Chi tiết tin tức

Vun trồng chánh niệm trong công việc

21:09:00 - 01/07/2021
(PGNĐ) -  Michael Carroll đã nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng từ năm 1976, hoàn tất chương trình Phật học năm 1982, và là một giáo thọ được truyền thừa trong dòng thiền của Tây Tạng Chogyam Trungpa.

Thực tập thiền để có chánh niệm trong cuộc sống

 

Michael Carroll đã dạy ở các trường như Đại học Columbia, Đại học St. Mary, Trường Cao đẳng Swarthmore, tu viện Sơn Thiền (Zen Mountain) và nhiều trung tâm tu học khác ở khắp nước Mỹ, Canada và Âu châu.

Huân tập chánh niệm trong công việc rất thực tế và đơn giản. Đó không phải chỉ là ý tưởng; chúng ta không thể chỉ hy vọng rằng mình được tỉnh thức, rồi phó mặc mọi thứ cho may rủi, với ý nghĩ mơ hồ về việc đạt được một trạng thái an lạc trong công việc. Chánh niệm trong công việc là tập buông bỏ sự chống đối và cảnh giác một cách thông minh, đầy năng lượng đối với cuộc sống của ta ở nơi làm việc. Tiến trình này rất riêng tư và cam go. Nó có nghĩa là tập sống cuộc sống của ta một cách cao đẹp, không sợ hãi, tận tình và tiếp xúc trực tiếp với trải nghiệm của mình. Điều này đòi hỏi nỗ lực và kỷ luật.

Bạn có thể nghĩ đến kỷ luật như một loại tâm lý ở các trại lính hay một thứ hình phạt. Có thể khi nói đến kỷ luật là bạn nghĩ đến việc phải từ bỏ món ăn mình ưa thích, phải chạy đường xa, phải chào cấp trên và thực hiện bổn phận của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, kỷ luật không phải là hình phạt, sự cấm đoán hay sự bó buộc. Đúng hơn, kỷ luật đòi hỏi sự tỉnh thức trong công việc, là tập cho ta hoàn toàn chân thật với bản thân và chế ngự bất cứ sự giả tạo, làm màu về các tình huống trong công việc.

Sự chân thật như thế đòi hỏi ta phải tiếp cận công việc của mình với một trí tuệ sắc bén và tâm trong sạch chứ không phải càn bướng hay dại khờ. Kỷ luật trong công việc đòi hỏi chúng ta không được lừa dối bản thân - đừng cố gắng bảo vệ công việc, quyền lợi của mình, con đường bằng phẳng thẳng đến thành công của mình - mà nguyện chú trọng đến và chân thành về kinh nghiệm thực sự của mình. Sự sẵn lòng này trang bị cho giai đoạn tham gia vào công việc một cách thiện xảo, lúc công việc khai triển chứ không cố gắng để bảo vệ quyền lợi hay thu thập những sự đảm bảo nửa vời. Kỷ luật chân thật đó là cốt lõi của chánh niệm, nó cũng không tự động xuất hiện mà ta phải vun trồng nó với thời gian.

Phật giáo có bề dày truyền thống về các phương pháp chánh niệm, đã từng được phát triển và trao truyền từ thầy xuống đệ tử hàng bao thế kỷ. Phương pháp phổ thông nhất trong các hệ phái Phật giáo và một số truyền thống ngoài Phật giáo được gọi là thiền chánh niệm - tỉnh giác. Lúc tọa thiền, chúng ta tập yên tĩnh, trải nghiệm tâm trí một cách trực tiếp trong giây phút hiện tại. Chúng ta khám phá một cách nhẹ nhàng và chính xác chúng ta là ai, và là gì, rồi dần dần nhìn xuyên qua được những sự tự lừa mị bản thân, để trở nên tỉnh giác về trải nghiệm của ta và thoáng nhận ra một sự tỉnh thức cơ bản mà thực chất của nó là luôn có mặt. Nhờ tọa thiền, chúng ta bắt đầu liên hệ trực tiếp với quyền lực đơn giản và sự uyển chuyển của việc là chính mình, ngay tại đây, ngay bây giờ.

Tọa thiền đơn giản một cách không ngờ: Chúng ta ngồi thẳng, trên ghế hay trên tọa cụ, trên sàn nhà, và duy trì sự chú tâm ở giây phút hiện tại. Mắt có thể mở, hai tay nhẹ nhàng để trên đùi hay trong lòng, cái nhìn nhẹ, hơi cúi xuống. Chúng ta thở bình thường và ngồi yên. Căn bản, chúng ta chỉ cần làm thế. Chỉ ngồi. Điều đó có vẻ rất đơn giản, nhưng có rất nhiều chuyện xảy ra.

Khi ngồi yên, chúng ta sẽ khó tránh việc nhận ra sự sinh động của giây phút hiện tại, dầu chỉ là trong tích tắc ngắn ngủi. Chúng ta có thể ghi nhận âm thanh của chiếc quạt hay cảm nhận sự xúc chạm với các thớ gỗ trên mặt sàn. Có thể chúng ta nhận ra tiếng vọng mơ hồ của xe cộ ở phía xa, hoặc cảm nhận sự ẩm ướt, mát lạnh của giọt mưa nhẹ nhàng rơi trên mái nhà. Khi ngồi, chúng ta thoáng thấy cái bây giờ (nowness) đơn giản, rõ ràng của cảnh sắc, âm thanh và xúc cảm vật lý (thọ). Chúng ta cũng có thể nhận ra rằng mình đang nghĩ suy. Chúng ta có thể nhớ lại một chương trình truyền hình ưa thích hay tưởng tượng ra cuộc trao đổi không dễ dàng với người thân yêu sắp diễn ra.

Tư tưởng của ta có thể lăng xăng, bực bội, uẩn khúc, tẻ nhạt hoặc đầy màu sắc và cuốn hút. Tính chất lăng xăng, biến đổi của tâm không phải là một vấn đề; đó là cái chúng ta phải giải quyết. Khi ngồi, chúng ta theo dõi sự nghĩ suy và cảm xúc bằng cách huân tập một sự chú tâm về hơi thở một cách nhẹ nhàng, nhưng chính xác. Khi nhận ra mình đang suy nghĩ, chúng ta nhẹ nhàng chuyển đổi.

Chúng ta cố ý ghi nhận sự suy nghĩ của mình và nhẹ nhàng đem sự chú tâm trở về với hơi thở. Khi ngồi thiền, ta tập dõi theo hơi thở một cách nhẹ nhàng như thế để thăng bằng sự chú tâm của ta trong khoảnh khắc hiện tại. Bằng cách ngồi như thế đó, chúng ta cảm nhận được nhịp điệu của tâm, thâm nhập vào xúc cảm, nghĩ suy đủ loại. Tuy nhiên, thay vì để mình chìm vào trong tình cảm và sự nghĩ suy, chúng ta tập nhận biết các cảm xúc đó, rồi buông bỏ, đem sự chú tâm trở về với cuộc sống trong khoảnh khắc tức thời, ngay tại đây, ngay bây giờ.

Có thể bạn đã thử qua một phương pháp chánh niệm nào đó. Nếu bạn chưa từng biết qua chánh niệm và hành thiền, thì cũng tốt thôi, vì giờ bạn sẽ có cơ hội để nghĩ đến việc vun trồng chánh niệm trong đời bạn và nhất là trong công việc.

Nếu bạn mong muốn liên hệ với công việc bằng một phương cách cởi mở, khôn ngoan, và nhẹ nhàng, tôi tin rằng bạn sẽ được nhiều ích lợi hơn khi thực hành tọa thiền thường xuyên. Rất nhiều người trước chúng ta đã thực hành thiền và đã khám phá ra trí tuệ tự nhiên, giúp chuyển đổi cuộc đời họ, và những khả năng đó cũng có thể xảy đến cho chúng ta. Chánh niệm trong công việc sẽ giúp ta tin vào những khả năng tự nhiên và khám phá lại cảm giác an lạc ở nơi làm việc.

Dĩ nhiên, chánh niệm sẽ không giúp cho công việc của ta bớt bộn bề. Khách hàng khó tính, máy tính bị nhiễm vi-rút, hay một đồng nghiệp quá tị hiềm, sẽ không tự dưng biến mất chỉ vì chúng ta chánh niệm, tỉnh giác trong giây phút hiện tại. Và sự chống đối của ta đối với những khó khăn trong công việc cũng thế. Chúng ta có thể vẫn cảm thấy bực bội với người bạn đồng nghiệp cứng đầu, luôn chỉ trích báo cáo của ta, cảm thấy bất ổn với viễn cảnh mất việc hay lòng oán trách đối với cấp trên. Chánh niệm trong giây phút hiện tại sẽ không bao giờ có thể loại trừ được những vấn đề có thật và không bao giờ dừng của công việc hoặc tất cả sự chống báng của ta đối với công việc.

Nhưng chánh niệm giúp ta tăng thêm sự hiếu kỳ về khó khăn của mình. Ta càng chú tâm đến công việc trong giây phút hiện tại, thì chánh niệm của ta càng bắt đầu phát triển tâm hiếu kỳ sắc bén. Chúng ta vẫn tiếp tục công việc mình làm, nhưng giờ ta chủ tâm hơn với việc làm thế nào mà công việc thành ra bề bộn và ta đã phản kháng như thế nào. Sự khó chịu của ta đối với khách hàng hay sự lưỡng lự khi muốn thẳng thắn với cấp trên, không còn là sự biểu lộ sự bực bội mà đã trở thành rõ nét và thú vị đối với ta. Điều đó giống như chúng ta bị ám ảnh bởi tính chánh niệm cao độ của mình. Ta tiếp tục chú tâm hơn, biết dừng lại giữa bộn bề công việc, cởi mở hơn với sự thô ráp của những trải nghiệm hàng ngày trong công việc, và trở nên thẳng thắn với bản thân.

Do đó, phát triển chánh niệm thực sự là trách vụ chính của chúng ta ở nơi làm việc. Nhưng không phải vì chúng ta thích phát triển tâm linh cho bản thân hơn là hoàn thành công việc. Chánh niệm trong công việc không có nghĩa là biến nơi làm việc của ta thành một khóa tu ở Himalaya hay một chỗ ngồi thiền. Thực ra, chánh niệm trở thành cốt lõi vì cuối cùng chúng ta cũng muốn thực hiện công việc của mình cho đúng, hơn là bảo vệ bản thân khỏi những tiêu cực trong công việc. Chúng ta chánh niệm trong công việc - đúng vậy, suốt đời - vì một lần cho tất cả, ta muốn sống một cuộc sống tốt đẹp, không lo lắng, sân hận.

Michael Carroll (Diệu Liên Lý Thu Linh/Trích dịch từ Awaken At Work)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin