh cửu ngay nơi tự thân, giữa dòng chảy của cuộc đời. Và trong hành trình đó, Tăng đoàn là một điểm tựa vững chắc. Ở đó, không còn phân biệt tuổi tác, vùng miền hay địa vị, mọi hành giả đều sống bình đẳng trong giới luật, tinh tấn và chánh niệm. Thật là phước duyên lớn khi được hội ngộ nơi già-lam thanh tịnh, trên có thầy dưới có bạn, chung quanh có Phật tử hộ trì, giúp con đường tu học thêm phần viên mãn, không chướng ngại. Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”, nhưng nếu không được các bậc tôn đức đi trước nhắc thức, không có hình bóng chư Tăng lay động và không có Tăng chúng thanh tịnh thu nhiếp thì cũng bị vô minh phiền não che lấp từ kiếp này sang kiếp khác, chẳng thể hiển lộ để cảm nhận, sống về. Hình ảnh hòa hội thanh tu ba tháng an cư đã tạo nên một nguồn lực lớn, đánh động vào căn lành của bao người con Phật, làm cho hạt giống giác ngộ được tưới tẩm, nảy mầm và lớn mạnh. Mùa an cư còn là dịp để Phật tử tại gia phát tâm hộ trì Tam bảo. Thời gian này, Phật tử có cơ hội gần gũi và học hỏi từ các vị thầy, tìm hiểu sâu sắc hơn về giáo lý của Phật. Qua việc cúng dường, nghe pháp… họ có cơ hội gieo trồng phước đức và kết duyên sâu dày với Tam bảo. Đây cũng là lúc nhắc nhở rằng: người xuất gia và tại gia vốn không hai, cùng hướng về một mục tiêu chung đó là giác ngộ và giải thoát.
Mỗi mùa hạ đi qua là một lần tăng trưởng tuổi đạo. Nếu mỗi năm trí tuệ mỗi tăng thì con đường đi đến quả vị Bồ-đề càng gần. Để qua một mùa an cư, xứng đáng nhận một tuổi đạo, một tuổi công đức thật trọn vẹn. Mùa an cư là hành trình “dừng lại để tiến xa hơn”. Giữa thế gian vô thường, an cư là điểm tựa cho người xuất gia trở về với chính mình, là chiếc cầu đưa người tu vượt qua những dục vọng, vọng tưởng đảo điên và trở về với chính mình. Từ sự lóng lặng của nội tâm, ánh sáng tuệ giác được thắp lên, nuôi dưỡng đạo lực để tiếp tục bước vững trên đường tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Không phải chỉ đợi đến ba tháng hạ mới là an cư mà chín tháng còn lại, người đệ tử Phật phải nỗ lực tinh tấn tu học, trau dồi đạo hạnh, ý thức trách nhiệm của mình, gìn giữ mạng mạch Phật pháp, nỗ lực hoàn thiện tự thân để xứng đáng là hàng sứ giả Như Lai, làm mô phạm cho trời người. Đó là lời nguyện của người xuất gia.
An Chí
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |