Chi tiết tin tức

Cái gì rồi cũng đến, đến rồi qua, qua rồi mất

16:55:00 - 01/02/2023
(PGNĐ) -  … Lẽ thật của một ngày, của một năm, đến kết thúc của một đời không khác nhau. Chúng ta biết được một ngày thì chúng ta có thể biết được một năm. Biết được một năm thì chúng ta có thể biết được một đời.

Nếu một đời chúng ta tạo toàn những điều tốt điều lành, thì đời sau nếu chưa được giải thoát, chúng ta còn gặp lại cũng trong hoàn cảnh tốt đẹp. Nếu một đời chúng ta làm toàn việc xấu, gây đau khổ phiền hận cho người, khi gặp lại nhau sau này, khổ đau phiền hận tránh đâu cho khỏi. Cho nên thực tế là chúng ta phải tranh thủ thời gian để làm việc tốt. Mỗi thời gian qua phải là thời gian tốt đẹp cho mình và người. Chúng ta tạo được những điều an ổn vui vẻ cho mình cho người, đó chính là bảo đảm an ổn, vui vẻ cho chúng ta trong năm tới và cho cả đời sau nữa.

Ngược lại, chúng ta không khéo vận dụng thời gian để làm những điều tốt đẹp, thì sau này sẽ hối hận để cuộc đời trôi qua một cách vô ích. Tóm lại ngày qua là mất, nhưng những gì ta đã làm chưa mất hẳn. Nói đến thời gian trôi qua rồi mất, tôi có thể tượng trưng thời gian là một xâu chuỗi. Một ngày qua là một hạt chuỗi mình lần tới, cứ hạt này đến hạt khác. Tay còn lần chuỗi thì không hạt nào dừng lại mà luôn luôn đi tới. Các tràng chuỗi này không phải là một trăm lẻ tám, mà là ba trăm sáu mươi lăm hạt. Như vậy năm này, ngày này chúng ta đã lần hết ba trăm sáu mươi lăm hạt rồi. Cứ như vậy lần hết một tràng là qua một năm. 

Để quý vị nhận rõ hơn, tôi kể lại trường hợp của những người gần gũi tôi nhất. Như mẹ tôi chỉ lần được năm mươi sáu tràng rồi buông tay, cha tôi chỉ lần được bảy mươi chín tràng rồi buông tay, Thầy tôi chỉ lần được năm mươi lăm tràng rồi buông tay, Sư ông tôi chỉ lần được sáu mươi mốt tràng rồi buông tay… chuỗi mất người cũng mất luôn. Rồi đến tôi, tôi không biết lần được mấy chục tràng, để rồi buông tay và mất luôn. Chuỗi và người tìm lại không được nữa.

Quý vị có lần như vậy hay không? Mỗi xâu chuỗi lần qua rồi mất, mất cả chuỗi lẫn người lần chuỗi. Xâu chuỗi đó chúng ta gọi nó là xâu chuỗi mộng. Người lần chuỗi cũng là người mộng. Chuỗi mộng mất, người mộng không còn. Như vậy, tất cả mọi người ở đây đang sống trong mộng mà không ai biết mình đang sống trong mộng. Cứ tưởng là thật, nên tranh nhau từng lời nói, hành động, miếng ăn, cái mặc… rồi dồn đau khổ cho nhau.

Cái gì rồi cũng đến, đến rồi qua, qua rồi mất  ảnh 2

Đã là một cuộc đời mộng, ở trong đó không đánh thức cảnh tỉnh nhau, mà lại làm cho nhau thêm đau khổ. Tự mình đã khổ, còn làm khổ cho người, đây là điều đáng thương. Thương cho mình và thương cho mọi người. Nếu thời gian là mộng ảo thì chính cuộc đời của chúng ta cũng là mộng ảo. Những người trước chúng ta, đồng thời với chúng ta và cả bản thân chúng ta đều là mộng. Tại sao chúng ta không thức giấc mộng đó, mà hết mộng này lại tạo mộng khác, hết mộng khác tạo mộng khác nữa. Mộng chập chồng mộng. 

Người nằm mộng khi tỉnh dậy, biết cái mình thấy khi nãy: hình ảnh, con người, sự vật chỉ là mộng. Khi biết như vậy rồi, giấc mộng có còn với họ hay không? Đã mất rồi. Cho nên một khi đã tỉnh mộng thì mộng không còn. Nhưng có người tỉnh mà còn mộng thì sao? Như quý vị đang ngủ, nằm mơ giật mình thức dậy biết hồi nãy là mộng, nhưng cứ nằm ì nhắm mắt ngủ nữa. Mộng thứ nhất mất, mộng thứ hai tiếp, rồi mộng thứ ba và nhiều mộng nối tiếp. 

Nếu chúng ta không gan dạ, một khi biết mộng liền trỗi dậy thắp sáng lên, thức hẳn hoi, tọa thiền hoặc đi đứng làm công kia việc nọ, thì tự nhiên không còn mộng nào tiếp nối. Nếu chúng ta biết là mộng mà cứ nằm dài nhắm mắt, thì hết mộng này sẽ đến mộng kia, không phải tỉnh một cơn mộng là hết mộng. Có phải vậy không? Nếu chúng ta thật tình là người không muốn mộng nữa thì phải gan dạ trỗi dậy, thắp đèn lên, mộng sẽ không còn cơ hội tiếp diễn nữa. Như thế mới hết mộng được.

Cũng vậy, chúng ta nhận thức rõ ràng cuộc đời là ảo mộng, đầu năm thấy cuối năm là xa, nhưng rồi cuối năm cũng sẽ đến. Ngày mai nó qua, qua rồi mất. Đến cuối năm khác cũng qua rồi mất. Đến rồi qua, qua rồi mất. Như ông bà, cha mẹ chúng ta sanh ra rồi mất, tức là sanh rồi tử, một khi mất đi chúng ta không nhìn thấy hình bóng thân yêu đó trở lại. Đến lượt chúng ta, hiện có đây nhưng ngày chung cuộc chia tay rồi cũng sẽ đến. Sự hiện hữu của chúng ta ngày nay cũng là mộng thôi. Nếu nó là thật thì đâu bị mất, nó qua rồi mất thì không phải thật. Vậy thì, khi ta còn ở đây, coi như đang sống trong mộng.

Chúng ta biết rõ mình sống trong mộng thì phải tỉnh ngay, chớ đừng để nó kéo dài cái mê. Đó là điều thiết yếu của cuộc đời, mà cũng chính là điểm then chốt trong sự tu hành. 

Thiền sư Thiệu Long, hiệu Hổ Khâu nói về mộng:

Thoát thân dĩ hiểu Nam Kha mộng

Thử giác nhân gian vạn sự không

Xuy khứ hoàn hương vô khổng địch

Tịch dương tà chiếu bích vân hồng.

Qua bốn câu thơ trên, Thiền sư muốn nói gì với chúng ta? Trước hết mình phải thấy cuộc đời là giấc mộng Nam kha, sau đó thấy thế gian muôn sự đều trở về không. Đã biết cuộc đời là mộng, là không, thì ta nên trở về quê, trở về cố hương mà lâu rồi mình đã bỏ quên. Trở về bằng cách nào? Bằng khúc nhạc hoàn hương thổi từ ống sáo không lỗ. Đó là tiếng sáo của nhà Thiền, như bao nhiêu tiếng hét, bao nhiêu câu nói của thiền sư. Nói mà không lưu dấu vết, không cho chấp nê. Nếu chúng ta biết trở về quê hương thì vạn vật trở nên tươi đẹp, hạnh phúc an lành sẽ đến với mình. 

Hòa thượng Thích Thanh Từ

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin