Chi tiết tin tức

Thiền giúp tâm hồn chúng ta được an lạc

12:00:00 - 16/11/2013
(PGNĐ) -  Phàm là con người ai cũng muốn có một cuộc sống đầy hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc đích thực không phải ai cũng dễ dàng có được, bởi lẽ khả năng của mỗi người có giới hạn. Chúng ta cứ mải miết đi tìm hạnh phúc bên ngoài mà quên đi hạnh phúc sẵn có trong nội tại. Nhưng tiếc thay, guồng máy dục vọng luôn có hướng kéo con người đi vào “vòng tối”. Đôi lúc, nó còn cướp đi quyền tự do, quyền yêu thương, quyền mưu cầu hạnh phúc, thậm chí mất đi quyền làm người, v.v…


Thiền giúp tâm hồn chúng ta được an lạc

Cái guồng máy dục vọng ấy không phải do đấng thần linh nào ban tặng mà do chính con người chúng ta tạo ra. Tuy vậy, hạnh phúc cũng thật dễ dàng có được đối với những ai biết dừng lại, nhận chân sự thật của cuộc đời, biết chuyển hóa nội tâm, chuyển hóa những triền phược tham, sân, si, làm cho thân tâm yên tịnh. Sự yên tịnh đó đưa con người đến hạnh phúc an lạc. Thiền chính là phương pháp tốt nhất giúp con người định tĩnh, thoát khỏi khổ đau, đưa con người đến hạnh phúc an lạc trong cuộc đời.

Khoa học đã chứng minh, Thiền mang đến cho con người niềm an lạc nếu họ thực hành. Không có hạnh phúc vật chất nào so sánh được với hạnh phúc an lạc của tâm hồn. Đứng trước tầm quan trọng đó, người viết chọn đề tài: Thiền Và Sự An Lạc Của Tâm Hồn, để một lần nữa, khẳng định: Giáo lý của đức Phật không chỉ đúng trong quá khứ mà còn đúng trong tất cả các thời gian và không gian. Đối với thế giới bấn loạn hiện nay, nếu con người muốn có hạnh phúc, thì không thể thiếu thiền định. Thật vậy, có nhiều người tuy được thừa hưởng vật chất dồi dào nhưng thay vào đó, họ cũng phải chịu áp lực lớn, cuộc chạy đua khốc liệt của nền kinh tế, chính trị khiến con người mất dần tự do, họ chỉ biết công việc, biết kiếm thật nhiều tiền, bỏ quên những hạnh phúc đời thường, mà đúng ra cần phải có.

Hiện tình cho thấy, con người đang rơi vào tình trạng khủng khoảng tinh thần. Có nhiều người đi tìm cái chết khi họ không tự tìm thấy cho mình một lối thoát. Thật đáng tiếc, họ đã không biết quý trọng mạng sống của mình. Nếu bạn thấy đau khổ, thấy bế tắc, tại sao lại không dám buông bỏ? Khi bạn buông bỏ, bạn nghĩ mình sẽ mất tất cả từ đó làm mất tinh thần. Nhưng thật sự khi buông bỏ bạn sẽ đón nhận được một nguồn năng lương mới, một hướng giải quyết mới. Nếu những lúc buồn chán, thất vọng, bạn nên thực hành Thiền. Chỉ cần hít thở và định tâm được 10 phút, bạn sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng ngay. Trên internet còn quảng cáo cuốn sách của bà Regina Leeds, với tựa đề “8 minutes may change your life” (8 phút có thể thay đổi cuộc đời của bạn).

Có an lạc và tự tin, bạn sẽ tìm ra cách sử lý tốt nhất, chỉ cần ít thời gian như vậy thôi, tại sao bạn không thử ? Niềm hạnh phúc an lạc do thiền định mang lại, nếu có thực hành, tự thân sẽ cảm nhận, chẳng cần nghe ai quảng cáo. Vị ngọt của canh phải do người nếm biết được, chứ không phải do người nấu, sự an lạc từ thiền cũng thế. Có khi nào bạn tự hỏi vì sao con người có khổ đau? Nếu bạn không thể đặt ra câu hỏi, chắc chắn bạn cũng không thể trả lời. Trong kinh Phật chỉ rõ, chúng sanh có 84000 nỗi khổ, nhưng những nỗi khổ ấy không ngoài tham, sân, si, theo ngôn ngữ nhà Phật gọi là Tam độc (three poisons). Chính tham, sân, si đem đến khổ đau cho con người và cũng chính nó cướp đi mạng sống của ta. Khi nào chưa đoạn trừ nó, khổ đau còn theo mãi.  

Tham là gì? Tham chính là sự mong muốn có được mọi thứ, lòng tham của con người vốn không có giới hạn, có người tham tiền, có người tham công danh địa vị v.v…, có rồi lại mong có nữa, chính vì tâm quá mong cầu ấy mà con người chịu nhiều khổ đau, như kinh Pháp Cú đức Phật chỉ rõ:

Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ, tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo bò vậy
[1].

Thật vậy, tâm chính là cội nguồn của tất cả, khổ đau cũng từ tâm và an lạc cũng do tâm. Khi tâm con người chứa đựng những tư tưởng bất thiện muốn làm tổn hại cho người, thậm chí muốn giết người, cướp của v.v… chỉ vì lợi mình. Chính những ý nghĩ ấy thúc đẩy hành động sai lầm dẫn đến khổ đau cho mình và cho người. Khi những nghịch cảnh đưa đến, con người liền nổi sân để kháng cự lại, làm như thế họ tưởng họ đã thắng nhưng họ đâu có biết, phút giây sân hận là phút giây thân tâm đang đi vào đau khổ, sầu não, chán chường, lo âu sợ hãi. Tình trạng nầy được gọi là cẳng thẳng (stress). Những gì xẩy ra lúc chúng ta bị cẳng thẳng? (Hồng Quang, “Thiền và những lợi ích thiết thực”. Xuân 2013, tr. 43 & 55)

“Lúc bị căng thẳng như giận hờn, sợ hãi, lo âu…não bộ báo động cho nang thượng thận (Adrenal glands) để tiết ra chất epinephrine.Tế bào thần kinh vùng dưới đồi não (Hypothalamus) tiết ra chất Nor-epinephrine. Hai loại hormones nầy (epinephrine và Nor-epinephrine) là những chất hóa học rất mạnh, có nhiệm vụ làm cho các giác quan nhạy bén hơn, các cơ bắp (muscles) rắn chắc hơn, nhưng sự tiêu hóa thức ăn bị giảm. Tim đập nhanh,áp huyết cao, phổi hô hấp mạnh, để đưa oxy tới các tế bào. Đường trong máu gia tăng để cung cấp nhiệt lượng cần thiết. Như thế, cơ thể chúng ta được xem như sẵn sàng ứng chiến (fight) mà không thể chạy trốn (flight) Nếu tình trang căng thẳng lâu ngày, đủ thứ bệnh sẽ sinh ra". (Hồng Quang, sđd, tr. 79).

Ngược lại, khi trong tâm chỉ có thương yêu, không có ý làm hại ai, không làm bất cứ điều gì làm tổn thương người khác, người ấy rất ít bị bệnh tật chi phối và sự an lạc sẽ xuất hiện ngay trong giây phút hiện tại. Thực tế, khổ vì vật chất thiếu thốn, khổ vì công danh không thành, khổ vì tình duyên trắc trở v.v…, tất cả những khổ đó chưa phải là khổ lớn, khổ lớn nhất của con người là không nhận ra mạng sống của chúng ta mong manh, khổ vì không biết sống trong thực tại và cái khổ lớn hơn hết là cái khổ của sinh tử luân hồi.

Con người không bao giờ thoát khỏi khổ đau nếu không biết tu tập. Bạn nói rằng, bạn không có thời gian để nghỉ ngơi thì làm sao có thời gian tu tập? Nhận định ấy sai lầm. Bạn có thể tu trong mọi lúc, kể cả khi bạn làm việc. Thực tế chứng minh trước khi làm việc mà ngồi thiền được tám đến mười phút, áp lực của sự căng thẳng sẽ giảm xuống, toàn thân thư giãn làm tiêu tan mọi lo âu phiền muộn, tạo sự hưng phấn làm việc cho cả ngày, hiệu quả công việc cao hơn rất nhiều.

Hiện nay, thiền được mọi người áp dụng tất cả mọi nơi, không chỉ trong chốn thiền môn mà cả trong công sở, trường học, bệnh viện, thậm trí cả nhà giam, vì những người phạm tội được thực hành thiền khi họ mãn tù, khả năng tái phạm giảm rất nhiều so với những tù nhân không tập thiền. Thiền không chỉ thực hiện với người bình thường mà thiền còn được hướng dẫn cho những bệnh nhân, những người khuyết tật hay những người thiếu may mắn trong cuộc sống. Chính thiền kéo họ xích lại gần nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau đồng thời xóa đi những mặc cảm tự ti trong lòng họ.

Ni Viện Kiều Đàm thuộc quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, thường xuyên tổ chức khóa tu một ngày an lạc cho người khiếm thị (người mù) hàng tháng vào Chủ nhật của tuần thứ ba trong tháng. Lúc đầu con số chỉ mấy chục bây giờ lên tới mấy trăm, nếu lễ lớn thì đông hơn nữa. Trong khóa tu, họ được Ni Sư hướng dẫn niệm Phật, kinh hành, học hỏi giáo lý, đặc biệt xen giữa là hai thời thiền ba mươi đến bốn mươi phút. Nếu ai một lần chứng kiến đều sẽ xúc động, bởi họ bám vai nhau đi kinh hành niệm Phật, nhất là lúc ngồi thiền, gương mặt họ không còn hiện nét khắc khổ. Nhiều người nghĩ, họ tham dự khóa tu vì có quà, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm, khi được phóng viên phỏng vấn, họ khẳng định: cho dù Ni Sư không cho quà họ vẫn đi tham dự đầy đủ, vì từ khóa tu họ tìm thấy niềm vui, sự an lạc mà trước đây họ không hề có. Hạnh phúc của họ lan tỏa xung quanh ai ai cũng cảm nhận được. Họ là người khiếm khuyết còn làm được, chúng ta, tại sao không?

Người đời thường bỏ ra một khoản tiền lớn để tìm niềm vui, nhưng niềm vui đó không bền lâu. Có niềm hạnh phúc an lạc dài lâu, không cần tiền ai cũng có được, ấy là niềm hạnh phúc trong thiền định. Người thực hành thiền theo phương pháp dõi hơi thở sẽ thấy cảm giác an lạc nhẹ nhàng lan tỏa khắp toàn thân, cảm giác an lạc ấy thấm trong từng tế bào, thể hiện sự an lạc thảnh thơi qua các cử chỉ hành động nhẹ nhàng, thư thái, nhất là trên khuôn mặt luôn hé nụ cười. Người thực hành thiền định, nhận được nguồn an lạc, họ sẽ coi thiền là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống. Họ có thể không ăn, bỏ thú vui của bản thân, nhưng không bao giờ bỏ hành thiền. Bởi lẽ từ thiền, họ nhận được nguồn an lạc trong sâu thẳm của tâm hồn, không có thứ gì có thể thay thế.

Thiền không chỉ giúp cho con người an lạc mà còn có công năng chữa bệnh. Hiện nay rất nhiều bệnh nhân áp dụng thiền kết hợp với tây y để chữa bệnh, nhất là những bệnh về tim mạch, huyết áp, dạ dày v.v…, người mắc những bệnh này nếu thực hành thiền sẽ giúp điều hòa máu, nhịp tim cũng như nhịp co bóp của dạ dày, dịch vị tiết ra, làm tăng hệ miễn dịch trong cơ thể, đồng thời thải các độc tố trong cơ thể ra ngoài. Có thể tóm lược sự lợi ích của Thiền như sau:

THIỀN có khả năng chữa trị bệnh tật, chống lão hóa, làm cho con người đẹp hơn, thông minh hơn, khỏe mạnh hơn, sống lâu và có hạnh phúc hơn” (Hồng Quang, sđd. tr. 5 . Muốn thấy những chứng minh và hình ảnh cụ thể, độc giả nên đọc bài số 1 & 2 trong sách vừa dẫn).

Nếu thế giới hiện nay người người đều thực hành thiền có lẽ chiến tranh sẽ không xẩy ra. Bởi người tìm thấy hạnh phúc an lạc trong tâm hồn sẽ không để thế sự bên ngoài làm loạn tâm.  Song song tu tập của bản thân, họ cũng cảm hóa xung quanh cùng được hưởng niềm an lạc.

Tóm lại, thiền không còn xa lạ với con người cũng như xã hội hiện nay. Rất nhiều trung tâm thiền được mở ra, người người quy ngưỡng thực tập. Sở dĩ thiền được phát triển như vậy là do lợi ích thiết thực mà Thiền mang lại. Con người đang đứng trước nguy cơ chiến tranh hủy diệt, môi trường bị hủy hoại, và sự chạy đua khốc liệt của cuộc sống v.v…, khiến con người lâm vào tình trạng khủng khoảng tinh thần và thể chất. Trước nguy cơ ấy, thiền như một liều thuốc vô cùng hữu hiệu, mau chóng giúp con người ổn định tâm – thân, tìm thấy được sự an lạc trong sâu thẳm của tâm hồn. Những ai muốn đem hạnh phúc tới cho bản thân và cho mọi người xung quanh thì, không thể không điều phục tâm qua phương phápThiền. Thiền không chỉ cứu con người khỏi nguy cơ hủy diệt, tiêu trừ bệnh tật, mà còn giúp con người hòa nhập với thiên nhiên, với cộng đồng và cũng chính thiền giúp con người tìm thấy niềm vui đích thực của cuộc sống. Hãy đến với Thiền để niềm vui lan tỏa trong tâm hồn bạn và lan tỏa khắp muôn phương.

Phùng Thị Vui
Nguồn: thuvienhoasen.org
__________
Chú thích:
[1] Narada, Tịnh Minh dịch, “Thi Kệ Kinh Pháp Cú”, song ngữ anh việt, Nxb. Phương Đông, tr. 17.

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin