Chi tiết tin tức Thiền tỉnh thức với vô ngã 23:42:00 - 28/04/2022
(PGNĐ) - Thiền pháp tỉnh thức (mindfulness meditation) đang trở thành một trong những khuynh hướng ưu thắng của nhiều lĩnh vực hoạt động tại Mỹ và nhiều nước khác.
Thiền pháp này được dạy ở bệnh viện để giúp bệnh nhân giảm đau, ở trường học để học sinh nhạy bén hơn, ở nhà tù để phạm nhân giảm thói quen bạo lực, ở quân trường để chiến binh bình tĩnh đối phó các tình huống nguy hiểm, ở các doanh nghiệp lớn để hiệu năng làm việc tăng cao hơn và ở gần như tất cả các lĩnh vực có thể có. Chúng ta cũng thấy nhiều sách tiếng Anh dạy thiền pháp này, cho thấy Thiền pháp tỉnh thức đã trở thành một nguồn kinh doanh lớn, nơi đó dạy cách ăn chậm sao cho thưởng thức vị ngon hơn, dạy cách nghe nhạc sao cho nghe hay hơn, dạy cách giao tiếp với người trong gia đình sao cho yêu thương tha thiết hơn, thậm chí đóng góp tinh thần chân thành, bình tâm trong quan hệ liên tôn. Chúng ta cũng thấy có một số môi trường không thuận lợi để nói về Phật giáo. Thí dụ, một cô giáo gốc Việt khi dạy ở trường học Mỹ sẽ nhận thấy không thể nói trực tiếp với học trò về Phật giáo, vì trên nguyên tắc, Hiến pháp Mỹ yêu cầu tách biệt thiết chế nhà nước và tôn giáo. Trong khi đó, một giáo viên có thể thoải mái mời các học trò cảm ơn Thượng đế khi bắt đầu bữa ăn, mời các em cầu nguyện Thượng đế khi đi cắm trại lạc đường do đó là một phần của văn hóa Mỹ ngay từ thời lập quốc. Do vậy, câu hỏi bây giờ là: Chúng ta khi dạy Thiền pháp tỉnh thức, nên nói gì và dạy gì để Phật tử thấy đây là Thiền nhà Phật, để phân biệt với các phương pháp thiền trong các truyền thống tâm linh khác và sẽ cho thấy Thiền tỉnh thức của nhà Phật hiệu quả hơn? Câu trả lời: Trước hết, ta nên thuyết về lý Duyên khởi (Dependent arising hay Dependent origination) để rồi sẽ ứng dụng lý thuyết này vào Thiền pháp tỉnh thức. Chúng ta nên nói một cách căn bản lý Duyên khởi là: “If this exists, that exists; if this ceases to exist, that also ceases to exist” (Nếu cái này có, thì cái kia có; nếu cái này diệt, thì cái kia cũng diệt). Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào trong cõi này cũng đều duyên sinh như thế. Đó là giáo lý căn bản và cốt tủy nhất. Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, nghe được, cảm nhận được, suy nghĩ tư lường được, đều chuyển vận trong lý Duyên khởi. Đức Phật dạy, ai thấy lý Duyên khởi, tức là thấy pháp và đó là thấy Phật. Không có gì lìa xa lý Duyên khởi, không có gì tự sinh ra, không có gì tự hiện hữu trong cõi hữu vi này. Hiểu được lý này vững chắc, Phật tử sẽ không bao giờ đi lạc sang các đạo khác, cũng không rơi vào tranh luận tông phái. Vì ngộ lý Duyên khởi, nên tin sâu vào nhân quả; vì hiểu lý Duyên khởi thâm sâu, chúng ta sẽ không còn tự than thân trách phận hay cầu nguyện một vị Thần sáng thế nào nữa, mà sẽ tự biết phải gìn giữ giới luật và tu dưỡng phước đức để tạo thiện nghiệp. Hiểu được lý Duyên khởi, chúng ta đứng vững ở Trung luận, sẽ không nói thế gian là Có, cũng không nói thế gian là Không Có, không nói bất cứ gì (kể cả mình hay người) là Vĩnh cửu hay Hư vô. Trong kinh Tương Ưng Bộ, bản dịch của thầy Minh Châu ghi lời Đức Phật dạy về Chánh kiến: “Này Kaccāyana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan này: có và không có. Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có. Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có”. Khi tâm lìa cả Có và Không, đó là vào ngưỡng cửa bước vào thực tướng vô ngã. Đó là khi ngôn ngữ dứt bặt, vì nói Có, nói Không đều sai. Cũng y hệt tiếng đàn, có chẻ cây đàn ra trăm ngàn mảnh cũng không dò ra tiếng đàn nơi đâu. Nhưng tiếng đàn là từ cây đàn, từ mưa nắng qua nhiều năm cho gỗ rừng mọc lên, rồi thợ rừng cưa xuống để đóng thành cây đàn, từ nhạc công học nhiều thập niên để trình diễn, từ rất nhiều duyên mới thành tiếng đàn. Không gọi tiếng đàn là Có, vì nó là từ nhiều duyên, vì vừa sinh đã liền diệt và vì chúng ta không chỉ ra được là nó ở đâu. Không gọi tiếng đàn là Không, vì đã làm nhiều người nghe lúc vui, lúc buồn. Không (Emptiness) nơi đây không phải là Hư vô (Nihilism). Vì Không chính là hệ quả của lý Duyên khởi, dẫn tới thực tướng vô ngã. Học như thế, Phật tử sẽ tin sâu nhân quả, sẽ giữ được Chánh kiến, sẽ không rơi vào chấp thường hay chấp đoạn. Như thế, Phật tử sẽ không mê lầm về nhân quả, cũng sẽ không chấp có ngã, vì chư hành chảy xiết, không hề có một pháp nào thực sự là có tự ngã. Do vậy, trong bài “Vô ngã là Niết bàn”, Hòa thượng Thích Thiện Siêu viết: “Quán vô ngã thì tất cả cái gọi là: Phải, trái, được, thua ở đời đều là một cái duyên cho ta tu, hoặc trở thành bình thường không có gì bận tâm cả. Quán vô ngã cũng như người võ sĩ luyện thân thể cho rắn chắc. Khi chưa rắc chắc thì dễ bị quật ngã trước một tác động bên ngoài. Người tu vô ngã cũng vậy, khi chưa thuần thục còn nhiều ngã chấp thì dễ đau khổ trước một lời nói độc. Nếu khi ngã chấp tiêu bớt, thì chỉ còn thấy đau khổ sơ sơ và cuối cùng thì không còn ngã chấp thì cũng không còn chút đau khổ nữa”. Quán vô ngã là phương tiện trên đạo lộ giải thoát. Đức Phật dạy như thế trong kinh Tiểu Bộ, phẩm Nhỏ (Ud 74), bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu: “Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn đang trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Tôn giả Lakumthakabbaddiya. Do Tôn giả Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ nên tâm của Tôn giả Lakumthakabhaddiya được giải thoát các lậu hoặc không có chấp thủ. Thế Tôn thấy Tôn giả Lakumthakabbaddiya, do Tôn giả Sàriputta với pháp thoại gồm nhiều pháp môn trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ nên tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ. Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này: Trên dưới khắp tất cả, Ðược giải thoát hoàn toàn, Không còn có tùy quán “Cái này chính là tôi” Giải thoát vậy vượt dòng, Trước chưa từng vượt qua Không còn có rơi rớt Vào sanh hữu thọ sanh” Bài kinh trên cho thấy liễu tri sự kiện không có cái gì là “tôi” ở bất kỳ nơi nào, thế là giải thoát. Khi dạy Thiền pháp tỉnh thức với cái nhìn vô ngã như thế, có thể tin là tất cả những Phật tử nghe được đều sinh tâm hoan hỷ. Khi dạy Thiền pháp tỉnh thức trong cái nhìn không hề có cái gì là “tôi” dù trong thân hay tâm, dù trong mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, có thể tin rằng bất kỳ ai quán sát “tỉnh thức vô ngã” như thế đều luôn luôn là Phật tử thuần thành cho dù có vào sinh hoạt trong vô lượng môi trường tà kiến. Có nhiều cách để tự thấy là vô ngã, để đi, đứng, nằm, ngồi đều thấy không hề có cái “tôi” nào đang đi đứng nằm ngồi, mà chỉ thấy khối thân tâm này là mớ thịt, da, gân, xương đang lung linh trong cõi vô thường chảy xiết. Hoặc là nhớ tới ẩn dụ tiếng đàn nói trên, vốn là không có gì là “tôi” hay “người”. Hoặc là nhớ tới ẩn dụ chiếc cỗ xe, chỉ thấy bánh xe, mui xe, càng xe… nhưng không hề chỉ ra cái gì là xe. Hoặc nhớ tới lời dạy của các Thiền sư Trung Hoa là “trâu bùn qua sông” – nghĩa là, khi trâu bùn tan ra giữa dòng, tức là không hề vướng cái “tôi” nào, thì mới qua sông được. Hoặc là diễn dịch bài kinh trên bằng cách để ghi nhớ (ở trên, bên dưới có thể hiểu là trước và sau), luôn luôn bao trùm toàn thân tâm là: “Trước cái được thấy, trước cái được nghe, trước cái được cảm thọ, trước cái được tư lường trong thực tướng vốn là không tôi, không người. Trong cái được thấy, trong cái được nghe, trong cái được cảm thọ, trong cái được tư lường trong thực tướng vốn là không tôi, không người. Sau cái được thấy, sau cái được nghe, sau cái được cảm thọ, sau cái được tư lường trong thực tướng vốn là không tôi, không người”. Hoặc có thể kết hợp với cảm thọ về hơi thở: Trong khi cảm nhận hơi thở ra và vào, trước hơi thở, trong hơi thở và sau hơi thở vẫn là không tôi, không người. Như thế, không hề có ai thở, mà chỉ có hơi thở đang được cảm thọ hơi vào và hơi ra. Thiền này không chấp vào một oai nghi nào cả. Chúng ta nên hiểu theo nghĩa của thực tướng: “Trong lý Duyên khởi, tất cả các pháp dựa vào nhau, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt”, cũng có nghĩa là trong các duyên lung linh làm cho một danh – sắc đang đi đứng nằm ngồi thực sự là đang tọa trong vô sinh. Ai cũng có thể tập được như thế. Do vậy, các Thiền sư tông Tào Động ở Nhật Bản nói rằng khắp pháp giới vẫn đang tọa thiền, rằng núi xanh mây trắng đang ngồi, rằng hoa bay nước chảy đang ngồi – đúng là cả thế giới đang ngồi tọa thiền trong lý Duyên khởi. Ngộ được như thế, sẽ thấy lý Duyên khởi, còn gọi là Không, còn gọi là Tự tánh, sẽ thấy không hề có phương xứ trong với ngoài, không Đông hay Tây hay Nam hay Bắc. Cổ đức truyền lại, một nhà Sư chỉ tay vào tảng đá bên đường, hỏi một nhà Sư đồng môn rằng tảng đá trong tâm hay ngoài tâm. Câu trả lời nên là trong cái thấy của lý Duyên khởi, không có gì gọi là trong hay ngoài, không có gì gọi là trong tâm hay ngoài tâm, không có gì gọi là “đá tảng đang được một ai nhìn thấy” mà chỉ có tất cả những cái được thấy đã dứt bặt ngôn ngữ. Các pháp vốn như thế, là như thế. Đó là nghĩa của tọa thiền. Nơi đó, như bài pháp trong Tiểu Bộ kinh trên, không dính chút tư lường “tôi là cái này hay cái kia” thì ấy là giải thoát. Đó chính là Thiền tỉnh thức với vô ngã, là cội rễ của Phật giáo.
Nguyên Giác/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 387
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |