Chi tiết tin tức

Mùa mưa tu tập như mưa

21:00:00 - 18/08/2019
(PGNĐ) -  Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền (Theravāda), chư Tăng bắt đầu ba tháng an cư mùa mưa (ở Ấn Độ) từ ngày 16-6 cho đến 15-9 âm lịch. Hàng năm đến thời an cư, chư Tăng tạm gác lại các Phật sự bận rộn như du hóa, hoằng pháp, hoạt động xã hội, từ thiện, để chuyên tâm tu học.

namtong.jpg
Theo Phật giáo Nam truyền, chư Tăng an cư từ 16-6 đến 15-9 âm lịch - Ảnh minh họa

Trong ba tháng an cư, chư Tăng hạn chế mọi tiếp xúc bên ngoài, không bị ngoại duyên chi phối hay làm ảnh hưởng. Tuy việc hoằng pháp lợi tha là sứ mệnh của người xuất gia, nhưng không vì thế mà chư Tăng không chú trọng đến sự nghiệp trí tuệ và mục đích cứu cánh giải thoát (tự độ) của chính bản thân mình. Nếu không có đầy đủ trí tuệ và công đức phước báo thì khó có thể làm nơi nương tựa, làm ngọn đuốc soi đường cho hàng Phật tử tại gia. Vì thế người xuất gia luôn hướng đến sự song hành giữa tự độ và độ tha, giữa tự giác và giác tha để thành tựu giác hạnh viên mãn như chư Phật.

Từ thời Phật còn tại thế, hàng năm Tăng đoàn đều an cư vào mùa mưa với nhiều lý do, như khó thực hiện công việc du hóa hoằng pháp trong mùa mưa (mưa gió, thời tiết khắc nghiệt, đường sá bùn sình lầy lội, ngập nước khó đi, không có nơi trú ngụ khi mưa gió trên đường khất thực, du hóa…); vì lòng từ bi thương tưởng đến các loài côn trùng, các sinh vật nhỏ bé sinh trưởng nhiều trong mùa mưa nên không đi lại để tránh giẫm đạp gây hại cho chúng; tránh những chỉ trích và đàm tiếu của ngoại đạo; nhưng điều quan trọng nhất vẫn là mục đích thúc liễm thân tâm, trau giồi tam học giới định tuệ.

Truyền thống an cư mùa mưa được chư Tăng gìn giữ cho đến ngày nay để làm nòng cốt cho sự tu học và duy trì Chánh pháp. Đây cũng là một hoạt động mang tính đặc trưng của Phật giáo. Và hơn hết, những cơn mưa còn mang đến năm bài học đáng cho vị hành giả tu tập nương theo mà thực hành. Theo Milinda vấn đạo (Milindapañhā), cơn mưa có năm đặc tính: Làm lắng dịu bụi bặm. Làm giảm đi sức nóng của trái đất. Làm nảy mầm các loại hạt giống. Bảo vệ các loài cây cối, thảo mộc trên trái đất. Làm tràn đầy các con sông, khe suối...1

Đặc tính thứ nhất của mưa là cuốn trôi đi những bụi bặm, rác rến theo dòng nước, khiến cho mặt đất trở nên sạch sẽ. Ở đây, vị hành giả tu tập cần phải cố gắng để quét trôi đi những bụi bặm phiền não, những cấu uế nơi tâm. Theo Abhidhamma, chúng sanh bị nóng bức và nhơ bẩn bởi mười thứ phiền não như tham, sân, si, mạn, kiến, hoài nghi, hôn trầm, phóng dật, vô tàm, vô quý 2. Tu theo mưa là mình phải làm sao để gột rửa những phiền não đang làm nhơ bẩn tâm mình cho nó được trong sạch, thanh tịnh.

Theo kinh An trú tầm, khi có những tư duy bất thiện khởi lên, vị hành giả nên tác ý đến một tướng thiện khác ngoài những tướng bất thiện; làm được vậy thì những phiền não đó sẽ bị trừ diệt 3. Như vậy, ở đây chúng ta nên tác ý và suy nghĩ đến việc tích cực, hướng thiện để đừng bị phiền não sinh sôi, nảy nở trong tâm. Ví dụ như chúng ta đi chùa mà bị mất mát tài sản, nếu không khéo tác ý, mình sẽ bỏ không đi chùa nữa; nhưng khi có tác ý và suy quán về nghiệp quá khứ đã từng ăn cắp như vậy nên giờ phải chịu, vậy là mình không cảm thấy đau khổ nữa. Phàm phu chúng ta cứ mãi bám chấp nên càng đau khổ, vì thế, để không đau khổ nữa thì phải biết cách buông. Muốn bỏ tánh xan tham, ích kỷ thì phải tập bố thí…

Đặc tính thứ hai của mưa là làm cho quả địa cầu được mát mẻ. Những cơn mưa đến vào mùa hạ nóng bức sẽ làm cho mọi người, mọi vật trở nên mát mẻ, thoải mái, không bị nóng bức. Cũng vậy, vị hành giả tu tập phải làm dịu đi những cơn nóng trong tâm, phải phát triển được lòng từ ái nơi tâm. Nhân loại chúng ta hiện tại đang đối đầu với những khủng hoảng, tranh chấp đất đai, nguồn nước, khoáng sản, rồi những cuộc đụng độ vì nạn phân biệt sắc tộc, chiến tranh… tất cả như đang ngồi chung trong một lò lửa. Cơn mưa từ ái sẽ dập đi những ngọn lửa sân hận kia, đem đến cho chúng sanh sự an lạc, mát mẻ.

Theo chú giải, ngày xưa có một ông Bà-la-môn nọ muốn thử xem Tôn giả Sāriputta có sân giận không, có sự nhẫn nại không nên ông ta đi phía sau và đánh một cú mạnh vào lưng ngài. Tôn giả suy nghĩ: “Chuyện gì thế?” và ngài vẫn tiếp tục đi. Khi ấy toàn thân của ông Bà-la-môn nóng nảy vô cùng vì đã phạm lỗi tày trời. Ông ta quỳ xuống sám hối với Tôn giả. Thay vì nóng giận hay trả thù, ngài tha lỗi và đến nhà ông độ thực. Khi biết được câu chuyện đó, Đức Phật tán dương đức nhẫn nại phi thường ấy và thuyết lên hai câu kệ:

Chớ có đập Phạm chí!

Phạm chí chớ đập lại!

Xấu thay đập Phạm chí!

Ðập trả lại xấu hơn!

Ðối vị Bà-la-môn,

Ðây không lợi ích nhỏ,

Khi ý không ái luyến,

Tâm hại được chặn đứng,

Chỉ khi ấy khổ diệt 4.

Vì chúng ta sống không có lòng từ ái, cứ sống với sự sân hận, phiền não thì làm sao có được một đời sống an lạc. Nếu biết nuôi dưỡng lòng từ ái nơi tâm, vị hành giả sẽ đạt được mười một điều an lạc, như là: ngủ ngon giấc; thức giấc tươi tỉnh; không thấy giấc mơ xấu; được những người khác yêu mến; được các chúng sinh khác yêu mến; chư thiên bảo vệ người ấy; lửa, chất độc, và gươm không thể hại người ấy; tâm người ấy có thể tập trung rất nhanh; sắc mặt tươi sáng; chết với tâm thanh thản; nếu chưa đạt đến quả vị A-la-hán ngay trong kiếp sống này, sẽ tái sinh vào thế giới của chư Phạm thiên 5.

Đặc tính thứ ba của những cơn mưa là giúp cho các hạt giống được phát triển, nảy mầm. Với trường hợp này, hạt giống chính là niềm tin. Người tu tập phải khéo léo để phát khởi được niềm tin, còn nếu người đã có niềm tin rồi thì càng tịnh tín hơn. Con đường bước vào đạo không ai giống ai, niềm tin mỗi người cũng thế. Niềm tin chính là nền tảng ban đầu để một vị hành giả bước dần trên con đường tu tập của mình. Bởi vì niềm tin sai lạc sẽ hành trì sai lạc và kết quả sai lạc; nếu niềm tin chân chánh thì sẽ đi trên con đường chân chánh và dĩ nhiên kết quả mỹ mãn. Đức Phật biết được điều đó, Ngài ban hành học giới cũng để đem lại tịnh tín cho những người không tin và để làm tịnh tín tăng trưởng cho những người đã có lòng tin 6

Với người xuất gia, Tỳ-kheo có 227 học giới, cư sĩ thì ngũ giới hoặc Bát quan trai giới; gìn giữ được những học giới đó, chính là tạo nên một hình ảnh đẹp của một người đệ tử Phật, một vị hành giả đúng nghĩa. Vị xuất gia phải thường suy xét về bản thân mình: giờ đây mình có tướng mạo khác hơn kẻ thế, phận sự của mình thì mình phải làm tròn 7, không nên để người đời chê bai. Người cư sĩ cũng là một thành phần nòng cốt giúp gìn giữ và phát triển Phật giáo, vì thế cũng cần phải thu thúc, sống sao cho xứng đáng, để không làm mất đi hình ảnh của người con Phật. Thu thúc trong năm giới cấm căn bản, nói năng với những lời thiện lành, suy nghĩ thiện hạnh… Với những việc làm đó sẽ giúp cho những người chưa sanh khởi niềm tin nơi Tam bảo được phát khởi niềm tin; còn người đã có niềm tin rồi thì họ càng tăng trưởng thêm nữa. Như vậy, đó là áp dụng đặc tính thứ ba của cơn mưa.

Trời mưa giúp cho cỏ cây được tươi tốt, bảo vệ chúng khỏi bị héo mòn, chết khô; đây là đặc tính thứ tư của mưa. Cũng như vậy, vị hành giả tu tập phải biết khéo tác ý trong đời sống tu tập của mình. Bởi vì: Tất cả các thiện pháp có gốc rễ ở sự tác ý đúng đường lối 8. Khéo tác ý hay Như lý tác ý là một pháp tu tập nhằm gạn đục khơi trong, hầu mong loại bỏ tất cả các tạp chất, cặn bã trong tư duy của con người. Người tu tập thì mới hiểu và phát triển các thiện pháp, ngăn chặn các bất thiện pháp ở mọi lúc, mọi nơi. Người không học thì họ chưa hiểu được thế nào là thiện pháp, thế nào là bất thiện pháp. Do vậy, khi có một niệm khởi lên (một ý nghĩ, một sự hồi tưởng, một ký ức về một quá khứ xa xôi, một niềm hy vọng ở một ngày mai hoặc là một vấn đề sắp được quan tâm trong hiện tại), họ cứ để niệm đó trôi theo dòng suy nghĩ, miên man, bất tận. Nếu niệm đó là niệm chánh thì họ nhờ, nếu là niệm tà thì sẽ mang tội.

Và đặc tính cuối cùng là mưa sẽ làm tràn đầy các con sông, khe suối; cũng như thế, vị hành giả tu tập phải nỗ lực học tập kinh điển và ước muốn về sự chứng đắc tràn đầy nơi tâm. Nỗ lực học tập kinh điển gọi là pháp học, sau đó áp dụng trong đời sống tu tập thì gọi là pháp hành, từ đó đem lại kết quả là pháp thành (sự chứng đắc). Người tu thì không thể nào làm biếng, giải đãi được, vì làm biếng là đi theo con đường của ác ma chứ không phải con đường của sự giải thoát. Bởi vì trong Phật pháp chánh thống, người tu càng ngày sẽ càng không tham đắm cảnh trần, không bị trói buộc bởi phiền não, không chất chứa mầm sanh tử, không tham cầu danh lợi, sống biết đủ, thích độc cư tĩnh lặng, không thụ động biếng nhác, không câu nệ kén chọn trong việc nuôi mạng 9

Như vậy, an cư mùa mưa là thời gian các vị nỗ lực tu tập cho chính bản thân mình. Không ai có thể độ cho mình, chi bằng tự mình độ lấy chính mình. Những cơn mưa ngoài trời, không thể nào làm nao lòng những vị chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu với ma quân, tử thần. Hãy sống như những cơn mưa, hãy tu như những trận mưa để làm sạch tam nghiệp, làm mát thân tâm, niềm tin được tăng trưởng, pháp tu càng tiến hóa.

Āsahapūjā 2563
Bhik. Samādhipuñño Định Phúc

...................................

1 Milinda vấn đạo, phần Các câu hỏi giảng về các ví dụ, phẩm Nhện, Câu hỏi về tính chất của cơn mưa. (Mil.410); 2 Pháp tụ, chương Toát yếu, tụ Phiền não. (Dhs.791); 3 Trung bộ kinh, kinh An trú tầm. (M.i.119); 4 Kinh Pháp cú, kệ số 389-390 (Dhp.389-390; DhpA.iv.146f); 5 Tăng chi bộ kinh, chương Mười một pháp, phẩm Tùy niệm, kinh Từ. (A.v.342); 6 Tăng chi bộ kinh, chương Mười pháp, phẩm Upāli, kinh Upāli. (A.v.70); 7 Tăng chi bộ kinh, chương Mười pháp, phẩm Mắng nhiếc, kinh Các pháp. (A.v.70); Milinda vấn đạo, phần Các câu hỏi giảng về các ví dụ, phẩm Nhện, Câu hỏi về tính chất của cơn mưa. (Mil.410); 9 Tăng chi bộ kinh, chương Tám pháp, phẩm Gotamī, kinh Pháp tóm tắt. (A.iv.280)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin