Chi tiết tin tức Thấy nghe mà không dính mắc 19:33:00 - 05/08/2018
(PGNĐ) - Tu căn là một trong những pháp hành quan trọng của giáo pháp Thế Tôn. Khi căn (giác quan) tiếp xúc với trần (cảnh, đối tượng của giác quan) phát sinh cảm thọ (vừa ý, không vừa ý, hoặc trung tính), rồi hình thành nhận thức phân biệt yêu ghét mà tạo ra nghiệp tốt xấu khác nhau.
Tu căn là vẫn thấy nghe rõ ràng nhưng nhờ có chánh niệm và tỉnh thức nên không dính mắc, hạn chế hoặc không tạo nghiệp.
“Một thời, Phật ở tại Ca-vi-già-la, Mâu-chân-lân-đà. Bấy giờ có một niên thiếu tên là Uất-đa-la, là đệ tử của Ba-la-xà-na, đi đến chỗ Phật, cung kính hỏi thăm, rồi lui ngồi một bên. Bấy giờ, Đức Thế Tôn hỏi Uất-đa-la: - Thầy con là Ba-la-xà-na có dạy cho các con tu tập các căn không? Uất-đa-la trả lời: - Bạch Cù-đàm, đã có dạy. Đức Phật bảo Uất-đa-la: - Thầy con dạy tu về các căn như thế nào? Uất-đa-la bạch Phật: - Thầy con nói, mắt không nhìn thấy sắc, tai không nghe tiếng; đó là tu về căn. Phật bảo Uất-đa-la: - Nếu như lời thầy con nói thì những người mù tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người mù mới không thấy sắc bằng mắt. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật. Tôn giả nói với Uất-đa-la: - Như lời của Ba-la-xà-na nói, thì người điếc tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người điếc tai mới không nghe tiếng. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan: - Khác sự tu căn vô thượng trong pháp luật của Hiền thánh. Tôn giả A-nan bạch Phật: - Xin Đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói về sự tu căn vô thượng trong pháp luật của Hiền thánh, để cho các Tỳ-kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành theo. Phật bảo A-nan: - Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, thấy sắc vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, vừa không vừa ý, muốn tu lìa bỏ cả hai, sự nhàm tởm và không nhàm tởm của Như Lai, an trụ xả tâm, với chánh niệm chánh trí. Như vậy, A-nan, nếu có người nào đối với năm trường hợp này, tâm khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo thủ hộ, khéo nhiếp trì, khéo tu tập, thì đó là ở nơi mắt và sắc mà tu tập căn vô thượng. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp cũng lại như vậy. Này A-nan, đó gọi là tu căn vô thượng trong pháp luật của Hiền thánh”. (Kinh Tạp A-hàm, kinh số 282[trích]) Rõ ràng, tu căn vô thượng trong pháp luật của Hiền thánh không phải là che mắt, bịt tai như đui như điếc mà chính là làm chủ các căn nhờ chánh niệm và chánh trí. Khi căn tiếp xúc với trần, nếu thọ vui vừa ý thì sinh tâm tham đắm, cần phát huy chánh niệm, giác tỉnh để giữ vững tâm không dính mắc. Ngược lại nếu thọ khổ không vừa ý thì sinh tâm chán ghét nóng giận xua đuổi, cần phát huy chánh niệm, giác tỉnh để giữ tâm thanh tịnh. Trong trường hợp có sự đan xen giữa vừa ý và không vừa ý cũng cần buông bỏ hết để an trụ với tâm xả rỗng rang. Với sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) khi tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) đều phải tu căn vô thượng như vậy thì tuy căn và trần có tiếp xúc, có cảm thọ nhưng không ái nhiễm. Vì không có tham ái yêu ghét nên không nắm giữ (thủ), nghiệp không được tác tạo, hữu không hình thành. Vì thế, nếu tu căn một cách miên mật và trọn vẹn thì hành giả có thể đoạn tận ái, chấm dứt tiến trình luân hồi sinh tử. Quảng Tánh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |