Chi tiết tin tức

Tỳ-kheo mê ngủ bị Thiên thần nhắc nhở

21:19:00 - 06/01/2020
(PGNĐ) -  Ham mê ngủ nghỉ là thói thường của chúng sinh. Với người tu, ham mê ngủ nghỉ là một chướng ngại lớn. Hôn trầm thụy miên luôn đoanh vây trói chặt người tu, nhất là tu thiền. Có thể nói, không vượt qua triền cái thụy miên thì chẳng có cơ may hy vọng nào cho sự tiến đạo. Do đó, muốn tu tập thành công, người tu phải tìm mọi cách để vượt qua chướng ngại này. 

 

ngunghi.JPG
Người xuất gia cần tìm mọi cách để vượt thắng hôn trầm, thụy miên - Ảnh minh họa


“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng. Lúc này, thân thể Tỳ-kheo ấy mỏi mệt, ban đêm đến ngủ say. Lúc đó, có Thiên thần ở trong rừng này đến nhắc nhở, liền nói kệ:

- Hãy tỉnh dậy Tỳ-kheo
Vì sao lại ngủ mê?
Ngủ nghỉ có nghĩa gì?
Tu thiền chớ ngủ nghỉ.


Lúc ấy, Tỳ-kheo kia nói kệ đáp:

- Không khứng, nên làm sao?
Lười biếng ít phương tiện
Duyên hết, thân thể suy
Nên đêm đến ngủ mê.


Lúc ấy, Thiên thần kia lại nói kệ:

- Ông cần nên giữ gìn
Vật có tiếng, kêu lớn
Ông đã được tu nhàn
Chớ để cho thoái thất.


Lúc ấy, Tỳ-kheo kia nói kệ đáp:

- Tôi sẽ theo lời ông
Tinh cần tu phương tiện
Không vì mê ngủ kia
Luôn bao phủ tâm mình.


Sau khi Thiên thần kia cảnh tỉnh Tỳ-kheo này như vậy như vậy, thì Tỳ-kheo ấy chuyên tinh phương tiện, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán.

Lúc ấy, Thiên thần lại nói kệ:

- Ông hãy tự thức tỉnh
Chuyên tinh cần phương tiện
Không bị bọn quân ma
Bắt ông phải ngủ nghỉ.


Lúc ấy, Tỳ-kheo kia nói kệ đáp:

- Từ nay đến bảy đêm
Thường ngồi chánh tư duy
Thân này sanh hỷ lạc
Không điều gì thiếu sót
Đầu đêm quán túc mệnh,
Giữa đêm thiên nhãn tịnh
Cuối đêm trừ vô minh.
Thấy khổ vui chúng sanh
Hình loại thượng trung hạ
Biết nhân duyên nghiệp gì
Mà thọ quả báo này.
Nếu những gì người tạo
Tự thấy điều đã làm
Thiện, tự thấy là thiện
Ác tự thấy là ác.


Lúc ấy, Thiên thần kia lại nói kệ:

- Tôi biết trước tất cả
Mười bốn người Tỳ-kheo
Đều là Tu-đà-hoàn
Thảy được thiền chánh thọ
Đi đến trong rừng này
Sẽ đắc A-la-hán.
Thấy ông chỉ giải đãi
Nằm ngửa ham ngủ nghỉ
Chớ sống như phàm phu
Nên phương tiện giác ngộ.


Bấy giờ, Tỳ-kheo lại nói kệ:

- Lành thay, này Thiên thần
Dùng nghĩa an ủi tôi
Chí thành đến khai ngộ
Khiến tôi hết các lậu.
Lúc ấy, Thiên thần kia lại nói kệ:
- Tỳ-kheo nên như vậy
Tin, xuất gia, không nhà
Ôm ngu mà xuất gia
Chóng được kiến thanh tịnh.
Nay tôi hộ trì ông
Trọn cả một đời này
Khi nào ông ốm đau
Tôi sẽ cúng thuốc hay.
Sau khi Thiên thần kia nói kệ xong, liền biến mất”.


(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1346)

 

Pháp thoại này, chúng ta không biết vị Tỳ-kheo đã “Tinh cần tu phương tiện” vượt qua ham mê ngủ nghỉ bằng cách  nào. Tuy vậy, chú giải kinh Đại niệm xứ đã chỉ dạy cách vượt qua triền cái hôn trầm thụy miên rất chi tiết. Đó là: 1- Biết rõ nguyên nhân gây ra hôn trầm và thụy miên là ăn uống quá no. 2- Thay đổi sang tư thế khác. 3- Quán tưởng đến ánh sáng. 4- Chuyển đến nơi thoáng khí. 5- Làm bạn với thiện. 6- Nói chuyện thích hợp. Ngoài ra, cần vận dụng một số pháp trợ duyên để chế ngự hôn trầm-thụy miên như: 1- Niệm chết, quán mạng người trong hơi thở. 2- Khích lệ tâm bằng cách quán tưởng về sự vĩ đại của Thế Tôn, các bậc Thầy.

Điều thú vị trong pháp thoại này là một vị Thiên thần đã cảnh tỉnh Tỳ-kheo hãy tinh tấn tu tập. Mới hay, trong sự tu hành mà lười biếng, quá ham mê ngủ nghỉ nếu không bị người chê cười thì Thiên thần cũng quở trách. Vì vậy, hãy tìm mọi cách để vượt thắng hôn trầm, thụy miên.

 

Quảng Tánh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin