Chi tiết tin tức Ngũ giới – nền tảng đạo đức không chỉ riêng người con Phật mới cần giữ gìn 20:07:00 - 16/06/2022
(PGNĐ) - Phật giáo, một con đường lý tưởng đi vào lòng dân tộc Việt từ ngàn xưa, trở thành một nếp sống tâm linh thuần thiện và tịnh khiết, dẫn con người ra khỏi vũng lầy nhơ nhuốc của tội ác và những mặt tiêu cực trong đời sống. Không những thế, Phật giáo còn khẳng định sự lợi ích của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới bằng năng lượng yêu thương và chuyển hóa những khổ đau đang trói buộc, dày vò từng giây từng phút trong tâm khảm của những mảnh đời khốn khổ, thiết lập cho họ một “hải đảo” bình yên.
DIỆU PHÁP CỦA ĐỨC PHẬT Với lẽ trung đạo, Đức Phật, một con người rất đỗi bình thường nhưng mang trong mình một thánh cách tối thượng giữa muôn loài, đã đem “chánh pháp nhãn tạng” chữa khỏi căn bệnh mù lòa bởi ái thủ câu thúc, đã chèo con thuyền báu cứu vớt vạn loại hàm linh đang lặn hụp trong vũng lầy uế trược, đã đem sự thật phơi bày ra ánh sáng, đem ngọn đuốc trí tuệ soi rõ mọi nẻo vô minh. Các đệ tử của Ngài, những người con của Như Lai đã mang Phật pháp đến những phương trời cao rộng, ươm mầm phước thiện cho toàn cõi nhân sinh. Phật giáo, với những giáo lý cốt tủy như: Tứ đế, Bát Chánh đạo, Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã… đã làm nên một hệ thống triết học, triết lý về sự giải thoát. Bên cạnh những giáo lý được cho là cao siêu của bậc hiền thánh, chú trọng đến sự giải thoát hoàn toàn khỏi những khổ đau nơi tấm thân ngũ ấm giả tạm này, Phật giáo còn có những giáo lý dễ hiểu, dễ nhận biết và thực hành hơn, dành cho những người chưa có một môi trường thuần túy tu tập vẫn có thể thực hành lời Phật dạy một cách thuận tiện. Qua đó, đem lại lợi ích thiết thực ngay trong đời sống hiện tại mà không làm cản trở môi trường sinh hoạt hằng ngày, kiến thiết một nếp sống lành mạnh cho tự thân và không tổn hại đến những sinh mệnh xung quanh đang cùng chung sống. Đó chính là năm yếu tố căn bản của đạo đức con người, hay còn gọi là Ngũ giới. Ngũ giới được Đức Thế Tôn đề cập đến trong kinh tạng gồm năm điều: Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ và không uống rượu. Tại sao lại không nên sát sinh? Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu có người nào có ý thích sát sinh, hành sát sinh, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người thì thọ mạng ngắn ngủi. Vì sao vậy? Vì họ đã dứt sinh mạng kẻ khác. Cho nên, này các Tỳ kheo, hãy học chớ sát sinh” [1]. Sát sinh tức là chấm dứt sinh mạng của các loài vật có sự sống. Sinh vật trên thế gian, những gì được cho là có sự sống, có ý thức tham sống sợ chết. Nếu chúng ta rắp tâm sát hại chúng, thật là trái với lẽ sống lắm thay! Ngay chính chúng ta cũng ham thích được sống và sợ hãi khi cận kề cái chết. Vậy cớ sao ta có thể đành lòng ra tay tước đi mạng sống của một chúng sinh khác cơ chứ! Đó là chưa kể đến, nỗi sợ hãi của chúng sinh trước khi bị giết sẽ tích tụ thành khối oán thù đeo bám mãi kẻ đã giết hại mình, để giết lại họ cho bằng được mới cam tâm, khiến oán thù ngày một chồng chất. Cho nên, Đức Phật đã dạy: “Hận thù diệt hận thù Đời này không thể có Từ bi diệt hận thù Là định luật ngàn thu” [2]. Thật vậy, nếu chúng ta cứ đối đãi với nhau bằng hận thù thì cũng giống như những mẩu chuyện oan oan tương báo, trải từ kiếp này qua kiếp khác, mãi tái sinh trở lại để tàn hại lẫn nhau, để rồi không bao giờ đến hồi kết thúc. Chỉ có vận dụng lòng từ bi, lấy sự yêu thương mà cảm hóa những tâm hồn đang cuồng bạo bởi oán hận thấu trời, mới may ra dập tắt được ngọn lửa thù hằn đang ngày càng rực cháy. Chỉ có người với lòng từ bi rộng lớn mới tha thứ được lỗi lầm của đối phương đã mang đến cho mình, mới chấp nhận và quên đi khổ đau mà người khác rắp tâm hãm hại. Từ bi giống như suối nguồn tươi mát vô tận, thấm nhuần những mảnh vườn tâm đang bị khô cằn bởi nhiệt lượng khủng khiếp do lửa hận tỏa ra, cứu vớt biết bao mảnh đời héo úa. Từ bi còn có công năng giúp ta phòng hộ tam nghiệp khỏi lửa hận thiêu cháy, mở ra con đường chấm dứt hận thù tiếp diễn. Vì thế, từ bi là phẩm chất mà mỗi người cần có để bảo vệ và cải thiện môi trường sống xung quanh. Tại sao Phật dạy không nên trộm cướp? Vì: “Này các Tỳ kheo, nếu có người nào có ý thích trộm cướp, lấy tài vật của người khác, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người rất là nghèo túng. Vì sao vậy? Vì đã dứt sinh nghiệp người khác. Cho nên, này các Tỳ kheo, hãy học xa lìa lấy của không được cho” [3]. Mỗi người có mặt trên thế gian này, ngay cả các loài sinh vật được cho là có trí thông minh; ngoài chấp thủ về “tự ngã”, còn có sự chấp thủ về sở hữu của riêng mình hay còn gọi là “ngã sở thuộc”. Ví như sở hữu của con người là nhà cửa, tài sản, danh tiếng, vợ con…; sở hữu của con chim là tổ, con, mồi của nó…; và nhiều loài sinh vật khác cũng tương tự thế. Hễ ai động đến những thứ ngã sở thuộc của người (vật) khác thì họ (chúng) sẽ phản ứng lại như một sự tự vệ tự nhiên để bảo vệ những cái sở hữu của riêng mình. Và thứ sở hữu quý giá nhất chính là mạng sống. Một khi mạng sống của con người hay sinh vật sắp bị đe dọa và lấy đi, bản năng sinh tồn có thể làm bộc phát sức mạnh phi thường để giành giật lại sinh mệnh của mình từ tay cái chết. Bởi thế, việc sát sinh tức là cướp đoạt mạng sống của sinh loại khác. Nếu không muốn đọa lạc nơi Tam đồ, không muốn sanh làm người nghèo túng, chúng ta phải chấm dứt những hành động trộm cướp ngay từ bây giờ, để góp phần tạo dựng một xã hội văn minh, không hận thù, không đấu tranh giành giật, không đói khổ triền miên. Và thực hành từ thiện, bố thí như một pháp tu để đối trị nghiệp trộm cướp, để cuộc đời đẹp đẽ và đầy đủ tất cả; khi chết sẽ thác sanh vào cõi người, cõi trời, hưởng phước vô lượng. Tại sao Phật dạy không nên tà dâm? Vì: “Nếu có người nào dâm dật vô độ, thích xâm phạm vợ người, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người thì khuê môn dâm loạn. Cho nên, này các Tỳ kheo, hãy thường chánh ý, chớ khởi ý tưởng dâm. Cẩn thận chớ xâm phạm vợ người” [4]. Vợ người cũng là tài sản, là sở thuộc riêng của người ấy. Nếu một người dâm loạn với vợ người khác cũng giống như cướp đoạt tài sản của họ vậy. Việc làm bày không những phạm tà dâm mà còn phạm cả tội cướp vợ người nữa. Hậu quả của tà dâm mang lại không hề nhỏ trong xã hội: Thứ nhất, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác; thứ hai, đánh mất thuần phong mỹ tục, đặc biệt ở những đất nước chú trọng nếp sống đoan chánh; thứ ba, tạo sân hận, hiềm thù giữa người với người; thứ tư, là nguyên nhân gián tiếp, thúc đẩy việc giết người, khi chồng của người phụ nữ kia phát hiện việc vợ mình tà dâm với một người đàn ông khác và lòng sân hận đã đạt đến đỉnh điểm… Thế nên, tác hại của hành động tà dâm vợ người khác gây nên hậu quả rất nghiêm trọng trong xã hội. Tà dâm không chỉ là việc qua lại với vợ người khác, thực hành việc dâm dục quá độ với vợ của chính mình cũng là tà dâm. Hành dâm không biết chừng mực, bất kể thời gian, không gian hay cưỡng ép, bắt buộc giữa vợ chồng cũng được cho là tà hạnh vậy. Điều này sẽ dần tác động đến thời khóa sinh hoạt, làm việc và đặc biệt là sức khỏe khi thực hành quá mức. Chính vì những tác hại của nó, nên Đức Phật khuyên không nên tà hạnh và phải biết tiết độ trong đời sống vợ chồng. Giữ gìn hạnh phúc gia đình cho người khác cũng chính là gìn giữ hạnh phúc gia đình và phẩm cách chính mình. Vì sao Đức Phật khuyên không nên vọng ngữ? Bởi: “Này các Tỳ kheo, nếu có người nào nói dối, nói thêu dệt, gây tranh cãi phải quấy, thì liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vì sao vậy? Vì sự nói dối ấy. Cho nên, này các Tỳ kheo, phải chí thành không được nói dối” [5]. Một vị Tỳ kheo đệ tử Phật, một người nương theo Tam bảo, nương theo con đường Như Lai đã khai mở để đi tìm ra sự thật giữa muôn trùng giả tạm phù hư, lẽ nào lại lấy lời dối trá để tự lừa mình dối người, lẽ nào lại lấy lời thêu dệt để hoán vọng đổi chơn, gây sự tranh cãi lẫn nhau thì thật không đáng có. Một người thật thà, chất phác sẽ được mọi người kính yêu, tin tưởng; còn người dối trá sẽ bị mọi người ghét bỏ, xa lánh vì đánh mất niềm tin người khác đã dành cho họ. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường xuyên biến đổi, đôi lúc chúng ta vẫn phải lựa chọn nói dối như một đáp án không thể khác, để không phải đưa mình vào hoàn cảnh bế tắc khó xử, để công việc thuận lợi, êm xuôi. Nhưng chung quy lại, chúng ta vẫn không thể phủ nhận tác hại của lời nói dối gây ra dù ít hay nhiều, nghiêm trọng hay chỉ tổn thương nho nhỏ. Khi nói dối vì mục đích tốt hay ý đồ xấu ác hại nhau… đều dẫn đến hậu quả nhất định cho cả chúng ta và người khác. Đặc biệt, khi dối trá trở thành thói quen, tập quán nghiệp trong mỗi người, chúng sẽ nuốt chửng sự thật và khiến họ chìm ngập trong bóng tối tội lỗi do chính sự dối trá của họ tạo ra, hay thậm chí là tự dối lừa chính mình trong vô thức. Câu chuyện cậu bé chăn cừu do nói dối người dân về việc gặp sói, cho nên, khi gặp sói thật, cậu kêu mãi chẳng có ai đến giúp và cái kết là đàn cừu đã bị sói ăn mất. Mẫu chuyện này đã trở thành thông điệp mà người lớn thường sử dụng để giáo dục con em về việc không được nói dối. Thế mới thấy tầm quan trọng của sự thật trong lòng mỗi người và dối trá là hành vi cần trừ bỏ. Vì sao Đức Phật khuyên người không nên uống rượu? Vì: “Này các Tỳ kheo, nếu có người nào tâm ham uống rượu, thì sẽ sinh vào nơi không có trí tuệ, thường chịu ngu si. Cho nên, này các Tỳ kheo, cẩn thận chớ uống rượu” [6]. Rượu bia hay các chất kích thích khác là những thứ tác động, gây ức chế trực tiếp đến hệ thống thần kinh người dùng. Một trong số đó có thể làm dược liệu khi biết sử dụng đúng cách và đúng liều lượng, nhưng nếu lạm dụng sẽ gây tổn hại đến hệ thần kinh, gây tê liệt và mất tự chủ. Các tệ nạn xã hội liên quan đến rượu bia và những chất kích thích khác diễn ra hằng ngày, xuất hiện bàng bạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để lại hậu quả nặng nề. Nhưng vì lợi nhuận cao, chúng vẫn lưu hành như món hàng thiết yếu, mặc kệ sự chỉ trích của tòa án lương tâm, liều mình dùng giấy bạc để che mờ luật pháp, gây nên sự suy đồi của nhiều người. Các chất kích thích nếu sử dụng bừa bãi sẽ gây hại đến sức khỏe của người sử dụng, gây nên những triệu chứng ức chế, rối loạn thần kinh, sa sút trí tuệ, tư tưởng không sáng suốt và dễ sân hận. Nếu sử dụng chất kích thích trong thời gian dài sẽ gây suy giảm sức khỏe, mất khả năng đề kháng. Khi cơ thể đã mang bệnh tật thì sức lực không còn, công việc bị bỏ dở, sự nghiệp tàn lụi nhanh chóng; thậm chí, rượu vào lời ra, nói năng, hành động bồng bột, thiếu kiểm soát dẫn đến tự rước họa vào thân, dễ vướng vào vòng lao lý, đánh mất nhân cách và tự chôn vùi phẩm giá của chính mình. Trong năm điều Đức Phật khuyên dạy không nên phạm phải thì uống rượu hay sử dụng chất kích thích có thể xem là điều nguy hại nhất. Vì cơ thể mất kiểm soát là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc thực hành sát sinh, trộm cướp, tà hạnh và vọng ngữ. Rượu (các chất kích thích) giống như thuốc độc diệt hết các mầm giống trí tuệ; mà trí tuệ là cái quý giá nhất con người luôn hướng đến để phát triển thế giới, cũng là vũ khí chuyên dụng để người con Phật xuyên thủng mọi lá chắn vô minh. Chính vì những tác hại khôn lường này, rượu bia (chất kích thích) cần được kiểm soát nghiêm ngặt và sử dụng hợp lý trong đời sống xã hội. TẠM KẾT Ngũ giới tuy bắt nguồn từ Phật giáo và lưu truyền đến ngày nay, nhưng đây không chỉ là quy chuẩn dành riêng cho người con Phật mà còn là những giá trị căn bản nhất cho thước đo đạo đức một con người cần có để tiết chế đời sống và phát triển bản thân. Ngũ giới vừa là nấc thang đầu tiên cho những người mới vào đạo, vừa là chiếc máy gạn lọc sỏi đá cặn bã gây nguy hại cho xã hội, nhân sinh; hướng con người dần đến chỗ hoàn thiện nhất về mọi mặt trong đời sống. Nếu xã hội mà không còn những tội nhân giết người hay các sinh loại ăn nuốt lẫn nhau; một xã hội không có nạn trộm cướp; một xã hội mà không còn dâm loạn, bất chính; một xã hội mà người người đều thật lòng đối đãi với nhau; một xã hội mà không có tàng trữ và buôn bán chất kích thích, gây nguy hại cho sức khỏe thì xã hội đó thật là một nơi lý tưởng, trong sạch, lành mạnh và an ổn mà thâm tâm thiện lương của mỗi con người hằng mong ước. Thế giới này không phải là thế giới hư ảo do vô minh tạo ra, nó hoàn toàn có thể được kiến thiết bằng chính nỗ lực tự thân của mỗi người nhờ tinh cần, tu tập rốt ráo năm nền tảng căn bản của đạo đức mà Đức Thế Tôn, một con người tự thân chứng biết, trải nghiệm và chỉ bày cho chúng sanh. Giới của Đức Phật dạy không phải là những điều luật khắt khe vô lý. Giới chính là phương tiện tuyệt vời để mỗi người xây dựng một bầu trời phẩm cách, tạo nên một xã hội văn minh mà mọi dấu vết của những điều xấu ác dường như bị xóa sạch. Vì thế, bất kỳ ai, nếu muốn sống trong lợi ích, an lạc hãy giữ gìn Ngũ giới như bảo vệ nhãn căn của chính mình.
Hoài Mộng Trung Nhân/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 391
Chú thích: * Tỳ kheo Thích Tấn Nguyện, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM. [1], [3], [4], [5], [6] Thích Đức Thắng dịch (2011), Thích Tuệ Sỹ hiệu chính và chú thích, Kinh Tăng nhất A-hàm, Tập 1, Số 14 – Phẩm Ngũ Giới, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. [2] HT. Thích Minh Châu dịch (1999), Tiểu Bộ kinh 1, Pháp Cú – Số 5, Nxb. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |