Chi tiết tin tức Quan sát không gian bốn chiều thấy tánh con người 20:34:00 - 18/02/2022
(PGNĐ) - Đức Phật nói sau khi Ngài vào Niết-bàn, những người muốn nghe được Phật, thấy được Phật, phải có Chánh niệm, Chánh định. Ý này được Phật khẳng định về bốn điều kiện có kinh Pháp hoa trong phẩm thứ 28.
Ảnh minh họa
Trước nhất, phải có căn lành thì sẽ thấy Phật bằng căn lành của chúng ta. Người có căn lành ngồi thiền, tập trung tư tưởng để giữ Chánh niệm và bằng Chánh niệm, họ nghĩ đến hình ảnh Phật, nghĩ đến lời Phật dạy trong kinh. Khi tập trung tư tưởng nghĩ như vậy, họ bắt đầu có cái thấy khác. Thí dụ người tu Tịnh độ đọc kinh A Di Đà, thấy được Phật A Di Đà bằng tâm của họ, vì họ nghĩ miên mật về Đức Phật này và họ cũng thấy thế giới Cực lạc bằng niềm tin, bằng tâm. Và nhờ căn lành cùng với lực tập trung, họ thấy Phật A Di Đà, chư vị Bồ-tát, chư Thánh La-hán hiện hữu ở thế giới Cực lạc rất trang nghiêm thanh tịnh khiến tâm họ cũng thanh tịnh theo. Tu Bổn môn Pháp hoa cũng vậy, mở ra cho chúng ta thế giới siêu hình mà ngày nay gọi là quan sát không gian ba chiều, bốn chiều. Trong không gian ba chiều chỉ thấy được loài người, nhưng qua bốn chiều, chúng ta thấy được bốn loài và qua năm, sáu chiều, chúng ta thấy lục đạo tứ sanh, nghĩa là bắt đầu thấy sâu, thấy đúng. Tôi thường nói nhìn bề ngoài thì người tu giống nhau, tức mọi người bình đẳng, nhưng tu mở mắt huệ, nhìn không gian bốn chiều sẽ thấy tánh bên trong của con người. Tuy cùng là người, nhưng tánh của họ là Bồ-tát, là Thanh văn, hay là chư thiên. Người có tánh Bồ-tát thường thương người, thương vật. Quan sát thực tế, chúng ta thấy những đứa bé theo mẹ đi chợ, nhìn thấy người ăn xin nghèo khổ, bé liền xin mẹ tiền để cho, đó là tánh thiện từ căn lành của bé phát ra. Tánh ác thì thấy gì cũng muốn phá. Tánh ác chuyển thành tánh thiện rất khó. Trong khi có tánh thiện thì dễ phát lên tánh thiện, vì cốt lõi bên trong của họ là chư thiên sanh lại mang thân người. Vì vậy, người đã không giống nhau, còn cộng thêm nghiệp báo khác nhau. Cho nên thấy người là thấy nghiệp báo hiện trên thân, cũng là người nhưng phải mang nghiệp quá khứ sanh lại. Chúng ta tu, quan sát thấy chư thiên, người, quỷ thần, súc sanh và ngạ quỷ cũng ở trong loài người. Như vậy, ở trong loài người, tức không gian là một, nhưng quan sát nhiều chiều sẽ nhận thấy sự cảm thọ quả báo của từng loại người khác nhau. Nhận thức được như vậy là tu. Còn ngày nào cũng tụng kinh, lạy Phật, đi chùa nhưng không thấy gì khác là tu Tích môn và chấp hình thức, nên kẹt Tích môn, không đi lên được. Thuở nhỏ, tôi được Hòa thượng Đạt Dương tặng bộ kinh Pháp hoa chữ Nho. Bằng căn lành cho tôi biết đây là bảo vật quý giá, nên đi đâu tôi cũng mang theo bộ kinh này thì cảm thấy được an lành, được che chở. Và lúc nhỏ, tôi nghĩ Hộ pháp Long thiên giữ gìn kinh Pháp hoa, nên mình ôm kinh này thì họ cũng phải bảo vệ, giúp mình được may mắn, được thoát tai nạn. Và cảm nhận xa hơn nữa, người tu thấy nhờ những pháp khí mà họ thụ đắc trở thành hộ mạng cho họ. Điển hình là năm 1975, một số Phật tử cầu pháp với tôi và thọ pháp y. Họ nghĩ rằng có y của Phật thì Phật che chở họ được an lành. Chỉ có niềm tin thanh tịnh như vậy, khi họ đi trên thuyền bị cướp biển bắt. Người lớn tuổi cũng bị hãm hiếp rồi vứt xuống biển. Nhưng người đeo pháp y và nhiếp tâm niệm Phật, họ đã được bình yên. Ở nước ngoài, họ gọi điện kể lại sự việc và cám ơn tôi. Người có căn lành, đối trước hiểm nguy, có niềm tin với Hộ pháp Long thiên nên được các ngài che chở. Chết mà vẫn nghĩ đến Phật thì Phật cứu được. Còn nghĩ bằng tham vọng thì không được cứu. Nhìn xa thấy như vậy và sau này nghiên cứu kinh Pháp hoa, tôi sang Nhật học về Tam đại bí pháp của Nhật Liên Thánh nhân. Ngài phân biệt Bổn môn và Tích môn rất rõ. Theo ngài, Bổn môn là gốc, không thấy bằng mắt, nhưng ngài thấy được trong thiền định. Vì vậy, phải vào thiền định mới thấy Bổn tôn Bổn môn là thấy Đức Phật vĩnh hằng bất tử đã thành Phật từ vô lượng kiếp. Trí Giả đại sư cũng vào thiền định thấy hội Pháp hoa chưa tan và nghe được Phật thuyết pháp dù ngài cách Phật một ngàn năm. Nghe Trí Giả nói như thế, có người tin, có người không tin. Và còn có người ác lừa dối mọi người rằng họ đã vào pháp hội Phật. Người nhẹ dạ dễ tin thường bị ma gạt khiến tiền mất tật mang. Ra đường là gặp ma vì tâm mình và ma gần nhau, mình có lòng tham mới bị ma gạt. Không tham không bị ma đưa lối quỷ dẫn đường. Không tham mới gặp Phật, Bồ-tát. Trong thế giới loài người có ma quỷ cũng có Phật, Bồ-tát. Và ma giả Phật cũng nhiều. Nhìn thực tế, ta thấy rõ điều này, trong các miếu cũng thờ tượng Quan Âm, đó là ma giả Phật bằng cách mượn hình tượng Phật, Bồ-tát để Phật tử cúng. Quý vị nên cẩn thận, vào đó cầu xin, họ hứa hẹn đủ thứ mà thực tế chẳng được gì. Còn Phật, Bồ-tát không hứa, nhưng mình có căn lành và lòng thành thì được các Ngài giúp đỡ. Trên bước đường hành đạo, tôi cảm giác được Phật che chở, Bồ-tát trợ lực thì gặp việc lớn mà tôi không làm được, nhưng nhờ các ngài hỗ trợ, tự nhiên tôi có trí khôn kỳ diệu. Thực tế có người tới đề nghị việc gì đó, nhờ Phật lực gia bị khiến tôi biết rõ thủ đoạn của họ nên không bị mắc lầm. Còn người bị ma dựa thường phạm sai lầm này đến sai lầm khác, tất yếu phải bị thọ quả báo. Tu hành nhưng không áp dụng đúng pháp Phật, nên cuộc sống đầy phiền não, trần lao và nghiệp chướng. Gặp việc không đáng giận cũng giận, không đáng buồn cũng buồn, không đáng ham muốn cũng ham muốn. Áp dụng lời Phật dạy, biết rõ tham cũng không được thì dại gì mà tham để thọ quả báo. Người đời cũng nói chim tham ăn bị mắc lưới, cá tham mồi bị mắc câu. Lòng tham làm người ta mờ mắt, thấy xấu thành tốt, thấy trái thành phải, thì theo họ mới bị gạt. Không tham sẽ không bị ma quỷ đánh lừa. Phật dạy nếu có phước thì không tham cầu, của vẫn tự tìm người; nhưng phước không có, cố gắng cầu cũng không được, còn bị tai họa. Thực tế chúng ta thấy người không có phước mà giữ của thì nhẹ nhất là mất của, nặng là mất mạng. Người đời nói ý này rằng có phước mất của, nên bỏ của chạy lấy người, tức giữ mạng để tu. Phật nói của cải thuộc năm nhà, không bền chắc và không giữ được nếu mất phước sẽ bị tiêu tan vì hỏa tai, thủy tai, giặc cướp, bị tịch thu, hoặc con phá mất. Tâm không tham, không giận thì tâm mình thông với tâm Bồ-tát, La-hán, các ngài sẽ giúp mình nhận thấy được tánh bên trong của người để mình tránh xa người xấu, không mắc nạn và làm bạn với người tốt, người giỏi mới dễ tiến tu. Xa hơn nữa, nếu mình không tham, không giận, tâm mình sáng suốt là đồng hạnh với Bồ-tát thì Bồ-tát mới làm bạn dẫn mình đi vào thế giới siêu nhiên. Thể hiện lý này, ngài Hư Vân là vị cao tăng đang giảng kinh vụt ngồi yên, không giảng suốt bảy ngày, vì độ cảm của ngài về Di Lặc Bồ-tát cao quá, gọi là xuất thần, hay nhập định. Còn mình là chúng sanh vọng tưởng điên đảo, nghĩ lăng nhăng đủ thứ nên bị thực tế ràng buộc cuộc sống. Ngài Hư Vân có Chánh niệm, Chánh định, tập trung cao, nghĩ đến Di Lặc liền xuất thần lên cung trời Đâu Suất nghe Đức Di Lặc thuyết pháp và khi xả định trở về thì đã trải qua bảy ngày, ngài không ăn uống, ngủ nghỉ nhưng vẫn khỏe mạnh.
Hòa thượng Thích Trí Quảng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |