Chi tiết tin tức

Mười hai đại nguyện của Đức Phật Dược sư

16:28:00 - 04/06/2024
(PGNĐ) -  Đức Phật Dược Sư (nguyên ngữ Sanskrit gọi là Bhaiṣajya-guru-vaiḍūrya-prabhā-rāja, hay ngắn gọn hơn: Bhaiṣajyaguru) được tin là một vị Phật ở phương Đông. Tên của Ngài nghĩa là “vị thầy có năng lực chữa lành vết thương và chứng nghiệm thể tính sáng trong như ngọc lưu ly”, Hán dịch là “Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai”.

HÌNH TƯỢNG ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ

Bản tiếng Sanskrit của Kinh Dược Sư đã được phát hiện tại vùng Tây Bắc Ấn Độ, mà xưa kia là nước Gandhāra có niên đại từ thế kỷ VII, chứng tỏ niềm tin vào Đức Phật Dược Sư đã thịnh hành ở Ấn Độ trong thời kỳ thịnh trị của Phật giáo.

Trong Kinh Dược Sư (bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Huyền Dung, dịch từ bản Hán Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu về Đức Phật Dược Sư như sau: Ở phương Đông, cách đây hơn mười căn dà sa, có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly. Đức giáo chủ cõi ấy hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạt Già Phạm.

Đức Phật Dược Sư thường được miêu tả ở tư thế ngồi kiết già, tay trái cầm một bình lưu ly, tay phải đặt trên đầu gối phải. Hoặc có khi tay Ngài giữ cuống quả Aruna hoặc Myrobalan giữa ngón tay cái và ngón trỏ. Trong kinh, Ngài được miêu tả có ánh sáng chiếu soi giống như ánh sáng của ngọc lưu ly. Trong miêu tả theo truyền thống Trung Quốc, Ngài có một ngôi tháp, tượng trưng cho mười ngàn vị Phật của ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Hai vị thượng thủ Bồ tát theo hầu Ngài là Nhật Quang Biến Chiếu (Suryaprabha) và Nguyệt Quang Biến Chiếu (Candraprabha).

Hiện nay, ngoài bản bằng tiếng Sanskrit, Kinh Dược Sư còn tồn tại trong Tạng điển: tựa đề là: འཕགས་པ་བཅོམ་ལྡན་འདས་སྨན་གྱི་བླ་བེེ་ཌཱུརྱའི་འོད་ཀྱི་སྔོན་གྱི་སྨོན་ལམ་གྱི་ཁྱད་པར་རྒྱས་པ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ Ḥphags-pa bcom-ldan-ḥdas sman-gyi bla-bai-ḍūryaḥi ḥod-kyi sṅon-gyi smon-lam-gyi khyad-par rgyas-pa shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo: Thánh Bạc-già-phạm Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Sai Biệt Quảng Đại Đại Thừa Kinh (聖薄伽梵藥師毗琉璃光本願差別廣大大乘經), được lưu trữ trong Đại Tạng Kinh Tây Tạng.

Trong kho tàng Hán tạng, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh có đến 4 bản dịch: (1) Phật thuyết Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh 佛說藥師如來本願經, đời Tuỳ, ngài Dharmagupta (Đạt-ma Cấp-đa) dịch năm 615; (2) Phật thuyết Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh藥師琉璃光如來本願功德經, Đại Đường, Huyền Trang dịch năm 650; (3) Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức Kinh 藥師琉璃光七佛本願功德經, 2 quyển, Đại Đường, Nghĩa Tịnh dịch vào năm 707; (4) Phật thuyết Quán Đảnh Bạt Trừ Quá Tội Sanh Tử Đắc Độ Kinh quyển đệ thập nhị 佛說灌頂拔除過罪 生死得度經卷第十 二 , Đông Tấn, Thiên Trúc Tam Tạng Bạch-thi-lê-mật-đa-la dịch.

ĐẠI NGUYỆN CỦA ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ
Ngài phát thệ mười hai đại nguyện sau:
– Nguyện thứ nhất: Ta nguyện đời sau, khi chứng được quả vị Chánh đẳng Chánh giác, thân Ta có hào quang sáng chói, chiếu khắp vô số thế giới, khiến cho chúng hữu tình đều có đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ như thân của Ta vậy.
– Nguyện thứ hai: Ta nguyện đời sau, khi đặng đạo Bồ đề, thân ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bợn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi, công đức cao vòi vọi và an trú giữa từng lưới dệt bằng tia sáng, tỏ hơn vầng nhật nguyệt. Chúng sanh trong cõi U minh đều nhờ ánh sáng ấy, tâm trí được mở mang, muốn đi đến chỗ nào để làm nên sự nghiệp, sẽ được như ý.
– Nguyện thứ ba: Ta nguyện đời sau, khi đặng đạo Bồ đề, dùng trí huệ và phương tiện vô lượng vô biên, độ cho chúng hữu tình, khiến mọi người có đủ các vật dụng, không ai phải chịu sự thiếu thốn.
– Nguyện thứ tư: Ta nguyện đời sau, khi đặng đạo Bồ đề, nếu có chúng hữu tình tu theo tà đạo, ta khiến họ quay về an trụ trong đạo Bồ đề. Hoặc có những người tu theo hạnh Thinh văn, Độc giác, dùng giáo lý Đại thừa, Ta giảng dạy cho họ.
– Nguyện thứ năm: Ta nguyện đời sau, khi đặng đạo Bồ đề, nếu có chúng hữu tình, tu hạnh thanh tịnh, theo giáo pháp của Ta, Ta sẽ giúp họ giữ được giới pháp hoàn toàn đầy đủ. Nếu có người bị tội hủy phạm giới pháp, nghe được danh hiệu Ta, người đó sẽ được thanh tịnh, khỏi sa vào đường ác.
– Nguyện thứ sáu: Ta nguyện đời sau, khi chứng đạo Bồ đề, nếu có chúng hữu tình nào thân hình hèn hạ, các căn không đủ, xấu xa, khờ khạo, tai điếc, mắt đui, nói năng ngọng liệu, tay chân tật nguyền, lác hủi, điên cuồng, chịu những bịnh khổ ấy, nếu nghe danh hiệu Ta, liền được thân hình đoan chánh, tâm tánh khôn ngoan, các căn đầy đủ, không có những bệnh khổ ấy nữa.
– Nguyện thứ bảy: Ta nguyện đời sau, khi chứng đạo Bồ đề, nếu có chúng hữu tình nào bị những chứng bệnh hiểm nghèo không ai cứu chữa, không ai để nương nhờ, không gặp thầy, không gặp thuốc, không bà con, không nhà cửa, chịu nhiều nỗi nghèo hèn khốn khổ, nếu nghe danh hiệu ta một lần, tất cả bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia quyến sum vầy, của cải sung túc, cho đến chứng được đạo quả Vô thượng Bồ đề.
– Nguyện thứ tám: Ta nguyện đời sau, khi chứng đạo Bồ đề, nếu có phụ nữ nào bị trăm điều hèn hạ khổ sở, buồn rầu, bực tức, sanh tâm nhàm chán, muốn bỏ thân ấy, nếu nghe danh hiệu Ta, được chuyển thân gái thành thân trai, có đủ hình tướng trượng phu, cho đến chứng đạo quả Vô thượng Bồ đề.
– Nguyện thứ chín: Ta nguyện đời sau, khi chứng đạo Bồ đề, dẫn dắt chúng hữu tình ra khỏi vòng lưới ma nghiệp, được giải thoát tất cả sự ràng buộc của ngoại đạo. Nếu có những kẻ sa vào rừng ác kiến, ta dẫn họ về với chánh kiến, và dần dần dạy họ tu tập theo các hạnh Bồ tát đặng mau chứng đạo Bồ đề.
– Nguyện thứ mười: Ta nguyện đời sau, khi chứng đạo Bồ đề, nếu có hữu tình nào bị nhà vua xiềng xích, đánh đập, hoặc bị lao tù, hoặc bị chém giết, hoặc bị nhiều tai nạn nhục nhã, thân tâm chịu những nỗi khổ, buồn rầu, bứt rứt, nếu nghe danh hiệu ta, nhờ sức oai thần phước đức của Ta, đều được giải thoát tất cả những nỗi ưu khổ ấy.
– Nguyện thứ mười một: Ta nguyện đời sau, khi chứng đạo Bồ đề, nếu có hữu tình nào bị sự đói khát hoành hành, vì tìm miếng ăn phải tạo các nghiệp dữ, nếu nghe danh hiệu Ta, chuyên niệm thọ trì, trước hết Ta dùng các món ăn ngon ban bố cho họ được no đủ và sau Ta đem giáo pháp nhiệm mầu kiến lập cho họ cảnh giới an lạc hoàn toàn.
– Nguyện thứ mười hai: Ta nguyện đời sau khi chứng Bồ đề, nếu có hữu tình nào nghèo đến nỗi không có áo che thân, bị mũi mòng cắn đốt, nóng lạnh dãi dầu, ngày đêm khổ bức, nếu nghe và trì niệm danh hiệu Ta, Ta sẽ giúp cho người đó được như ý muốn: các thứ y phục tốt đẹp, bảo vật trang nghiêm, tràng hoa, phấn sáp thơm ngát, trống nhạc ca múa, muốn thưởng thức thứ nào cũng được thỏa mãn cả.

Ý NGHĨA VIỆC NIỆM DANH HIỆU ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ
Cõi Tịnh độ lưu ly lấy việc phát đại nguyện lực để làm xuất phát điểm giải quyết mọi đau khổ ở hiện thực, lấy việc giải cứu tất cả chúng sanh làm mục tiêu cuối cùng, thể hiện được tấm lòng bi mẫn, đại từ đại bi của Phật giáo. Đức Phật Dược Sư phát thệ nguyện to lớn, mang tính siêu việt, lấy cảnh giới của người đã giác ngộ mà hồi hướng về mọi chúng sanh tồn tại trong hiện thực, lấy sự vô hạn để dẫn dắt cái hữu hạn. Vì thế mà nguyện lực của Ngài hết sức vĩ đại.

Mười hai đại nguyện này của Đức Phật Dược Sư có thể phân thành 3 loại lớn:
– Liên quan đến nguyện vọng được khỏe mạnh, thân tướng trang nghiêm; tất cả chúng sanh đều có tướng hảo, thân thể thanh tịnh, đoan chính không có bệnh khổ,
– Liên quan đến việc thỏa mãn ước vọng, như được diệu y (quần áo đẹp tốt), các thứ trang sức trang nghiêm.
– Liên quan đến nguyện vọng đạt được sự giải thoát tinh thần, như đắc Vô thượng Bồ đề, không đọa ác thú (không rơi vào nẻo ác), tu Đại thừa, cụ đại trí huệ (đủ đại trí tuệ).

Tổng hợp lại mà nói, mười hai nguyện này cơ bản hàm chứa tất cả sự theo đuổi mọi dục vọng từ sắc thực đến tinh thần của con người, tức ước vọng về vật chất và tinh thần; có thể nói mọi nhu cầu đều được thỏa mãn. Song thoả mãn không phải để đắm chìm trong thế giới vật chất mà để tu tập giải thoát, giác ngộ.

Chúng ta tụng kinh, hàng ngày huân tập tư tưởng quảng đại từ bi, ước mong thể nhập vào biển đại nguyện của Đức Phật Dược Sư. Tập sống như Ngài, mỗi niệm mỗi niệm mong đem hạnh phúc an vui cho quanh mình, chẳng còn có sợ những khổ ác thú. Nguyện từ nay gánh vác hết thảy hữu tình, làm việc nghĩa lợi nhiêu ích an vui.

Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: “Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn chạy thì mẹ dẫu nhớ có làm gì được. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời chẳng rời xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, đời này đời sau quyết định thấy Phật”.

Việc niệm Phật nói chung, niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư nói riêng, không chỉ có ở trong truyền thống Đại thừa mà đã hiện diện trong kinh tạng Nam truyền. Trong Kinh Tăng Chi, chương Một pháp, phẩm Một pháp có nói: “Có một pháp, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật.”

Một bản kinh khác, Kinh Trì Trai (số 202, Trung A Hàm, tương đương Kinh Visàkhà-sutta, Tăng Chi Bộ), cũng đề cập đến pháp môn niệm Phật, là một trong năm pháp tu tập hỗ trợ với Thánh trai tám chi (Bát quan trai giới). Kinh này cho thấy nhờ niệm Phật mà tâm được tĩnh và tất cả mọi tâm lý bất thiện đều được tiêu diệt, được nói cho cư sĩ Tỳ Xá Khư, khi Phật đang trú tại nước Xá Vệ, trong Đông viên, Lộc Tử Mẫu giảng đường. “Này cư sĩ! Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt. Này cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt”.

Pháp niệm Phật là một pháp rất đơn giản nhưng mở ra vô số diệu dụng, do vì lẽ đó nên pháp hành này có những yêu cầu rất cao. Một trong những yêu cầu cơ bản và quan trọng của pháp này là việc niệm Phật thường được tu tập (bhāvito), được làm cho sung mãn (bahulīkato). Sự an tịnh (upasamāya) của thân tâm sở dĩ có được là do hành trì pháp này đến mức chuyên nhất. Theo Vô tỷ pháp, thì thuật ngữ bahulīkata còn mang nghĩa là Định. Do vậy, khi niệm Phật đến mức sung mãn, chuyên nhất cũng chính là đạt tới Định.

Như vậy, việc niệm Phật chuyên nhất mở ra vô số diệu dụng, từ chữa lành bệnh tật, đầy đủ thức ăn… cho đến giác ngộ, Niết bàn. Sở dĩ hành giả trì niệm danh hiệu của Đức Phật Dược Sư, nhưng chưa thực sự tu tập (bhāvito), chưa được sung mãn (bahulīkato), thế nên vẫn chưa nhận được kết quả như mong muốn.

Cổ đức có dạy: “Bình thường tâm thị đạo”. Tâm bình thường có thể ví như lưu ly. Tâm bất thường thì chạy theo vọng tưởng. Tâm bình thường thì trong không chấp ngã hay chấp pháp. Ngoài không bị kiến hoặc đánh lừa. Trong danh hiệu của Đức Phật Dược Sư, Quang nghĩa là sáng suốt, là ánh sáng trí tuệ thuộc tinh thần không có hình tướng. Trong khi niệm danh hiệu Ngài, hành giả nghe âm thanh rõ ràng không mờ, từng tiếng minh bạch là tánh giác sáng tỏ. Nếu nghe không rõ, thì hoặc bị hôn trầm, hoặc đã vướng vào một trần cảnh nào khác. Tánh nghe chính là tánh giác ở khắp pháp giới. Nghe rõ tiếng niệm tức là ngay lúc ấy, ta đã trở về tánh thể. Tánh này đồng với chư Phật và dĩ nhiên đồng với đức Dược Sư Lưu Ly Quang. Niệm danh hiệu Ngài để tự nhắc tâm mình, tâm Phật vẫn thường trụ ở khắp mười phương không rời nhau.

KẾT LUẬN
Các đại nguyện của Phật Dược Sư rất lớn, ý nghĩa vô cùng thâm sâu. Niệm danh hiệu của Ngài không chỉ để tưởng nhớ công đức của Ngài, mà còn là để trang nghiêm thân tâm bằng pháp môn niệm Phật, thẳng hướng Niết bàn. Trong bản dịch Kinh Dược Sư của ngài Nghĩa Tịnh còn lưu lại một bài thần chú Dược Sư như sau:
Nam mô bạc già phạt đế, bỉ sát xã, lũ lỗ bệ lưu ly, bát lạt bà, hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà dã, đát điệt tha. Án, bỉ sát thệ, bỉ sát thệ, bỉ sát xã, tam một yết đế, sa ha.
(南謨薄伽伐帝, 鞞殺社,寠嚕薜琉璃, 鉢喇婆, 曷囉闍也, 呾他揭多也, 阿囉

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin