Chi tiết tin tức

Xuất xứ và ý nghĩa của câu nói "Tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu"

20:47:00 - 14/01/2021
(PGNĐ) -  "Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu" có nghĩa là "khi gạt hết mù ám trên đất tâm thì mặt trời Tuệ sẽ tự nhiên rọi sáng". Đây là câu nói của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720 - 814) đã làm cho ngài Vô Ngôn Thông (? - 826) bừng tỉnh và đạt ngộ.

"Tất cả pháp đề do tâm sinh ra" (Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sinh"

Tu học theo giáo lý Phật Đà là phải hướng về sự nhận thức thực tướng của sự vật, thấu đạt bản chất như của nó. Bản chất chân như của sự vật còn gọi là "như như tính hay thực tính" (tathatã) là một trạng thái ở đó không có đối tượng, không có nhị nguyên, không có bên trong, không có bên ngoài, không có thời gian, không có không gian. Một trạng thái không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả được vì vạn vật đều hòa đồng với nhau như một thể không có phân biệt. Trong kinh Phật Tự Thuyết, Đức Phật đã nói về vấn đề này như sau:

"Có một trạng thái, hỡi các đệ tử, ở đó, không có đất, không có nước, không có không khí, không có ánh sáng...Ở đó, hỡi các đệ tử, là vô vi, vô hình tướng", Đức Phật gọi trạng thái ấy là Niết Bàn.

Nhưng mãi bảy thế kỷ sau khi Phật diệt độ, thực tính của vạn vật mới được xiễn dương mạnh mẽ bởi ngài Long Thọ (Nagarjuna) với lý thuyết về 'không tính". Từ đó, các luận giải các trước tác của Đại thừa đề xướng về cách tỏ ngộ chân tâm để thấy được tự tính (kiến tính), tức là thấy Như như tính của mình. Ngài Vô Ngôn Thông nói: "Triết lý tinh hoa của Pháp là thấy được tự tính, nhập vào Chân như chứ không phải đứng ngoài mà suy luận như một đối tượng của lý trí vậy". Sự chứng đạt chân như đã trở thành chân lý tu học.

Mặt khác, Đức Phật đã xác lập rằng tất cả mọi chúng sinh ai cũng có khả năng chứng đắc chân lý. Khả năng này gọi là "tuệ". Tuệ nằm trong tâm, thường được ví như mặt trời hay hòn ngọc quý lúc nào cũng trong sáng. Chỉ vì vọng tưởng chấp kiến bao phủ lên như một tấm màn dày đặc làm cho ánh sáng của mặt trời, khí sắc của ngọc không tỏa ra được, tuệ thành mờ ám, kiến thức thành sai lạc, khiến chúng ta không thấy được thực tướng của sự vật. Thực tướng của sự vật chỉ thấy được bằng trực giác của chân tâm, còn vạn vật mà chúng ta thấy bằng lục căn đều là hư vọng không thực, chỉ vì vọng ảo làm chúng ta tưởng là thật mà thôi. Kinh Kim Cang có dạy: "Phàm cái gì có hình tướng đều là mộng ảo không thực, nếu thấy các hình tướng đều là mộng ảo không thực, nếu thấy các hình tướng không phải là hình tướng tức là thấy Như Lai", (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai). Thấy Như Lai, thấy Phật tức là thấy được Như như tính của vạn vật.

Nhập vào chân như, nghĩa là hòa đồng với vạn pháp, đó là giải thoát, vì chân như không có tham vọng, chấp kiến; không có vui, không có khổ là thanh tịnh là Niết bàn.

Một khi thấy Như như tính hay ảo tính của sự vật là tùy theo sự trong sách hay mờ ám của tâm, như Thiền sư Nam Nhạc đã nói: "Tất cả pháp đề do tâm sinh ra" (Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sinh". Do vậy việc tu học, nhất là tu thiền, là học cách tẩy rửa các vọng tưởng chấp kiến, học cách loại bỏ dần những bóng tối vô minh ở tâm, cho Tuệ được sáng tỏ và do đó thấy rõ được thực tướng của vạn vật.

Thấy được thực tướng của vạn vật, nghĩa là chứng được lý không của vạn pháp, đó chính là tên khác của giác ngộ, vì khi đó hành giả nắm bắt được thực thể rốt cùng của sự vật là rỗng không, là vô vi, vô hình tướng và những hiện tượng xung quanh chỉ là mộng ảo không thực.

Nhập vào chân như, nghĩa là hòa đồng với vạn pháp, đó là giải thoát, vì chân như không có tham vọng, chấp kiến; không có vui, không có khổ là thanh tịnh là Niết bàn. Muốn thấu hiểu lý không, thấy được Như như tính của vạn pháp, chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa mà khai quang ngay chính bản tâm mình để kiến tính như ngài Bách Trượng Hoài Hải đã nói với ngài Vô Ngôn Thông: "Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu".

 

Huyền Ngu - Quảng Tánh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin