Chi tiết tin tức

Phật Đản sinh qua cái nhìn của Thiền tông

15:12:00 - 01/06/2023
(PGNĐ) -  Theo truyền thống Phật giáo, ngày Đức Phật ra đời (ngày Phật đản) được coi như là ngày “Tết” của toàn thể Phật tử.
Chân tâm, Phật tánh được hiểu chính là bản chất nguyên thủy của tâm: Luôn thanh tịnh, lặng lẽ, không hình tướng, không sanh diệt và trùm khắp. Tuy chân tâm luôn có sẵn nơi mỗi người nhưng chúng ta không nhận ra vì chúng ta thường quen chạy theo cảnh duyên, khởi suy nghĩ, phân biệt trên đó (vọng tâm) cho nên Chân tâm bị che mờ.

Trầm hương xông ngát điện
Sen nở Bụt hiện thân
Pháp giới thành thanh tịnh
Chúng sinh lắng nghiệp trần.

Cách đây hơn 2.500 năm, vào ngày trăng tròn tháng Tư năm 624 TCN, dưới cội cây Vô Ưu thành Ca-tỳ-la-vệ toàn thể nhân loại hân hoan đón mừng một bậc Giác Ngộ ra đời – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Người đã chỉ cho chúng sinh con đường giải thoát mọi khổ đau, trói buộc. Từ đó, theo truyền thống Phật giáo, ngày Đức Phật ra đời (ngày Phật đản) được coi như là ngày “Tết” của toàn thể Phật tử. Đó không những là dịp để tôn vinh Đức Thế Tôn, mà còn là dịp để ôn lại cuộc đời đức Phật cùng những lời dạy của Ngài. Từ đó, làm tăng trưởng niềm kính tin Tam bảo, khơi gợi lòng tri ân đối với bậc Đạo sư, sách tấn người con Phật tiếp tục nỗ lực tu học đạt đến giác ngộ giải thoát. Đây là ý nghĩa Phật đản nhìn theo góc độ sử liệu và truyền thống chung của Phật giáo, nhưng trong nhà thiền (Thiền tông) ngoài quan niệm theo truyền thống thì “Phật đản sinh” còn thêm một ý nghĩa nữa. 

QUAN NIỆM “PHẬT ĐẢN SINH” TRONG NHÀ THIỀN

Thiền tông quan niệm “Tức tâm tức Phật” hay “Kiến tánh thành Phật” có nghĩa rằng nơi mỗi người đều có khả năng thành Phật, chỉ cần trở về với bản tâm thanh tịnh thì đó chính là tâm Phật và ngay giây phút ấy “Phật đản sinh”. Thiền tông khuyến khích mỗi người hãy làm hiện khởi ông Phật nơi tự thân thay vì chỉ tưởng nhớ về một vị Phật quá khứ:

“Nếu khi tâm sinh là Phật sinh

Nếu khi Phật diệt là tâm diệt”.

(Phật tâm ca – Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục)

Chân tâm, Phật tánh được hiểu chính là bản chất nguyên thủy của tâm: Luôn thanh tịnh, lặng lẽ, không hình tướng, không sanh diệt và trùm khắp. Tuy chân tâm luôn có sẵn nơi mỗi người nhưng chúng ta không nhận ra vì chúng ta thường quen chạy theo cảnh duyên, khởi suy nghĩ, phân biệt trên đó (vọng tâm) cho nên Chân tâm bị che mờ.

Việc tưởng nhớ về cuộc đời, công hạnh của một bậc giác ngộ là điều rất cần thiết, giúp khắc sâu trong tâm tư mỗi người về gương hạnh của Phật, của các bậc tiền nhân, làm phát khởi lòng tri ân và nhắc nhở chúng ta tiếp tục nỗ lực tu tập giải thoát. Tuy nhiên, nếu để tâm trí miên man theo các suy nghĩ và hoài niệm thì lại thành điều nguy hại. Trong nhà thiền có câu: “Mỗi lần nhắc lại một lần mới” được sử dụng khi nhắc lại những lời dạy hay cuộc đời của các vị tiền bối, với ngụ ý rằng nói lại chuyện xưa là để làm sống lại cái nhiệm màu của hiện tại, bởi chuyện xưa là chuyện đã qua tức là “chuyện chết”, cho nên bây giờ nghe lại phải khéo thấy được cái đang “sống”, cái mà không “chết” theo thời gian và không gian. Có được cái thấy đó chính là thấy được Phật tánh nơi chính mình, cũng là lúc “Phật đản sinh”. Như lời Lục Tổ Huệ Năng dạy:

Bồ đề tự nhận nơi tâm,

Huyền đạo cũng chẳng việc ngoài,

Người người theo đây tu hành,

Tịnh Độ ở ngay trước mắt.

(Phẩm Quyết Nghi – Kinh Pháp Bảo Đàn)

Trầm hương xông ngát điện
Sen nở Bụt hiện thân
Pháp giới thành thanh tịnh
Chúng sinh lắng nghiệp trần.
(Ảnh: sưu tầm)

LÀM SAO ĐỂ PHÁT KHỞI ÔNG PHẬT NƠI CHÍNH MÌNH?

Tuy lý như vậy, nhưng cần phải công phu và thực hành ra sao để làm phát lộ ông Phật của chính mình?

Nhận rõ cội gốc sinh tử và Niết bàn

Trong Kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan hỏi Phật: “Cái gì là cội gốc của phiền não sinh tử? Cái gì là cội gốc của Bồ đề Niết bàn?”. Mười phương chư Phật đồng thời trả lời: “Sáu căn của ông là cội gốc phiền não sinh tử, sáu căn của ông cũng chính là cội gốc Bồ đề Niết bàn!”. Sáu căn chính là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó là những cơ quan hàng ngày chúng ta sử dụng để nhận biết các cảnh duyên (tức là sáu trần tương ứng: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) trong mọi hoạt động của đời sống. Sở dĩ chúng ta bị trôi lăn trong sinh tử vì sáu căn của chúng ta luôn luôn chạy theo sáu trần sinh ra tâm phân biệt ưa thích, yêu ghét… từ đó phát sinh khổ, vui, được mất, hơn thua, đố kị… Vì vậy, khéo xoay trở lại ngay nơi sáu căn chính là Bồ đề Niết bàn, hướng theo ngoại cảnh là phiền não sanh tử. Tức là ngay nơi mắt thấy sắc, nơi tai nghe tiếng… chỉ thấy nghe thuần túy, không để tâm dính mắc, phân biệt thì ông Phật liền hiện tiền. Cách thực tập này cũng được Nhị Tổ của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam – Thiền sư Pháp Loa xiển dương và ghi lại trong Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết: “Trong 12 canh giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không dấy động. Tâm không dấy động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì cảnh khởi phân biệt, thức không vì pháp trần mà dính mắc. Ra vào không giao thiệp nên gọi ngăn dừng. Tuy nói ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng. Nên biết tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế”.

TỪ BỎ CÁI NHÌN HAI BÊN

Như lời Lục Tổ Huệ Năng dạy: Bồ đề tự nhận nơi tâm, Huyền đạo cũng chẳng việc ngoài, Người người theo đây tu hành, Tịnh Độ ở ngay trước mắt. (Phẩm Quyết Nghi – Kinh Pháp Bảo Đàn)

Phật tính bản hữu vốn tự thanh tịnh, trong sáng vì vậy nó vốn không cần phải tu sửa. Chỉ cần nhận ra được Phật tính ấy là chúng ta đã thừa hưởng được trọn vẹn “gia tài” có sẵn rồi. Xuất phát từ việc đó, tổ Vĩnh Gia Huyền Giác – một vị Thiền sư xuất cách đời Đường (Trung Hoa) khuyên người học đạo chỉ cần không để tâm kẹt vào cái nhìn hai bên, không dính kẹt nơi danh tự ngay đó “Phật đản sinh” liền:

Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,

Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân

Thực tánh vô minh tức Phật tánh

Thân không huyễn hóa tức Pháp thân.

(Chứng đạo ca)

Mở đầu câu nói, Ngài đã giới thiệu đây là phương pháp tu của các bậc Tuyệt học, bậc vô vi, người học đạo mà tu theo phương pháp này thì sẽ được nhàn. Pháp tu ấy chính là “Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân”; chân – vọng chỉ là hai khái niệm đối đãi được con người tạm đặt ra để phân biệt, bản chất của chúng đều là giả có. Ví dụ như khi ta bước vào một ngôi nhà tối tăm, vì muốn nhà sáng, ta cố gắng tìm cách để đoạn trừ bóng tối và ngồi cầu cho ánh sáng mau xuất hiện thì đó là việc làm dư thừa, tốn công vô ích. Lúc ấy chỉ cần mang vào đó một cây đèn hoặc bật công tắc đèn lên thì lập tức ngôi nhà liền sáng, bóng tối biến mất. Bởi sáng và tối cũng là hai phạm trù đối đãi, cái này có vì cái kia có, có tối nên mới gọi là sáng và ngược lại. Vì vậy, người học đạo khôn khéo chỉ cần nhận rõ các khái niệm đều là giả danh, không thật, là các tướng đối đãi mà thế gian tạm sử dụng, chúng đều có chung một nguồn gốc, chung một thể tánh, chính là Phật tánh: “Thực tánh vô minh tức Phật tánh; Thân không huyễn hóa tức Pháp thân”. Có được cái thấy như vậy rồi thì vô minh tự biến mất, trí tuệ liền hiện tiền, nhanh như trở một bàn tay. Khi đó ngay thân huyễn hóa, giả tạm này pháp thân thanh tịnh sẽ hiện bày.

Tóm lại, Thiền tông hướng mọi người tu ngay trong đời sống thực tại, ngay nơi thân tâm của chúng ta. Sự giác ngộ không nằm ở bên ngoài con người mình, ông Phật không nằm ngoài chúng sinh, cũng là con người đó mà “khi mê là chúng sinh, khi giác liền thành Phật”. Rất mong rằng, không chỉ trong ngày lễ mừng Phật đản sinh chúng ta mới nhớ về Đức Phật, mà hãy thức tỉnh ông Phật có sẵn nơi chính mình trong mỗi hơi thở vào ra, trong từng giây từng phút của đời sống hàng ngày, đó mới thực sự là lúc ta diện kiến “Phật đản sinh” và cũng là vật phẩm cúng dường quý giá nhất để kính dâng lên chư Phật mười phương, dâng lên vị Bổn sư của chúng ta Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhân dịp đại lễ Phật đản. 

 

Minh Trang/TCVHPG409

 

Chú thích:

* Minh Trang – Nghiên cứu sinh viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin